Uông Xưởng Công

Chương 443: Chương 443CÁCH ĐẶC BIỆT




Về sau Uông Ấn đã hiểu ra, đao kiếm sàng nỏ được tạo ra bằng phương pháp rèn đúc cải tiến sẽ nhẹ nhàng linh hoạt và sắc bén hơn trước kia. Điều này có nghĩa là những binh khí đó sẽ phát huy tác dụng trên chiến trường còn lớn hơn cả trước đây, đến lúc đó không biết sẽ cứu được tính mệnh của bao nhiêu binh lính. Điều này liên quan tới sự ổn định và hòa bình lâu dài của đất nước, tuyệt đối không thể tha cho người này!

Ở triều Đại An, không phải là không có ai có quyền thế và địa vị cao hơn phủ Trấn Quốc Công, người có thể tiếp nhận Nam Khố thay cho phủ Trấn Quốc Công nhất định phải là người có cả quyền lẫn thế.

Ngu Sư Phóng đã làm nhiều việc ác như vậy mà vẫn được bình an vô sự, có ví dụ như vậy, quan viên và thợ thủ công tiếp nhận Nam Khố sau này sẽ thế nào?

Nam Khố giờ đang do Trương Hào Đoan và Quan Hàn Tùng quản lý. Hiện tại, hai người này quả thật là người thanh liêm nhưng thời gian lâu hơn thì sao? Đổi thành những quan viên khác thì sao?

Từ trước đến giờ, Uông Ấn chưa từng trông mong vào đạo đức lòng người, thứ có thể quản lý Nam Khố vào khuôn phép trong tương lai hoặc là luật pháp hoàn thiện, hoặc là sự đẫm máu khiến người ta kinh sợ. Phàm là những kẻ tham ô của Nam Khố đều khó thoát khỏi cái chết!

“Phong bá, Nam Khố vốn là chuyện đặc biệt, bởi vậy muốn xử lý Nam Khố thì phải dùng cách đặc biệt, không cần phải lo lắng.” Trong lời nói của Uông Ấn không hề có sự sợ hãi lo lắng.

Thật sự thì Uông Ấn cũng đã sớm nghĩ đến chuyện cái chết của Ngu Sư Phóng sẽ mang đến hậu quả như thế nào.

Mặc dù không có chứng cứ thực tế nhưng ai cũng biết tại sao Ngu Sư Phóng lại chết và bị ai giết chết. Ngu Sư Phóng vừa chết là có thể lập tức khiến các quan viên Nam Khố khiếp sợ, đặt nền móng cơ bản cho sự phát triển của Nam Khố sau này.

Rất đơn giản: Nếu tham tiền của của Nam Khố thì cứ dùng mạng mà đổi đi!

Ngay cả thế tử của phủ Trấn Quốc Công tham ô còn bị bắn chết thì những người khác sẽ thế nào?

Thậm chí, quan viên Nam Khố còn phỏng đoán: Có phải hoàng thượng đứng sau giật dây Đề Xưởng làm việc này hay không? Có phải hoàng thượng muốn xử lý phủ Trấn Quốc Công nhưng lại e ngại địa vị và công trạng của phủ Trấn Quốc Công nên mới vòng vo dùng cách này hay không?

Hoàn toàn có khả năng đó. Cho dù không có khả năng đó thì Uông Ấn cũng sẽ để kề kỵ tạo ra khả năng này.

Nếu hắn đã lựa chọn bắn chết Ngu Sư Phóng để kết thúc sự việc thì sẽ dẹp yên tất cả những sóng gió bị dấy lên bởi chuyện này.

“Chủ nhân, nếu hoàng thượng hỏi tới thì sao? Chủ nhân phải trả lời như thế nào?” Phong bá hỏi Uông Ấn, vẫn lo lắng cho sự an nguy của hắn.

Uông Ấn chỉ lắc đầu mà không nói gì.

Hoàng thượng sẽ không hỏi chuyện này, cho dù tất cả đều biết trong lòng là ai đã bắn chết Ngu Sư Phóng nhưng lại không có bất kì chứng cứ gì.

Sao hoàng thượng lại hỏi tới chuyện không có chứng cứ thực tế được?

Huống hồ, mặc dù hoàng thượng ra lệnh tha cho Ngu Sư Phóng, nhưng Ngu Sư Phóng chết rồi, hoàng thượng… chưa chắc đã phẫn nộ.

Uông Ấn hiểu rất rõ tính cách của hoàng thượng, trước khi ra quyết định bắn chết Ngu Sư Phóng, hắn đã nghĩ đến đủ loại khả năng, và đương nhiên cũng nghĩ đến cả phản ứng của hoàng thượng.

Có lẽ hoàng thượng sẽ kinh ngạc, sẽ phẫn nộ ra mặt nhưng cuối cùng, chắc chắn ông ta sẽ chỉ nói vài câu vô thưởng vô phạt.

Uông Ấn cho rằng, trong suy nghĩ của hoàng thượng, Ngu Sư Phóng đã làm nhiều việc ác như vậy nên chết cũng là đáng. Đề Xưởng là thanh kiếm sắc trong tay hoàng thượng thì cũng nên chém những kẻ đáng chết.

Như vậy thì có vấn đề gì không?

Uông Ấn đoán không sai, sau khi Vĩnh Chiêu đế nghe được tin tức Ngu Sư Phóng đã bị bắn chết, ông ta tỏ vẻ phẫn nộ, sau đó nói: “Để Quốc Công bớt đau buồn, lệnh cho đề kỵ dốc toàn lực truy bắt hung thủ!”

Lệnh cho đề kỵ dốc toàn lực truy bắt hung thủ, đây chẳng phải là đã đẩy Uông Ấn và Đề Xưởng ra hay sao?

Cùng lúc đó, hoàng thượng còn có lệnh: Uông Ấn đã xử lý xong việc ở đạo Lĩnh Nam, mau chóng trở lại Kinh Triệu để báo cáo công tác!

Hai lần ra chỉ dụ của Vĩnh Chiêu đế đều nhắc đến việc bảo Uông Ấn nhanh chóng trở về, bất kể trên đường hồi kinh gặp phải chuyện gì thì Uông Ấn cũng biết rằng không thể trì hoãn được nữa.

Bây giờ hắn đang dốc toàn lực xử lý chuyện về sau của Nam Khố, mỗi ngày đều bận đến mức không dứt ra được.

Từ sau khi Ngu Sư Phóng bị bắn chết, tất cả các quan viên của Nam Khố càng phối hợp hơn. Cho dù trước đó bọn họ đã rất phối hợp rồi nhưng bây giờ còn khai ra nhiều thứ hơn nữa.

Đặc biệt là hai quan viên phó tổng quản là Phương Diễn và Đổng Khôn.

Trước đó, hai người họ vẫn còn cảm thấy phủ Trấn Quốc Công sẽ không bỏ rơi mình, vẫn nghĩ rằng nếu họ không khai ra hết thì vẫn còn chút giá trị với phủ Trấn Quốc Công.

Nhưng Ngu Sư Phóng đã mất mạng bởi một mũi tên, tất cả sự chờ mong và may mắn lúc trước của họ đều tiêu tan.

Nghĩ đến chuyện ngay cả Ngu Sư Phóng - thế tử của phủ Trấn Quốc Công mà cũng bị Đề Xưởng bắn chết không hề nể nang, trong lòng họ liền cảm thấy sợ hãi khôn tả, không cần đề kỵ uy hiếp gì thêm đã vội vàng nói hết tất cả những gì mình biết.

Trước đó đề kỳ đã bẩm báo, lí do Ngu Sư Phóng nổi lòng tham nằm ở phó tổng quản Nam Khố - Đổng Khôn. Trước kia, khi làm quan ở đạo Giang Nam, ông ta vẫn luôn cần cù chăm chỉ, hơn nữa bản tính còn cẩn thận, tài cán tuy không nổi bật trong triều nhưng cũng không phải hạng tầm thường. Quan viên có bản tính cẩn thận lại không thiếu tài cán như vậy rất thích hợp đảm nhiệm vị trí phó tổng quản Nam Khố.

Tại sao sau khi tới Nam Khố, một quan viên như thế lại nổi lòng tham lớn đến vậy? Hơn nữa còn kéo phủ Trấn Quốc Công xuống nước, cuối cùng tạo thành vụ án Nam Khố.