Sau khi nhận được thành ý bằng lòng hợp tác của Phùng Trân, Uông Ấn cũng không cảm thấy bất ngờ.
Hắn đã đặt thiện ý và cơ hội phát triển tốt nhất của triều đình ra trước mặt Phùng Trân. Nếu nàng ta vẫn không thể quyết định thì thật hổ thẹn cho người làm thủ lĩnh của bộ lạc Lý. Hắn cũng sẽ chọn một bước đi khác.
May mắn thay, Phùng Trân rất thông minh và có tầm nhìn, không để hắn phải thất vọng.
Nếu đã quyết định hợp tác với bộ lạc Lý, đồng thời theo như thăm dò của đề kỵ, hai bộ lạc Tiêu, Cao đã bắt tay với nhau thì chắc hẳn ngày chúng tấn công bộ lạc Lý cũng sẽ không còn quá xa. Bọn họ không mặc kệ hành động của hai bộ lạc Tiêu, Cao nữa, chuẩn bị cho việc bình định loạn bách bộ.
Quan điểm cơ bản đã được thiết lập, khởi đầu được làm tốt, phần còn lại là thời gian.
Lúc này, phó tướng quân dưới trướng của Quan Hàn Tùng đang qua lại mật thiết với Phùng Trân, lập sách lược quân sự để đối phó với tình hình loạn bách bộ.
Những sách lược này được Quan Hàn Tùng kiểm định rồi trình lên cho Uông Ấn. Quan Hàn Tùng là người trải qua rất nhiều trận chiến, đối phó với loạn bách bộ lần này chỉ như giết gà bằng dao mổ trâu, là chuyện nhỏ mà thôi.
Uông Ấn không quá quan tâm đến việc triển khai sách lược cụ thể, nhưng lại cử Liễu Nguyên Tập đi theo bên phó tướng của Quan Hàn Tùng để hắn ta tham gia trực tiếp vào việc này, đồng thời lệnh cho hắn ta báo cáo tiến triển hằng ngày với Đường Ngọc.
Liễu Nguyên Tập rất có thiên phú trên phương diện chiến lược quân sự, nhưng hắn ta còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm giải quyết công việc, kinh nghiệm đối phó với kẻ địch trước trận chiến lại càng không có.
Uông Ấn nhân cơ hội rèn luyện hắn ta, giúp hắn ta mau chóng trưởng thành.
Thế là Liễu Nguyễn Tập đi theo phó tướng quân của Lĩnh Nam Vệ mỗi ngày, tối đến còn phải báo cáo tiến độ cho Đường Ngọc, ngày nào cũng mệt như cún.
Song hắn ta biết đây là cơ hội hiếm có, cho dù vất vả và mệt mỏi hơn nữa thì tâm trạng vẫn hết sức phấn khởi.
Còn Uông Ấn tuy rằng không trông coi cụ thể công việc chuẩn bị dẹp loạn bách bộ nhưng cũng chẳng rảnh rỗi. Xét cho cùng, hắn đến đạo Lĩnh Nam, bề ngoài là vì loạn bách bộ nhưng thật sự vẫn vì Nam Khố.
Nam Khố mới quan trọng!
Bấy giờ, Uông Ấn đang lật giở báo cáo vắn tắt về tình hình giám sát Nam Khố, phía dưới bên trái hắn là Bách hộ Đề Xưởng - Thẩm Trực, hiện đang bị thương.
Mùa thu năm ngoái, Thẩm Trực bí mật đến đạo Lĩnh Nam, thay Uông Ấn kiểm tra và đôn đốc mọi công việc sản xuất của Nam Khố.
Thẩm Trực đi theo Uông Ấn đã rất nhiều năm, trước đây cũng từng theo Uông Ấn đến đạo Lĩnh Nam giám sát và kiểm tra nên đương nhiên đã nắm rõ quy trình.
Trên thực tế, trước khi loạn bách bộ bùng nổ, công việc của y đã thực hiện đâu vào đấy xong xuôi, chẳng mấy là có thể về kinh bẩm báo lại.
Không ngờ y lại bị thương nặng đúng thời điểm đó.
Nói ra thì quá trình Thẩm Trực bị thương cũng rất kỳ lạ.
Bởi vì biết loạn bách bộ dần dần lan tới gần Dữu Sơn, nơi Nam Khố tọa lạc, y nghĩ đi nghĩ lại vẫn không yên tâm, bèn dẫn mấy đề kỵ đi xem xét mỏ khoáng sản bên cạnh Nam Khố.
Lúc Thẩm Trực nói chuyện với viên quan quản lý sổ sách của mỏ khoảng sản thì đột nhiên có một tảng nham thạch lớn rơi xuống, đáng lẽ thân thủ của Thẩm Trực đủ nhanh để tránh khỏi, nhưng tảng đá quá lớn, rơi quá đột ngột, hơn nữa lúc đang định nhảy ra thì lại bị viên quan kia giữ chặt lấy, dường như muốn cầu cứu sự giúp đỡ từ y.
Viên quan đó bị đá nện trúng, chết ngay tại chỗ. Thẩm Trực vì không tránh kịp mà bị thương nặng, còn hôn mê trọn ba ngày.
Vừa tỉnh lại, y liền gửi báo cáo bí mật cho Uông Ấn, xin Uông Ấn đến Nam Khố chủ trì toàn cục, do đó mới có chuyện Uông Ấn phi ngựa như bay đến đạo Lĩnh Nam.
Uông Ấn đặt báo cáo xuống rồi hỏi: “Sau vụ tai nạn, Trấn Quốc Công nói thế nào?” . Truyện Mỹ Thực
Việc Thẩm Trực bị thương xảy ra quá bất ngờ, còn khiến một viên quan trông coi sổ sách của mỏ khoáng sản mất mạng. Chuyện rất bất thường, chắc hẳn Thẩm Trực cũng nhận ra được điều này nên mới lập tức thỉnh cầu Uông Ấn tới đây.
Nam Khố hết sức quan trọng, nếu xảy ra chuyện thì một bách hộ như Thẩm Trực không thể gánh vác được.
Sau khi đến đạo Lĩnh Nam, để tránh sự dòm ngó của kẻ xấu, Uông Ấn cố tình không tới Nam Khố, chỉ âm thầm chú ý động tĩnh của nơi đó, muốn lặng lẽ nhìn xem nước ở Nam Khố vẩn đục đến đâu.
“Thế tử Trấn Quốc Công vẫn đang điều tra vụ này, đã tra xét một lượt từ trên xuống dưới. Khi đó gần mỏ không có thợ, lúc trước lại bị gió tuyết xói mòn. Đề kỵ cũng đã đi kiểm tra, cuối cùng nhận định đây là tai nạn ngoài ý muốn.” Thẩm Trực đáp.
Lúc nói chuyện, y bất giác xoa chân trái, sắc mặt vô cùng khó coi.
Y bị thương nặng, tuy giữ được mạng nhưng chân trái lại bị đá đè nát thành tàn phế, về sau... chắc phải rút khỏi Đề Xưởng rồi.
Trong lòng Thẩm Trực dâng lên nỗi bi thương và cảm giác không cam lòng khó diễn tả. Không phải vì phải rời khỏi Đề Xưởng mà là bởi y làm hỏng việc!
Lúc bị tảng nham thạch đập phải và ngất đi, suy nghĩ đầu tiên dâng lên trong đầu y là Nam Khố có chuyện!
Uổng cho y trước đó còn rất đỗi hài lòng với việc kiểm tra giám sát của mình, còn tưởng mình đã thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ, có thể khiến xưởng công yên tâm. Gặp phải tai nạn ngoài ý muốn, y biết việc kiểm tra và giám sát Nam Khố chắc chắn đã sơ suất, nhưng đang bị trọng thương, cử động bất tiện nên không dám làm ầm ĩ, đành phải kìm nén, chờ xưởng công tới.
Uông Ấn thoáng nhìn Thẩm Trực, giọng nói thờ ơ nhưng lại ẩn chứa sự an ủi: “Không cần phải suy nghĩ quá nhiều, còn sống là tốt rồi.”
Ngẫm nghĩ một lát, hắn bổ sung: “Về vết thương, không sao cả. Sau này còn có chỗ cần dùng đến ngươi. Vườn thược dược của Khánh bá vẫn đang để trống đấy.”
Nghe thấy vậy, sắc mặt Thẩm Trực hơi thay đổi, tâm tình xao động, hốc mắt dần đỏ hoe, y đáp lại với giọng nói run rẩy: “Thuộc hạ đa tạ xưởng công! Thuộc hạ nhất định sẽ giữ cẩn thận cái mạng này.”
Vườn thược dược là nơi quan trọng nhất trong vườn hoa của phủ nhà họ Uông, cũng là tổng bộ ám vệ, phụ trách toàn bộ ám vệ trong phủ. Khánh bá hiện giờ đang bảo vệ viện Tư Lai cũng xuất phát từ đó.
Đây là nơi tập trung những tâm phúc thân tín của Uông Ấn.
Đúng rồi, cho dù y rời khỏi Đề Xưởng, không làm đề kỵ nữa thì vẫn có thể ở bên cạnh xưởng công, vẫn sẽ tiếp xúc, qua lại với những đồng liêu trong Đề Xưởng, không quá khác biệt. Nếu có thì cũng chỉ là ngày càng được xưởng công tin tưởng hơn.
Cái chân bị tàn phế cùng với việc phải rút khỏi Đề Xưởng là sự trừng phạt và cái giá phải trả bởi y đã làm hỏng việc, nhưng y không hẳn là đã mất hết mà còn nhận được một số điều. Nghĩ tới đây, chút nuối tiếc dâng lên khi phải rời khỏi Đề Xưởng trong lòng Thẩm Trực cũng biến mất.
Thấy vẻ mặt Thẩm Trực dần dần trở lại như thường, Uông Ấn lại nói: “Đừng lo lắng, những chuyện còn lại bổn tọa sẽ xử lý.”
Hắn đã tới đạo Lĩnh Nam thì sẽ dứt khoát điều tra rõ ràng tất cả mọi việc.