Uông Xưởng Công

Chương 408: Chương 408DIỆP TUY GỬI THƯ TỚI




Khi Uông Ấn trở lại nha phủ Thiều Châu thì nhận được một niềm vui bất ngờ.

Diệp Tuy gửi thư đến!

Giây phút nhìn thấy đề kỵ dâng thư lên, đôi mắt Uông Ấn sáng ngời, cả người dường như cũng khác hẳn.

Ngày thường, vẻ mặt hắn lãnh đạm, tuy không đoán ra được là vui hay giận nhưng quanh người luôn bao phủ không khí lạnh lẽo và sát khí ẩn hiện.

Còn giờ, sự lạnh lẽo và sát khí đã hoàn toàn tan biến, mặt mày dịu dàng tươi tỉnh chẳng khác gì mùa xuân tới, khiến người ta có cảm giác như tắm mình trong gió xuân.

Uông Ấn phất tay cho đề kỵ lui, sau đó chậm rãi mở lá thư của Diệp Tuy ra…

Nói thế nào đây, tuy hắn rất đỗi vui mừng nhưng vẫn từ tốn, cẩn trọng.

Người có trí nhớ cực tốt như Uông đốc chủ, trước giờ chỉ cần liếc mắt là nhớ được toàn bộ mật thư.

Nhưng những lá thư của Diệp Tuy, hắn không nỡ lướt thật nhanh mà đọc kĩ từng câu từng chữ.

Đọc xong, ánh mắt hắn vẫn chăm chú nhìn vào những chữ đó, chứa chan nhớ nhung và lưu luyến.

Cuối thư, cô gái nhỏ viết:

Đại nhân mạnh khỏe và bình an chứ? Đường Trường Long ở Kinh Triệu đã treo đèn hoa đăng, thiếp rất nhớ đại nhân.

Ngón tay Uông Ấn vuốt ve từng dòng chữ, khóe môi nhếch lên, tâm trạng khó diễn tả.

Cô gái nhỏ, ta... cũng rất nhớ nàng.

Uông Ấn nhắm mắt lại, nhớ đến bóng dáng của Diệp Tuy, nhớ tới khoảng thời gian hai người nắm tay nhau ngắm tuyết trên đỉnh Xu Vân, trong lòng tràn ngập niềm vui khôn tả.

Ngay sau đó, khóe miệng hắn hơi chùng xuống, để lộ thoáng cô đơn.

Đúng rồi, đường Trường An đã treo đèn hoa đăng...

Tết Nguyên Tiêu của Đại An, sự kiện trọng đại nhất chính là từng dãy đèn hoa đăng trang trí đường phố Kinh Triệu.

Nhất là ở khu vực đường Trường Long vốn gần phủ Kinh Triệu, hoa đăng lại càng nhiều, tinh xảo và nổi tiếng hơn.

Trước và sau tết Nguyên Tiêu, dân chúng các vùng lân cận kinh thành đều đổ dồn về phủ Kinh Triệu để tham gia sự kiện trọng đại này, đông vui hiếm có.

Trước đó, hắn từng nghe Phủ doãn Kinh Triệu - Tần Phưởng nhắc tới việc lễ hội đèn hoa đăng tết Nguyên Tiêu năm nay sẽ náo nhiệt hơn, đẹp hơn những năm trước.

Dù gì hoàng thượng cũng từng nói: “Phồn hoa hưng thịnh, vui cùng muôn dân.”

Trước khi đến đỉnh Xu Vân, hắn từng bàn với Diệp Tuy về việc hai người sẽ ra ngoài ngắm đèn hoa đăng vào ngày tết Nguyên Tiêu.

Giờ hắn vẫn còn nhớ rất rõ, sau khi cô gái nhỏ nghe vậy hai mắt liền sáng lấp lánh, cả người dường như đắm chìm trong niềm hân hoan.

Nàng rất mong chờ đến tết Nguyên Tiêu để đi ngắm đèn hoa đăng...

Thế nhưng, không ngờ đạo Lĩnh Nam lại xảy ra nhiều chuyện như vậy, tới giờ loạn bách bộ vẫn chưa được giải quyết, hắn tạm thời chưa thể hồi kinh.

Hắn chắc chắn không thể thực hiện lời hẹn vào ngày tết Nguyên Tiêu, liệu nàng có thất vọng không?

Dù không kịp thực hiện nhưng hắn cũng muốn sớm được gặp lại nàng. Phải nhanh chóng hoàn thành việc ở đạo Lĩnh Nam mới được!

Uông Ấn mở mắt ra, vẻ ấm áp như mùa xuân thay đổi, trở lại với sự lạnh lẽo ngày thường.

Hắn cất cao giọng: “Đường Ngọc, vào đi!”

Đường Ngọc vẫn luôn đứng gác bên ngoài cửa nghe thấy mệnh lệnh, lập tức bước vào, đứng ở một bên chờ đợi chỉ thị.

Uông Ấn ra lệnh: “Truyền lệnh của bổn tọa, đề kỵ tại đạo Nhạn Tây dốc toàn lực theo dõi phủ đệ của Thạch phó tướng quân, nhất là thầy dạy đàn họ Đào ở trong phủ. Gửi tin tức tình báo về Kinh Triệu!”

Cô gái nhỏ có nhắc tới chuyện Bích Sơn Quân ở trong thư. Tuy Khánh bá có thể sử dụng một bộ phận đề kỵ, nhưng suy cho cùng quyền lực có hạn nên việc cũng chưa được trọn vẹn.

Hắn cũng cảm thấy bất ngờ giống như Diệp Tuy, Bích Sơn Quân thân bại danh liệt đột nhiên xuất hiện ở đạo Nhạn Tây, còn ở trong phủ của phó tướng quân Thạch Tú.

Vốn tưởng rằng sau chuyện dan díu với công chúa Hi Bình, Bích Sơn Quân sẽ biến mất khỏi Đại An, biệt tăm biệt tích. Không ngờ y đã xuất hiện trở lại, dù chẳng biết y định làm gì thì Đề Xưởng cũng không thể lơi lỏng cảnh giác.

Cả bên phía Thạch Tú nữa...

Hắn ra lệnh trực tiếp cho đề kỵ sẽ tiện hơn. Như thế cô gái nhỏ mới có thể yên tâm.

Đường Ngọc nhận lệnh, đang định rời đi thì lại nghe thấy Uông Ấn dặn: “Gọi Liễu Nguyên Tập và mời Trương đại nhân, Triệu tướng quân đến đây!”

Trong thư, cô gái nhỏ không chỉ nói về chuyện Bích Sơn Quân mà còn nhắc đến loạn bách bộ ở đạo Lĩnh Nam, và đó mới là trọng điểm trong bức thư của nàng.

Sau khi nghe Uông Ấn nói xong, Liễu Nguyên Tập ngẩn người, cứ cảm thấy sai sai: “Đốc chủ, dạy cho người dân các bộ lạc biết chữ và cách trồng trọt? Trồng trọt thì được, nhưng biết chữ thì… quá khó. E rằng dân chúng bách bộ cũng không muốn đồng ý.”

Đốc chủ đại nhân nói sau khi bình định loạn bách bộ thì có thể cho quan viên Tư Nông Tự đến dạy cho người dân các bộ lạc kỹ thuật canh tác, gieo trồng một số loại lương thực hoặc loại cây khác phù hợp với vùng rừng núi của đạo Lĩnh Nam.

Nhưng... dạy họ biết chữ thì quá quá khó.

Chưa nói đến việc các bộ lạc vốn đã có chữ viết của riêng họ, kể cả họ có chấp thuận học theo chữ viết của Đại An thì cũng chẳng có tiên sinh nào bằng lòng đến dạy học ở nơi rừng sâu nước thẳm này.

Tuy nhiên, Liễu Nguyễn Tập không thể phủ nhận một điều: Nếu thực hiện được thì giải pháp của Uông đốc chủ mới thật sự dẹp yên loạn bách bộ.

Ngôn ngữ và chữ viết là nền tảng. Nếu người dân bách bộ và dân chúng Đại An dùng chung ngôn ngữ và chữ viết, trải qua trăm năm, hoặc thậm chí chỉ sau vài thập kỉ, bách tính của đạo Lĩnh Nam và Đại An sẽ không còn khác biệt nữa.

Liễu Nguyên Tập nhìn Uông Ấn với ánh mắt vừa kinh ngạc vừa khâm phục, ba chính sách hắn ta nghĩ đã là kế hoạch lâu dài. Nhưng không ngờ Uông đốc chủ còn sâu sắc hơn, kế sách còn lâu dài hơn hắn ta.

Uông Ấn không bận tâm đến ánh mắt của Liễu Nguyên Tập, vẫn hờ hững nói: “Bổn tạo sẽ bẩm tấu lên hoàng thượng, xin hoàng thượng chấp thuận đề xuất này. Trong tương lai, người dân các bộ lạc còn có thể tham gia khoa cử, được xét chọn ra làm quan.”

Với nền tảng là biết chữ và được học hành, chắc chắn họ có thể ra làm quan.

Liễu Nguyên Tập lại một lần nữa sửng sốt, ngây người nhìn Uông Ấn, không thốt nên lời.

Con dân bộ lạc làm quan… Chắc chỉ có người như Uông đốc chủ mới dám nghĩ như thế. Tuy nhiên, hai kế sách này nghe ra thật sự rất hay.

Liễu Nguyên Tập đâu biết rằng đây không phải do một mình Uông Ấn nghĩ ra mà còn có cả công lao của Đốc chủ phu nhân - Diệp Tuy.