Như trước đó đã nói, các gia tộc lớn như nhà họ Lư, Thôi, Cố có không ít con cháu theo học trong Quốc Tử Giám.
Sau khi Uông Ấn dâng tấu thỉnh cầu di tông dời tộc, đám con cháu này cảm nhận được nguy cơ diệt vong của gia tộc, lần đầu tiên đoàn kết lại đối đầu với các sĩ tử thường dân, hòng thay đổi chiều hướng của giới Nho học nghiêng về phía danh gia vọng tộc.
Từ trước tới giờ, con cháu các gia tộc lớn vẫn luôn coi thường sĩ tử bần hàn, coi họ như tôi tớ.
Nhưng, những sĩ tử con nhà thường dân lại thể hiện rất tốt ở Quốc Tử Giám, bất kể là tài học hay chính kiến đều ưu tú hơn, khiến con cháu các gia tộc lớn cảm thấy khó chịu.
Nhất là khi bọn họ tụ tập tại nhà thủy tạ Bạch Vân, nhất trí tán thành bản tấu của Uông Ấn thì đã chẳng khác gì trở thành kẻ thù của phe gia tộc lớn.
Con cháu các dòng họ lớn gần như là đi đâu cũng gây sự với sĩ tử bần hàn, còn âm thầm đánh họ một trận, cảnh cáo họ đừng xía vào chuyện của người khác.
Từ trước tới giờ phải chịu ức hiếp như vậy, thấy có chính sách di tông dời tộc, thời cơ phát triển của bản thân đang ở ngay trước mắt, sao họ có thể cam tâm chịu trận được?
Dẫu bình thường nhu nhược, không dám phản kháng thì đến thời điểm này, họ đều không chịu nhượng bộ nữa.
Bởi vậy nên Quốc Tử Giám xưa nay vốn yên tĩnh, bây giờ cứ vài ba ngày lại xảy ra một trận ẩu đả, ngay cả các tiên sinh dạy học trong Quốc Tử Giám cũng không làm gì được.
Xung đột đổ máu lần này là kết quả của những bất mãn trước đó tích tụ đến đỉnh điểm, cuối cùng cũng bùng phát.
Nghe nói, bắt đầu từ mâu thuẫn giữa Thôi Vân Tụ và Phó Tinh Xán.
Thôi Vân Tụ là con cháu nhà họ Thôi, tuy trước đây bị phanh phui vụ bê bối đạo văn, nhờ người khác làm hộ bài nhưng có thế nào y cũng không chịu thừa nhận, còn nói đó là do Uông Ấn của Đề Xưởng hãm hại.
Vì chính sách di tông dời tộc mà con cháu gia tộc lớn hận Uông Ấn thấu xương, bởi vậy nên cũng tin lời Thôi Vân Tụ nói.
Thế là Thôi Vân Tụ bất ngờ cứu vãn được danh dự trong đám con cháu gia tộc lớn.
Không chỉ vậy, bởi y còn thường xuyên cầm đầu đám con cháu gia tộc lớn chống lại các sĩ tử bần hàn nên dần dần trở thành thủ lĩnh của đám con cháu đó luôn.
Còn Phó Tinh Xán là một nhân vật tiếng tăm lẫy lừng trong số các sĩ tử nghèo, tài học rất khá, còn là bạn tốt của Lục Tân Đường.
Lúc trước, chuyện Lục Tân Đường tố Thôi Vân Tự đạo văn đã khiến Quốc Tử Giám xôn xao.
Có lẽ là để tránh bị nhà họ Thôi trả đũa, hay còn vì lí do nào khác nữa nên Lục Tân Đường đã sớm rời khỏi Quốc Tử Giám.
Phó Tinh Xán vốn căm ghét đám con cháu gia tộc lớn như Thôi Vân Tụ, lại bất bình thay cho bạn tốt của mình nên mỗi lần chạm mặt Thôi Vân Tụ đều chẳng nể nang gì mà gọi y là “vua đạo nhái”, căn bản là khinh thường y ra mặt.
Sao Thôi Vân Tụ có thể nhịn được chuyện mình bị gọi là “vua đạo nhái”? Đương nhiên là phải cãi lại, lần nào cũng đấu khẩu, làm ầm lên với Phó Tinh Xán.
Chuyện cãi vã xảy ra nhất nhiều lần, mọi người ở Quốc Tử Giám đều đã quen mắt.
Nhưng chẳng ai ngờ được, lần này Thôi Vân Tụ không nhịn nữa, sai người hầu đánh Phó Tinh Xán trọng thương, còn cắt lưỡi y, biến y một người câm.
Trông thấy tình trạng thảm thương của Phó Tinh Xán, các sĩ tử thường dân lập tức bùng lên lửa giận, đoàn kết lại, nổi điên xông vào đánh Thôi Vân Tụ…
Càng lúc càng có nhiều người gia nhập, cuối cùng Quốc Tử Giám biến thành chiến trường đẫm máu.
Thôi Vân Tụ đang sống sờ sờ bị đánh chết, Phó Tinh Xán cũng trọng thương bỏ mạng, ngoài ra còn hơn mười học trò khác của Quốc Tử Giám mất mạng.
Khi tin tức này được truyền tới tế tửu Quốc Tử Giám - Triệu Phác, ông lão nho nhã này suýt nữa ngã nhào xuống đất.
Học trò của Quốc Tử Giám đại diện cho trình độ của sĩ tử trẻ tuổi khắp nước nhà, vậy mà đùng một cái chết hơn mười người, mà còn chết theo cách như vậy!
Sau khi nghe được chuyện này, Uông Ấn cũng vô cùng chấn động.
Tất nhiên là hắn biết rõ chuyện con cháu gia tộc lớn và sĩ tử bần hàn không ưa nhau, nhưng hoàn toàn chẳng ngờ rằng mâu thuẫn giữa họ lại căng thẳng đến thế, còn để xảy ra chuyện mất mạng.
Gia tộc lớn và nhà bình dân, đôi bên cùng thiệt hại, thực sự khó mà đoán được việc này sẽ ảnh hưởng tới tình thế trước mắt thế nào.
Rất nhanh sau đó, đề kỵ đã điều tra rõ về cuộc xung đột, sự việc không khác với lời Phòng Bảo đã bẩm báo là bao, nhưng Thẩm Trực còn mang theo một tin tức quan trọng: “Xưởng công, bên ngoài đang lan truyền rộng rãi rằng cuộc xung đột đổ máu này là do xưởng công đứng sau xúi giục!”
Vẻ mặt Uông Ấn không thay đổi, hắn hờ hững hỏi: “Đồn đại sao?”
Thẩm Trực khẽ thở gấp, tức thì đáp rằng: “Vâng, từ đường Trường Long truyền ra rồi lập tức truyền khắp thành Đông, lan nhanh quá, đề kỵ không kịp áp xuống.”
Ti chuyên thăm dò tin tức của đề kỵ đã bố trí rất nhiều mật thám ở thành Đông và phường Tây Kinh Triệu, nhưng kỳ lạ là trước đó họ hoàn toàn không dò ra được dấu vết gì, tin tức này vừa xuất hiện đã lan mạnh như vậy, khiến đề kỵ trở tay không kịp.
Uông Ấn chậm rãi ngả người vào lưng ghế, khép hờ hai mắt, không nói gì.
Rất rõ ràng, có kẻ chuyên phòng bị đề kỵ, có khả năng lan truyền thông tin mạnh mẽ.
Mà người có bản lĩnh này không nhiều lắm.
Tất cả các dòng họ đều muốn tránh khỏi tai mắt của đề kỵ nên không có khả năng là do bọn họ. Chuyện này, chỉ khi các gia tộc lớn liên kết lại mới làm nổi.
Tận dụng thời cơ, không lãng phí một giây phút nào, có phần thú vị đây…
Ngẫm nghĩ một lát, Uông Ấn hạ lệnh: “Không cần dập xuống, cứ để nó lan truyền đi. Mặt khác, bản tọa muốn biết động tĩnh, nhất cử nhất động trong ba ngày nay của Thôi Minh Thạch!”
Thôi Vân Tụ chết, Phó Tinh Xán chết, Quốc Tử Giám đổ máu, ai sẽ chiếm được lợi thế từ cuộc xung đột đổ này đây?
Hình như người được lợi là Uông Ấn thì phải?