Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn

Chương 14-8




Canada, một đất nước mới lạ và tươi đẹp, bốn mùa rõ rệt, phong cảnh như tranh. Trung tâm thành phố Toronto là nét sáng nhất của bức tranh này, núi non sông hồ đẹp không tả xiết, đâu đâu cũng thấy chim cất tiếng hót, hoa tỏa hương thơm. Ở đây, Tô Nhất gặp rất nhiều đồng hương, cũng không thiếu những hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Điều kiện của kí túc xá trong trường rất tốt, mỗi người một phòng đầy đủ tiện nghi, ngoài những đồ đạc cơ bản như bàn ghế giường tủ còn có tủ lạnh, ti vi và điện thoại. Tô Nhất rất hài lòng, cảm thấy đúng là tiền nào của nấy, tiếc là trường qui định chỉ được ở có một năm.

Một sinh viên nhập học năm trước tên Lưu Sóng nhiệt tình giới thiệu cho cô trường học và điều kiện sinh hoạt trong kí túc.

Sau khi ổn định chỗ ở, Tô Nhất ra ngoài đi dạo một vòng quanh trường. Ngôi trường này rất giống một công viên, cảnh sắc tuyệt đẹp khỏi phải bàn, những con sóc chạy nhảy trên cây, những con bồ câu đi lại trên bãi cỏ, cùng những sinh viên trẻ tới lui tấp nập tạo thành một cảnh tượng rất thú vị.

Đến môi trường mới, Tô Nhất có rất nhiều cảm nhận mới mẻ và kì lạ. Cứ gặp Hứa Tố Kiệt hay Tống Dĩnh trên mạng là cô lại kể chuyện Toronto. Tống Dĩnh nửa đùa nửa thật hỏi: “Cậu ở bên đó cứ như cá gặp nước, thế người ở nhà, chuyện ở nhà còn nhớ tới không?”

Bàn tay cô đặt trên bàn phím bất động giây lát rồi lại thoăn thoắt gõ: “Đã có niềm vui mới, chuyện cũ không nhớ đến.”

Hứa Tố Kiệt thì quan tâm đến phương diện khác hơn. “Em và Trình Thực thế nào rồi?”

Cô thành thật trả lời: “Bọn em không học cùng trường, một tuần mới gặp mặt một lần. Nhưng mỗi lần cậu ấy tới em đều thấy rất vui, ở đây, cậu ấy chính là người thân duy nhất của em.”

Vượt qua trùng dương đến đất nước khác, các du học sinh đều như nhau phải đối mặt với hai cửa ải khó khăn nhất, cửa ải ngôn ngữ và cửa ải ẩm thực. Nói mấy chục năm tiếng Trung Quốc và ăn mấy chục năm món Trung Quốc, đã là “thói quen khó sửa”, nhưng lại không thể không sửa. Bởi chỉ có thể là con người đi thích nghi với môi trường, chứ không thể nào là môi trường thích ứng với con người.

Đối với Tô Nhất, cửa ải ngôn ngữ vẫn không khó qua bằng cửa ải ẩm thực, mặc dù cô không phải là người kén ăn nhưng chỉ vài ngày ăn bánh sandwich, khoai tây chiên, gà rán ở căn tin trường, cô đã thấy ngán đến tận cổ.

Trình Thực có kinh nghiệm đi học xa nhà, đoán trước được khó khăn của Tô Nhất nên lần đầu tới trường thăm cô, cậu chẳng nói chẳng rằng đã đưa cô đến phố Đường Nhân, tìm tới một nhà hàng Tứ Xuyên.

Phố Spadina là một khu phố tàu phồn hoa náo nhiệt ở Toronto, thường được gọi bằng cái tên phố Đường Nhân. Trên phố cái gì cũng có, riêng nhà hàng quán ăn đã chiếm ít nhất một nửa diện tích, hội tụ đầy đủ các trường phái ẩm thực Trung Hoa, tuy không được chuẩn vị như trong nước nhưng ít nhiều vẫn có vài phần hương vị của quê hương.

Tô Nhất miệng ăn tay gắp không ngừng. Trình Thực nhắc nhở: “Ăn từ từ thôi, cẩn thận hóc xương cá đấy.”

Lời nhắc nhở của Trình Thực khiến tim cô chợt nhói đau. Chung Quốc chính là người đã dạy cô ăn cá. Họ đã từng đi khắp các ngõ phố lớn nhỏ ở Nam Sung, nếm đủ các món ăn từ cá, cậu còn cùng cô đến bệnh viện gắp cái xương cá mắc trong cổ họng, từ đó đều lọc xương ra khỏi thịt cá rồi mới đưa cho cô ăn. Tô Nhất bỏ dở đĩa cá, từ đó về sau không động vào một miếng cá nào nữa.

Sau vài tháng tới Canada, Tô Nhất đã vượt qua cửa ải ngôn ngữ, thành tích học tập bắt đầu khởi sắc. Những tháng ngày lo lắng bận rộn học hành coi như cũng được nới lỏng, cảm giác mới mẻ của lần đầu ra nước ngoài cũng dần qua đi, khiến sự cô đơn dễ dàng vây bủa.