Tương Tư Không Biệt Ly

Chương 6




- KHÔNG SAO CẢ -

Rốt cuộc thì tin tức về chuyện Bệ hạ cưỡi ngựa rời cổng thành xa mười dặm để đón tam tiểu thư Chúc gia vẫn bị lan truyền một cách nhanh chóng.

Kéo theo đó là bao nhiêu người ghé đến thăm hỏi thủ phủ của Chúc Vanh đại nhân, cứ như vậy mà náo nhiệt không dứt hết lượt này đến lượt khác. Chủ đích chính là để dò la tính thực hư của lời đồn.

Thế nhưng mấy ngày liên tiếp sau đó, Lý Văn Huyên cũng không hề đến quấy rầy Tương Tư thêm lần nào nữa, bởi vì hắn đột nhiên gặp chút chuyện phiền toái ngáng chân.

Diêu Tân xảy ra một cuộc phản loạn, bắt nguồn từ một người mang huyết mạch còn lưu lại của Tiêu thị, tự mình xưng Vương. Trong một lần thành Bác Dương thất thủ liền chớp thời cơ chiếm đóng, sau đó tung tin nói rằng muốn tự tách khỏi triều vua Lý đang tại vị, thậm chí là lập ngôi ngang hàng.

Dưới trướng của tiểu lang quân* họ Tiêu kia có một vị mưu sĩ tên là Lâm Lược, được mệnh danh là người tài xuất thế, cho nên đúng thật là đã bỏ ra không ít để thu phục được người tài về tay.

*Tiểu lang quân: Trong thời cổ, đây là tiếng tôn kính dùng để chỉ con em của người khác (Theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

Tin tức ngày hôm trước vừa mới truyền tới, nói tên Tiêu tặc kia đang gõ trống chiêu binh sắm ngựa khắp nơi.

Ngay khi vừa lâm triều, một đám đại thần đã ồn ào tranh cãi về vấn đề này.

Không phải triều đình không có người tài, cũng không phải là vấn đề nan giải chẳng thể giải quyết, nhưng thật sự là...

Người đời đều nói hễ có ba nữ tử đứng chụm lại thì thành một đài diễn xướng, nhưng rõ là nam nhân cũng có tốt đẹp hơn bao nhiêu, đứng lại một chỗ lại nói đông nói tây, càn quấy đủ lời, tấu xướng hết bài ca vô nghĩa này lại đến bài ca khác.

Ồn ào đến mức khiến Lý Văn Huyên đau đầu không thôi.

Nghe nói tên Tiêu tặc kia cũng không có gì quá đáng dè chừng, chỉ là con của một người vợ cả thuộc dòng bên của Tiêu thị, còn không được ghi rõ lai lịch, hiện giờ chỉ mới mười ba tuổi. Lại nghe đâu tài năng thấp kém, xưa nay không được trọng dụng, chỉ đáng là một con rối nghe người khác chỉ điểm. Còn tên Lâm Lược kia dù có năng lực, nhưng nước không rõ nguồn cây không rõ gốc, làm sao có thể giữ lại lâu dài. Không cần chờ đến khi bọn chúng mời chào được binh mã, móng sắt của Đại Chu rõ ràng đã có thể tóm gọn hết thảy chỉ trong một giăng lưới.

*Nước không rõ nguồn, cây không rõ gốc (thành ngữ): ẩn dụ cho một cái gì đó không rõ nguồn gốc, không có nền tảng.

Đại Chu lập quốc bằng uy vũ quân sự, trị nước bằng lễ nghi văn ngôn, nay đã qua bốn đời vua, vận mệnh quốc gia vẫn còn tiếp diễn. Tiên Hoàng tuy ham mê chuyện lập công lớn, tư tưởng lại bảo thủ, thế nhưng những năm trẻ tuổi cũng từng đích thân xuất quân đánh trận, chiến công lẫy lừng một phương, vì cơ nghiệp Đại Chu mà chẳng tiếc xông pha thân mình. Chẳng qua lòng người vốn luôn là thứ khó nắm bắt, dù có là bậc Thiên tử cũng không thể may mắn thoát khỏi lưới rách cuộc đời, để này lại nảy sinh ra nhiều chuyện thị phi không nên.

Nhưng thời điểm khi Tiên hoàng bắt đầu có ý chểnh mảng chuyện triều chính, phía dưới vẫn còn một Thái tử tài giỏi hơn người sẵn sàng tiếp quản vận mệnh Đại Chu. Có những năm Hoàng đế trầm mê vào đạo pháp tiên thuật đến mức mất ăn mất ngủ, thường xuyên ra lệnh hoãn triều, có khi đến hơn mười ngày nửa tháng mới thượng triều một lần. Kể từ đó tất cả tấu chương dâng lên đều qua tay Thái tử phê duyệt, dần dà khiến cho các lão thần quá sức bất mãn, họp nhau quỳ xuống cầu xin Bệ hạ lấy chuyện xã tắc làm trọng, có lần còn van nài đến mức muốn đập đầu đến chết.

Tiên Hoàng cảm thấy những lão già đó quá mức phiền toái, truyền tin giả báo rằng bản thân mắc bệnh, dứt khoát giao lại hết chuyện trị quốc cho Thái tử.

Chỉ là không ngờ năng lực của Thái tử còn hơn cả kỳ vọng, tất cả triều thần dù trên hay dưới đều phải thốt lời ca ngợi, thậm chí còn được lòng bách tính toàn dân. Chính điều này đã khiến các Hoàng đệ của hắn không thể ngồi yên thêm được nữa, mà ngay cả Tiên Hoàng cũng không vui vẻ gì cho cam, ngược lại còn buộc mình phải tỉnh táo hơn. Tình hình điên đảo khiến người ta cảm thấy sốt ruột hơn bao giờ hết, sóng ngầm nổi dậy giữa chốn Hoàng cung, ngọn sóng lại không ngừng thiên biến vạn hoá, khiền lòng người không khỏi bất an.

Từ đó nên mới có chuyện Chúc Tương Tư xin được rời khỏi Kinh thành.

Thế nhưng đó đều đã là chuyện của mấy năm trước, hiện giờ tình thế thay đổi, cảm tưởng như đã mở ra cả một khoảng trời mới.

Cho nên chúng quần thần vẫn luôn cảm thấy, nếu muốn vận mệnh của đất nước được đời đời hưng thịnh, bền bỉ vững chắc, vậy càng phải xem trọng việc tìm kiếm người kế thừa cho ngai vàng.

Một đám người bày ra dáng vẻ chân thành rồi nói ngược nói xuôi, sau cùng lại kéo nhau quỳ dập đầu xuống, trông như mấy hàng bánh chẻo hấp được sắp xếp ngay ngắn, đồng thanh hô to, nào rằng là cầu xin Bệ hạ suy nghĩ vì giang sơn, sớm ngày thu nạp hậu cung, sinh con nối dõi.

Phía trên bảo toạ, Lý Văn Huyên ngồi ngay ngắn, đưa tay nhéo nhép vầng trán đau đau nhức, thầm nghĩ: Cô cho các ngươi thảo luận chuyện áp chế phản loạn, các ngươi lại ở đây quan tâm chuyện Cô có sinh được nhi tử hay không, đúng là một đám phế vật.

Quốc nguy tới nơi!

"Cả ngày chỉ có chút việc vặt cũng phiền tới Cô, nếu như các ngươi có một chút năng lực thì Cô đây cũng có thể dư dả một chút tâm sức để hít thở giải toả rồi. Sắp sửa đến mùa mưa lũ, năm trước Hoài Bắc lũ lụt lớn đến mức nhấn chìm biết mấy mảnh ruộng dân đã cất công cày cuốc, nếu năm nay vẫn lặp lại lệ cũ, liệu có ai có thể cho Cô một phương hướng để phòng ngừa hay không?"

Đám người đang quỳ giữa Đại điện bỗng chốc lặng thinh.



"Năm vừa rồi việc thu hoạch ở Thương Bắc không được tốt, lại gặp mùa đông rét lạnh, bá tánh ở mười mấy khu thành không có cơm ăn, Cô nghe nói việc cứu tế lương thực tới tận bây giờ vẫn chưa đến tay người dân, vì sao không nghe ai báo lại chuyện này, các ngươi đều là hạng chỉ ăn mà không làm ư?"

Đám người giữa Đại điện vẫn một mực quỳ.

"Còn chuyện ở phía ngoài cổng thành, nội thành ta chỉ mới phát triển và nâng cao kinh tế trong những năm gần đây, nay một đám lòng lang dạ sói đã hô hào muốn phá luật, nhưng rồi có ai có thể thay Cô trấn thủ được đây?"

Trong điện vẫn là một khoảng lặng yên tĩnh.

Bỗng nhiên có tiếng hô hào, "Chúng thần vô năng!"

Lý Văn Huyên đứng dậy, hừ lạnh một tiếng, phất tay áo bỏ đi, "Bãi triều!"

Thấy Bệ hạ tránh không nói đến vấn đề này, sau khi hạ triều, các đại thần liền ghé tai nhau thầm đoán dò tâm ý của Bệ hạ. Ồn ào hết cả lên như vậy, rõ ràng là bọn họ đã có ý muốn lấy lòng bậc đế vương. Ngay từ việc Bệ hạ rời cổng thành xa đến mười dặm chỉ để nghênh đón tam tiểu thư Chúc gia, nghiễm nhiên đã chứng tỏ giữa hai người có một loại tình cảm đậm sâu, thậm chí còn có tin nói rằng hai người từ thuở nhỏ đã cùng nhau lớn lên trong điện Đông cung, mà người kia vốn đã được đối đãi như Thái tử phi đích thực từ lâu.

Hẳn là Bệ hạ đã sớm có lòng muốn đưa tam tiểu thư lên ngôi Hậu, mấy vị đại thần càng ra vẻ thúc giục như thế chính là càng để Bệ hạ có thể nhanh chóng hoàn thành được tâm nguyện.

Nhưng dáng vẻ kia của Bệ hạ, rõ ràng là không vui.

"Kể từ khi Bệ hạ đăng cơ, việc đầu tiên là đưa Chúc Vanh trở lại quan triều, sau đó lại đề bạt thêm mấy người tài trí cũng đến từ Chúc gia. Mà sau khi thúc phụ của tam tiểu thư tự sát cho đến giờ, Long Quan vẫn luôn được Long đại soái tiếp quản thay, hiện tại Bệ hạ lại điều Long đại soái đến Yến Tây, có lẽ là đang muốn noi theo Tiên đế, phong nhị tiểu thư Chúc gia làm nữ tướng quân..."

"Nhị tiểu thư kia quả thực đúng là có được không ít phong thái của Nữ hầu năm đó, hiện tại Long Quan vẫn luôn là vùng giao tranh của các nhà binh, nếu thuận thời thì ắt dễ bề lập chiến công, về sau binh quyền trong tay càng thêm vững vàng, xem như Chúc gia đã có hy vọng được khởi sắc."

"Hiện giờ phía quan văn dường như đã định là do Chúc Vanh đứng đầu, phía quan võ lại đã có người kế thừa, chẳng lẽ nào Bệ hạ lo sợ cục diện áp đảo về phía Chu gia như năm xưa lại tái diễn, cũng không nghĩ đến chuyện lập tam tiểu thư làm Hoàng hậu?"

"Đúng rồi, hẳn là phải thế."

"Ngày đó phóng ngựa gấp gáp ra cổng thành chào đón như vậy, chỉ sợ cũng là vì chuyện của người khác."

"Vị Bệ hạ này của chúng ta, tâm tư vẫn luôn rất khó lường."

...

Những lời kia cứ truyền qua truyền lại, sau rồi cũng truyền đến tai Tương Tư.

Ngày đó Niệm Xuân cất công đến Vọng Nguyệt Lâu chọn mua điểm tâm mang về cho tam tiểu thư, vô tình lại nghe được lời to lời nhỏ của một đám học giả đang bàn chuyện thế sự ở tiệm trà bên cạnh. Vốn cũng do bọn họ chẳng buồn kiêng dè thứ gì, ngay cả việc trong cung cũng dám đem ra khua môi múa mép, không biết từ đâu mà lại nói sang cả chuyện ngôi Hậu còn bỏ ngỏ, người kia ra vẻ thần bí mà nói, "Vị tam tiểu thư Chúc gia kia, e chỉ là nhằm làm bình phong, nghe đâu con gái của Tả thừa tướng đã chờ sẵn vào hậu cung, vừa hay đương độ hợp tuổi, lúc trước Bệ hạ còn từng thông qua với Tả tướng rồi..."

Chuyện trà dư tửu hậu xưa nay vẫn luôn là một phần thật chín phần giả, nghe xong thì liền bỏ quên đi, nhưng rốt cuộc đã là chuyện đề cập đến chủ tử nhà mình, Niệm Xuân càng ngẫm lại càng thấy có điểm khác thường.

"Nếu Bệ hạ đã muốn chà đạp lên tôn nghiêm của tam tiểu thư như vậy, ta sẽ..." Niệm Xuân tức giận, hai má phồng lên như cá nóc con.

Thính Hạ nghe thế thì nhướng mày, "Cô định như thế nào? Đó chính là Bệ hạ đó."

Hai người Niệm Xuân và Thính Hạ từ nhỏ đã lớn lên bên cạnh tam tiểu thư, từ lúc còn bi bô tập nói cho đến khi cùng ăn cùng ở, vưa đủ tuổi thì theo tiểu thư bước chân vào cánh cửa Hoàng thành, về sau lại đi cùng tiểu thư trở về Hoán Dương. Việc tiểu thư sớm chiều bầu bạn bên cạnh Thái tử điện hạ, hai người họ cũng đã chứng kiến không ít lần, hiện tại nhìn thấy Bệ hạ đối đãi với tiểu thư vẫn thân mật như xưa, hiển nhiên vẫn luôn cảm thấy ngài của giờ đây vẫn chính là Điện hạ mà mình vẫn luôn biết.

Nhưng chung quy lại, Điện hạ vẫn là người nắm giữ vương quyền trong tay, là bậc Đế vương có thể tựa núi giáp sông mà trông coi cả thiên hạ.

Niệm Xuân còn muốn nói hai câu bày tỏ khí thế, mà giờ nghe vậy rồi lại chỉ có thể âm thầm đổ mồ hôi lạnh sau lưng. Tam tiểu thư của nàng ta là người luôn cư xử đúng mực, phận làm tỳ nữ càng nên giữ gìn quy củ.

"Chỉ là ta đang đau lòng cho tam tiểu thư." Niệm Xuân cố nhỏ giọng nói thầm một câu.

Thính Hạ vỗ vai Niệm Xuân, đâu phải là nàng ta lại không biết đau lòng!

Thoáng nhìn thì thấy tam tiểu thư sống nửa đời người trong phú quý vinh hoa, nhưng thực chất lại như kẻ lang bạt không có đường về. Ngày nhỏ, phụ thân và mẫu thân nàng vẫn luôn vướng bận chuyện cầm binh đánh giặc, nàng ở bên hai người còn chưa tròn mấy tháng đã bị đưa đến vùng nội thành. Ở quê nhà Hoán Dương cũng không có người để phó thác, tổ mẫu đã sớm không còn trên đời; tổ phụ lại đang tập trung tu hành theo đạo giáo; ngoại tổ phụ là lão Lương Vương thì e sợ rằng huyết mạch cuối cùng của con gái mình cũng sẽ bị Hoàng đế đoạt lấy, cho nên đã sớm căn dặn tam phu nhân dù bằng bất cứ giá nào cũng không được đưa nàng về đô thành.

Tương Tư được một người thân tín của phụ thân gọi là Từ Bá nuôi dưỡng che chở, mỗi ngày đều nhớ thương phụ mẫu, ngóng trông phụ mẫu có thể sớm ngày trở về, để một nhà ba người có thể nhanh chóng đoàn tụ bên nhau. Nàng chỉ mong sao chiến sự sớm ngày kết thúc, để có thể được thấy hai bóng dáng thân thương kia dắt tay nhau trở về.

Thế nhưng thứ mà nàng chờ được, lại là tin phụ thân và mẫu thân đã bỏ mạng chốn sa trường.

Từ ngày đưa linh cữu hai người trở về Hoán Dương, chỉ có cô mẫu mới đối xử với nàng dịu dàng một chút.

Lão Lương Vương vốn luôn muốn dắt Tương Tư đi theo mình, nhưng thân là trưởng tỷ của lão Lương Vương, Thái hậu đưa lời khuyên bảo rằng hãy để bà đem Tương Tư vào Hoàng cung nuôi dưỡng. Càng ở gần sẽ càng khiến Bệ hạ đỡ phải nảy sinh nghi ngờ, mà có Thái hậu ở bên cạnh sẽ không có ai dám bạc đãi nàng, về sau nàng từ Hoàng thất bước chân về nhà chồng, cũng xem như là thể diện long trọng hơn người.

Mới đầu lão Lương Vương vẫn không muốn làm như vậy, nhưng bởi vì chính mình cũng đã già, khó thể ở bên cháu gái được mấy năm, cho nên vẫn phải chấp nhận.

Tương Tư cùng lão Lương Vương chỉ mới gặp mặt vài lần, giữa chừng lại gặp phải các loại nguyên do xa cách, vì vậy mối quan hệ cũng chẳng thể tính là thân cận hay gần gũi.

Tính đi tính lại, người gần gũi với nàng nhất chính là Thái tử điện hạ, về sau cũng chính là bậc Thiên tử.

Là phúc hay hoạ, nào thể biết trước.

Tương Tư dựa người bên giường, đưa tay lật giở một cuốn thoại bản, sách truyện ở đô thành xem chừng còn đa dạng hơn ở quê nhà của nàng rất nhiều.

Tháng ba là độ xuân tàn, mưa rơi rả rích ngoài hiên, thế nhưng nàng vẫn nhất quyết muốn mở cánh cửa sổ, để rồi lúc này đây mưa bụi từ bên ngoài đã dần men theo làn gió len lỏi vào chốn khuê phòng, đậu lại bên trang sách đang được mở ra. Tương Tư không màng để tâm, tiếp tục lật sang một trang khác, không buồn ngẩng đầu lên mà cười, "Thiên kim nhà tướng quốc, dù muốn dịu dàng hay tài phú đều có, trước đây khi chúng ta cùng nhau học chữ, phu tử thường hay khen nàng ta."

Điện Văn Hoa được Hoàng đế đặc biệt lập ra nhằm làm nơi cho các Hoàng tử và Công chúa học tập, ngoài ra một số con em Hoàng thất khác và con cháu của các quan thần cũng sẽ được chọn làm học tử của nơi đây.

Kỳ thực lúc đó Thái tử không cần phải đến học tại đó, hắn vốn dĩ đã được tam sư, tam thiếu* đích thân dạy dỗ.

*Tam sư, tam thiếu: Tam sư là các chức vị cấp cao được thành lập vào thời nhà Chu, có trách nhiệm dạy dỗ và hỗ trợ cho Thái tử và Vua trẻ việc thừa kế ngai vàng, bao gồm Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Còn Tam thiếu là các chức vị thấp hơn, được chỉ định làm quan phụ tá cho Tam sư, bao gồm: Thiếu sư, Thiếu phó và Thiếu bảo (Theo Baidu)

Nhưng Thái hậu nói, Thái tử tính tình cô độc, mỗi ngày đến điện Văn Hoa đọc sách cùng với các huynh đệ tỷ muội khác cũng xem như là để tăng thêm chút náo nhiệt.

Vì thế mỗi ngày hắn đều dành ra nửa ngày để đến đó.

Buổi sáng Tương Tư cùng A huynh đến điện Thái hậu dùng bữa, sau đó được Từ nội quan hộ tống đến điện Văn Hoa đọc sách. Buổi chiều Tương Tư sẽ một mình đến đó, nhưng vào thời điểm tan học vẫn sẽ luôn thấy Thái tử cất công tới tận nơi đón nàng. Hai người bước đi bên cạnh nhau, trên đường về Thái tử sẽ luôn hỏi lại những điểm nàng có thể chưa hiểu.

A huynh là người thông minh sáng dạ, nghe qua một lần liền hiểu rõ, trí nhớ cũng rất dày dặn, chỉ cần đọc thoáng qua một lần là sẽ không thể quên được. Tương Tư thì không được như vậy, thuở nhỏ nàng được nuôi lớn giữa ở chốn biên cương, cha mẹ đều là võ tướng, cả vị tiên sinh được mời về dạy trong nhà cũng chỉ là dạy qua những bài học vỡ lòng.



Tương Tư vốn yếu kém, mặc dù tiên sinh nói điều gì nàng cũng chỉ có thể hiểu đại khái. Vậy nên một khi A huynh đã nghiêm túc dò hỏi, đầu óc nàng cũng lập tức hoá thành bùn nhão.

Vì thế nàng liền không kiềm được cảm giác hổ thẹn, cúi đầu chẳng nói được một lời.

A huynh thở dài, "Kẻ nào không biết còn tưởng rằng ta đang khinh dễ em."

Tương Tư lắc đầu nguầy nguậy: "Không... không phải thế."

Nàng tự biết A huynh là đang muốn tốt cho nàng, xưa nay dù là bậc phụ mẫu hay trưởng bối đều luôn nghĩ rằng việc học tập của nữ tử chẳng quan trọng, dù học hay không đều không đáng quan ngại. Hơn nữa một nơi như điện Văn Hoa có bao nhiêu quý tử quý nữ nhà quan, dù biết chỉ là dệt hoa trên gấm nhưng bất kể phụ mẫu nhà ai đều sẽ luôn dặn dò con cái hãy giữ lấy quan hệ thân thiết với mọi người, tốt nhất là phải nhớ thật kỹ chuyện này.

Hơn nữa, sau này Tương Tư sẽ phải ngồi lên chức vị Thái tử phi, mà Thái tử phi về sau sẽ còn là người làm chủ trung cung, là tấm gương tốt cho nữ tử khắp toàn thiên hạ, không thể cứ mãi hồ đồ như vậy.

Khi đó Lý Văn Huyên vẫn luôn nghĩ như vậy, cho nên sẽ có những yêu cầu nghiêm khắc đối với nàng.

Mà Tương Tư thì lại chẳng nghĩ xa đến thế, chính vì mơ màng không hiểu nên càng cảm thấy A huynh như đang ghét bỏ mình.

Đến ngày hôm sau, phu tử khen ngợi Nguỵ tiểu thư của nhà Nguỵ tướng quân, nói rằng bài văn nàng ấy viết rất xuất sắc, chữ viết trông cũng thật đoan trang. Nguỵ tiểu thư đứng dậy hành lễ, dáng vẻ thong thả mà lại ung dung, mỉm cười gật đầu, "Cảm ơn lời tán thưởng của phu tử."

Phu tử vuốt vuốt chòm râu dài, vui vẻ cười khẽ, "Không cần khiêm tốn, có được phong thái như phụ thân của con, rất tốt."

Tương Tư vừa quay đầu lại nhìn, chỉ cảm thấy Nguỵ tiểu thư kia trông thật rực rỡ, tựa như ánh bình minh ban sáng, đẹp đến mức không gì có thể sánh bằng. Nàng thầm nghĩ, đó chính là dáng vẻ của tiểu thư khuê các sao? So với một cô bé lớn lên từ chốn biên cương như nàng, quả thực quá khác biệt.

A huynh kéo đầu nàng lại, "Nghĩ cái gì mà xuất thần như vậy? Đã nhận ra được hết mặt chữ rồi à? Em không cần tự so mình với cô ấy làm gì, chỉ cần được như một nửa của cô ấy là đủ rồi."

Tương Tư cúi đầu nhìn những dòng chữ dày đặc chen chúc nhau trên trang giấy, tựa như có hàng vạn con kiến đang bò qua trước mắt mình, vừa hỗn độn mà lại mờ mịt, khiến cả thân thể lẫn tâm trí nàng đều mệt nhoài.

Hơn phân nửa số chữ trong đó, nàng đều không biết.

Cảm giác khốn khó dâng lên trong lòng, mang theo cả tư vị tủi hờn.

Ước chừng còn có sự tự ti khi nhìn gương mặt xám xịt phía sau kia.

"Bang" một tiếng, trang sách lập tức bị đóng lại, nàng cũng tuỳ hứng đứng dậy, "Đọc không hiểu, không đọc nữa."

Tương Tư thầm nghĩ, nàng không thể nào làm Thái tử phi, mà chính nàng cũng không hiểu được rốt cuộc Thái tử phi là cái thứ gì.

Mà nếu nàng đã không thể làm Thái tử phi, vậy càng không thể hưởng thụ sự quan tâm của A huynh được nữa. Vì thế nàng quyết định đem hết đồ vật của mình từ chỗ a huynh dọn đi hết, bằng không nếu cứ để mặc cho a huynh quan tâm mình như vậy, về sau nàng sẽ trở thành kẻ phụ lòng A huynh.

Nếu A huynh đã cảm thấy Nguỵ tiểu thư kia tốt như thế, vậy chức vị Thái tử phi cứ việc nhường lại cho nàng ấy đi!

Đến giờ học, Tương Tư ôm sách đến ngồi bên cạnh Nguỵ tiểu thư, nói với nàng ấy, "Nếu cô có việc gì cần giúp đỡ, cứ việc phân phó cho ta. Ta sẽ làm thư đồng của cô."

Lời này đã doạ cho Nguỵ tiểu thư sợ hãi, vội vàng xua tay từ chối.

Tương Tư còn chưa kịp phát huy điều gì đã ngay lập tức bị A huynh xách đi.

Hắn nhìn nàng, dáng vẻ tràn đầy tức giận: "Chữ viết chỉ trông đẹp mắt một chút mà đã khiến em bày ra vẻ mặt sùng bài như vậy, còn muốn ngồi cùng một chỗ với người ta nữa. Ta đây cũng đọc sách rất giỏi, tại sao không thấy em bám theo ta như thế?"

Cứ như vậy, Tương Tư tức giận theo đường Tương Tư, A huynh lại tức giận theo đường A huynh.

Nhưng đến cuối cùng, nàng vẫn không thể thoát khỏi vị A huynh này.

A huynh thật sự rất cứng nhắc, dường như Thái hậu chỉ nói qua về việc muốn Tương Tư về sau sẽ đảm nhiệm vị trí Thái tử phi, hắn cứ như vậy mà ôm suy nghĩ muốn bồi dưỡng Tương Tư thành Thái tử phi thật sự, cũng chưa từng nghĩ đến việc đến thời điểm đó sẽ đi tìm một nử tử khác càng thích hợp hơn để đảm đương vị trí này.

Hoặc chăng là do ngày đó vẫn còn nhỏ tuổi.

Nhưng rốt cuộc, ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành.

Niệm Xuân nghe tam tiểu thư nhà mình cất lời khen ngợi thiên kim của phủ Tả tướng, không khỏi buồn bực thêm, "Tam tiểu thư, người còn không thèm nóng giận chút nào."

Mưa dần dần nặng hạt, cuối cùng Tương Tư cũng đưa tay đóng cửa sổ lại, đồng thời ném cuốn sách trong tay sang một bên, sau đó nằm cuộn tròn trên giường, quay lưng lại với hai thị nữ của mình, dáng vẻ phảng phất sự cô đơn. Nàng nói, "Thế gian này, chung quy lại mỗi người đều có số mệnh của riêng mình. Nếu A huynh đã có ý tìm người khác, vậy ta chỉ có thể nói mình sẽ về ở một nơi xa, không sao."

"Không sao cả." Nàng lặp lại lời vừa nói thêm lần nữa.

Có lẽ là do đã rời đi quá lâu và chỉ vừa mới trở về, hơn nữa thể trạng nàng vốn không tốt, sau cả chặng đường dài xóc nảy vất vả, đến đô thành lại chưa kịp thích ứng với khí hậu nơi đây, sức khoẻ lẫn tinh thần càng thêm cạn kiệt, vì vậy khi trời vừa điểm tối nàng đã lập tức lên giường chợp mắt.

Nhưng giấc ngủ lại chẳng thể an ổn, những cơn mộng mị cứ mãi vờn qua vờn lại, tràn ngập những hồi ức thuở nhỏ.

Thời điểm nàng vừa chuyển vào Hoàng thành cũng thường xuyên không được ngủ yên giấc. Dáng vẻ của Thái hậu thật hung dữ, mà người hầu hạ bên cạnh ngài cũng trông vô cùng nghiêm túc.

Thái tử vẫn luôn kiệm lời, toàn thân toả ra một loại khí thế bất phàm, khiến người ta chỉ nhìn thôi cũng phải kinh sợ.

Cả Đông cung rộng lớn như vậy, nhưng từ trên xuống dưới ai ai cũng có một vị trí, một chức vụ của riêng mình. Mà ở chính nơi đó, Tương Tư nàng lại như một người ngoài cuộc lặng lẽ chứng kiến tất cả, dù đứng hay ngồi đều cảm thấy không thích hợp.

Nàng nhớ nhà, mỗi khắc mỗi giây đều khắc khoải nỗi mong mỏi được trở về.

Nàng thương nhớ phụ mẫu, mỗi đêm canh thâu nằm mộng đều là gợi nhớ đến hai người họ, để rồi lại nhận ra, phụ mẫu nàng đã chẳng còn tồn tại trên đời.

Nàng, chỉ còn một thân một mình.

Giấc ngủ mãi không yên, nàng quyết định đứng dậy, đến sảnh điện bên ngoài ngồi, nhìn ánh trăng lững lờ giữa những bức tường cao san sát, chợt cảm thấy ngay cả ánh trăng nơi đây cũng chẳng thể đẹp như ánh trăng giữa chốn biên cương thân thuộc.

Nàng hắt hơi một tiếng, liền thấy Thái hậu bước đến bên cạnh, khoác tấm áo choàng lên người nàng, hỏi khẽ, có phải nhớ nhà rồi hay không?

Trên người Thái hậu bỗng nhiên lại có dáng vẻ hiền từ hệt như tổ mẫu, khiến nàng cảm thấy đầu mũi đau xót, mà ngày bé lá gan cũng không nhỏ, cứ như vậy nhào vào lòng Thái hậu rồi nức nở từng câu.



Tính tình Thái hậu xưa nay lạnh nhạt, Hoàng đế đương thời không phải con ruột của bà, ngày thường đều không đi lại thăm hỏi mấy lần. Mà bà cả đời chỉ có duy nhất một người con, nhưng lại không may đã chết yểu, cho nên trước giờ chưa từng có cảm giác thương yêu sâu sắc với bất kỳ con trẻ nào. Vậy mà ở cái tuổi này, bà lại thấy tâm can như mềm đi bởi vì cái bánh bột nhỏ đang vùi trong lòng mình, nên cứ vậy mà nhẹ nhàng dỗ dành nàng, vỗ về bờ lưng bé nhỏ.

Kế sau đó, Tương Tư lại càng khóc nhiều hơn, cảm giác tủi thân cũng ùa về nhiều hơn.

Nàng khóc không ngừng, cứ khóc đến độ cảm tưởng như đất trời đã đổ vỡ mới chịu thôi nước mắt.

Đêm khuya hôm đó, A huynh tìm đến cửa tẩm điện của tổ mẫu, dò hỏi, "Em gái Nhiễm Nhiễm rốt cuộc là có chuyện gì vậy?"

Thái hậu vội vàng xua tay, "Em gái của con vừa mới đến đây, vẫn chưa kịp thích ứng. Hoàng cung vốn nhiều loại quy củ mà bầu không khí lại cô quạnh, con thân là A huynh, có rảnh thì ở bên cạnh con bé nhiều một chút, dành sự quan tâm cho con bé."

A huynh gật đầu đáp vâng, khom lưng dắt tay nàng, "Đến thành lâu ngắm trăng sẽ rất khác so với ở đây, để ta dắt em đi nhé?"

Tương Tư vốn dĩ đã cảm thấy mất mặt về chuyện khóc lóc này, nàng sợ Thái hậu sẽ ghét bỏ nàng, nên cố gắng nén xuống cảm giác nghẹn ngào, gật đầu đáp ứng.

A huynh nắm tay nàng suốt cả đoạn đường đi, phía sau còn có một người hầu đi theo xách đèn lồng. Tương Tư hỏi nhỏ, "A huynh, có phải em đã quấy rầy giấc ngủ của người không?"

Lý Văn Huyên gật đầu, "Ta ở trong tẩm điện đều nghe thấy hết tiếng khóc của em."

Tương Tư hổ thẹn mà cúi đầu, "Xin lỗi... em chỉ là... chỉ là không nhịn được."

Lý Văn Huyên "Ừ" một tiếng, "Không sao."

"A huynh người đi chậm một chút, em theo không kịp."

"À, là em quá lùn." Hắn nghiêng đầu đánh giá nàng, "Ăn cơm thì lại ăn như mèo con, về sau nên ăn nhiều thêm một chút."

Tương Tư uất ức, "Là do A huynh quá cao. Hơn nữa, em vẫn còn nhỏ." Nàng cũng ngẩng đầu đánh giá người đối diện, thấy bản thân mình chỉ đứng đến ngực hắn bèn thấy vô cùng hâm mộ, không biết khi nào mình mới có thể lớn lên?

Lý Văn Huyên không nhịn được mà cười thành tiếng, "Nhiễm Nhiễm nói đúng lắm."

Cũng trong đêm hôm đó, Tương Tư cùng A huynh đứng bên bờ thành lâu, đưa mắt ngắm nhìn ánh trăng trên cao suốt cả một canh giờ.

Bóng dáng của hai người bé nhỏ, đơn bạc mà lại cô liêu.

Có lẽ, đời người vốn đã định là sẽ lặng lẽ như thế.

Lặng lẽ bước đến, lặng lẽ rời đi, lặng lẽ biên soạn kế sách.

Chẳng gì có thể lâu bền.

Thực tâm Tương Tư rất khao khát sẽ có một thứ gì đó hoàn toàn thuộc về mình nàng, để nàng có thể ấp ôm suốt cả cuộc đời, vĩnh viễn cũng không sợ để lạc mất.

Ngày đó Tương Tư còn chưa cao đến so với tường thành, nàng gắng sức ngửa đầu, nhìn ánh trăng tròn vành vạnh đang treo cao bên ngoài bức tường thành, lòng rất muốn được A huynh ôm nàng bế lên.

Nhưng Tương Tư không dám, nàng ngập ngừng một lát rồi dứt khoát im lặng không nói ra.

A huynh bỗng nhiên khom lưng, nói với nàng, "Cửa Minh Đức ở đối diện nơi này đã được thắp sáng bởi hàng vạn ngọn đèn dầu, trông rất đẹp, hay để ta ôm em lên trên bức tường thành xem thử?"

Hai mắt Tương Tư sáng lấp lánh, nhưng lại chỉ dám rụt rè gật đầu, cẩn thận nắm chặt hai vai của A huynh, bỗng nhiên nàng cảm thấy, đây chính là người tốt nhất trên đời.