Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân

Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân - Chương 4: Chương 4




Tôi biết mình không còn sự lựa chọn nào khác, để con ở nhà người lạ một mình tôi không đành lòng, mà tranh giành Bí Ngô với nhà họ thì đúng là như trứng chọi đá.



Thế nên, dù anh ta có vô lý đến đâu, tôi vẫn phải hèn mọn gật đầu:

- Vâng.



Anh cho tôi địa chỉ đi, tôi sẽ đến.

- Ngày mai sẽ có người đến đón cô.



- Không cần đón tôi đâu, anh cứ cho tôi địa chỉ để tôi tự đến.



Tôi đến luôn hôm nay.

- Xuống xe.

Tính anh ta có lẽ không thích nhắc lại nhiều lần, thế nên thấy Huy từ chối, tôi cũng thôi, không kì kèo nữa mà lẳng lặng xuống xe đi về.

Cả ngày hôm ấy tôi ăn không ngon, ngủ không yên, cứ thấp thỏm chờ đợi nhanh đến sáng mai để được gặp con tôi, lại lo lắng sợ anh ta không bảo người đến đón nên tôi cứ bồn chồn mãi.

Với tôi, khi đã là một người mẹ thì con của mình là điều quan trọng nhất trên đời, lúc nào tôi cũng mong Bí Ngô mãi mãi ở bên cạnh mình, nhưng khi đối diện với việc không thể tiếp tục nuôi con, mơ ước của tôi rút cuộc lại phải giảm xuống, giảm đến nỗi không thể thấp hơn được nữa.



Từ mãi mãi ở bên thành chỉ cần được gặp con, được ôm con một cái… Chỉ cần như vậy thôi!

Tôi thao thức cả đêm đó, đến ngày mai 6 giờ sáng tôi đã tỉnh dậy.



Mẹ tôi thấy con gái mới sáng sớm đã xách theo hai túi đồ đạc to đùng thì mới sửng sốt bảo:

- Mày đi đâu đấy? Định mang đồ đi đâu?

Tôi vẫn chưa có ý định làm hòa với mẹ, nhưng bây giờ tôi chuẩn bị đi sang nhà người ta ở, sẽ vắng mặt ở nhà một thời gian, không thể không nói với mẹ được, cho nên tôi bảo:

- Con ra ngoài ở một thời gian, mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe.

- Ở ngoài là ở đâu? Mày không ở đây, đến khi người ta mang Bí Ngô đến trả thì định sao?

- Họ sẽ không mang nó đến trả đâu, mẹ đừng lo.

Nghe tôi nói vậy, mẹ tôi hơi ngượng, im lặng vài giây rồi mới hắng giọng nói:

- À thì… biết đâu được.



Có bố thì cũng phải về với mẹ chứ, có phải mang đi là đi hẳn luôn được đâu.

- Con đi đây.

Tôi không muốn nói thêm nữa nên lẳng lặng xách theo hai túi đồ đi ra khỏi cửa, một túi là đồ đạc của tôi, một túi là của Bí Ngô.



Đứng chờ ở cổng khu tập thể từ 6 giờ sáng đến tận gần 9 giờ thì cuối cùng cũng có một chiếc xe ô tô trông có vẻ sang trọng đi vào.



Người tài xế hôm qua đã mắng tôi, hôm nay đến đón tôi sang nhà bên ấy.



Trên đường đi, chú ấy cứ thỉnh thoảng liếc tôi qua gương chiếu hậu mãi, tôi biết chú ấy không có ý xấu nên mở miệng hỏi:

- Chú muốn hỏi cháu chuyện gì à?

- À… xin lỗi cô.



Chuyện hôm qua ấy, tôi không biết cô là mẹ của Trường An nên có hơi bất lịch sự, xin lỗi cô.

- Không có gì, lỗi cũng tại cháu.



Hôm qua cháu không bình tĩnh làm ảnh hưởng đến chú, cháu phải xin lỗi mới đúng.

- Không đâu.



Đã là mẹ của Trường An thì cũng như chủ nhà, tôi chỉ là tài xế của gia đình thôi.



Không phải xin lỗi tôi đâu.



- À…, chú đừng khách sáo, cháu chỉ là người ngoài thôi ạ.



Chú làm cho gia đình cháu chắc cũng gặp Trường An rồi đúng không ạ?

- Vâng.



Con bé nhìn rất giống bố, giống bác cả nữa.

Tôi đoán “bác cả” mà tài xế nói chính là Huy, con bé là cháu của anh ta thì giống anh ta cũng là bình thường nên tôi không để ý, chỉ hỏi:

- Thế chú có biết Trường An mấy hôm rồi thế nào không ạ? Con bé có ngoan không ạ?

- Cũng ngoan… nhưng trẻ con mà, mới đến nên chắc cũng hơi lạ nhà.

- Vâng.



Cháu cảm ơn chú.

Một lúc sau, xe dừng ở một ngôi biệt thự rất to trong khu đô thị dành riêng cho giới nhà giàu.





Đi từ ngoài vào đã thấy nhà họ rất rộng, xung quanh có hẳn một sân vườn trồng rất nhiều loại hoa, đi vào bên trong còn thấy hào nhoáng hơn nữa, hào nhoáng đến mức tôi cảm thấy choáng ngợp.

Nhưng lúc ấy tôi chẳng có tâm trí nào để thưởng thức, chỉ muốn tìm con thôi, có điều vừa mới đặt chân xuống khỏi xe đã có một người giúp việc ra đón.



Chị ấy thấy tôi thì nở một nụ cười hiền hòa:

- Chị là mẹ của Trường An phải không?

- Vâng ạ.



Em là mẹ của con bé, chào chị ạ.

- Mời chị vào bên trong, ông chủ với mọi người đang chờ trong phòng khách.

- Vâng.

Tôi được dẫn vào một căn biệt thự, mọi thứ ở đây đều xa xỉ đến mức tôi bước đi cũng phải dè dặt, khi vào đến bên trong, nhìn thấy những người đang chờ mình ở phòng khách, áp lực của tôi lại càng nặng nề hơn nữa.

Ngồi ở chính giữa là một người đàn ông khoảng hơn 70 tuổi, phong thái rất uy nghiêm, bên cạnh còn có một nam một nữ ngồi ở sofa dài, có vẻ là một cặp vợ chồng.



Tôi không thấy Huy ở đây nên hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn lịch sự cúi đầu chào:

- Cháu chào bác, chào mọi người ạ.

Không một ai lên tiếng đáp lại, chỉ có sáu ánh mắt nhìn chòng chọc tôi.



Mãi sau, người phụ nữ trông sang trọng kia mới nói một cách đầy mỉa mai:

- À, thì ra đây là mẹ của Trường An.

- Vâng.



Tôi là mẹ của Trường An.

Lúc này, người đàn ông lớn tuổi mới cầm cây gậy trên tay chỉ vào một chiếc ghế ngay gần tôi:

- Ngồi đi.

- Vâng.

Tôi nghèo, không có đủ tự tin khi đối diện với những người giàu, ngồi ghế nhà họ cũng không thoải mái chút nào.



Mà ông cụ kia cũng chẳng buồn bận tâm đến cảm xúc của người lạ là tôi, lúc tôi vừa ngồi yên vị xong đã nói thẳng:

- Tôi nghe Huy nói về chuyện của cô rồi.



Chắc hôm nay gọi cô đến đây vì lý do gì, cô cũng biết rồi phải không?

- Vâng, cháu có nghe anh Huy nói rồi ạ.

- Tôi là bố của Tuấn, tức là ông nội của con gái cô nhỉ?

- À… dạ vâng.

- Mọi chuyện thì cô đã làm việc với luật sư của tôi rồi, không cần phải nói lại nữa.



Bây giờ cô đã đến đây thì tôi cũng nói thẳng luôn thế này.



Con bé là con của thằng Tuấn, là cháu của nhà tôi, nó phải ở đây để nhà tôi nuôi dưỡng.



Việc cô tự sinh nó ra, gia đình tôi không nhắc đến nữa, gia đình tôi sẽ đưa cho cô một khoản tiền coi như bồi thường cho cô.



Từ bây giờ Trường An thuộc về nhà tôi.

Tôi siết thật chặt tay, chặt đến nỗi các đầu móng tay bấm sâu vào da thịt.



Rõ ràng trong lòng lúc ấy rất muốn nói “Trường An là của cháu”, nhưng lại không thể thốt ra những lời như vậy.



Cuối cùng đành mím môi gật đầu:

- Vâng.


Thấy tôi chịu nghe lời, ông cụ có vẻ hài lòng, tiếp tục nói:

- Tạm thời, thời gian đầu nó chưa quen nên gia đình nhà tôi đồng ý cho cô đến để chăm sóc Trường An một thời gian, đợi đến khi nó quen rồi cô có thể đi.

- Vâng, cháu sẽ ở đây chăm sóc cho đến khi con bé quen.

- Ở nhà tôi có một số phép tắc, tý nữa sẽ có người nói cho cô biết.



Cô không ở đây lâu nhưng môi trường sống của cô khác cuộc sống ở nhà tôi, nếu đã đến đây thì ít nhiều gì cũng nên biết.



Ở đây, không thể thích làm gì thì làm giống như ở nhà cô được.

- …

- Bắt đầu từ ngày mai Trường An sẽ đi học ở trường mới, tôi đã sắp xếp cho nó đi học các lớp học năng khiếu và lễ nghi.



Nhiệm vụ của cô là chăm sóc cho con bé, dỗ nó ăn và ngủ.



Ngoài ra, cô không được phép tiêm nhiễm vào đầu con cô những thứ vớ vẩn.

- Vâng.



- Cô yên tâm, nhà tôi sẽ không để cô chăm sóc con bé không công đâu, sẽ trả thù lao cho cô xứng đáng.



Nhưng nếu để gia đình tôi biết cô muốn mang nó đi, hoặc là dạy nó chống đối nhà tôi, tôi sẽ không để yên.

- Vâng, cháu chỉ muốn chăm sóc con bé, đợi con bé làm quen với cuộc sống mới rồi sẽ đi.



- Được rồi.

Ông nội của Bí Ngô vẫy tay, gọi một người giúp việc gần đó lại rồi dặn dò:

- Dẫn mẹ của Trường An sang biệt thự phụ đi

Sau đó, tôi được người giúp việc ban nãy dẫn đến một căn biệt thự khác nằm ngay sát cạnh biệt thự chính, nói chung càng đi mới biết nơi này thực sự rất rộng, nhà ở được chia thành hai khu.



Ban nãy tôi nói chuyện với người nhà họ ở khu chính, bây giờ được dẫn sang khu còn lại để nhận phòng.

Trên đường đi, tôi có hỏi người giúp việc kia:

- Chị ơi, con gái của em bây giờ ở đâu ạ?

- À, con bé được đưa về khu bên này rồi, phòng nó ở ngay sát phòng chị.



Chị cứ đi theo tôi, tý nữa là được gặp con thôi.

- Vâng.

- Tôi tên Oanh, bình thường tôi phục vụ ở khu bên này, từ giờ nếu chị cần gì thì cứ bảo tôi nhé.

- Vâng, em tên Chi.



Chắc em kém tuổi chị, chị cứ gọi em là em thôi.

- Sao thế được, chị là mẹ của Trường An mà.



Bây giờ Trường An cũng là chủ nhà, người giúp việc như tôi không được phép gọi ngang.

- Em không phải là chủ nhà đâu, em chỉ đến một thời gian thôi.



Chị cứ gọi em là em thôi ạ.

Chị Oanh hơi ngại ngùng, nhưng thấy tôi cứ bảo như vậy, cuối cùng đành cười cười gật đầu.



Chị ấy dẫn tôi lên tầng 2 của biệt thự phụ, mở cửa một phòng rồi bảo:

- Trường An đang ở bên trong, em vào đi.

- Vâng.

Lúc tôi đi vào mới thấy con bé đang ngồi trên giường, vẻ mặt buồn thiu, bên cạnh có hai người giúp việc đang bưng một bát thức ăn và đồ chơi để dỗ dành nhưng Bí Ngô vẫn im lặng cúi đầu, không chịu ăn cũng không chịu chơi.



Nhìn thấy con, nỗi nhớ nhung suốt mấy ngày qua phút chốc vỡ òa ra, vội vàng vứt túi đồ xuống đất rồi chạy về phía con:

- Bí Ngô ơi!

Nghe thấy tiếng tôi, con bé giật mình ngẩng đầu lên nhìn, vừa thấy mẹ thì lập tức mếu máo khóc òa lên:

- Mẹ ơi, mẹ ơi, con ở đây, Bí Ngô ở đây này.

Con bé cũng nhảy từ trên giường xuống rồi chạy lại chỗ tôi, hai mẹ con vừa lại gần, tôi đã ôm chầm con vào trong lòng.



Con bé chắc phải rất sợ hãi cho nên bàn tay nhỏ của nó túm tôi rất chặt, miệng liên tục nói:


- Mẹ ơi, Bí Ngô sợ lắm, mẹ đưa Bí Ngô về nhà với bà đi, Bí Ngô sợ lắm, Bí Ngô muốn ở với mẹ cơ.

- Không sợ, không sợ, có mẹ đây rồi, mẹ ở đây với Bí Ngô rồi, mẹ không để Bí Ngô ở một mình nữa.



Nín đi con, mẹ thương, mẹ thương.

Tôi dỗ con là dỗ vậy thôi chứ tôi còn khóc nhiều hơn con bé, đây là lần đầu tiên hai mẹ con tôi xa nhau, mà xa nhau theo một cách đột ngột và bị ép buộc thế này nên cả tôi và con đều rất sợ hãi.

Tôi ôm con một lúc, dỗ dành con bé đến tận khi nó chịu nín mới kéo Bí Ngô ra để nhìn con.



Bấy giờ mới thấy mặt con bé hốc hác, chắc mấy ngày rồi khóc nhiều nên hai mắt sưng húp, đôi môi nhỏ xíu cũng khô nứt hết cả ra.

Nhìn con như vậy, cuối cùng thì tôi mới hiểu tại sao Huy lại dễ dàng đồng ý cho tôi đến đây, hóa ra là vì Bí Ngô khóc nhiều, không chịu ăn cũng không chịu chơi, mới có mấy ngày thôi mà người con bé đã gầy rạc đi thế này, có lẽ anh ta sợ kéo dài thì Bí Ngô sẽ không chịu nổi.

Tôi thương con đến đứt ruột, nhưng không còn cách nào cả, chỉ có thể tiếp tục kéo con vào lòng ôm:

- Bí Ngô ngoan, mẹ đến rồi thì đừng khóc nữa, khóc xấu lắm.



Mấy ngày vừa rồi Bí Ngô có nhớ mẹ không? Có ngoan không?

- Bí Ngô nhớ mẹ lắm.



Nhưng mà Bí Ngô không ngoan, vì Bí Ngô khóc nhè.

- Hôm nay có mẹ ở đây rồi nên Bí Ngô không được khóc nữa nhé, sưng hết mắt lên rồi, giống con mèo ngao, xấu lắm.

- Vâng.





Có mẹ rồi Bí Ngô không khóc nữa đâu.

Mới có mấy ngày mà tôi có cảm giác như trôi qua nửa đời người, lúc này, trong phòng không có người lạ nữa nên tôi cứ ôm con thủ thỉ hỏi chuyện này chuyện kia, hỏi Bí Ngô ở đây ra sao, những người trong nhà đối xử với con thế nào.



Con bé kể chuyện một hồi, cuối cùng mệt quá mới thiếp đi trong vòng tay tôi, còn tôi thì cứ ngồi vuốt tóc con mãi.



Thương con, xót con, muốn đem con đi khỏi đây nhưng tạm thời chưa nghĩ ra cách nào cả, chỉ có thể ôm Bí Ngô trong lòng thật chặt để cảm nhận rõ hơn việc mình vẫn chưa xa con mà thôi.

Cả ngày hôm ấy, tạm thời bên biệt thự phụ này chỉ có vài người giúp việc nên tôi có thể thoải mái chơi với Bí Ngô, dỗ con ăn, bế con đi loanh quanh trong nhà, thậm chí hát cho Bí Ngô nghe mấy bài nó thích.



Con bé có mẹ nên chịu ăn chịu chơi, ngoan đến nỗi mấy người giúp việc cũng tấm tắc nói:

- Trường An ngoan thế này kiểu gì ông nội với bác cả cũng yên tâm cho mà xem, mấy hôm rồi ai cũng sốt ruột.



Có mẹ đến cái vui vẻ hẳn.

Tôi mỉm cười nói “Vâng” một tiếng, còn Bí Ngô thì hào hứng đi khoe mẹ với khắp mọi người quanh nhà.



Tôi để ý ở nơi này ít người giúp việc hơn bên khu chính, cả ngày trời cũng chỉ gặp đúng ba người giúp việc.



Mọi thứ đồ đạc ở đây cũng rất đơn giản, thậm chí là tối giản đến mức sơ sài, khác hẳn vẻ hào nhoáng ở biệt thự bên kia.



Thứ thu hút nhất ở đây có lẽ chỉ là một bể cá Koi lớn ở bên hông nhà, và mấy chậu sen hồng đang vào mùa nên tỏa ra mùi hương rất thơm.



Chẳng biết ai sống ở đây, nhưng gu thẩm mỹ đúng là kỳ lạ thật đấy!

Tối hôm đó, có tôi ngồi cạnh nên Bí Ngô ăn hết hai bát cơm, còn uống thêm một bát canh đầy.



Chín giờ tối, lúc tôi kể chuyện để dỗ Bí Ngô đi ngủ, nó cứ ôm tôi cười khúc khích:

- Mẹ kể chuyện hay quá, chẳng như bác Huy gì cả.

- Bác Huy hay kể chuyện cho Bí Ngô hả?

- Không ạ, bác Huy không kể chuyện, chỉ bảo con "ngủ đi".

- Mấy hôm nay bác Huy dỗ Bí Ngô đi ngủ à?

- Vâng ạ.



Nhưng con khóc nhiều quá nên bác Huy dọa con, bác Huy nói nếu khóc nữa là không cho gặp mẹ nữa.



Thế nên tối hôm qua con không khóc.

Tính khí anh ta đúng là cộc cằn, ngay cả đối với trẻ con cũng chẳng có một chút dịu dàng nào.



Nhưng dù sao cũng là bác của con tôi, tôi không thích gieo những điều xấu vào đầu con trẻ nên vẫn cười bảo:


- Bác Huy nói đùa đấy, hôm nay bác Huy cho Bí Ngô gặp mẹ rồi này.

- Nhưng mẹ ơi, sao bố ngủ mãi thế hả mẹ?

Nghe con nhắc đến bố, trong lòng tôi bất giác trở nên xót xa vô vàn.



Tôi cúi đầu thơm lên trán con, khẽ nói:

- Bí Ngô gặp bố rồi à?

- Vâng ạ.



Ông nội dẫn con đến gặp bố, nhưng bố cứ ngủ mãi thôi.

- Bố đang ốm, đợi lúc nào bố dậy thì bố chơi với Bí Ngô nhé.

- Vâng ạ.

- Được rồi, giờ nhắm mắt ngủ thôi.

Dỗ con ngủ xong đến lượt tôi thao thức không tài nào chợp mắt được, thứ nhất là lạ nhà lạ giường, thứ hai vì lòng ngổn ngang rất nhiều chuyện nên không ngủ nổi.

Mười hai giờ đêm, tôi nghe tiếng bước chân đi lên tầng hai, sau đó loáng thoáng nghe tiếng chị Oanh giúp việc nói:

- Cậu về rồi ạ?

- Vâng.



Bí Ngô ngủ rồi hả chị?

- Vâng, hôm nay có mẹ nên con bé ngoan lắm, ăn hết hai bát cơm rồi đi ngủ rồi ạ.

- Ngủ ở phòng nào?

Giọng của chị Oanh thoáng ngập ngừng:

- Ngủ ở… phòng giữa ạ.



Tôi không thấy cậu dặn việc có cho Bí Ngô ngủ với mẹ không, thấy con bé cứ quấn mẹ quá nên để Bí Ngô ngủ luôn phòng bên ấy ạ.

Anh ta không trả lời nữa, nhưng sau đó tôi nghe có tiếng cửa phòng ngay sát bên phòng mình đóng lại, lúc ấy mới biết hóa ra Huy cũng ở bên biệt thự phụ này, và chắc hẳn anh ta ở ngay sát phòng tôi.

Thì ra, người có gu thẩm mỹ quái gở mà tôi đã thắc mắc hồi chiều hóa ra là anh ta.



Một tổng giám đốc điều hành cả tập đoàn lớn, một người mà theo lời luật sư Vinh nói là người quyết định những việc chính trong gia đình, vậy mà tại sao lại sống khác hẳn những người còn lại ở biệt thự bên kia nhỉ? Lẽ ra giàu như anh ta phải sống xa hoa như bọn họ mới đúng.

Tôi nghĩ ngợi một hồi, sau cùng chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.




Ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy từ sớm nhưng có người còn dậy sớm hơn tôi, khi tôi dắt Bí Ngô xuống nhà thì Huy đã đi làm rồi, ở dưới phòng ăn chỉ có mấy người giúp việc đang dọn ly café mà anh ta vừa uống.

Bí Ngô ăn sáng xong, lại có tài xế đưa đi học, tôi ở nhà không biết làm gì nên tôi lăng xăng phụ mấy người giúp việc trong nhà làm thứ này thứ kia, đang chuẩn bị thức ăn cho bữa trưa thì người phụ nữ hôm qua tôi đã gặp ở nhà chính đi tới.

Cô ta vẫn liếc tôi bằng ánh mắt coi thường như thế, nhưng không buồn nói chuyện với tôi mà lại gọi chị Oanh:

- Chị Oanh.

- Vâng, cô Phương.

- Chị đã nói cho cô ta biết phép tắc nhà này chưa?

- À… hôm qua nhiều việc quá nên tôi chưa nói, tôi đang định đến buổi trưa sẽ nói lại với cô Chi.

- Chị xưng hô cho đúng vào.





Cô nào ở đây? Nhà này quy định gọi "cô" đối với người trong nhà hoặc khách quý, không phải khách quý thì ít nhất cũng phải là người sang, xứng đáng với cái danh xưng "cô" đấy.



Một đứa con gái xuất thân thấp kém lại chả liên quan gì đến nhà tôi mà chị gọi cô là thế nào.



Gọi lại cho tôi xem.

Chị Oanh quay sang nhìn tôi, mặt mày lộ rõ vẻ khó xử, nhưng không thể cãi cô ta để bênh vực một đứa mới chân ướt chân ráo đến nhà như tôi được, cho nên đành nói:

- À vâng, đến buổi trưa tôi sẽ nói lại với chị Chi ạ.

- Đấy, phải thế.



Mà cái con bé này chắc kém tuổi chị đấy, cứ gọi bình thường như giúp việc trong nhà thôi.



Nó chẳng qua cũng chỉ lừa được anh Tuấn lên giường rồi đẻ ra con bé Trường An, có phải cô hai nhà này đâu mà phải khách sáo.

Nghe cô ta móc mỉa thế, tôi rất bực mình, nhưng vì nghĩ mình đang ăn nhờ ở đậu nhà người ta, với cả cô ta cũng coi như là chủ cái nhà này, không động đến thì khỏi phiền phức, thế nên tôi chỉ lặng lẽ đứng dậy định đi chỗ khác.

Thế nhưng cô ta thì không chịu để yên cho tôi, khi tôi vừa đi được vài bước đã bị gọi giật lại:

- Này.

- …

- Này con bé kia.



Mẹ của Trường An.

Tôi cố nín nhịn, quay đầu lại đáp:

- Chị gọi tôi à?

- Thế không thì mày nghĩ tao gọi ai? Chẳng lẽ tao đẻ ra con bé lạc loài đó à?

- Này, chị dù gì cũng là thím của Trường An, chị không nên nói năng như thế với một đứa bé 4 tuổi.

Thấy tôi phản ứng, vẻ mặt của cô ta sượt qua vẻ bất ngờ, thế nhưng ngay sau đó lại lập tức vênh váo bảo tôi:

- Tao nói không đúng à? Người ta có bố mẹ cưới xin đàng hoàng, đằng này mày với anh Tuấn đến đăng ký kết hôn còn không có, con bé đó chỉ là con rơi con vãi bên ngoài, may mà gặp thời nên mới được đón về nhà này.



Không gọi là lạc loài thì gọi là gì?

- Cùng là con người với nhau, theo chị lạc loài là loài nào? Con bé cũng có mắt ngang mũi dọc, đầy đủ hai tay hai chân, nó khác chị chỗ nào mà chị bảo nó lạc loài?

Tính tôi xưa giờ rất hiền, bị bắt nạt thế nào cũng vẫn im lặng chịu đựng, nhưng động đến con tôi thì tôi sẵn sàng xù lông nhím lên, tôi sẵn sàng đối chọi với tất cả để bảo vệ con.



Không ai có quyền xúc phạm con gái tôi cả.

Phương nghe tôi nói một câu như thế thì trợn mắt trừng tôi vài giây, lát sau, mới nghiến răng bảo tôi:

- Biết tại sao tao gọi là lạc loài không? Vì con cháu nhà này toàn có bố mẹ tử tế cả.



Gen tốt thì đẻ con ra cũng là gen tốt.



Còn mày, anh Tuấn làm gì thèm ngó ngàng đến cái loại quê mùa như mày, chắc là mày giở trò gì đó để lừa úp sọt ông ấy, muốn có bầu để ôm mộng được bước chân vào nhà giàu chứ gì? Anh Tuấn mà còn khoẻ mạnh thì còn lâu mới thèm nhận con bé Trường An, mày cũng không bao giờ được đặt chân đến đây.



Ở đây trước giờ không có chỗ cho bọn nhà quê, mẹ con mày đến đây chẳng phải lạc loài thì là gì?

- Nếu cô thấy mẹ con tôi lạc loài, hay là nói giúp với ông nội và bác cả của Trường An để cho mẹ con tôi đi khỏi đây đi.



Về đúng chỗ của mẹ con tôi, đỡ mất công cô phải thấy người lạc loài ở đây.

Lần này thì cô ta cứng hỏng hẳn, bởi vì tôi biết, Phương sẽ không dám đuổi mẹ con tôi đi.



Con bé bây giờ là máu mủ duy nhất của Tuấn, chắc hẳn cũng phải quan trọng đối với gia đình nhà họ, cho nên cả ông nội và bác cả của nó mới đồng ý cho một kẻ "lạc loài" như tôi đến đây.

Chị Oanh thấy tôi với cô ta mới đụng mặt đã căng thẳng nên vội vã lên tiếng giảng hoà:

- Đứng dưới bếp này mùi thức ăn ám vào người lắm, hay là cô Phương lên phòng khách ngồi, tôi pha trà mang lên mời cô uống nhé?

- Khỏi, nhìn thấy mặt cái con này là trà nào cũng không thấy ngon.



Chẳng biết anh cả nghĩ gì lại cho loại người như nó đặt chân đến nhà này nữa.



Trên đời này thiếu gì người chăm được con bé kia, khóc lóc mấy ngày thôi, có gì đâu mà phải làm quá lên, đưa cả cái con nhà quê này đến đây.

- Trẻ con mà, có mẹ vẫn tốt hơn chứ.



Với cả cậu cả đi làm cả ngày đã mệt rồi, buổi tối Trường An khóc như thế làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của cậu ấy, việc này cũng vì sức khỏe của cả gia đình mà.



Thôi, cái Chi có gì không biết thì để tôi nói em ấy dần dần, em ấy chưa tiếp xúc với môi trường sống của nhà mình bao giờ nên chưa quen.



Với cả có khi cũng chưa biết cô là ai nên mới thế.

Cô ta thích được nịnh, nghe thế lại vênh mặt lên nói:

- Chị dạy bảo nó cho đàng hoàng vào, nhớ nói cho nó biết rõ tôi là ai để nó được mở mang tầm mắt.



Hôm qua bố tôi đã nói rồi đấy, đã đến đây thì không có chuyện thích sống vô phép vô tắc như lúc ở nhà nó được đâu, nếu không nghe lời thì cứ tống nó ra khỏi cửa.

- Vâng, tôi biết rồi ạ.

Phương hừ lạnh một tiếng, lúc đó mới chịu thôi.



Trước khi rời khỏi, cô ta còn lườm tôi một cái:

- Mày không phải thách đâu, không sớm thì muộn rồi mày cũng phải cuốn xéo ra khỏi đây thôi.



Mà tao có lòng tốt nhắc nhở cho mày biết này, đừng tưởng anh cả bảo mày đến nghĩa là có ông ấy che chở cho mày, sống với anh cả còn khó sống hơn cả với tao đấy.



Cố mà chịu nhé..