Tung Hoành Nam Hạ

Tung Hoành Nam Hạ - Quyển 1 Chương 18: Là Nàng, Chính Là Nàng




“Tiểu nữ tài thô học thiển, đã làm mọi người chê cười rồi.”

“Thanh Nhã cô nương tự hạ thấp bản thân của mình rồi.”

“Đúng đó, nữ nhân tài cao học rộng như Thanh Nhã cô nương đây, ở Cổ thành này có được mấy người chứ?”

Nghe mọi người trầm trồ khen ngợi, Thanh Nhã cô nương kia mỉm cười khách sáo một phen, nhưng cái kế lấy lui làm tiến của nàng lại càng cao thâm hơn. Chỉ một câu khiêm nhường như thế lại làm cho mọi người trên lầu ba này thán phục không thôi, lại càng tán thưởng cô nhiều hơn. Bạch Vân cười khổ lắc đầu, ở kiếp trước gã đã thấy qua nhiều người nói chuyện cái kiểu “đón trước rào sau”, giả vờ khiêm tốn, giả vờ tự ti nhưng thật sự đều là những kẻ tự cao tự đại, chẳng xem ai ra gì cả. Cái câu “khiêm tốn là vốn của tự cao” chẳng phải là tự nhiên mà có.

“Nhà vàng nhân gian thơ hay đối đẹp…”

Một gã công tử xòe cây quạt trên tay ra, bỗng nhiên gã đứng lên nhìn khắp gian phòng. Mọi người liền yên lặng, biết gã muốn nói gì đó nên đều yên lặng chờ gã. Gã nhìn những bức tranh sơn thủy, những câu đối, câu thơ treo trên phòng một lượt rồi nhìn chăm chú về phía Thanh Nhã đang ngồi trên bàn chính diện kia, ra một câu đối.

“Ngân hà thượng giới đêm vượt hai sao.”

Thanh Nhã mỉm cười, nàng nhẹ nhàng đáp. Câu đối vừa ra thì tiếng vỗ tay vang lên như tiếng pháo. Mọi người đều gật đầu khen hay. Gã công tử kia cũng khẽ biến sắc mặt, nàng ta đối rất nhanh làm gã không kịp ứng phó. Gã xếp chiếc quạt lại, vừa suy nghĩ vừa chắp tay sau lưng. Khoảng một khắc, gã nhìn Thanh Nhã cười:

“Sân thi lễ lời ca yểu điệu…”

“Bút uyên ương gợi mở kinh luân.”



Thanh Nhã không làm gã thất vọng, câu đối vừa ra thì nàng liền đáp.

“Hihi, Thanh Nhã này đúng là không tầm thường, tỷ tỷ thấy: với cái dáng vẻ ung dung của nàng thì thấy mấy gã công tử nơi này chắc chẳng làm nàng nhíu đôi chân mày đâu.”

“Qủa thật đối rất hay, nàng vừa nghe đã đáp liền, hẳn là tài học rất cao.”

“Hihi, Bạch Vân - tiểu đệ của ta đang trên đường lên kinh thi trạng nguyên, nếu hắn có ở đây thì sẽ thú vị lắm.”

“Tiểu đệ cũng mong có một ngày hội ngộ cùng vị tiểu đệ của tỷ tỷ một phen.”

Bạch Vân nghe Kiều Tam Nương nói móc cũng cười khổ, quả nhiên lòng dạ đàn bà thật không rộng lượng tí nào cả, chuyện nhỏ thế kia mà vị tỷ tỷ này cứ để trong lòng. Gã nghe hai người đối câu nãy giờ tuy cũng không thông lắm, nhưng thấy Thanh Nhã kia thần thái nhàn nhã trả lời thì gã cũng thay đổi cách nhìn về nàng. Tuy nàng tự cao tự đại nhưng quả thật nàng có cái vốn để mà tự cao. Gã thấy nàng dùng “ngân hà” để đối với “nhà vàng”, “thượng giới” để so sánh với “nhân gian” thì thán phục vô cùng. Ở kiếp trước, môn Văn gã không giỏi nhưng không bao giờ bị dưới trung bình. Đây cũng là cái vốn của gã.

“Gió thổi hương cần đến vườn đẹp…”



Thấy gã công tử kia đỏ mặt tía tai vẫn chưa nghĩ ra được thêm một câu đối nào. Một gã trung nhân cũng đứng dậy, chắp tay chào Thanh Nhã cô nương một cái rồi ra câu đối.

“Trăng rời bóng quế rợp cung đàn.”

Thanh Nhã nhĩ ngợi một lúc liền đáp, cả thán phòng lại một tràng náo nhiệt, tán thưởng cũng có, thán phục cũng có. Nhưng trong lòng mọi người lại nghĩ: mãi như thế này có nhàm chán quá không?

Sau những tràng vỗ tay, những tiếng nghị luận thì hồi lâu không có ai ra câu đối cả. Gian phòng trở nên yên tĩnh một cách huyền diệu, mọi người đều cố gắng suy nghĩ để ra câu đối thật hay, trổ tài văn chương trước mặt giai nhân.

Có một vị công tử mặc y phục trắng, trên áo có thêu hoa văn đen bây giờ mới đứng lên, cục diện bây giờ chính là đúng theo mong muốn của hắn. Hắn muốn một mình trấn áp anh tài trên lầu ba và đây là thời điểm thích hợp nhất, giai nhân cũng sẽ chú ý đến hắn nhiều hơn. Gã nhìn quanh phòng một lượt rồi từ từ ngâm:


“Bút giỏi đề thơ trên lá thắm…”

“Công tử quá khen, tiểu nữ chỉ là múa rìu qua mắt thợ mà thôi, xin đối là: nhà hoa ngâm vịnh khúc rau tàn.”

Sau những tiếng vỗ tay tán thưởng, vị công tử kia lại nhàn nhã ngâm:

“Trăm thước lụa tơ vui uỷ thác…

Ngàn năm cầm sắt vẫn giao hòa.”

“Gió xuân bông liễu bay đôi yến…

Mưa tối đèn xanh vạn quyển hay.”



Hắn ra ba câu, Thanh Nhã cũng đáp ba câu, khuôn mặt hắn bây giờ lúc trắng lúc xanh, hiển nhiên đang ở thế khó, đối tiếp thì không được mà lui xuống thì còn đâu là mặt mũi nữa. Nhìn hắn như vậy mọi người cũng cười thầm, trong lòng lại vui sướng khi thấy người gặp họa.

Lúc này Nguyễn Thanh đứng lên, hắn chắp tay chào mọi người và Thanh Nhã cô nương một lượt, rồi mỉm cười nói: “huynh đài đây đã ra ba câu đối, không phải cũng nên nhường cho tại hạ thử sức một phen hay sao?” Bạch Vân cùng Kiều Tam Nương cũng kinh ngạc, không ngờ Nguyễn Thanh này cũng háo thắng, háo danh như thế. Phải biết, nếu có thể đối thắng Thanh Nhã kia thì sẽ nổi tiếng khắp vùng Cổ thành này. Chuyện đối câu làm thơ, mọi người nơi đây đã sớm truyền tai nhau, Thanh Nhã lâu này thanh danh bỗng dưng lên cao là nhờ thế.

“Nếu vị công tử đây đã muốn thử một phen thì ta cũng đành nhường lại cho công tử thử sức vậy.” vị công tử trên áo có thêu hoa văn đen kia thấy có dịp rút lui an toàn thì mừng rỡ nhưng lại làm vẻ không nỡ, tặc lưỡi tiếc nuối không thôi. Mọi người thấy vậy cũng lắc đầu, tên này da mặt thật dày hơn da trâu.

“Thanh Nhã cô nương đối câu rất hay, Nguyễn Thanh ta rất thán phục.”


“Công tử không nên đề cao Thanh Nhã, chỉ là may mắn mà thôi.”

“Haha, bất quá nãy giờ cũng nhàm chán, ta nghĩ hay là Thanh Nhã cô nương đưa ra câu đối cho không khí thay đổi một chút, nên chăng?”

“Ồ” mọi người nhìn nhau ồn ào bàn tán, ngạc nhiên nhìn vị công tử tự xưng là Nguyễn Thanh kia. Mọi người nhìn hắn không phải vì cái giọng nghèn ngẹn không hợp chút xíu nào với cái dáng vẻ anh tuấn của hắn mà là vì cái chủ ý lấy khách làm chủ của hắn. Bất quá có kẻ cho rằng hắn quá kiêu ngạo rồi, đối câu không phải là còn khó hơn rất nhiều so với việc ra câu đối hay sao? Nhưng cũng có kẻ âm thầm gật đầu vì ý tưởng của hắn. Bọn họ cảm thấy: bây giờ “món ăn chính” mới chính thức được mang lên, nãy giờ chỉ là “món khai vị” mà thôi.

“Nếu công tử có ý định như vậy thì Thanh Nhã không thể không phụng bồi rồi.”

“Mời Thanh Nhã cô nương ra câu đối.”

Trong lòng Thanh Nhã thầm thấy vị công tử này thú vị, bất quá chỉ là thú vị mà thôi. Mục đích của nàng là đang chờ “con cá lớn” của mình, thời gian gần hai tháng rồi mà nàng vẫn chưa tìm ra kẻ muốn tìm. Nàng đã bắt đầu mất kiên nhẫn: “phải chăng hắn không ở Cổ thành này?”. Suy nghĩ chợt lướt qua trong đầu liền bị nàng gạt đi. Nàng mỉm cười, nhàn nhạt thốt:

“Giáp tý vừa qua, qua giáp tý.”

Mọi người nghe thế liền khen hay, có người nghe xong liền nhíu mày ra chiều suy nghĩ. Muốn đối một câu đơn giản như vậy quả thật khó cũng không khó mà dễ cũng không dễ.

“Hihi, tự chuốc phiền não, tiểu đệ có thể đối được không?”

“Tỷ tỷ nói đùa, tiểu đệ đối với văn thơ không có hiểu biết lắm. Bất quá tiểu đệ nghĩ Nguyễn Thanh kia không giống một kẻ thùng rỗng kêu to.”


Nhìn Nguyễn Thanh vừa nghe câu đối đã nhíu mày, Kiều Tam Nương lắc đầu, tuổi trẻ thật là háo thắng, nàng cũng từng trải qua cái tuổi này, nàng trông thấy Nguyễn Thanh mà nhớ lại bản thân mình ngày xưa. Nàng ao ước cái tuổi thanh xuân kia có thể quay trở lại, nhưng làm gì có cái chuyện như thế chứ. Thời gian là thứ không bao giờ có thể quay trở lại được.

Nguyễn Thanh cũng giống như mọi người trong gian phòng, đều nhíu mày suy nghĩ. Hắn đi qua đi lại mấy vòng rồi bỗng nhiên tươi cười, nhìn Thanh Nhã nói:

“Tại hạ tự bêu xấu một phen, xin đối là: xuân thu mấy độ, độ xuân thu.”

Câu nói vừa dứt thì Thanh Nhã liền vỗ tay, mọi người cũng vỗ tay theo. Quả nhiên đối rất hay, rất hợp ý. Mọi người không còn dám xem thường vị công tử này nữa, trong lòng thán phục vô cùng.

“Hừ” vị công tử trên áo thêu hoa văn đen rất khó chịu, hắn xòe quạt ra quạt liên tục, như cho vơi bớt cái nộ khí trong người hắn. Nguyễn Thanh tuy giúp hắn giữ lại thể diện, nhưng cục diện bây giờ thì Nguyễn Thanh kia quá nổi bật, thật sự là chuyện mà hắn không muốn nhìn thấy.



“Công tử đối rất hay, Thanh Nhã xin ra câu tiếp theo: bút nhờ gió ấm tô mày đẹp.”


Sau một lát suy nghĩ, Nguyễn Thanh đáp: “lan tốt bên thềm mộng toả hương.”

Mọi người vô cùng thán phục, bây giờ chỉ chăm chú nghe hai người đối đáp, thưởng thức cái ý hay cảnh đẹp trong câu đối của hai người. Kiều Tam Nương cùng Bạch Vân cũng say sưa lắng nghe, tuy không hiểu lắm nhưng cũng thấy là có gì đó khớp khớp, thích hợp.

Đối thêm hai câu nữa thì Nguyễn Thanh lại muốn ra câu đối cho Thanh Nhã, mọi người lại trầm trồ một phen. Tối nay thật may mắn là đã đến Thanh Nhã lâu, được chứng kiến một màn đặc sắc như thế này quả nhiên không uổng phí.

“Tại hạ xin ra câu đối là: chính khí cao vời miền đất Bắc.”

“Cảnh sắc còn mãi đất phía Nam.”



Thanh Nhã cau mày đáp, nàng cau mày không phải vì câu đối kia có thể làm khó dễ nàng. Mà bởi vì nàng hoài nghi về thân phận kẻ này. Kẻ này sao lại đề cao miền bắc như thế, phải chăng là người trong hoàng tộc, hoặc giả là nhân sĩ ở miền bắc vào đây muốn thi thố tài năng.

Nguyễn Thanh nghe Thanh Nhã đối thì nhíu mày, lại ra câu đối:

“Đã nhàm câu nói: xưa nay hiếm.”

Thanh Nhã nghiêm mặt, chăm chú nhìn Nguyễn Thanh đáp: “hào kiệt ngày nay đã lắm người.” Như muốn khẳng định suy nghĩ của mình, nàng không chờ Nguyễn Thanh ra câu đối, liền ra câu đối trước: “đừng ngại đường khách ba ngàn xa.”

Nguyễn Thanh cười nửa miệng, cũng nhìn thật sâu Thanh Nhã: “nên biết trên đời bảy chục hiếm.”

Nghe hai người đối đáp mà như sắp đánh nhau đến nơi thì mọi người cũng chẳng hiểu tại sao cả, bất qúa mọi người mới vừa có một chút thiện cảm với Nguyễn Thanh thì một chút đó liền nhanh chóng bị tan biến bởi câu đối của hắn. Câu đối của hắn rất phù hợp nhưng lại quá đề cao vùng đất phía bắc, mọi người ở đây đa số là người sinh sống ở miền nam, thấy vậy liền không vui, nhìn chằm chằm vào hắn.

Thấy Thanh Nhã định ra câu đối nữa thì Bạch Vân liền đứng lên, mà hành động của gã lại làm mọi người chú ý. Gã đi đến bên Nguyễn Thanh, chắp tay với Thanh Nhã giọng eo éo nói:

“Có câu đời thịnh cây xanh mãi, trăm năm tùng chẳng già. Hôm nay cũng đã trễ, công tử của chúng tôi phải về nghỉ ngơi, ngày sau sẽ cùng Thanh Nhã cô nương đàm đạo thêm.”

Bạch Vân nói xong thì đưa mắt ra hiệu cho Nguyễn Thanh, kẻ này nếu không sớm rời khỏi sẽ đem đến không ít phiền toái. Nguyễn Thanh cũng hiểu ý, liền chắp tay chào mọi người rồi cùng Bạch Vân lui xuống. Lúc Bạch Vân quay người rời đi thì gã cũng đã nhìn rõ gương mặt của Thanh Nhã cô nương kia: “là nàng, chính là nàng!”