Truy Tìm Dracula

Chương 11




Lần kế tiếp đến thư viện ở Amsterdam, tôi nhận thấy quả thực bác Binnerts đã tìm được vài thứ cho tôi trong thời gian tôi vắng mặt. Khi tôi đi thẳng từ trường đến phòng đọc sách, cặp đựng sách vở vẫn mang trên lưng, bác ấy nhìn tôi mỉm cười. “Cháu đấy à,” bác nói bằng thứ tiếng Anh sành sỏi. “Nhà sử học trẻ tuổi của ta. Bác có vài thứ cho cháu, cho dự án của cháu đây.” Tôi theo bác đến bàn làm việc, bác lấy ra một cuốn sách. “Cuốn sách này không cổ lắm đâu,” bác bảo tôi. “Nhưng trong đó có một số chuyện rất xưa. Đọc chúng cũng không mấy vui vẻ đâu, cháu ạ, nhưng có lẽ chúng sẽ giúp cháu làm được bài tập của cháu.” Bác Binnerts để tôi lại bên cạnh một chiếc bàn, tôi nhìn chiếc áo len cổ lọ của bác xa dần với ánh mắt biết ơn. Tôi thấy thật cảm động khi có người tin tưởng mang đến cho mình một thứ tuyệt vời.

Cuốn sách có tựa đề là Những câu chuyện vùng Carpates, một cuốn sách khổ lớn, cáu bẩn, do một nhà sưu tập người Anh tên Robert Digby xuất bản từ thế kỷ mười chín với tư cách cá nhân. Lời nói đầu của Digby mô tả sơ lược những chuyến lãng du của ông giữa các vùng núi hoang dã và những ngôn ngữ còn hoang dã hơn nữa, mặc dù ông đã dùng một số nguồn tư liệu tiếng Đức và tiếng Nga cho một phần cuốn sách. Những câu chuyện của Digby cũng mang một âm hưởng hoang dã, và văn phong cũng khá lãng mạn, nhưng sau này khá lâu, khi khảo sát lại chúng, tôi nhận ra lối kể chuyện của ông so ra rất giống với lối kể chuyện của các nhà sưu tầm và dịch giả sau này. Có hai chuyện về “Ông Hoàng Dracula”, tôi háo hức đọc chúng. Chuyện đầu tiên thuật lại một cách chi tiết việc Dracula thích tổ chức tiệc tùng ngoài trời, giữa đám tử thi của những người dân bị hành hình bằng cách đóng cọc xuyên người. Một hôm, một người hầu công khai than phiền trước mặt Dracula về mùi hôi khủng khiếp, thế là ông hoàng ra lệnh cho bọn thuộc hạ đóng cọc tên hầu cao hơn so với những người khác để cái mùi kia không làm phiền cái lỗ mũi của tên hầu đáng chết đó nữa. Digby còn kể trong một phiên bản khác của chuyện này, theo đó Dracula đã quát tháo đòi một cây cọc dài gấp ba lần các cây cọc dùng để hành hình những người khác.

Câu chuyện thứ hai cũng khủng khiếp không kém. Chuyện kể lại có lần Quốc vương Mehmed II phái hai sứ giả đến gặp Dracula. Khi các sứ giả triều kiến Dracula, họ đã không bỏ khăn đội đầu ra. Dracula muốn biết tại sao họ thất lễ với hắn như vậy, họ trả lời là họ chỉ hành xử theo phong tục tập quán của họ. “Như vậy ta sẽ giúp các ngươi củng cố thêm tập quán của các ngươi,” ông hoàng đáp và sai người đóng đinh ghim chặt các chiếc khăn xếp đó vào đầu họ.

Tôi chép hai mẩu chuyện ngắn đó của Digby vào sổ tay. Khi bác Binnerts quay lại để xem tôi làm việc thế nào, tôi hỏi bác liệu có hay không và có thể tìm ở đâu những tư liệu về Dracula do những người cùng thời với hắn để lại. “Chắc chắn là có,” bác trả lời, gật đầu vẻ nghiêm nghị. Lúc đó bác không ở bàn làm việc, nhưng chắc chắn bác sẽ tìm được cho tôi một cái gì đó khi rảnh rỗi. Rồi có thể sau đó - bác lắc đầu, mỉm cười - có thể sau đó tôi sẽ tìm được chủ đề nào đó vui hơn, như kiến trúc thời Trung cổ chẳng hạn. Tôi cũng mỉm cười đáp lại, và hứa sẽ suy nghĩ về điều đó.

Không nơi nào trên thế giới sống động bằng Venice vào một ngày nắng nóng, trời quang, hiu hiu gió thổi. Tàu thuyền trên dòng kênh Lagoon lắc lư, dập dềnh, không một bóng thủy thủ, tựa như đang tự mình khởi hành vào những chuyến phiêu lưu; các mặt tiền bên ngoài thuyền được trang hoàng lộng lẫy, sáng rực lên trong ánh mặt trời; dòng nước phía dưới như chưa bao giờ tươi mát tới vậy. Cả thành phố căng lên như một cánh buồm, bập bềnh như con tàu đã nhổ neo, sẵn sàng ra khơi. Mép nước phía quảng trường San Marco ầm ào sóng vỗ, những con sóng tỏa ra từ phía sau xuồng cao tốc, tạo ra một thứ nhạc tưng bừng nhưng chợ búa chẳng khác gì âm thanh chan chát của đôi chũm chọe. Ở Amsterdam, Venice của phương Bắc, kiểu thời tiết làm nao nức lòng người thế này hẳn sẽ làm cho thành phố trở nên rạng rỡ ngập tràn quyết tâm tươi mới. Nhưng nơi đây, thành phố lại kết thúc bằng cách trưng ra những khiếm khuyết giữa sự hoàn hảo, chẳng hạn như, một đài phun đầy cỏ dại phía sau quảng trường, lẽ ra phải phun ra những tia nước thay vì chỉ nhỏ từng giọt xuống mép bồn bên dưới. Những con chiến mã của Thánh Mark vẫn nhảy lồng lên, nhưng đã cũ kỹ tồi tàn lắm, trong ánh trời lấp lánh. Dãy cột của dinh thự tổng trấn trông cáu bẩn đến không sao chấp nhận nổi.

Tôi bình luận về bầu không khí lễ hội nhếch nhác này, cha mỉm cười. “Con thật mẫn cảm với thời tiết,” cha nói. “Venice nổi tiếng về nghệ thuật trình diễn sân khấu, và có nhếch nhác chút đỉnh cũng chẳng hề gì, miễn là thế giới vẫn đổ dồn về đây để chiêm ngưỡng nó. Cha khoát tay chỉ trỏ quanh quán cà phê ngoài trời - chốn ưa thích của chúng tôi sau quán Florian - hướng vào những khách du lịch ướt đẫm mồ hôi, mũ và áo sơ mi sáng màu phần phật bay trong gió từ kênh thổi lại. “Hãy chờ đến tối, con sẽ không thất vọng đâu. Dàn dựng một sân khấu cần loại ánh sáng êm dịu hơn ánh sáng này nhiều. Con sẽ ngạc nhiên vì sự biến đổi đó.”

Lúc này, dù sao chăng nữa, sau khi nhấp một ngụm nước cam, tôi cũng cảm thấy dễ chịu đến mức chẳng muốn đi đâu nữa mà chỉ mong chờ được đón nhận một bất ngờ thú vị thích hợp với mình. Đây là đợt nóng cuối cùng của mùa hè trước khi mùa thu đến. Mùa thu đến cũng có nghĩa là mùa tựu trường và, nếu may mắn, tôi sẽ học hỏi thêm vài điều, khi cùng với cha xuôi ngược trên các lộ trình đi đàm phán, thỏa thuận và thương lượng gay gắt. Mùa thu này, cha sẽ lại đi Đông Âu, và tôi đã cố gắng thuyết phục cha để được đi cùng.

Cha uống cạn cốc bia rồi lật lật trên cuốn sách hướng dẫn. “Đây rồi.” Cha đột ngột lên tiếng. “Đây là San Marco. Như con biết đấy, trong nhiều thế kỷ Venice là một đối thủ của thế giới Byzantine, và cũng là một lực lượng hùng mạnh trên mặt biển. Thực ra, Venice đã đánh cắp của Byzantium(1) một vài thứ đặc biệt, kể cả hình tạc những con vật ở trên kia.” Từ mái hiên, tôi nhìn ra ngoài quảng trường Thánh Mark, nơi những chú ngựa đồng như đang kéo cả sức nặng của các mái vòm sũng nước và xám xịt phía sau. Toàn bộ thánh đường như tan chảy dưới ánh mặt trời - thứ ánh sáng chói chang và nóng, một kho báu quỷ quái. “Dù sao chăng nữa,” cha tiếp tục, “San Marco một phần nào đó được thiết kế phỏng theo Santa Sophia của Istanbul.”

“Istanbul ư?” tôi hỏi, giọng tinh nghịch, hớp hết ly nước đá. “Ý cha nói nó giống như thánh đường Hagia Sophia?”

“À, tất nhiên thánh đường Hagia Sophia đã bị đế quốc Ottoman tàn phá, vì vậy con sẽ thấy những ngọn tháp kiểu Hồi giáo đứng bao bọc bên ngoài, rồi bên trong là những tấm mộc đồ sộ ghi những văn bản thiêng liêng của tín đồ Hồi giáo. Con sẽ thực sự nhìn thấy Đông và Tây đụng đầu nhau ở đó. Nhưng cũng có những mái vòm khổng lồ trên đỉnh như ở San Marco, dấu ấn riêng biệt của Thiên Chúa giáo và đế quốc Byzantine.”

“Chúng có giống những mái vòm này không?” tôi trỏ qua phía bên kia quảng trường.

“Đúng, rất giống những mái vòm này, nhưng lớn hơn. Quy mô của nơi đó lớn không tưởng tượng nổi. Nó sẽ khiến con nín thở vì kinh ngạc.”

“Ồ,” tôi thốt lên. “Con uống ly nữa được không cha?”

Cha chợt trừng mắt nhìn tôi, nhưng đã quá trễ. Lúc này, tôi biết cha đã phiêu bạt tận Istanbul rồi.

Chú thích:

1. Byzantium: một thành phố lớn của Hy Lạp thời cổ đại, hiện nay thuộc địa phận thủ đô Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, bị người La Mã chinh phục vào năm 196 sau Công nguyên, được hoàng đế Constantine I xây dựng lại năm 330 và đổi tên lại thành Constantinople; từng là thủ phủ của Đế chế La Mã(330-395), của Đế chế Byzantine/Đông La Mã(395-1204 và 1261-1453), của Đế chế Latin (1204-1261) và Đế chế Ottoman (1453-1922).