Năm Thiên Bảo thứ mười bốn, ta mười bốn tuổi, Tiết Hàm mười bảy tuổi.
Từ năm ngoái a nương đã bảo rằng, ta lớn rồi, không thể cùng nam hài tử đùa giỡn nữa, liền đem ta ra khỏi móng vuốt của Tiết Hàm.
Thế là ta lại quay trở về với cuộc sống mỗi ngày chỉ có ăn với chơi của ta. Mấy năm nay, lá gan ta cũng lớn hơn rồi, học được cách trèo tường, rồi lén chuồn ra ngoài chơi với đám nhóc ngoài kia...
Tiểu tử người Hồ tên Tô Thác, tóc nâu mắt xanh, mi mục thanh tuấn, chơi loan đao vô cùng giỏi. Tính tình hắn hào sảng, chẳng bao lâu sau chúng ta đã trở thành tri kỷ.
Chuyện này tất nhiên ta không dám để người trong nhà biết rồi. Hơn một năm qua, thân thể mẫu thân có chút ốm yếu, ta cũng không dám khinh suất.
Tỷ tỷ lúc nào cũng thở dài: “Muội cứ như vậy, làm sao mà gả ra ngoài được?”
Hai năm trước tỷ tỷ gả cho Công Bộ Thị lang, trở thành Thị lang phu nhân, dưỡng chồng dạy con, hòa thuận vui vẻ, thế nên tỷ ấy cũng muốn ta sẽ được như vậy. Trời sinh làm khoai tây thì sao có thể trở thành ngọc khắc được, tỷ ấy không biết được.
Mấy năm nay không biết Tiết Hàm ăn phải cái gì, càng ngày càng anh tuấn. Huynh ấy cầm sách ngâm thơ, thì có cánh hoa rơi xuống, khi huynh ấy chơi cờ đánh đàn, liền có chim chóc hót vang. Huynh ấy ở trong viện luyện kiếm, toàn bộ nha hoàn, lão bà tử của Thẩm phủ đều si ngốc.
Huynh ấy ở trong nhà ta, huynh ấy ăn gì thì ta cũng ăn, ta không ăn hành lá băm nhỏ, huynh ấy không ăn cay, vì sao chỉ có mình huynh ấy trổ mã thành tiên?
Năm đó, Thẩm gia có một vị khách tới, là một đóa mẫu đơn màu tím. Đương nhiên, trong mắt thường nhân thì đây là một bông hoa, nhưng trong mắt ta thì lại là một cô bé cùng tuổi.
Ta gọi cô ấy là A Tử. A Tử mặc váy áo lụa mỏng, mắt to răng trắng, ngũ quan xinh đẹp, tuổi nhỏ mà đã vô cùng kiều mị, lớn thêm mấy tuổi thì không biết là cái quang cảnh gì đây.
Lúc A Tử mới tới, cứ khóc mãi không ngừng. Đêm nào ta cũng nghe nàng khóc nức nở dưới cửa sổ, mới đầu còn thấy mỹ nhân rơi lệ thật đúng là mỹ cảnh, nhưng lâu dần, tiếng nàng trở nên khản đặc, khóc như mèo kêu, vô cùng dọa người.
Đêm đó, nàng ấy lại khóc dưới cửa sổ, ta chịu không nổi nữa liền đứng dậy thăm dò: “ Ngài mau nín đi, nhà ta đề bị ngài khóc lụt rồi!”
A Tử bị ta dọa giật mình: “Cô, cô, cô, cô có thể nhìn thấy ta?”
Ta nói: “Cô là Mẫu Đơn tinh hả.”
A Tử nhíu mày nói: “Tinh cái gì? Ta là hoa tiên. Là tiên. Sách tiên trên trời có tên của ta đấy!”
Ta nói: “Đều là tiên rồi, sao còn phải khóc bù lu bù loa lên như thế?”
Khuôn mặt xinh đẹp của A Tử đỏ lên, nói: “Ta tới từ vườn mẫu đơn ở Lạc Dương. Tam lang còn chưa biết ta bị đào lên, không biết bây giờ đang lo lắng như nào.”
Ta hỏi: “Tam lang là ai?”
A Tử nói: “Tam lang là người chăm sóc cho ta. Ta thích chàng.”
Ta lại hỏi: “Thích thì cũng không đến mức khóc ướt người thế chứ.”
A Tử đỏ mặt, nói: “Ta không phải thích bình thường. Chàng là người trong tim của ta.”
Ta lại hỏi: “Người trong tim?”
A Tử bĩu môi nói: “Cái này mà cô cũng không biết?”
Ta thành thật đáp: “Không biết a.”
A Tử nói: “Người trong tim, chính là người mà cô muốn gả cho. Cô nguyện ý làm thê tử của chàng, vì chàng sinh con. Cô hiểu không?”
Ta kinh hãi: “Vì người mà sinh con?” Cái khái niệm này đã hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của ta rồi. Ngươi sẽ không thể ngờ được một cô nhóc hoang dã như ta lại vì người khác mà sinh con.
Ta sợ đến mức hồn vía lên mây, “Vì sao lại phải làm thế? Ta nghe nói là sẽ rất đau, còn sẽ chết người.”
A Tử trợn mắt nhìn ta: “Nếu như cô thích một người, tự nhiên sẽ nguyện ý vì chàng mà làm mọi chuyện. Ta nói với cô cũng không được gì. Ta khóc tiếp đây.”
Đúng là muốn mạng ta mà, thế thì làm sao người khác ngủ được. Ta vội vàng: “Chậm đã! Cô giải thích cho ta nghe đi.”
Thế là hôm đó, ta và A Tử đã nói chuyện cho tới khi rạng sáng, ta vẫn chẳng hiểu những thứ mà cô ấy đang nói về. Chỉ là ta đã đáp ứng sẽ đem nàng về Lạc Dương, nàng cũng không cần phải khóc dưới cửa sổ của ta nữa.
Ta cùng A Tử trở thành bằng hữu, ngày thường luôn cùng nhau nói chuyện phiếm.
Một hôm Tiết Hàm đi ngang qua, thấy ta đang lẩm bẩm với một chậu mẫu đơn, một hai phải tìm hiểu cho ra nhẽ.
Ta nói: “Con người huynh thật là phiền. Huynh có nhìn thấy đâu, tới đây náo nhiệt làm gì?”
Tiết Hàm nói: “Danh hoa kinh thành, lòng ta ngưỡng mộ.”
Ta đáp lại: “Bớt bớt đi.”
A Tử cười xán lạn: “Hai người các ngươi chơi vui thật.”
Ta đột nhiên nghĩ ra, hỏi Tiết Hàm: “Huynh có biết đi tới Lạc Dương như nào không?”
Tiết Hàm hỏi: “Muội muốn đi Lạc Dương để làm gì?
Ta chỉ vào chậu mẫu đơn rồi nói: “Ta phải đưa A Tử quay về.”
Tiết Hàm cười lắc đầu: “Muội có biết chậu mẫu đơn này là ai tặng tới không? Là An Lộc Sơn.”
Ta hỏi: “Đấy là núi* gì thế, lại còn là ai nữa?”
(*Sơn trong An Lộc Sơn nghĩa là “núi”, A Mi tưởng đang nói đến một ngọn núi tên An Lộc)
Tiết Hàm do dự, nhưng lời đến đầu lưỡi lại nuốt vào. Huynh ấy đưa tay ra, vuốt thẳng mái tóc rối bời của ta: “ Chuyện bên ngoài, muội không cần để tâm. Muội tự chơi vui vẻ là được.”
Ta không hiểu lắm. Huynh ấy cũng chẳng nói thêm gì nữa, chỉ dịu dàng cười với ta. Đó là nụ cười chiêu bài của huynh ấy, nhìn từ góc độ nào cũng như một đóa hoa đang nở vậy.
Huynh ấy không giúp ta, tự ta nghĩ cách thôi. Sau khi tiêu vài đồng tiền, liền biết được thứ ta cần từ miệng A Đinh ở phòng củi.
“Đi Lạc Dương sao? Cửa chợ phía Đông có cho thuê xe lừa, hai mươi đồng là thuê được. Mà tiểu thư, người muốn đi Lạc Dương xem hội chợ hoa phải không?”
Ta hứng thú bừng bừng chạy về phòng, lấy số tiền tích góp được nhiều năm sau đó thay sang một bộ đồ nha hoàn. Thừa dịp trời còn chưa kịp sáng, ta dọn góc tường trong nhà, chuồn ra ngoài.