Trùng Sinh Thế Gia Tử

Chương 6: Thay Đổi Từ Chi Tiết




Nhiếp gia không công khai ra bên ngoài về việc trở lại của Nhiếp Chấn Bang. Đây chẳng phải là chuyện gì tốt đẹp. Con trai của Nhiếp gia, chỉ làm thanh niên trí thức chưa tới một năm ở nông thôn Yến Bắc, mà đã mang tới cho Nhiếp gia một đứa con trai, đứa con trai này còn tự mình tìm tới nữa, nếu chuyện này đồn ra ngoài, Nhiếp gia chẳng còn mặt mũi nào nữa.

Mặc dù ông cụ khó chịu, nhưng, dù sao thì cũng đã nhận mặt với đứa trẻ này rồi, ông cụ tự hỏi bản thân, ông không thể nào làm được tới mức tâm ngoan thủ lạt, cũng không làm nổi việc giết người diệt khẩu. Dù thế nào thì xét cho cùng cũng là dòng máu của Nhiếp gia. Lúc này cũng là nên có một cái buổi nghi thức nhận tổ tông nhỏ rồi.

Con trai út của Nhiếp gia, làm thanh niên trí thức xuống nông thôn chưa tới một năm, chưa nhận được bao nhiêu giáo dục, không ngờ tới là, lại tạo ra một đứa con riêng. Điều quan trọng hơn nữa là, đứa con riêng này đã tự tìm tới thủ đô. Tin này ngay lập tức đã lan truyền trong các gia tộc ở thủ đô.

Hương Sơn.

Đây là nơi để các lãnh đạo quốc gia nghỉ ngơi dưỡng lão. Ở một chỗ của Hương Sơn, có riêng một vùng đất vừa có nước lại có núi được khoanh riêng ra, dựa theo địa thế, các loại biệt thự lên san sát. Ở ngoại vi là trú địa của Sư cảnh vệ Trung ương của Quân khu Thủ đô.

Bên ngoài một tòa biệt thự trong số đó, dưới bóng cây rậm rạp, trên một chiếc bàn khắc bằng gỗ có đặt một bộ cờ tướng. Hai cụ già đang ngồi đánh cờ ở đó.

- Hà hà, đúng là Tái ông thất mã họa phúc khôn lường, lão Nhiếp lần này đột nhiên có thêm một đứa cháu, xem ra, ông ta sẽ phải đau đầu lắm đây.

Một cụ trong đó, đầu tóc bạc phơ, ngôn từ cử chỉ rất ôn hòa, thản nhiên. Ông cụ mang tới cho người ta một cảm giác rất thoải mái như đắm chìm trong gió xuân vậy. Trước mặt người thế này, dù trời có sập xuống, thì cảm giác của người khác về ông đều là một sự thản nhiên cùng siêu thoát.

Ông cụ ngồi đánh cờ cùng thì lại có một đầu tóc ngắn rất tháo vát, trên má còn có thể nhìn thấy một vết sẹo dài tới một tấc (= 10cm), cả khuôn mặt rất uy nghiêm.

Nghe ông cụ tóc trắng nói vậy, ông cụ này cũng cười nói:

- Đổng lão, tục ngữ nói hay lắm, người tốt sẽ có hảo báo. Lão Nhiếp ấy à, cả đời làm Ủy viên chính trị, năm xưa ở căn cứ địa, còn nổi tiếng là người hiền lành. Nhưng, giờ đây xem ra, cũng chẳng thấy được điều đó nữa à. Lão Nhiếp này đã từng đi du học, gia giáo cũng rất tốt, không ngờ, lần này lại mất mặt lớn như vậy. Xem ra, Nhiếp gia sẽ không yên bình nữa rồi. Chỉ riêng cái nha đầu của Diệp gia kia thôi, với cái mức độ cưng chiều đó của lão Diệp, ông ta không tìm tới Nhiếp gia gây chuyện mới là lạ.

Ông già đầu bạc, cũng là Đổng lão, lúc này cũng bật cười ha ha, chỉ vào ông già có vết sẹo trên mặt nói:

- Ông ấy à, ai cũng bảo Hùng Man Tử ông là một người thô lỗ, theo tôi ấy à, ông mới là đại trí giả ngu. Tục ngữ có câu, con cháu đều có phúc của con cháu. Nhưng, thật sự có thể nhìn thấu những câu này, có lẽ cũng chỉ có Hùng Man Tử ông mà thôi. Thế này vậy, ông cũng cùng đi với tôi một chuyến đi. Việc này cũng không thể trách Quốc Uy được. Thanh niên trẻ tuổi mà, đều là cái tuổi dễ kích động. Năm xưa khi xảy ra chuyện này, đâu đã có chuyện gì của Diệp gia? Mà cũng không thể để cho hai cái lão đấy bóp nắn nhau đi. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới thực lực của cả phe đấy.

Nhiếp gia sống ở trong một tứ hợp viện bên ngoài khu Trung Thành. Chỗ này, vốn là phủ đệ của một vị Vương gia đời Thành, sau này, cụ Nhiếp đã bỏ tiền mua lại để làm nơi dưỡng lão sau khi nghỉ hưu.

Nhiếp Chấn Bang nhìn nơi này cảm thấy rất quen thuộc. Quả nhiên lịch sử vẫn là như vậy, ông cụ không đem yến hội đặt ở bên trong khu Tử Cấm Thành. Điều này rất rõ ràng, ông cụ làm vậy là một cách biến tướng thể hiện sự bất mãn của ông cụ. Với tác phong của cụ, không đuổi Nhiếp Chấn Bang đi, đã là rất nhẫn nại rồi.

Khách tới cũng không nhiều, ngoài một vài nhà thông gia với Nhiếp gia, cũng chỉ có một vài cấp dưới trong phe nhóm chính của cụ. Mặc dù là con riêng, nhưng dù thế nào cũng coi như là người của Nhiếp gia, dù không biết về sau có nể mặt nhau không, nhưng chí ít cũng phải quen biết nhau một chút.

Người của Diệp gia không có mặt ở đây. Diệp gia không như ông cụ, là một cột trụ vững chắc của phái bảo thủ, Diệp gia là nhân vật kiên định đi theo phái cải cách, cái gọi là không cùng chí hướng thì không thể cùng mưu sự nghiệp, dần dà, sau mấy lần hai ông cụ cãi nhau trong cuộc họp ủy viên thường vụ trung ương, quan hệ giữa hai nhà liền nhạt dần. Lần này đây, còn liên quan tới con gái của Diệp gia, để thể hiện sự khó chịu của mình, Diệp gia không thèm quan tâm tới chuyện này.

Giờ đẹp đã tới, dưới sự chủ trì của bác Nhiếp Chấn Bang - Nhiếp Quốc Đống, một bàn thờ nhỏ, phía trên đặt bài vị của tổ tiên Nhiếp gia. Sau khi Nhiếp Chấn Bang đốt một nén hương, nghi thức này đã được coi là thành công. Mặc dù là con riêng, nhưng, cũng có nghĩa là giờ đây Nhiếp Chấn Bang đã được coi là người của Nhiếp gia.

Song, thái độ khó chịu của ông cụ có thể thấy được rất rõ. Vốn dĩ, dựa theo việc đặt tên từng thế hệ của Nhiếp gia, đời của Nhiếp Chấn Bang, trong tên phải có chữ “Gia” làm tên lót. Con gái của Nhiếp gia thì không tính, có thể đặt tên không tuân theo quy định này. Nhưng, những con cháu là nam của Nhiếp gia, thì phải nhất nhất làm theo. Tuy vậy, dường như ông cụ đã quên mất chuyện này, không hề nhắc tới nó.

Sau khi xong mọi việc, ông cụ liền đứng dậy nói:

- Quân ủy còn không ít việc. Tôi đi trước.

Mặc dù ông cụ phải phụ trách việc trong quân ủy thật, nhưng, cũng không bận tới độ không có thời gian tham gia bữa tiệc gia đình, làm vậy, chỉ có một ý nghĩa, đó là ông cụ đang thể hiện sự khó chịu của mình.

Còn bà cụ, lúc này bà đứng lên, trừng mắt với ông cụ nói:

- Ông lão này, làm gì vậy chứ. Quân ủy bận đến vậy sao?

Bà cụ rất cưng chiều con út, giờ đây, cũng vẫn vậy, đối với đứa con riêng là Nhiếp Chấn Bang, ngoài việc bà cảm thấy không hài lòng với chuyện Nhiếp Quốc Uy đã làm, bà vẫn thích Nhiếp Chấn Bang. Trông hắn tuấn tú lịch sự, nhìn thế nào cũng rất giống người con út của bà. Vì vậy, lúc này thấy ông cụ muốn đi, bà ngay lập tức cũng đứng dậy thể hiện sự bực bội của bà với ông cụ.

- Bà có về không? Nếu không về, thì tôi đi trước.

Không phải một câu nói là có thể thay đổi thái độ của ông cụ. Nói xong, ông cụ không quay đầu lại mà đi thẳng.

Có lẽ bà cụ hơi lo về sức khỏe của ông cụ, bà nhìn sang Nhiếp Chấn Bang bằng ánh mắt khó xử, xoa đầu Nhiếp Chấn Bang rồi nói:

- Cháu à, về sau nhớ đến nhà bà chơi nhé. Bà sẽ giữ cho cháu mấy đồ ăn ngon.

Sau khi hai ông bà đã rời đi, giờ chỉ còn lại mấy anh chị em của Nhiếp gia. Lúc này đây, một người quân nhân trung niên ngồi trên ghế sô pha cũng đứng dậy, người này là chồng bác thứ hai của Nhiếp Chấn Bang, tên là Tiếu Chấn Xương. Hiện tại là Quân đoàn trưởng một tập đoàn quân ở quân khu Thủ đô, cấp bậc Thiếu tướng.

- Anh, chị, Quốc Uy. Nhà em cũng có chút việc, em và Quốc Dung cũng đi trước luôn vậy.

Nói xong, Tiếu Chấn Xương và Nhiếp Quốc Dung đứng dậy.

Tiếu Chấn Xương là một người dù là làm việc hay làm người cũng đều luôn khéo léo đưa đẩy. Trong tình huống này, tốt nhất là không nên tham dự nhiều vào chuyện của Nhiếp gia.

Bác Nhiếp Quốc Bình giờ cũng đứng dậy, nhìn Nhiếp Chấn Bang, ánh mắt lộ ra vẻ không muốn rời xa, là người phát hiện ra chuyện lần này, Nhiếp Quốc Bình biết rất rõ, ý kiến của Diệp Thục Nhàn đối với mình rất lớn. Nhưng, tính cách của Nhiếp Quốc Bình là vậy, dù có làm lại lần nữa, Nhiếp Quốc Bình vẫn cứ nhận người thân. Với những gì Nhiếp Chấn Bang trải qua, Nhiếp Quốc Bình biết rất rõ, đây là một đứa trẻ đáng thương, vì vậy bà cười nói:

- Chấn Bang, khi nào rảnh, cháu đến nhà bác chơi nhé. Bác ở trong khu người nhà của bệnh viện Tổng hợp Quân đội.

Con gái và con rể của Nhiếp gia rời đi, trong đại viện chỉ còn lại hai anh em Nhiếp gia, nơi đây là nơi họ cùng sinh sống. Nhiếp Quốc Đống muốn đi nhưng không được.

Bên cạnh, tiểu bối của Nhiếp gia, hai người con trai của Nhiếp Quốc Đống – Nhiếp Gia Lượng và Nhiếp Gia Dân đều đang nhìn Nhiếp Chấn Bang, còn con gái của Diệp Thục Nhàn – Nhiếp Tử Ngư giờ cũng đang hiếu kỳ nhìn người anh của mình.

- Thục Nhàn à, cô xem đừng truy cứu chuyện này thêm nữa. Ngày xưa Quốc Uy cũng do trẻ tuổi thôi, lúc đó, nó nổi tiếng gàn bướng ở Tứ Cửu Thành này, những cô gái mắng nó trên đường, nó còn coi đó là vinh hạnh nữa. Việc này đã xảy ra rồi, theo tôi, cô cũng đừng trách Quốc Uy nữa. Ngày xưa khi anh ta về nông thôn, hai người cũng đã quen nhau đâu, việc này cũng có thể hiểu được mà. Hơn nữa, mẹ của đứa trẻ cũng chết rồi, cô coi như là có thêm một đứa con trai đi.

Chị dâu Hoàng Duyệt Dung khuyên nhủ ở bên cạnh, nhưng, ngữ khí lại hơi kỳ lạ, sao nghe giống như vui sướng khi người khác gặp họa vậy.

Diệp Thục Nhàn im lặng không nói gì nhưng sắc mặt rất khó coi. Mặc dù việc này xảy ra trước khi quen bà, nhưng, Diệp Thục Nhàn cảm thấy đây là sự phản bối của Nhiếp Quốc Uy đối với mình. Nghĩ lại trước kia, Nhiếp Quốc Uy thật sự là như vậy, khi quen bà, bà chửi ông ta là lưu manh, ông ta nói sao bà lại biết đại danh của mình chứ. Mắng thêm ông ta là đồ khốn nạn, hay rồi, ông ta không những không giận, mà còn cười cợt nói rằng sao bà lại biết tên húy của ông ta. Đáng lẽ bà phải biết từ sớm, người như thế này, vốn trời sinh liền được phụ nữ thích. Nhưng, ai bảo bụng bà không ra sao, chỉ sinh ra được một mình Nhiếp Tử Ngư chứ, mà cái câu nói này, cũng chính là do Hoàng Duyệt Dung nói ra.

Nhiếp Quốc Đống đứng dậy, nói thấp giọng:

- Cô đang nói gì đấy? Đàn bà con gái, biết cái gì. Về nhà ngủ đi. Tôi nói chuyện với Quốc Uy.

Nhiếp Chấn Bang ngồi nghe ở một bên, trong lòng ngạc nhiên. Ở kiếp trước cũng là vào lúc này, Nhiếp Quốc Đống nói chuyện một hồi lâu với Nhiếp Quốc Uy. Nội dung cụ thể thì hắn không biết. Ở kiếp trước, Nhiếp Chấn Bang tỉnh tỉnh mê mê, bởi chỉ riêng cái cảnh này thôi đã làm hắn sợ chết khiếp rồi. Nhưng, hắn chỉ biết một điều rằng, sau cuộc nói chuyện này, gia đình của bác rất miệt thị hắn, mẹ kế cũng không chào đón hắn. Vì chuyện của hắn, con đường chính trị của cha ruột cũng gặp trắc trở, bị ông cụ từ bỏ, sau đó, cha hắn đã dồn tất cả tức giận lên đầu hắn. Kiếp này, được sống lại, Nhiếp Chấn Bang không muốn sự việc lặp lại lần nữa. Thay đổi, vậy thì để nó bắt đầu từ cái chi tiết này đi.

Nghĩ tới đây, Nhiếp Chấn Bang đứng dậy trong ánh mắt kinh ngạc của mọi người, nhìn người bác Nhiếp Quốc Đống nói:

- Thưa bác. Nếu là về chuyện của cháu, thì cháu có thể ở lại không?