Sầm Kim chạy ra khỏi nhà, chen đến sau lưng bà Hoàng, nghe người lớn nói chuyện.
Có người nói:
- May mà cái ông sĩ quan quân đội hôm nay về sớm, nếu không chắc chắn không cứu nổi.
- Chứ sao, nước hồ sâu thế ai bơi được như vậy? Cái ông sĩ quan đấy từng tham gia bơi vũ trang, đâu chỉ mỗi bơi tay không, lưng còn phải cõng súng, tay ôm lựu đạn bơi ấy chứ.
- Chỉ ôm lựu đạn thôi sao? Bọn họ còn vác cả đại bác bơi qua sông ý chứ, cứu người thì quá đơn giản.
- Bụng người đó bị uống bao nhiều là nước, vỗ vào như bụng bà chửa, hai người phải dùng đòn gánh ép lên trên mới ép được nước ra.
- Sao tôi nghe nói là để đòn gánh lên bụng, mỗi người giẫm một đầu mới ép cho nước ra được?
- Đều nói khoác cả, cái ông sĩ quan đó phải quỳ xuống, để người đó úp mặt xuống đầu gối mình, cứ thế thúc nước ra ngoài.
- Anh có nhìn thấy không? Nghe anh nói có vẻ thần bí quá nhỉ, cứ như được tận mắt chứng kiến vậy?
- Sao tôi lại không nhìn thấy? Lúc đó tôi đứng ở vòng trong cùng.
Bà Hoàng hỏi:
- Giờ người ta thế nào rồi?
- Người thì đã được cứu sống, nhưng nghe nói bị ngớ ngẩn rồi, chỉ biết nói mỗi câu: Anh có lỗi với em.
Bà Hoàng hỏi:
- Thế vợ ông ấy có biết không?
- Có còn là vợ gì nữa đâu? Đã ly hôn rồi, cũng chính vì hai người ly hôn nên người đó mới nhảy hồ tự tử.
- Không phải ly hôn mà bị hủy hôn. Cả đôi không chịu ly hôn, sau đó cái ông sĩ quan nói không ly hôn thì coi như vi phạm chế độ một vợ một chồng, cả hai sẽ bị đi tù, như vậy mới khiến họ sợ quá đồng ý hủy hôn. Cô nghĩ xem hôn nhân bị hủy rồi thì người đàn ông còn cái gì đáng sống nữa? Thà chết quách đi cho xong.
Cô không để ý gì nữa, cố hết sức lay tay bà Hoàng:
- Bà Hoàng, có phải họ đang nói về bố mẹ cháu không?
Đám đông đều giật mình, có người hỏi:
- Bà Hoàng, con nhà ai vậy?
Người phụ nữ trung niên nói:
- Ôi! Tôi biết rồi, đứa trẻ này chính là con gái của cô giáo Đào, lúc nhỏ do bà Hoàng chăm sóc, lâu lắm không nhìn thấy nó, sao hôm nay lại…
Bà Hoàng nói:
- Mẹ nó nghỉ hè đi học tập trung, một tuần mới về được một lần nên bảo tôi chăm nó, hôm nay là ngày cuối cùng, đâu biết lại xảy ra chuyện này.
- May mà nó ở chỗ bà, nếu để nó tận mắt nhìn thấy thì…
Cô khóc ầm lên:
- Bà Hoàng, bố mẹ cháu sao rồi? Cháu muốn về nhà, bà cho cháu về đi.
Bà Hoàng nói:
- Ngoan nào, mẹ cháu chưa đến đón cháu, sao bà có thể để cháu về được?
Cô khóc ầm ĩ:
- Cháu phải về, cháu nhớ bố mẹ cháu.
- Ngoan nào, đừng khóc, để bà đưa cháu về, đợi bà lấy cái gậy đã.
Người phụ nữ trung niên nói:
- Để cháu giúp bà đưa nó về, trời sắp tối rồi, bà đi đường không tiện.
- Cô Cương, đi với tôi đi, chân tay tôi cũng không còn nhanh nhẹn nữa, mắt cũng mờ rồi, có cô đi thì tốt. Nhưng tôi cũng phải đi, tôi đến thăm cái con bé Kim Phần khốn khổ đó, xảy ra chuyện như vậy chắc phải đau đớn chết ngất mất.
Ba người cùng vào trường, Sầm Kim chê bà Hoàng đi chậm quá, cứ chạy lên trước, cô Cương gọi với phía sau:
- Đừng chạy, cẩn thận kẻo ngã!
Cô chạy về nhà, nhưng nhà không có ai, cửa thì khóa, cô có chìa khóa, mở cửa ra, bật đèn lên, không có một ai.
Bên ngoài bỗng chốc có mấy người vây đến, đều nhòm nhòm vào nhà cô. Cô nhìn thấy liền hỏi:
- Thầy Vương, mẹ cháu đâu? Chú Lý, mẹ cháu đâu?
Nhưng mấy người đó cứ úp úp mở mở, nói không rõ nguyên nhân sự việc.
Bà Hoàng nói:
- Bà đã nói mẹ cháu chưa về mà, cháu không tin, thôi, đi về với bà.
- Chắc chắn mẹ cháu sẽ về, thầy Vương thầy Lý đều về rồi, mẹ cháu cũng phải về chứ.
Bà Hoàng hỏi thăm mấy người xung quanh, có người nói:
- Mẹ nó được đưa đến bệnh viện rồi.
Cô khóc òa lên:
- Cháu muốn gặp mẹ cháu, cháu muốn gặp mẹ cháu, cháu muốn đến bệnh viện để tìm mẹ cháu.
Tiếng khóc càng khiến mọi người vây quanh nhiều hơn, bà Hoàng chắp tay cầu cứu mọi người:
- Mọi người có ai biết mẹ nó đến bệnh viện nào không, làm ơn đưa nó đến bệnh viện thăm mẹ nó với? Con bé khóc tội nghiệp quá.
Mỗi người một câu nói:
- Chúng tôi cũng không biết bệnh viện nào.
- Giờ muộn như vậy, xe buýt nghỉ lâu rồi, làm sao đưa nó đến bệnh viện được? Nếu cứ đi như vậy thì e là sang năm mới tới.
- Cháu à, đừng khóc nữa, ở nhà đợi mẹ đi, mẹ khỏe rồi sẽ về thôi.
Vệ Quốc từ trong đám đông chen ra:
- Cháu biết mẹ Kim Kim ở bệnh viện nào, để cháu đưa em ấy đi.
Cô chẳng nói chẳng rằng đi luôn với Vệ Quốc, bà Hoàng không yên tâm:
- Kim Kim, cháu đi đâu? Nó trẻ con làm sao biết mẹ cháu ở đâu?
Có người an ủi bà Hoàng nói:
- Nó là con trai ông sĩ quan, chắc là biết, cô giáo Đào do bố nó đưa đến bệnh viện. Này, chỉ có mỗi buổi chiều nay mà ông ấy đã phải đưa hai người đến bệnh viện rồi.
Bà Hoàng vẫn không yên tâm:
- Muộn như vậy rồi, chỉ có hai đứa trẻ.
Vệ Quốc nói:
- Cháu biết đi xe.
Cô vốn rất sợ tối, khi trời tối muộn thường phải đi cùng với đám đông mới dám đi ra ngoài đường, nhưng lúc này cô chẳng sợ gì cả, nhà không có mẹ thì còn gì đáng sợ hơn cái phố đen hun hút kia. Chỉ cần tìm được mẹ thì đi đâu cô cũng dám đi.
©STENT:
Vệ Quốc bảo cô khóa cửa lại, kéo cô chạy về nhà cậu, lấy một cái bánh bao nhét váo tay cô, sau đó đưa cô đến trước nhà ăn của trường, bảo cô đứng đợi ở đó, cậu chạy về phía sau nhà ăn. Một lát sau, cậu mở cổng lớn của nhà ăn, dắt xe đạp ra, hỏi cô:
- Em có biết dắt xe không?
Cô đang nhai nhồm nhoàm màn thầu, không hiểu bèn hỏi lại:
- Cái gì dắt xe?
Vệ Quốc nói:
- Thôi, em thấp như vậy, chắc không dắt nổi.
Cậu dựa xe đạp vào gốc cây, lại chạy vào nhà ăn, đóng cửa lại, một lát từ phía sau nhà ăn chạy ra, nắm chắc ghi đông xe rồi hỏi:
- Em có biết nhảy xe không?
Thời đó, ở thành phố E, xe đạp còn chưa thông dụng, rất ít người có xe đạp, nhà cô cũng không, từ trước đến giờ, cô chưa bao giờ ngồi xe đạp. Cô ngây người hỏi:
- Nhảy cái gì?
- Là anh đạp xe, em chạy theo và nhảy lên.
Chẳng đợi cô trả lời, cậu lại nói:
- Thôi vậy, em thấp quá, chắc chắn không nhảy lên được, vậy ngồi sẵn lên đi.
Cậu đạp chân chống xuống, cho xe đứng vững, nhấc cô từ phía sau, thở hổn hển nói:
- Mau lên xe đi, không phải ngồi như vậy, hai chân dạng ra ngồi lên, được rồi, bám chặt vào yên, giữ chắc vào, ngồi cho vững kẻo lúc anh đạp xe lại bị ngã xuống.
Cậu bước mấy bước, nắm lấy ghi đông xe, ra sức đẩy, nhún một cái thì thấy một chân cậu đạp lên một cái bàn đạp, chân kia rê rê xuống đất, trượt trượt vào bước thì chiếc xe tiến về phía trước. Chân cậu ngắn nên chỉ có thể đứng ở bàn đạp để đạp lên đạp xuống, người cứ nghiêng qua nghiêng lại theo cái ghi đông xe, xe cũng lắc lư theo, cô nắm chặt lấy cai yên xe, chỉ sợ ngã xuống.
Trên phố không còn ai, nhưng suốt dọc đường, Vệ Quốc cứ bấm chuông, miệng còn kêu ầm ĩ:
- Tránh đường, tránh đường, đâm chết người không đền.
Xe lên dốc, cậu càng nghiêng ngả sang hai bên hơn, có mấy chỗ còn phải xuống xe đẩy; nhưng lúc xuống dốc, cậu lại ngồi lên yên xe mà hò hét:
- Lao dốc đây!
Cứ ngật ngưỡng đạp xe như vậy, một hồi bọn họ mới tới được bệnh viện, Vệ Quốc dừng xe lại, bế cô xuống nói nhỏ:
- Là chỗ này, anh quên số phòng rồi, em tự đi tìm đi, xe này không khóa nên anh ở đây trông xe, đừng nói là anh đưa em đến đấy.
Cô đẩy cửa từng phòng bệnh, cuối cùng đã tìm thấy mẹ. Mẹ cô nằm trên giường bệnh, đầu quấn băng trắng.
Cô vội vàng chạy đến:
- Mẹ, mẹ sao thế?
Mở mắt nhìn thấy cô thì nước mắt lưng tròng:
- Kim Kim, con đến đấy à? Mẹ vừa nghĩ phải về đón con.
- Mẹ ơi, mẹ bị thương sao?
Có người nói phía sau:
- Mẹ cháu ngất, đầu bị va, nhưng không đáng lo, ngày mai là có thể về nhà. Ai đưa cháu đến?
Cô quay lại nhìn, đó là bác sĩ quan, liền nói dối:
- Cháu tự đến.
Bác ấy không nói gì, đặt cái phích nước nóng vào góc tường rồi quay người ra khỏi phòng bệnh.
Cô hỏi nhỏ:
- Mẹ ơi, bố sao rồi?
- Ông ấy… không sao cả.
- Con nghe mấy người chỗ bà Hoàng nói bố nhảy xuống hồ.
Nước mắt mẹ lại chảy dài, khóc thút thít:
- Đều do mẹ hại ông ấy.
- Có phải mẹ cố ý không?
- Không phải.
- Không phải cố ý thì không phải lỗi của mẹ.
Mẹ nắm lấy tay cô:
- Kim Kim, con người lớn quá! Có con thì mẹ mới có đủ can đảm để sống.
Đang nói thì bác sĩ quan quay vào, mẹ lập tức im lặng không nói nữa.
Bác nói:
- Kim Kim, cháu đi với bác, giúp bác gọi Vệ Quốc ra đây.
Bác sĩ quan đưa cô đến chỗ cuối hành lang, chỉ vào mấy bụi cây nói:
- Bác biết nó trốn ở đó, cháu gọi to lên, bảo nó ra đây.
Cô không chịu gọi:
- Anh ấy không có ở đó, anh ấy đang ở nhà.
- Vừa nãy nó đưa cháu tới đúng không?
- Không phải.
- Không phải? Bác đã tìm thấy chiếc xe của nhà ăn trường, chắc chắn là nó lật cửa sổ vào lấy trộm ra.
- Đó không phải xe của nhà ăn.
- Sao lại không phải? Lần trước nó lấy trộm xe đó đi, khiến cái gác-ba-ga bị long ra, bác phải nhờ người hàn lại, bác còn không biết à?
Cô nói giọng rất cầu khẩn:
- Bác ơi bác đừng đánh anh ấy.
- Không đánh nó? Không đánh nó thì nó càng ngày càng to gan hơn, giờ chỉ lấy trộm xe đạp để đi, nhưng nếu không quản nó chặt thì ai biết nó còn sẽ ăn trộm cái gì nữa, đứa trẻ không có mẹ là như vậy đấy, thiếu giáo dục!
Mẹ cũng chạy ra, xin hộ Vệ Quốc:
- Anh sĩ quan, anh đừng trách nó, nó có lòng tốt, đưa Kim Kim nhà tôi đến đây. Nó còn bé mà đạp xe đi xa như vậy, còn đèo theo một đứa nữa, thật không dễ dàng gì! Thằng bé này từ nhỏ đã tốt bụng như vậy, cây muốn thẳng thì mầm phải tốt, lớn lên chắc chắn có thể thành người kế nghiệp xuất sắc, được thế đều là do anh dạy dỗ nó tốt.
Bác sĩ quan nói với vào bụi cây:
- Vệ Quốc, ra đi, kẻo ở đó rắn cắn cho đấy. Cô Đào xin hộ rồi, bố sẽ không đánh mày nữa đâu.
Vệ Quốc từ trong bụi cây chui ra thật:
- Cháu cảm ơn cô Đào!
- Cô phải cảm ơn cháu, nếu không Kim Kim nhà cô sẽ khóc đến mù mắt mất. Cháu cùng bố về nghỉ ngơi đi, Kim Kim ở bệnh viện với cô.
Tối hôm đó, sau khi bác sĩ quan và Vệ Quốc về rồi, mẹ đưa Kim Kim đi tìm bố, qua rất nhiều phòng bệnh, cuối cùng nhìn thấy bố chị Hồng ở tận cuối hành lang của một phòng khác.
Mẹ đi đến, nói với bố chị Hồng:
- Chủ nhiệm Trần, con gái tôi tới rồi, muốn gặp bố nó. Anh không cho tôi vào gặp anh ấy cũng được, nhưng anh hãy để bố con nó gặp nhau. Chỉ là đứa trẻ con, sẽ không gây ra chuyện gì lớn đâu?
Chủ nhiệm Trần nói:
- Không phải tôi không cho hai người gặp nhà, nhưng thực sự là cấp trên có chỉ thị.
Mẹ nói trong nước mắt:
- Chủ nhiệm Trần, anh hãy thương tình mà nương tay! Tục ngữ nói, ở hiền gặp lành, người tốt sẽ được báo đáp, anh hãy cho bố con nó gặp nhau một lần, chắc chắn anh sẽ được báo đáp. Giờ ở đây không có ai cả, chắc chắn tôi sẽ không nói ra.
- Tôi biết chị sẽ không nói ra, nhưng đứa bé này.
Cô vội vàng cam đoan:
- Cháu cũng sẽ không nói ra.
Chủ nhiệm Trần do dự nói:
- Tôi không thể để hai người vào thăm cậu ấy được. Giờ tôi phải đi nhà vệ sinh một lát, hai người đừng có tự ý xông vào đấy.
©STENT:
Mẹ vội vàng hứa:
- Không đâu, không đâu.
Nhưng chủ nhiệm Trần vừa rời khỏi, mẹ liền đẩy cửa phòng bệnh đi vào, cô vội nhắc:
- Mẹ đã nói là không mà.
Mẹ đã vào phòng bệnh, liền quay đầu lại nói nhỏ với cô:
- Con có vào không? Không vào thì để mẹ đóng cửa. Đây là cơ hội cuối cùng, giờ mà con không vào thì sau này sẽ không gặp được bố con nữa đâu.
Cô hoảng quá, vội vàng đi vào. Phòng bệnh hình như là phòng để đồ lặt vặt, một đống hổ lốn, chỉ có một chiếc giường bệnh, bố nằm trên đó, đắp cái chăn trắng, mắt nhắm nghiền, không cử động gì, trông như người chết vậy.
Mẹ bước đến, sờ tay lên mũi bố, một lát rồi nói như trút được gánh nặng:
- Còn sống, làm mình hú hồn.
Cô cũng bước đến, thấy mũi bố có vết máu, cô lấy tay lau lau cho bố, lau không hết, liền lấy tay nhấm nhấm chút nước bọt lau lại, vết máu hết, bố cũng bị cô đánh thức.
Mắt bố chớp chớp một hồi rồi mới khàn khàn nói:
- Kim Kim, là con thật sao?
- Vâng, con đây, còn có cả mẹ nữa.
Bố quay đầu nhìn mẹ:
- Kim Phần, anh có lỗi với em.
- Anh biết có lỗi với em là được rồi, sao lại nghĩ dại như vậy?
- Anh mất em và con, sống còn có ý nghĩa gì?
- Sao anh chỉ nghĩ đến việc mình sống có ý nghĩa gì hay không? Sao anh không nghĩ đến hai mẹ con em?
Bố nghẹn ngào nói:
- Kim Phần, anh có lỗi với em, Kim Kim, bố cũng có lỗi với con.
Mẹ nói:
- Chủ nhiệm Trần sắp quay lại rồi, chúng ta hãy cố nói ngắn gọn. Nếu anh thật sự còn yêu hai mẹ con em thì hãy sống cho tốt, em cũng sẽ nuôi con thật tốt, em tin chuyện của anh sẽ có ngày được minh oan.
Bố rất tuyệt vọng:
- Chuyện của anh sao có thể minh oan được? Đó không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề hôn nhân, dù có là ai lên nắm quyền thì cũng sẽ không thể minh oan cho người như anh.
- Vậy anh hãy tranh thủ ly hôn đi, nếu anh ly hôn được với cô ta thì chúng ta có thể tái hôn.
- Kim Phần, em nói thật ư?
- Thật chứ.
Mẹ vội vàng nói.
- Thôi cứ thế nhé, sau này cho dù có xảy ra chuyện gì, anh cũng không được nghĩ quẫn nữa.
Cô cũng xen vào:
- Bố, chúng ta ngoắc tay cược đi!
Bố thò một tay từ trong chăn ra, ngoắc tay với cô:
- Ngoắc tay nào, một trăm năm không được thay đổi!
Chủ nhiệm Trần húng hắng ở ngoài.
Mẹ nói:
- Hai mẹ con đi đây, chủ nhiệm Trần quay lại rồi.
Bố nói:
- Kim Kim, cho bố cái cặp tóc hồng của con được không?
Cái cặp đó là do bố dùng sợi dây thép nhỏ làm cho cô, bên ngoài sợi thép bọc một dây nhựa hồng, trông rất đẹp, cô luôn kẹp nó. Cô vừa tháo cái cặp ra vừa hỏi:
- Bố đã tặng cho con rồi, còn thích lấy lại à?
- Bố chỉ cần cái cặp này thôi, còn giữ cái kia, sau này bố nhìn thấy cái cặp này thì như được thấy Kim Kim. Kim Kim nhìn thấy cái cặp cũng như được nhìn thấy bố.