Trúc Mã Thanh Mai

Trúc Mã Thanh Mai - Chương 49




Sầm Kim vừa nhìn thấy mấy chữ “vợ của Doãn Vệ Quốc” thì biết chắc chắn là bức thư tố cáo của Trịnh Đông Lăng. Cô xem phong bì thư, là gửi đến cơ quan của Chỉ Thanh, đến cô cũng không làm sao biết được địa chỉ gửi thư của cơ quan Chỉ Thanh, không biết Trịnh Đông Lăng làm thế nào mà hỏi được.



Cô từng nghĩ Trịnh Đông Lăng sẽ còn đến khoa gây rối, đến khu nhà gây rối, rồi chặn cô lại trên đường để gây sự, đến cả khả năng Trịnh Đông Lăng tìm cô đấu tay đôi cũng đã nghĩ tới, cho nên thời gian này đến giày cao gót cô cũng không đi, nhưng cô không ngờ Trịnh Đông Lăng sẽ tố cáo với Chỉ Thanh, bởi vì cô nghĩ Trịnh Đông Lăng vốn không quen Chỉ Thanh, càng không biết nơi làm việc của anh, vậy thì tố cáo đi đâu?



Cô run rẩy đọc bức thư một lượt, vẫn chưa hiểu rõ thế nào, chỉ thấy Trịnh Đông Lăng xúi giục Chỉ Thanh gây chuyện với cô, bởi vì trong thư có mấy từ như “Một người đàn ông như anh sẽ không cho phép vợ mình bán dâm”.



Chỉ Thanh hỏi:



- Chuyện này là thế nào?



- Cái gì thế nào?



- Cô ta nói như vậy… có phải là thật không?



- Anh ám chỉ cái gì?



- Mấy kiểu trong thư cô ta nói.



Cô đành xem lại một lượt, phát hiện suốt bức thư đều là mấy từ chỉ trích kiểu như “bán dâm”, “quyến rũ”, “đáng hổ thẹn”. nhưng không có bất kì về thời gian, địa điểm, vật chứng, bằng chứng gián tiếp nào. Cô cảm thấy những lời cáo buộc này không đúng, liền quả quyết nói:



- Những điều cô ta nói không phải là sự thật.



- Vậy sao cô ta… lại viết bức thư này gửi cho anh?



- Chắc là vì người trong khoa em đều không tin… cô ta nói linh tinh, cho nên mới chạy đến tìm anh tố cáo.



- Cô ta còn chạy đến tận khoa em hả?



- Vâng.



- Sao không nghe em nói lại?



- Em nói để làm gì? Lại gây bực thêm cho anh?



- Tại sao cô ta lại chạy đến khoa em nói linh tinh?



- Bởi vì hai vợ chồng họ nảy sinh mâu thuẫn.



- Hai vợ chồng họ nảy sinh mâu thuẫn thì sao cô ta lại lôi em vào, còn lôi cả anh vào?



- Cái loại người như cô ta đúng là mất nết. Bị chồng chê, cô ta không tự đi tìm nguyên nhân ở bản thân, lại cho rằng vì có người đàn bà khác… dụ dỗ chồng cô ta.



- Vậy lần đó vợ chồng họ mâu thuẫn vì chuyện gì?



Cô nói lại chuyện hai vợ chồng Vệ Quốc cãi nhau về chuyện dạy con, anh cau mày nói:



- Con mụ này cũng quá độc ác, sao có thể nói con không phải là của chồng mình chứ? Đó là câu nói khiến đàn ông bị tổn thương nhiều nhất. Nếu mà là anh thì anh đã cho một cái tát từ lâu rồi, sau đó ly hôn.



- Vệ Quốc đã đề nghị ly hôn cho nên cô ta mới làm ầm lên như vậy.



- Nhưng sao cô ta không đến khoa khác nói mà lại đến khoa em gây sự? Có phải Vệ Quốc đã nói với cô ta là anh ta ly hôn vì em không?



- Sao Vệ Quốc nói như vậy được?



- Tại sao không nói như vậy?



- Anh ấy không ly hôn vì em, sao lại bịa ra nói dối như vậy?



- Anh ta không ly hôn vì em thì ly hôn vì ai?



- Sao cứ phải ly hôn vì ai? Hai người sống với nhau không được thì ly hôn, sao nhất định phải “vì ai”? Anh chẳng vừa mới nói nếu đổi lại là anh thì anh cũng sẽ cho cô ta một cái bạt tai rồi ly hôn đó sao.



Chỉ Thanh im lặng một lát rồi nói:



- Anh sẽ viết thư cho cô ta.



Cô ngạc nhiên:



- Anh viết thư cho cô ta làm gì?



- Anh cảnh cáo cô ta. Vợ chồng họ mâu thuẫn với nhau là chuyện riêng nhà họ, không được lôi người khác vào, càng không nên đổ vấy lên đầu vợ anh, nếu không anh sẽ không khách khí với cô ta! Giờ anh có rất nhiều mối quan hệ, có thể dễ dàng kêu mấy đứa cho cô ta một trận, phá nát dung nhan cô ta.



Cô nghe thấy vậy mà rùng mình, phát hiện ra Chỉ Thanh mà giận lên thì cũng không phải dễ chơi.



Không biết Chỉ Thanh có viết thư cho Trịnh Đông Lăng hay không, càng không rõ anh đã viết cái gì, nhưng từ đó về sau Trịnh Đông Lăng không đến làm loạn nữa.



Việc này đã khiến cô một phen hết hồn, cảm thấy Trịnh Đông Lăng ghê gớm hơn mình tưởng tượng nhiều, Vệ Quốc nói anh đã đe thì “là con người thì phải sợ”, Trịnh Đông Lăng lại không sợ, tiếp tục gây rối. Không chỉ có vậy, đến địa chỉ đơn vị của Chỉ Thanh cũng mò tìm được, thật là thần thông quảng đại



Cô không biết Trịnh Đông Lăng sẽ điều tra ra được những gì nhưng cô biết Trịnh Đông Lăng sẽ không vì thế mà buông tay, nhất định đang ngầm thu thập chứng cứ để báo thù.



Cô nói với Vệ Quốc chuyện Trịnh Đông Lăng tố cáo cho Chỉ Thanh biết. Vừa dặn anh đừng áy náy, càng đừng làm những việc kiểu “là con người thì sẽ phải sợ”, anh đồng ý. Cô lại bảo anh hủy hết các thứ có liên quan đến cô đi, tránh để Trịnh Đông Lăng lấy được chứng cứ, anh cũng đồng ý.



©STE.NT



Một thời gian sau, khoa cô chuẩn bị lắp cho mỗi một giáo viên một máy điện thoại, khoa sẽ chi nửa tiền, giáo viên bỏ nửa tiền. Cô bàn với Chỉ Thanh xem có cần lắp điền thoại hay không. Chỉ Thanh nói:



- Tất nhiên là cần lắp rồi, giờ các gia đình dùng điện thoại ngày càng phổ biến, em lại có cơ hội tốt như vậy, khoa chi nửa tiền sao lại bỏ lỡ chứ? Vừa hay tháng tới anh được lĩnh tiền thưởng, gộp nửa số tiền cần trả chắc không vấn đề gì.




- Vậy thì lắp.



Chỉ Thanh nói:



- Em phải nhân cơ hội này đề nghị nhà trường đổi phòng cho đi, đổi phòng rồi hãy lắp điện thoại, tránh đến lúc lại phải lắp lại.



- Trước đây anh chẳng không tán thành việc đổi nhà còn gì?



- Trước đây là trước đây, bây giờ là bây giờ. Anh biết giữa hai người không có chuyện gì nhưng hàng xóm sát vách không biết, dễ gây hiểu lầm. Đổi nhà rồi thì hai người không ở cùng nhau, không tiếp xúc nữa, người ta sẽ không… có những lời ong tiếng ve.



Cô không muốn đổi nhà, cứ nghĩ chuyển đi rồi thì sẽ vĩnh viễn cắt đứt với Vệ Quốc. Nhưng cô lại sợ không đổi nhà thì sẽ khiến Chỉ Thanh sinh nghi ngờ, làm sự việc càng trở nên rối rắm hơn.



Cô nói chuyện đổi nhà với Vệ Quốc, anh cũng rất buồn, nhưng vẫn nói:



- Đổi thì đổi đi, đừng để Chỉ Thanh không vui. Chuyển đi đâu thì cũng vẫn ở cùng một trường mà.



- Nhưng em chuyển đi rồi, chúng ta… làm sao liên hệ với nhau được?



- Anh cũng xin lắp điện thoại, chúng ta có thể gọi điện liên lạc.



Cô biết khoa anh là khoa nghèo, sẽ không chi tiền cho giáo viên lắp điện thoại, liền lo lắng hỏi:



- Vậy anh phải bỏ ra cả một khoản tiền lớn đấy?



- Không có gì. Tiền em lắp điện thoại có đủ không?



- Em đủ rồi, Chỉ Thanh nói việc này anh ấy sẽ lo.



- Anh ấy giỏi hơn anh. Nếu em theo anh thì chắc phải chịu nghèo khó thôi.



- Nhưng em bằng lòng.



Anh ôm chặt cô:



- Thật sự không muốn để em đi…



Đến lượt cô an ủi anh:



- Đi đâu cũng ở trong một trường thôi…



Nhưng lát sau cô lại nói:



- Sau này chúng ta chỉ có thể gọi điện thoại thôi? Không thể gặp nhau ư?




- Sẽ có cách, rồi đâu cũng sẽ có cách thôi.



Cô lên trường xin đổi nhà, đợi một thời gian nhà trường cho cô chuyển nhà, cô chuyển đi khỏi khu nhà uyên ương, lắp điện thoại, còn sắm thêm một ít đồ gia dụng mới.



Sau khi Vệ Quốc lắp xong điện thoại thì hai người có thể thường xuyên gọi điện cho nhau. Cô cảm thấy giọng Vệ Quốc phát ra từ tai nghe điện thoại rất ấm, rất êm dịu, cứ như đang tâm tình bên tai cô vậy, có chuyện hay không cô đều gọi mấy cuộc cho anh, để lại được nghe giọng anh.



Chính qua những cuộc nói chuyện điện thoại đó cô biết được Vệ Quốc đã viết đơn ly hôn, bảo Trịnh Đông Lăng ký vào. Anh không cần gì, chỉ cần con. Nhưng Trịnh Đông Lăng không chịu ký, nói cô ta cũng chẳng cần gì chỉ cần con. Hai bên giằng co một thời gian gian vẫn không có cách nào đạt được sự nhất trí, Vệ Quốc đưa đơn ra tòa giải quyết ly hôn.



Mới đầu, cô hơi lo lắng:



- Giờ anh đề nghị ly hôn, không sợ cô ta… gây chuyện ầm ĩ sao?



- Người như cô ta, cho dù anh đưa đơn ly hôn lúc nào cũng sẽ đại náo cả thôi. Nhưng em yên tâm, giờ cô ta sẽ không tìm em để gây chuyện, bởi vì cô ta đã tố cáo em với khoa của em, cũng đã tố cáo với Chỉ Thanh, đều chẳng ai chấp nhận, còn bị Chỉ Thanh uy hiếp, cô ta nhất định biết chồng em rất bảo vệ em, quan hệ hai người rất tốt, vậy chứng tỏ em với anh cũng chẳng có gì, hơn nữa giờ em đã chuyển đi rồi, cô ta sẽ cho rằng việc anh đề nghị ly hôn không liên quan gì đến em.



Cô bán tín bán nghi, nhưng sau đó Trịnh Đông Lăng đúng thật không tìm cô gậy chuyện nữa.



Một lần cô đến bưu điện có việc thì đã phát hiện ra một điều bí mật, sợ đến nỗi khiến cô không dám gọi điện thoại từ nhà cho Vệ Quốc nữa.



Lần đó cô đang xếp hàng, nhìn thấy bên kia tường có một người đàn ông đang đứng đó với một tờ giấy vói dãy dài, vừa xem vừa lẩm bẩm:



- Tháng trước mình đâu có gọi điện thoại đi Hồ Nam?



- Cái này mới lạ, mình chưa bao giờ gọi điện đến số máy này cả!



Sau đó người đàn ông xông đến chỗ cửa sổ cãi lí với nhân viên bưu điện, bị khách hang đang xếp hàng mắng ầm lên:



- Định chen ngang hả? Lui ra!



Người đó liền phân trần:



- Không phải tôi chen ngang, tôi đã xếp hàng ở đây từ trước rồi, là họ tính nhầm hóa đơn cho tôi, trong bảng kê chi tiết này có rất nhiều cuộc gọi không phải tôi gọi, tôi phải hỏi cho rõ.



Kết quả là bên cửa sổ xảy ra một cuộc hỗn chiến, cuối cùng người đó bị đẩy ra.



Lúc đến lượt cô làm thủ tục, cô tò mò cũng đề nghị nhân viên bưu điện cho một bản kê chi tiết các cuộc gọi. Cô nhân viên nói phải nộp tiền in ấn, cô hỏi bao nhiêu, không đắt, chỉ mấy đồng, liền yêu cầu cho một bản, lấy xem, các cuộc gọi tháng trước, rất chi tiết, số điện thoại của Vệ Quốc rõ ràng từng con số trên đó, đến gọi bao nhiêu phút cũng được ghi đầy đủ.



Cô choáng váng, vội vàng xé bản kê chi tiết đó đi.



Cô không biết Chỉ Thanh có biết lấy bản kê chi tiết điện thoại từ bưu điện hay không, cô đoán là biết, bởi vì bố mẹ Chỉ Thanh đã có điện thoại từ lâu, chưa chừng Chỉ Thanh tích cực ủng hộ việc lắp điện thoại như vậy là vì muốn tóm được bằng chứng cô liên hệ với Vệ Quốc.



Từ đó cô suy ra lần trước Chỉ Thanh nói nào là sẽ viết cho Trịnh Đông Lăng một bức thư cảnh cáo, rất có thể đã lừa cô, có viết thư nhưng không phải thư cảnh cáo, mà là thư cấu kết, bảo Trịnh Đông Lăng hãy án binh bất động trước đã, đợi anh ta thu thập chứng cứ, một khi đã có được chứng cứ thì sẽ liên kết với nhau đến trường tố cáo cô. Đến lúc đó, khoa không tin cũng không được.




Cô sợ vã mồ hôi hột, không còn dám gọi điện cho Vệ Quốc từ nhà nữa, đổi ra bốt điện thoại bên ngoài gọi cho vệ Quốc, bình thường đều gọi sau khi tan làm, trên đường đạp xe về nhà, tìm một bốt điện thoại gọi cho Vệ Quốc. Để người ở đó không nghi ngờ, cô thường xuyên thay đổi địa điểm. Hôm nay gọi ở nhà này, ngày mai đến nhà khác gọi, có lúc còn dùng tiếng Anh để trao đổi, cứ như làm gián điệp vậy.



Ngoài Vệ Quốc ra, cô chẳng gọi đi đâu khác, cho nên, điện thoại nhà cô chuyên để cho Chỉ Thanh sử dụng, đến Tiểu Kim khi đã biết cách cầm điện thoại, chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại là đã hét lên:



- Bố, điện thoại!



Điện thoại của Chỉ Thanh phần lớn là có liên quan tới công việc, bởi Chỉ Thanh phụ trách công tác chiêu sinh ở trường, số điện thoại nhà được ghi trong giấy chiêu sinh ở trường, rất nhiều người gọi điện thoại đến để bàn chuyện con cái đi học, còn có người tìm đến tận nhà, tặng quà, muốn con mình được vào trường quý tộc.



Cô càng ngày càng nghe thấy nhiều chuyện Chỉ Thanh tranh luận với người ta trong điện thoại về những chuyện chiêu sinh cho trường, Chỉ Thanh nói không thể chỉ coi trọng tiền, học sinh phải qua được kỳ thi thì mới có thể nhận, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của trường, nhưng rõ ràng là đối phương không tán thành. Hai bên cứ lúc đầu thì còn nhẹ nhàng, về cuối mặt mày đỏ rực hết lên.



Cô lo lắng hỏi:



- Anh đang cãi nhau với ai đấy?



- Không phải cãi nhau, là thảo luận chuyện chiêu sinh.



- Thảo luận với ai?



- Thì là mấy đứa phụ trách của trường! Đều là mấy thằng chẳng hiểu gì về giáo dục, chỉ muốn kiếm tiền thiên hạ, nhưng bọn nó không nghĩ chất lượng là vấn đề hàng đầu của trường học, nếu thành tích học sinh sau kỳ thi không tốt thì còn ai dám gửi con cái đến trường anh cho học nữa?



- Anh nói đúng, họ lại không tán thành?



- Bọn họ tán thành thì anh đã không phải cãi nhau… với bọn nó làm gì?



- Tại sao họ không tán thành?



- Họ nói trường học hiển nhiên là phải kiếm tiền, giờ người ta chịu nộp tiền cho anh mà anh không nhận, muốn họ ra trường ngoài, vậy anh đi đâu để chiêu sinh đây?



- Anh không nói cho họ về lí thuyết chất lượng là vấn đề hàng đầu?



- Sao lại không nói? Họ không tin, họ nói cho dù thành tích thi có tốt hay không chỉ cần cứ đồng ý nộp học phí cao là vào được trung học, còn có thể vào được trường điểm.



Cô thấy điều này cũng là một thực tế, mẹ cô dạy ở trường điểm, biết mỗi năm có bao nhiêu học sinh nhờ có tiền mà vào được. Cô đề nghị:



- Vậy anh cứ nói với họ, trung học có thể nhờ vào tiền, còn đại học thì không thể, thi tốt nghiệp trung học là kỳ thi chung toàn quốc, kết quả không ra gì thì không thể vào đại học. Nếu học sinh tốt nghiệp ở trường họ ra đều không đỗ đại học thì sau này họ sẽ rất khó có thể chiêu sinh.



- Tất nhiên anh đã nói với họ điều đó rồi, nhưng họ không tin, họ nói chỉ cần có tiền là vào được đại học.



Cô nghĩ một lát, không còn hùng hổ như lúc trước nữa:



- Đây cũng là một thực tế, trường em dạy cũng có rất nhiều học sinh học với mức học phí cao.



- Nhưng như vậy chẳng phải là hại học sinh, hại cả nước nhà sao? Hết lớp này đến lớp khác được mua lên như vậy thì chất lượng giáo dục sao có thể đảm bảo được?



Chỉ Thanh đã đề cập đến mức độ cao như vậy thì cô chỉ còn nước đồng tình.



Cô tưởng đây chỉ là sự bất đồng ý kiến trong công việc mà thôi, không ngờ Chỉ Thanh lại mất việc vì nó.



Một hôm cô đi làm về, thấy vẫn còn sớm nên ra vào chỗ Vệ Quốc một lát, sau đó đến trường mẫu giáo đón con gái về. Vừa vào cửa nhà đã nhìn thấy Chỉ Thanh nằm trên ghế sô pha trong phòng khách xem ti vi, cô sững người, giật thót hỏi:



- Hôm nay anh… không đi làm?



- Không đi làm.



- Họ cho anh nghỉ việc rồi?



- Ai dám cho anh nghỉ?



- Vậy sao hôm nay lại về nhà? Ngày mai không phải lên lớp à?



- Anh xin thôi việc.



Cô ngỡ ngàng:



- Sao bỗng nhiên lại xin thôi việc?



- Không phải bỗng nhiên, mà là không muốn làm từ lâu rồi, đám người đó chẳng hiểu về giáo dục, không làm theo luật giáo dục, anh làm việc với bọn nó rất khó chịu, ngột ngạt. Mấy năm nay anh cứ muốn cải tạo họ, nhưng cuối cùng phát hiện ra họ… không thể vực nổi.



Giờ chuyện cô quan tâm không phải là vực nổi hay không vực nổi mà là chuyện Chỉ Thanh không có lương. Cô hỏi:



- Vậy anh… không có việc nữa?



- Không có thì lại đi tìm.



Cô cảm thấy gánh nặng trên vai bắt đầu nặng hơn. Mấy năm nay thu nhập của Chỉ Thanh cũng được, tiền lương, tiền thưởng rồi các khoản khác, cộng vào nhiều hơn cả thu nhập của cô, giờ bớt đi một phần thu nhập, cô rất lo, như thế sẽ phải khấu trừ ngày vào các khoản chi của con.



Chỉ Thanh an ủi cô;



- Đừng lo, anh sẽ nhanh chóng tìm được việc thôi.



Nhưng cái “nhanh chóng” này cũng mất mấy tháng trời. Chỉ Thanh vẫn chưa tìm được công việc, không biết là do các đơn vị cần người càng ngày càng đòi hỏi cao hay là do Chỉ Thanh càng ngày càng khó ính, chẳng ưng việc nào.



Chỉ Thanh cho giúp việc nghỉ, tự mình trông con, dù sao Tiểu Kim đã đi nhà trẻ, chỉ có buổi tối với cuối tuần mới cần người trông, hoặc cùng lắm là khi ốm thì có người ở nhà trông.



Chỉ Thanh đối với con trẻ cũng khá kiên nhẫn, nhưng đối với công việc và tiền đồ của mình thì lại chỉ biết than thân trách phận. Cô không dám bàn với anh bất cứ chuyện gì liên quan đến công việc hay tiền bạc, cứ nói đến là anh như mở cái “loa càu nhàu” ra, nghe rất mệt mỏi. Ban đầu cô còn đưa ra ý kiến này nọ để đả thông tư tưởng cho anh, nhưng rồi cô phát hiện ra anh không hề muốn nghe, càng góp ý thì càng càu nhàu nhiều, cứ trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nói đi nói lại cuối cùng hai vợ chồng lại cãi nhau, vậy là cô đành im lặng, không lo mấy chuyện của anh nữa.