Trọng Sinh Vi Quan

Chương 444: Không có một ngọn cỏ




Hứa Lập không đợi Tạ Quảng Điền mở miệng, hắn đã trầm giọng nói:



- Nếu như anh không biết việc này là anh thất trách, nếu anh biết mà cứ nhìn tình hình càng lúc càng ác hóa, không nghĩ biện pháp giải quyết là anh vô năng.



- Minh Sơn, anh lập tức gọi điện cho cục trưởng Cục bảo vệ môi trường, Cục y tế, Cục Công thương, bảo bọn họ dẫn nhân viên liên quan tới hiện trường công ty Phong Hoa tra xét kỹ càng. Lần này nhất định phải hoàn toàn tra rõ vấn đề ô nhiễm nguồn nước của công ty Phong Hoa có quan hệ gì với bệnh mà người dân gặp phải không? Anh cũng gọi điện cho cục trưởng Triệu, bảo y tự mình dẫn người tới giúp Củng Quân khống chế hiện trường, đề phòng đám công nhân gây rối.



Nhâm Minh Sơn không dám chậm trễ, lập tức gọi điện cho mấy người Hứa Lập vừa nhắc để bọn họ dẫn nhân viên kỹ thuật liên quan tới công ty Phong Hoa. Lệnh Hứa Lập đưa ra ở Vọng Giang này không ai dám xem nhẹ. Mặc kệ là người đang tiếp khách hay là đang bận đều vứt đó và tìm người chạy tới địa điểm.



Đám người Triệu Hồng Giang, Ngô Thông thấy Hứa Lập quyết đoán như vậy, bọn họ thấy được vấn đề mấy năm qua của thôn mình hôm nay có thể được giải quyết, ai cũng cảm kích Hứa Lập.



Hứa Lập thấy Nhâm Minh Sơn đã gọi điện xong, hắn nói.



- Triệu lão ca, tôi sẽ cho nhân viên các ngành liên quan tiến hành điều tra. Chẳng qua tôi cũng không thể chỉ nghe lời một phía của các vị, chúng ta tới hiện trường con sông xem nguồn nước ở đó ô nhiễm như thế nào, lát cũng tới nhà Ngô Thông thăm Hổ tử.



- Nên như vậy.



Triệu Hồng Giang vội vàng đứng lên đi trước dẫn đường.



Hứa Lập cũng đi theo, những người khác thấy Hứa Lập muốn đến hiện trường thì có ai dám ở lại đây, tất cả đều vội vàng theo sau.



Mọi người đi khoảng 2km là tới con sông ô nhiễm mà Triệu Hồng Giang nói, từ xa đã thấy mùi khó ngửi xộc tới.





Triệu Hồng Giang thấy đám người Hứa Lập bịt mũi, y cười khổ nói:



- Đây là mùa đông nên còn như thế này, nếu tới mùa hè dù chúng tôi ở trong nhà văn hóa thôn cũng không dám mở cửa sổ, mở thì không ai ngồi ở trong đó được.



Hứa Lập gật đầu, hắn nghiêm mặt không nói gì cả. Các nhân viên khác thấy mặt Hứa Lập trầm xuống đều câm như hến, ai cũng phải bịt mũi cúi đầu đi tới. Không ai dám nhìn ngang ngó dọc vì sợ làm Hứa Lập tức.



Đi thêm đoạn ngắn nữa là tới con sông. Do con sông này chỉ cách nguồn xả nước thải của công ty Phong Hoa có 2, 3km, mà nước thải từ xưởng sản xuất thải ra có nhiệt độ trên 20 độ cho nên nước sông không đóng băng. Chỉ thấy dòng nước đen ngòm chảy dưới dòng sông rộng bốn năm mét, trên mặt sông còn nổi bọt trắng xóa.



Hứa Lập bịt mũi cẩn thận tiến sát bờ đê, tới gần mặt nước để quan sát. Sau đó hắn lại nhặt một cành cây trên bờ khua khua dòng nước, bên trong chỉ có các vỏ cây, cỏ úa… xung quanh không có một ngọn cỏ, cá cũng không có nổi một con.



Hứa Lập ném mạnh nhánh cây xuống dòng sông, nước thoáng cái bắn tung tóe. Hắn xoay người lên bờ và nói chuyện với Ngô Thông.



- Đi, chúng ta tới nhà anh.



Ngô Thông đương nhiên cũng biết lúc này Hứa Lập đang tức nhưng không phải tức mình, mà là tức công ty Phong Hoa kia. Ngô Thông mặc dù có chút sợ hãi nhưng không lo lắng, ngược lại còn có chút vui mừng. Y hy vọng bí thư Hứa giận dữ sẽ ra lệnh đóng cửa công ty Phong Hoa kia.



Ngô Thông dẫn mọi người đi gần 20 phút mới tới nơi. Bây giờ là mùa đông nông nhàn, lại gần cuối năm đáng lẽ ở thôn quê phải đang đông vui nhộn nhịp. Chẳng qua tiến vào trong thôn mọi người lại phát hiện trong thôn rất quỷ dị nhưng rốt cuộc là ai thì mọi người lại không tả ra được.



Vào thôn Hứa Lập đột nhiên hỏi Ngô Thông.




- Trong thôn các anh sao không ai nuôi gà, nuôi chó vậy?



Nghe Hứa Lập hỏi, mọi người mới có phản ứng thì ra thôn An Dân này quá yên tĩnh, đừng nói là tiếng người ngay cả tiếng gà kêu, chó sủa cũng không có.



Ngô Thông nghe Hứa Lập hỏi, y thở dài một tiếng nói.



- Nước ăn cho người còn phải đi mười mấy Km để lấy về thì lấy đâu ra nước cho động vật chứ? Về phần nước trong giếng động vật uống vài ngày là chết cho nên ở thôn An Dân chúng tôi đã nhiều năm không ai nuôi mấy thứ này.



Mọi người trong lúc nhất thời đều im lặng, âm thanh duy nhất còn lại chính là tiếng mọi người bước trên tuyết.



Vào thôn đi một đoạn ngắn là tới nhà Ngô Thông. Nhà Ngô Thông là căn nhà ngói năm gian, mái ngói đỏ hồng, tường màu trắng sữa, cửa sổ màu xanh nhạt trông rất khí thế.



Mà khi mọi người đẩy cửa nhà đi vào lại phát hiện trong đó lại khác hẳn. Tường bên trong mới trát dở, có nhiều vết rạn nhỏ.




Ngô Thông thấy vẻ mặt mọi người, y giải thích:



- Nhà này lúc ấy nhà tôi dùng tiền bồi thường của công ty Phong Hoa trả cho bố tôi mà xây, bên trong nhà chờ có thêm tiền sẽ làm tiếp. Nhưng ai ngờ sau mấy năm mới tiết kiệm được có hơn vạn thì Hổ tử lại bị bệnh, chút tiền đó còn không đủ để Hổ tử ở bệnh viện nửa tháng, bây giờ nhà tôi đã nợ bà con, họ hàng mấy chục ngàn, không biết bao giờ mới trả được nữa.



Vợ Ngô Thông đang ngồi trên giường dỗ con thấy có nhiều người tới như vậy, cô vén chăn định xuống chào mọi người. Hứa Lập nói:




- Chị không cần xuống, cứ chăm cho cháu bé đi. Chúng tôi tới thăm cháu bé.



Vừa nói Hứa Lập đi tới trước mặt Hổ tử, Hổ tử đang ngủ ngon. Chẳng qua mặt nó đang không ngừng nhíu lại, xem ra nó khi ngủ vẫn bị bệnh hành hạ.



Hứa Lập đau lòng nhìn đứa bé nói.



- Đứa bé đáng thương.



Nói xong hắn hỏi Ngô Thông.



- Anh lên bệnh viện tỉnh kiểm tra chưa? Bệnh viện nói như thế nào? Xác xuất khỏi bệnh có cao không?



Ngô Thông nghe nhắc tới con liền có chút không khống chế được tâm trạng của mình. Y có chút kích động nói:



- Chúng tôi tới bệnh viện số 2 của tỉnh kiểm tra và ở bệnh viện gần tháng, bác sĩ nói Hổ tử mới bị ung thư gan giai đoạn đầu, nếu kịp thời phẫu thuật và chữa trị thì còn có cơ hội chữa khỏi. Nhưng tiền một tháng đã mất tới 40 ngàn, đây đều là nhờ bà con, bạn bè cho tôi vay.



Nói tới đây Ngô Thông đột nhiên quỳ xuống trước mặt Hứa Lập, y khóc kể.



- Bí thư Hứa, chỉ cần có thể cứu Hổ tử thì ngài bảo tôi lên núi đao, xuống chảo dầu cũng được, xin ngài cứu con tôi.