Trọng Sinh Tướng Quân Luôn Xem Mình Là Thế Thân

Trọng Sinh Tướng Quân Luôn Xem Mình Là Thế Thân - Chương 72: Ta mới là Đông Cung Thái Tử




"Nhưng lúc ngươi do dự, ngươi suy nghĩ đến chuyện gì hoặc là đang nghĩ đến người nào?"

Ánh trăng nghiêng ở trong sân vắng người, Mộ Chi Minh tựa hồ nghĩ đến cái gì đó mà sững sờ tại chỗ, hai tròng mắt thất thần, ngơ ngác nhìn bốn phía rừng trúc.

Văn Hạc Âm thật cẩn thận gọi: "Thiếu gia?"

Mộ Chi Minh đột nhiên hoàn hồn, như chịu kinh hãi mà ánh mắt hoảng loạn: "Cái gì? Làm sao vậy?"

Văn Hạc Âm chỉ vào hộp gỗ để trên bàn đá: "Thiếu gia, ngươi ăn chút điểm tâm đi, đừng để bị đói."

"Bánh, điểm tâm? A..."

Mộ Chi Minh hít sâu hai cái, nhìn Văn Hạc Âm nói: "A Âm, chúng ta về phòng đi."

"Được thôi, ngoài đây gió lớn, ta còn lo lắng ngươi sẽ nhiễm phong hàn." Văn Hạc Âm vui sướng, "Đúng rồi thiếu gia, cái vấn đề ngươi nghĩ không thông kia hiện giờ đã hiểu chưa?"

Mộ Chi Minh không trả lời, chỉ nói: "Mau trở về đi thôi, ta có chút đói bụng."

Văn Hạc Âm vội nói: "Được, được, được, nhanh lên."

***

Hôm sau, Mộ Chi Minh thượng triều thảo luận các vấn đề ở phía nam điện Tuyên Đức, y vốn tưởng rằng Lễ Bộ thượng thư sẽ đề cập đến chuyện tứ hôn với Hoàng Thượng, dù sao thì chuyện công chúa thành thân cũng là chuyện lớn của cả nước, ngày lành tháng tốt chắc chắn phải do Lễ Bộ phụ trách.

Nhưng Mộ Chi Minh đợi cả một buổi sáng, Lễ Bộ thượng thư vẫn không nhắc đến chuyện này.

Đợi đến khi nghị sự đã thành, rốt cuộc Mộ Chi Minh cũng không nhịn được mà đi tới dò hỏi.

Lễ Bộ thượng thư ngẩn người một lát: "Tứ hôn cái gì? Ta không nghe nói, Chi Minh, lời này không thể nói bậy."

Mộ Chi Minh phản ứng cực nhanh, vội vàng nói bản thân hồ đồ hành lễ xin lỗi.

Sau khi cáo biệt với Lễ Bộ thượng thư, tâm trạng của Mộ Chi Minh càng thêm hoang mang, Quý Phi nương nương chắc chắn sẽ không đem chuyện này nói đùa với y, nàng nói Hoàng Thượng muốn tứ hôn, chuyện này chắc chắn sẽ có, nhưng vì sao mà Lễ Bộ thượng thư nói không có chuyện này...

Chẳng lẽ...

Cố Hách Viêm cự hôn?

***

Lúc này ở điện Tuyên Đức, Thái Tử Phó Khải cầu kiến Hoàng Thượng, gã ta đi nhanh vào điện đã thấy Hoàng Thượng ngồi trước kim án điêu long phê duyệt tấu chương.

"Bái kiến phụ hoàng." Phó Khải cúi đầu hành đại lễ.

"Khải Nhi, ngươi tới đúng lúc lắm, lại đây giúp trẫm xem tấu chương." Hoàng Thượng chỉ tay vào chồng tấu chương.

"Vâng." Phó Khải tiến lên, cung kính mà ngồi quỳ ở một bên, gã ta cầm lấy một quyển tấu chương, một bên mở ra xem, bên còn lại nói: "Nghe nói hôm qua, phụ hoàng muốn ban tứ hôn cho Cố tướng quân nhưng lại bị hắn cự tuyệt."

Hoàng Thượng ngước mắt nhìn Phó Khải một cái, hừ cười một tiếng: "Đó là việc của hậu cung, ngươi biết cũng nhanh thật."

Phó Khải "vâng vâng", không dám nói lời nào.

Hoàng Thượng buông tấu chương trong tay xuống, lại lấy thêm một quyển khác, chậm rãi nói: "Làm sao vậy? Có chuyện muốn nói?"

Phó Khải cúi đầu nghe theo: "Nhi thần không dám dối gạt, chỉ là không rõ vì sao Cố Hách Viêm không muốn thành thân cùng hoàng thất, chẳng lẽ cảm thấy muội muội Thanh Hà không xứng với người cầm mười vạn Dung Diễm Quân tinh nhuệ như hắn sao?"

Ánh mắt của Hoàng Thượng ngay lập tức trở nên sắc bén, nhưng lời nói của ngài cũng không bộc lộ cảm xúc gì, chỉ bất đắt dĩ mà lắc đầu cười: "Khải Nhi ngươi từ nhỏ đã mẫn cảm đa nghi, nhưng tại sao lớn lên vẫn như vậy thế."

"Phụ hoàng giáo huấn chí phải." Phó Khải cúi đầu, "Chỉ là phụ hoàng, lưỡi dao sắc bén có thể giết địch cũng có thể đả thương chính mình, đao kiếm vô tâm, nhưng sợ người cầm kiếm có dã tâm, chỉ có khi cầm đao kiếm chặt trong tay mới an tâm được."

Hoàng Thượng hỏi lại: "An tâm là an tâm, nhưng ngươi hiểu được như thế nào là lấy lưỡi dao sắc bén giết địch không?"

Phó Khải: "... Phụ hoàng... Chuyện này... Nhi thần..."

"Khải Nhi, lưu tâm để mắt không sai, nhưng ở giữa quân thần không nên chỉ có ngờ vực." Hoàng Thượng tận tình khuyên bảo khuyên nhủ, "Cố gia, từ khi Đại Tấn khai quốc cho tới này, trải qua nhiều thế hệ trung thành, luôn lấy lòng son soi sử sách, đều lập giao ước ngựa trắng* với tiên hoàng tiên đế, ngươi hiểu không?"

(*Giao ước ngựa trắng: Sau khi Lưu Bang lên ngôi đã cho toàn bộ người xung quanh mình lập một giao ước. Cách thực hiện giao ước này là dùng máu hiến tế, lấy ngón tay nhúng vào máu và đưa lên môi để hoàn thành giao ước. Nội dung của giao ước này là để đảm bảo rằng chỉ có người họ Lưu mới có thể làm vua, tức là "Vua không phải là người họ Lưu, và cả thiên hạ sẽ cùng nhau chiến đấu." Theo "Sử ký tập" của Cửu Hoàng Thái Hậu, trên Baidu.)

Phó Khải vội vàng nói: "Phụ hoàng, nhi thần chỉ là cảm thấy..."

"Được rồi, đừng nói nữa." Hoàng Thượng cắt ngang lời của Phó Khải, nhíu mày nói, "Tấu chương này ngươi cũng đừng xem nữa, lui xuống đi."

Phó Khải rũ mắt, thấp hèn mà hành lễ: "Vâng..."

Nào ngờ khi gã ta lùi lại rời đi bèn nghe thấy Hoàng Thượng nói với tên thái giám bên cạnh: "Mấy ngày nay Tế An làm gì vậy? Trẫm nhớ nó rồi, thôi, tấu chương này tạm thời không xem nữa, bãi giá Phượng Nghi Cũng, trẫm cũng nhớ Quý Phi."

Thái Tử Phó Khải, cúi đầu, sau khi ra khỏi điện Tuyên Đức lập tức ngẩng đầu ưỡn ngực từng bước đi đến Đông Cung, khí thế hiên ngang nhưng mỗi bước đi của gã ta, trong lòng đều dâng lên một nỗi hận.

Cái gì mà nhiều thế hệ trung thành, tất cả đều là cái cớ.

Người chính là không cam lòng, không tình nguyện.

Không tình nguyện chuyện ngôi vị Thái Tử này không thể động tới, không thể để cho Hiền Vương Phó Tế An thân yêu của người.

Người từ đầu đã biết chức vị chủ soái của Dung Diễm Quân sẽ thuộc về Cố Hách Viêm, cho nên người mới để lúc Cố Hách Viêm còn là thiếu niên dạy Phó Tế An tập võ. Để Vũ Lâm tướng quân và Hiền Vương có một đoạn tình cảm sâu xa khó dứt bỏ, sau đó trơ mắt nhìn Cố Hách Viêm quyền cao chức trọng nhưng không chèn ép.

Rõ ràng ta mới là đích trưởng tử của người!

Ta mới là chủ của Đông Cung, ta mới là Thái Tử của Đại Tấn.

Chính, là, ta.