Trọng Sinh Trở Về Vị Trí Cũ

Chương 29




Quỳnh Nương nhấc làn váy nhẹ nhàng chạy đến chỗ cha nương, xoay người cười nói: “Liễu gia đại ca thay con trả ngân lượng, bây giờ đã thanh toán rõ ràng với Lang Vương, con được về nhà rồi”.

Lưu thị nghe mà vui mừng quá đỗi, vội vàng tiếp đón Liễu Tương Cư vào nhà, lại kêu Thôi Trung đi thái thịt mua rượu để chiêu đãi Liễu gia đại ca của nữ nhi thật tốt.

Liễu Tương Cư đánh giá trong nhà, đâu đâu cũng là vụn gỗ và bùn để tu bổ mặt tường. Người Thôi gia trải chăn trên hai ván cửa nối lại thành chiếc giường lớn thô sơ, mấy ngày nay chắc là tạm ngủ chung.

Hắn nhăn mày, hôm nay Quỳnh Nương đã về, lại phải chen chúc một chỗ với cả nhà Thôi gia…

Càng nghĩ càng thấy không ổn.

Nhưng bây giờ người Thôi gia đều ở đây, tùy tiện đưa bạc hiển nhiên tổn hại đến thể diện của phụ mẫu Thôi gia. Hắn nghĩ, nhân lúc người Thôi gia bận nấu cơm lau bàn, hắn đến mấy cửa hàng dưới sườn núi.

Đến một cửa hàng đang trang hoàng nhượng lại gia dụng cũ, chọn một giường gỗ có giá treo màn, trả thêm chút tiền gọi người đưa đến Thôi gia.

Quỳnh Nương đang đãi ngô thấy vậy sửng sốt, Liễu Tương Cư nói: “Thấy muội bận bịu thu xếp cửa hàng, cái giường kia quá nhỏ, không chen chúc được. Đúng lúc thấy cửa tiệm dưới sườn núi đang nhượng lại đồ cũ nên chọn cái này. Muội là nữ nhi dùng sẽ tiện hơn, đợi tiệm nhà muội hoàn chỉnh rồi, ta sẽ sai người đưa thêm gia cụ tới.”

Quỳnh Nương không ngờ đại ca cẩn thận như vậy, lòng nàng ấm áp, cũng không từ chối ý tốt của hắn, vuốt tóc mai thành tâm thực lòng nói: “Giường này muội cần, nhưng đại ca tuyệt đối đừng trợ cấp nữa. Thứ nhất, cha nương muội là người thật thà, nhận lấy quá nhiều ý tốt của huynh, nếu trả nhân tình không hết thì không được. Thứ hai... tiền mỗi tháng của huynh cũng có hạn, phải giữ lại một chút để hiếu kính phụ thân mẫu thân Liễu gia. Đợi cửa hàng khai trương rồi, chỗ muội sẽ càng ngày càng tốt, tuyệt đối không để đại ca canh cánh trong lòng nữa.”

Vừa nãy Liễu Tương Cư thấy Quỳnh Nương thuần thục nhóm lửa nấu cơm, thoạt nhìn đúng là đã thích ứng với cuộc sống bình dân phố phường. Nhìn gương mặt mềm mại của nàng, vẻ mặt từng trải dặn dò hắn phải hiếu thuận, hắn cười gật đầu.

Thôi Trung mua thịt về, Quỳnh Nương cầm dao nướng thịt đỏ cho mọi người, sau đó bỏ mười mấy trứng chim Truyền Bảo đào được trên núi vào trong rồi kho. Lưu thị còn đào củ kiệu trên núi, dùng gia vị điều phối xong xuôi rồi trộn hết vào một bát lớn.

Nấu canh thịt rồi cho trứng kho vào, rải một ít hành thơm, cho thêm chút dầu mè, hương vị đậm đà.

Lúc mọi người ngồi vây quanh bàn tròn trong sân để ăn cơm, Liễu Tương Cư mới phát hiện lời Quỳnh Nương không hề giả. Thịt nấu ngon miệng, cho miếng thịt to nhỏ đan xen vào miệng, cuốn đầu lưỡi, mùi thơm quyện vào một chỗ, phối với mùi rượu mới chưa lọc của nông thôn thật ra lại càng hợp, bất tri bất giác ăn nhiều thêm mấy miếng.

Lưu thị cũng cảm thấy nữ nhi nấu ăn ngon hơn, bà cười nói: “Ban đầu còn lo tương lai con xuất giá không biết rửa tay nấu canh thì phải làm sao. Không ngờ bây giờ nấu ăn còn ngon hơn tửu lâu, nương yên tâm rồi.”

Liễu Tương Cư nghe xong bất động thanh sắc nói: “Nghe lời này của thẩm thẩm, có phải đã nhìn trúng một người cho Quỳnh Nương không?”

Lưu thị nhớ tới mấy câu ban ngày Quỳnh Nương ném xuống, bà có chút bực. Tú tài tốt như vậy, đúng là gặp được mà không cầu được, Quỳnh Nương ở nhà cao cửa rộng nên tầm mắt quá cao, một lòng ngóng trông vào hào môn, chẳng phải sẽ chậm trễ chuyện chung thân sao? Đúng lúc Liễu gia đại ca có ở đây, vậy để hắn khuyên Quỳnh Nương.

Nghĩ vậy bà vội vàng nói: “Thật ra có một người tốt, là tú tài vào kinh đi thi, tuấn tú lịch sự, nhưng nhà hơi nghèo. Trên có mẫu thân, không có huynh đệ tỷ muội nào khác. Nhưng Quỳnh Nương chưa hỏi mà đã từ chối trước mặt người ta, vậy… Nếu tương lai muốn đổi ý cũng không đổi được nữa.”

Vốn tưởng Liễu Tương Cư ông cụ non sẽ giúp bà khuyên Quỳnh Nương, không ngờ thiếu niên này uống một chén rượu rồi nói: “Thẩm thẩm, hôn sự của Quỳnh Nương người đừng quá lo lắng. Nếu hắn là nhi tử độc nhất, vậy bà bà sẽ quản chặt, Quỳnh Nương qua cửa phụng dưỡng không chu toàn thì sẽ không tự tại, chi bằng hoãn lại. Có ta ở đây, sẽ không để muội muội gả cho mối hôn sự quá kém đâu.”



Một câu này liền chặn lời Lưu thị chưa nói hết. Bà ảo não, cảm thấy mình thương lượng sai người rồi. Chẳng phải người như Liễu gia đại công tử tầm mắt còn cao hơn Quỳnh nương sao? Nhắc đến mối hôn nhân này với hắn, Liễu công tử có thể nhìn vào mắt sao?

Quỳnh Nương nhìn dáng vẻ ảo não của Lưu thị lại cong môi cười, đặc biệt gắp vào bát Liễu gia đại ca một quả trứng kho.

Ăn cơm xong, tiễn Liễu Tương Cư đi, Quỳnh Nương xuống sườn núi, hỏi mượn cửa hàng đèn hương bàn tính và bút mực.

Ban ngày, Thôi gia và buôn gỗ cãi nhau ồn ào, các cửa hàng xung quanh đều nghe được.

Có mấy nhà trang hoàng cửa hàng nhỏ, cũng ham rẻ mua gỗ Bạch gia, lúc phát giác rồi cũng không thắng được nhị gia cậy thế hiếp người, không đổi được nên tự nhận xui xẻo.

Không ngờ mượn phúc khí của Thôi gia, tìm được thị vệ quan lớn nào đó, bắt lấy gian thương, bọn họ cũng được trả bạc.

Lão bản của cửa hàng đèn hương này vô cùng cảm kích, thấy tiểu nương Thôi gia tới mượn đồ cũng hào phóng, chẳng những cho mượn bút mực mà còn đưa cho nàng một quyển sổ mới, lại cho nàng thêm hương sợi nhỏ, dặn dò trên núi nhiều muỗi, ban đêm nhớ đốt lên đuổi muỗi.

Quỳnh Nương cười cảm tạ lão bản cửa hàng đèn hương, về đến nhà, nàng đốt hương sợi đèn dầu lên, nương theo ánh đèn cành cạch khảy bàn tính.

Lưu thị định nói ban đêm đốt đèn tính sổ quá lãng phí, hay là ban ngày lại tính. Nhưng thấy Quỳnh Nương thuần thục khảy bàn tính, bà nuốt hết những lời nói đó vào.

Ai da, nữ nhi của bà cũng thật có tư thái, tính hết những khoản chi tiêu mấy ngày nay xong liền bắt đầu hỏi bà và Thôi Trung đã tiêu xài những gì.

Kết quả vừa hỏi, phu thê hai người nghẹn họng nhìn trân trối, lúc trang hoàng cửa hàng, hai người đã chi tiêu hoang phí trên khoản đất đá và gỗ, bị người ta đòi giá cao.

Thật ra Quỳnh Nương không có ý trách cứ cha nương, nhưng tiền trang hoàng cửa hàng nhiều, không hiểu thì rất dễ bị những quản đốc tiểu thương đó lừa bịp. Bây giờ nàng đề cập với cha nương, sau này giao tiếp với những người đó cũng phải cẩn thận hơn.

Nhưng bây giờ ngân lượng của cả nhà không nhiều lắm, nếu không có thêm thu nhập thì chỉ sợ ngồi không núi vàng ăn cũng hết, cuối cùng tiền mua bàn ghế mở cửa hàng cũng không đủ nữa.

Trên đường từ biệt quán trở về, Quỳnh Nương ngồi trong xe ngựa nghĩ mãi đến chuyện này.

Bây giờ đường núi Hoàng Sơn vẫn chưa rải xong, vài đình hóng gió cũng đang xây dựng. Thợ thủ công đến đây rất nhiều, tuy cũng có vài tiểu thương bán thức ăn, nhưng giá thì tăng, mỗi ngày ăn ba bữa cũng mất số tiền không nhỏ.

Nhưng nếu có đồ ăn ngon, để thợ thủ công khuân vác ăn đỡ thèm mà giá lại rẻ, vậy cuộc làm ăn nho nhỏ này vẫn có lợi nhuận.

Ban ngày lúc đi theo Lang Vương, nàng thấy không ít tiểu thương gặm bánh hấp khô cứng, dần có ý tưởng.



Tính sổ sách xong, nàng gom ngân lượng, nói với Thôi Trung: “Nữ nhi muốn mở một sạp bánh hấp bên đường, mà bánh hấp cần thịt mỡ, nguyên liệu nấu ăn quanh đây quá đắt, cha phí chút công sáng mai về trấn trên mua một túi bột mì, thái ít mỡ heo. Con và nương làm một ít bán tạm, nếu bán được thì ngày sau cứ vậy. Cứ như vậy, vừa không chậm trễ chuyện tu sửa cửa hàng, lại có thêm tiền.”

Phu phụ Thôi thị làm ăn nhỏ, mấy ngày nay chỉ tiêu tiền, những ngày không kiếm tiền quả thực khiến lòng người ta hoảng hơn giết người cướp của. Bây giờ nữ nhi đề nghị bán bánh hấp kiếm tiền, tất nhiên là gật đầu liên tục.

Chẳng qua Thôi Trung chần chờ nói: “Nhà chúng ta bán điểm tâm là nghề chính, vì sao không làm chút điểm tâm bán, bánh hấp kẹp thịt nghe có vẻ tốn thời gian tốn công, không bằng điểm tâm đã làm quen tay.”

Quỳnh Nương thu bàn tính, dịu dàng nói: “Bây giờ người lên núi đều là thợ thủ công, ngày ngày làm khuân vác đều ra mồ hôi, trong miệng có thức ăn mặn mới có sức. Điểm tâm nhà chúng ta lại thuần ngọt, bọn họ cũng không có thời gian thảnh thơi uống trà nhấm nháp.”

Nghe Quỳnh Nương giải thích như vậy, đúng là có lý.

Cảnh nữ nhi khẩu chiến với gian thương hôm nay, phu phụ hai người họ cũng thấy, khí thế kia không phải người bình thường có thể so sánh được, không dám coi nữ nhi như tiểu hài tử nữa.

Hơn nữa bột mì thịt mỡ cũng không phải vật quá mức sang quý, dù có thâm hụt tiền thì nhà bọn họ tạm thời cũng có thể trả nổi.

Vì thế cả nhà quyết định, sáng sớm hôm sau, Thôi Trung đeo sọt về trấn trên mua ít thịt heo rẻ.

Quỳnh Nương dùng chút bột mì còn thừa trong nhà nhào bột, sau đó dùng vải trắng che chậu lại, đặt trong phòng lên men.

May mắn đang là mùa hè, không cần miếng vải cũng lên men cực nhanh. Sau đó nấu đậu nành mềm qua nước, dùng đồ người chủ trước để lại trong viện đi giã, được một nồi sữa đậu nành đầy.

Lúc Thôi Trung về thì bột mì đã phồng lên thành một nắm to rồi. Quỳnh Nương nhờ mẫu thân thái thịt mỡ thành hình hạt lựu, nhờ ca ca Thôi Truyền Bảo ngắt rồi rửa sạch rau dại.

Sau đó cho thịt và gia vị vào chảo dầu xào lên, pha nước sốt rồi thêm nước vào nấu, nặn tròn bánh cho vào nồi đi hấp, rau dại thái vụn muối một chậu.

Nấu được một nửa, nàng nhờ cha xây một bếp lò đơn giản dưới chân núi, mang nồi sắt lớn xuống đặt ở bên đường nấu tiếp.

Món kho kia do Quỳnh Nương đặc biệt điều phối, mùi mặn của muối theo gió bay thật xa vẫn có thể ngửi được. Đang là giữa trưa, có vài thợ thủ công xuống núi mua nguyên liệu nấu ăn, chuẩn bị nấu cơm. Ngửi thấy mùi hương đó liền tò mò đi tới nhìn.

Quỳnh Nương thấy người đến, cười nói: “Hôm nay vừa mới khai trương, tặng hai cái cho hai vị nếm thử.”

Nói rồi lấy một chiếc bánh giòn to từ đĩa dài che vải trắng ở một bên, dùng dao trúc xẻ một đường ở giữa, sau đó múc một muỗng canh thịt nấu nổi bong bóng trong nồi tưới vào trong bánh hấp, lại gắp một đũa rau muối kẹp vào, cuối cùng lấy giấy gói lại đưa cho thợ.

Người thợ kia bị mùi thơm khiêu khích, cảm thấy bụng càng đói cồn cào, sau khi nhận không chờ nổi vội cắn một miếng.

Mùi thơm của canh thịt và rau trên núi đan xen lướt qua cổ họng, cảm thấy thịt rồng trên trời cũng không so được với vị của chiếc bánh hấp có nhân này.