Trở Về Thời Bắc Thuộc

Chương 5: Bẫy cá




Sau 3 ngày bị cấm túc thì Hãn cũng được tự do, hắn dời chỗ luyện tập của bọn nhóc ra bãi biển cho rộng, nơi đó cũng rất mát mẻ nhưng bọn nhóc phải chuẩn bị một ống tre đựng nước theo người vì luyện tập sẽ mất nước rất nhanh. Mỗi buổi tập chỉ có 1 canh giờ sau đó bọn trẻ được tự ý vui chơi. Điều mà Hãn cảm thấy rất khó chịu là đám làng bên lại quay lại khiêu khích, nói mỉa khi chúng đang luyện tập. Có khó chịu Hãn cũng chịu được nhưng tên Sóc vẫn cái tính không chịu nhục, nếu Hãn không quát có lẽ lúc này nó đã nhảy vào quần với bọn làng bên rồi. Bọn làng bên cũng chỉ dám khiêu khích chứ không dám nhảy vào vì Hãn còn đứng kia, cảnh một mình hạ 4-5 đứa khỏe nhất làng chúng vẫn còn nhớ rất rõ.

Một hôm, sau buổi tập, Hãn đang ngồi trên bãi biển nhìn đám nhóc đang vui chơi. Hắn đang nghĩ xem làm sao để đánh cá. Mấy hôm nay hắn để ý, bờ biển này không có một ngôi làng nào cả nhưng vẫn có mấy chiếc thuyền độc mộc, chúng rất thon dài khoảng 3 mét có một mái chèo, mũi thuyền đặc biệt có 1 mũi phụ cong vút vươn dài ra phía trước. Hình dáng rất lạ mắt, một chiếc có thể mang 2-3 người, ngoài ra còn có cả bè tre nữa. Hãn nghĩ chúng được dùng để đánh bắt gần bờ, bởi thứ này nếu đi xa bờ ăn chắc bị sóng đánh lật. Nếu đánh cá thì thứ này quả thực rất tốt nhưng có hơi tốn công với lại Hãn là trẻ con, lấy đâu ra thuyền đánh cá.

Đang chống cằm suy nghĩ, chợt hắn để ý thấy những con sóng đang đánh dạt vào bờ rồi lại rút, rồi các đợt sóng lại tiếp tục đánh vào bờ. Quá trình này diễn ra liên tục không dứt. Bất giác, đầu hắn nảy ra một ý. Hắn lớn tiếng gọi đám nhóc lại, nói có cách bắt cá. Cả đám quay trở về làng, trên đường về Hãn nói cả đám thu gom những cây dây leo bên đường về, hắn muốn bện thành những sợi dây nhỏ bằng dây thừng. Dây leo mọc dại quanh đầy trong rừng nên muốn bao nhiêu cũng có. Về đến làng, hắn chia thành 2 nhóm, Hắn, Sóc và 2 đứa nữa cùng tuổi sẽ đi chặt tre, nhóm còn lại sẽ bao gồm những đứa nhỏ hơn sẽ giã nhưng dây leo thành các sợi nhỏ rồi phơi khô, sau đó đan thành sợi. Nếu trời mưa thì có thể hơ lửa để hong khô. Hãn và 3 đứa bằng tuổi vào rừng, rừng cách làng khá xa mà chỗ có tre thì còn xa nữa nên hắn chỉ chọn chợt những luồng tre nhỡ nhỡ, nhưng luồng tre già quá to lại nặng nên Hãn không chọn. Vì kế hoạch của hắn cũng cần khá nhiều tre nên Hãn nói chặt được càng nhiều càng tốt và chọn những cây từ 3m trở lên.

Việc chặt tre thì đơn giản. để chúng có thể giữ tươi thì sau khi chặt thành các thanh từ 3-4 mét, sau đó có khoét lỗ ở mỗi cây. Dù công cụ bằng đồng nhưng các cây chúng dọn cũng không cứng lắm, dễ đốn hạ, hắn đã mang toàn bộ ra biển ngâm rồi sau đó quay về phụ nhóm Trứng bện dây. Công việc này rất mất thời gian nhưng bọn nhóc có rất nhiều thời gian. Hãn có phổ biến là số dây này sẽ được bện thành một tấm lưới lớn và dài nên sẽ cần sẽ cần rất nhiều dây leo. Nên Hãn cùng nhóm Sóc liên tục vào rừng để kiếm dây leo và chế biến để tạo nguyên liệu cho đám Trứng đan lưới. Dân làng nghe nói Hãn định đan lưới đánh cá nên nhiều người cũng đến phụ giúp, lúc này họ đang rất rảnh, vụ mới phải đến tận mấy tuần nữa mới bắt đầu. Làng thì đang gặp rất nhiều chuyện, hết thuế cao rồi đến trâu chết nhưng người làng sống lạc quan, họ có lo lắng cũng không làm gì được thôi thì đến giúp bọn nhóc coi như giết thời gian.

Công việc đan lưới phải mất 2 tuần làm liên tục mới có thể hoàn thành. Tấm lưới mà nhóm Hãn đan rất dài, chiều rộng lên đến 3 mét. Để làm tấm lưới này Hãn gần như ngày nào cũng vào rừng cắt dây leo rồi quay lại phụ đám nhóc bện dây. Sau khi lưới đã được đan xong thì cũng là lúc thực hiện kế hoạch của hắn.

Cách này của hắn rất đơn giản, tên là “bẫy thủy triều”. Đây là cách mà ở thời hiện đại hắn từng thấy qua. Bẫy này hoạt động theo nguyên lý lên xuống của thủy triều. Khi thủy triều lên thì cá sẽ theo thủy triều vào gần bờ, tương tự khi thủy triều rút, cá cũng sẽ rút theo. Bản năng của loài cá là chúng khi gặp vật cản chúng sẽ nương theo vật cản đó. Nếu có thể xếp lưới chặn lại thì không cần mất nhiều công sức cũng có thể bắt cá ăn. Hãn đã vẽ trên cát sơ đồ để bọn nhóc có thể dựa vào đó cắm cọc và sắp xếp lưới. Hãn sắp xếp các cọc thành một hình oval nằm ngang, bên trong còn nối thêm một số tường lưới hình cong nữa. Miệng để có thể đi vào hắn xếp thành hình một chiếc phễu, miệng ngoài hắn xếp rộng nhất có thể vì chúng sẽ lùa được nhiều cá hơn vào bên trong. Một khi đã vào bên trong thì cá chỉ có thể bơi nương theo lưới. các đoạn tường lưới hình cong được sắp xếp để chúng chỉ có thể bơi lòng vòng, không thể thoát ra ngoài dù thủy triều có lên đi nữa

Hắn phổ biến như vậy, đám nhóc cũng dần hiểu mà bắt tay vào làm. Đầu tiên hắn cần lựa chỗ đóng cọc. Hắn đã ướm được khi quan sát thủy triều nơi này nên đã lựa lúc thủy triều rút thấp nhất mà chọn chỗ thuận tiện, nơi có đủ nước để cá không bị mắc cạn rồi tiến hành đóng cọc. Cọc hắn cắm sâu để cố định chắc chắn nhất khi thủy triều lên sẽ không bị cuốn bay đi. Sau đó hắn đóng một thanh gỗ vào lỗ hắn đã khoét từ trước để có thể buộc lưới vào được. Cứ thế bẫy mà hắn dựng đã dần thành hình

-Mày chắc cách này hiệu quả không? – Sóc vẫn chưa tin lắm

-Chờ ngày mai sẽ biết

Ngày hôm sau, Hãn cùng cả nhóm lúc này ra biển nhưng lúc này thủy triều đang lên. Một ngày có 2 lần thủy triều lên và 2 lần thủy triều xuống. Hiện giờ đang là đợt thủy triểu lên đầu tiên, hắn phải đợi vài canh giờ nữa mà lúc đó thì đã quá trưa rồi nên hắn đành đợi đến chiều mới quay lại

Đến chiều khi thủy chiều đã rút đi, nhóm của Hãn đến kiểm tra bẫy cá. Vượt mong đợi của Hãn, cá mắc bẫy rất nhiều nhưng chủ yếu là cá vừa và nhỏ, trong số này Hãn biết một vài loại, có cá tráp, cá đù và cá vược nữa, những loại này thời hiện đại rất phổ biến. Công việc còn lại là bắt cá mang về thôi, nói đến việc này thì lũ trẻ lại thạo nhất nên Hãn để cho chúng. Chúng đã chế cả vợt và mang giỏ đựng cá đến rồi, lần này bắt cho bằng sạch và nhanh vì thủy triều có thể lên bất cứ lúc nào. Công việc bắt cá khiến chúng háo hức. Ngày thường hiếm khí có cá ăn nhưng lần này chúng có thể ăn thoải mái rồi. Mất 20 phút bọn chúng đã hoàn thành

-Sau khi bắt cá, chúng mày nhớ kiểm tra xem lưới có rách không đấy.

-Rồi rồi – Tên Sóc hí hửng nói lại

Sau khi kiểm tra lưới và cọc xong xuôi, bọn trẻ mới ra về, trên hông chúng là những giỏ đầy ắp cá, tuy không đủ để chia cho cả làng nhưng như vậy là tốt rồi. Bọn trẻ trở về đã khoe liền với cha mẹ chúng. Họ rất ngạc nhiên không ngờ lũ trẻ bắt được nhiều cá đến vậy. Hỏi ra mới biết là nhờ bẫy do Hãn nghĩ ra. Hãn được chia 3 con tráp nên về khoe với mẹ. Trưởng làng cũng đã khen ngợi hắn và quyết định tập hợp mọi người để tạo một cái bẫy to hơn cho bắt được nhiều cá, nhưng Hãn nói không cần, mà thực ra không cần gì nhiều chỉ cần mở rộng phần thân và phễu ra một chút là được. Cách này ở thời hiện đại tuy đơn giản nhưng số lượng cá bắt được rất giới hạn, không như đánh bắt xa bờ. Muốn có nhiều cá thì chủ yếu là thời gian đánh bắt, 1 tuần ra bắt một lần để cá tích dần vào bẫy, cá gần bờ chủ yếu ăn tạp nên không lo chết.

Từ đó ngày nào nhóm của Hãn cũng đi ra biển vào buổi chiều để luyện tập võ cũng như trông coi bẫy cá. Hắn còn định làm bẫy cua nữa nhưng chưa có thời gian vì bẫy cua không dùng lưới cá được. Hằng ngày luc trẻ đều đến xem bẫy cá lúc thủy triều rút. Riêng con bé Trứng thì chăm nhất. Cả ngày sáng trưa chiều nó đều đến xem bẫy cá.

Nhưng một ngày, khi Hãn và Sóc rủ nhau vào rừng chặt tre, Trứng chạy về mặt lấm lem khóc mếu máo. Cả hai đang làm thì thấy nhóc Trứng đang vừa đi vừa lấy hai tay dụi mắt, khóc lớn lững thững bước trên đường về làng liền bỏ việc chạy đến hỏi. Trứng vừa khóc vừa nói

-Anh Hãn ơi, cá bị bọn làng bên cướp mất rồi ạ, em cản chúng thì bị đánh, huhu.

Hãn thấy trên mặt Trứng đầy cát, còn thêm vài vết xước nữa. Tức giận, Hãn nắm chặt bàn tay lại

-Mẹ nó, hổ không ra oai chúng nói coi là mèo bệnh – Hãn nói

-Tao với mày tập hợp vài đứa đi liều với chúng nó- Sóc nói

-Đừng, chúng lần này đến đông lắm, hơn lần trước nữa cơ- Trứng vừa khóc vừa mếu

Hãn xoa đầu nói Trứng nín khóc rồi đi về.

-Bây giờ tính sao?

-Bắt tận tay chúng nó. Lần này không cho chúng sợ vỡ mật thì chúng còn dám phạm.