Trở Về Năm 1994

Chương 24: Câu cá




Từ nhà bà thầy bói trở về, thể xác và tinh thần Kiều Anh thoải mái rất nhiều. Ăn cơm xong, cô nói sơ qua cách làm mứt dừa rồi ôm mèo đi ngủ. Tỉnh dậy thấy mẹ và chị cô đang làm bận rộn dưới bếp. Cô đi xuống nhìn một lát, thấy giúp không được việc gì đành lên nhà chơi. Ăn không ngồi rồi lại nhớ đến hai con thú cưng, sáng nay mẹ cô mua thịt và gan chỉ đủ ăn hôm nay. Ngày mai bọn nó lại phải ăn chay. Nghĩ một hồi, cô quyết định đi câu cá. Nhà cô không có sẵn cần câu, nhưng năng lực tự chế cần cầu Kiều Anh lại có. Rất đơn giản, cô cầm dao đến bụi tre đầu làng chặt một cành tre về. Gia công cho trơn nhãn rồi lấy sợi cước buộc vào. Trộm lấy kim khâu của mẹ cô bẻ cong thành móc lồng sợi cước qua móc câu. Công đoạn cuối cùng lấy một miếng xốp cột vào dây cước để làm phao câu. Thế là một chiếc cần câu mới mẻ ra lò. Còn về phần mồi câu thì quá đơn giản. Cô vác cuốc ra góc vườn bổ vài nhát là đã đủ giun câu cả ngày.

Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, Kiều Anh một tay cầm cần câu một tay cầm ghế trên vai còn nằm bò mèo con đi ra bờ mương. Đến nơi mới nhớ ra quên mang thùng đựng cá cô lại lộn trở về lấy thùng mang đi. Trở ra lúc sau cô buông cần câu chờ đợi. Có lẽ cá trong mương quá nhiều lại ngu đần, vừa buông cần câu chưa được ba phút đã có cá đến nộp mạng. Câu cá để người ta thư giãn và rèn luyện tính kiên nhẫn. Kiều Anh câu cá như đi đánh giặc, cá liên tục cắn câu cứ như tám trăm năm không được ăn giun vậy. Chưa được nửa giờ thùng cá của Kiều Anh đã có hơn chục con toàn là rô đồng. Chẳng lẽ cô câu đúng sào huyệt của bọn cá rô đồng. Đang câu phấn khích, cô lại nghe đằng xa một đám nhóc con đang đi về phía này.

Cô chỉ nhìn lướt qua không thấy Thủy ở trong đám người liền quay sang tiếp tục câu cá. Đám nhóc con cũng không phải xa lạ gì toàn thế hệ tương lai của làng cô hết. Thấy Kiều Anh câu cá, tò mò một đám nhóc con cũng xâu xúm vào xem. Đông người ồn ào cá đều bị dọa chạy hết, Kiều Anh khô ngồi nửa giờ đến vẩy cá cũng chẳng vớt được một cái. Cái này tức giận nha, chưa kịp lên tiếng đuổi khách đám nhóc con thấy nhàm chán đã lặng lẽ rời đi.

Có vẻ vận may của Kiều Anh đã kết thúc đám nhóc đi rồi cô cũng chẳng câu được gì. Đang chuẩn bị dọn đồ về nhà, thì cần câu của cô động. Lúc đầu chỉ rất nhẹ nhàng, nhưng phao câu bị chìm càng ngày càng sâu. Kiều Anh không kịp nắm chặt cần câu, thì nó đã bị con cá kia kéo xuống mương. Hai bên giằng co khá lâu chủ yếu là Kiều Anh sợ cần câu gãy không dám dùng hết sức. Cuối cùng con cá cũng mệt, giãy giụa yếu hơn. Kiều Anh nhân cơ hội này, giật mạnh cần câu lên bờ. Lúc này con cá cũng hoàn toàn bại lộ trước mắt, là một con chép nặng tầm hơn cân. Trùm cuối này làm Kiều Anh vui mừng quá đỗi, vội bắt nó cho vào thùng. Bữa tối nhà cô hôm nay đã có.

Hôm nay thu hoạch khá nhiều, Kiều Anh quyết định mang cá về trước. Mèo con vừa nãy bị cô dũng mãnh kéo cần câu dọa, đã nhảy xuống vai cô từ lâu. May mắn em nó không có chạy đâu xa, mà nằm ngay cạnh chiếc ghế. Kiều Anh cúi xuống bế nó lên vai, nó ngửi được mùi tanh kêu ầm cả lên. Kiều Anh cũng mặc kệ nó, cô cũng đang thèm cá đâu. Không biết ăn cá chép rán giòn hay ăn cá chép om dưa đây. Kiều Anh đang phân vân ăn gì thình lình có người xuất hiện trước mặt cô. Kiều Anh nheo mắt nhìn lại, hóa ra người tới là thím hai cô. Cô trọng sinh mấy tháng mới lần đầu gặp được vị thím này.

Vị thím này cũng là nhân vật nổi tiếng trong làng cô. Với tài xuyên tạc sự thật, nói xấu sau lưng nên chỉ lấy chú hai cô chưa đầy bảy năm đã đắc tội hết người trong làng. Đỉnh điểm là mấy tháng trước thím cô bắt gặp một nam một nữ đi làm đồng về muộn. Lập tức ngày hôm sau đầy làng cô tin đồn hai người này ngoại tình đã bay tán loạn. Không khéo hai người này thân phận khá vi diệu anh rể cô em vợ. Cả làng cô nổ tung chảo. Đôi bên đều đã có gia đình, lời đồn vừa ra hai gia đình cãi nhau kịch liệt. Người này nghi ngờ người kia, dân làng chỉ trỏ bàn tán. Quá uất ức cô em vợ uống thuốc nông dược tự sát. May có người phát hiện kịp thời, đưa đi bệnh viện rửa ruột mới giữ được tính mạng. Lúc này hai gia đình mới bình tĩnh lại, điều tra chân tướng. Cuối cùng tìm ra đầu sỏ là thím cô tung tin thất thiệt. Có thể nghĩ hai gia đình tức giận thế nào, đều xông lên tẩn cho thím cô một trận. Tiền viện phí cũng phải bồi thường. Chú hai nhà cô còn muối mặt đến xin lỗi nữa.

Sau vụ việc này chú hai cô rất kiên quyết bắt thím cô không được ra ngoài bàn chuyện thị phi. Nếu như vi phạm chú cô lập tức ly hôn. Kiều Anh nhớ ngay cả vụ gặt vừa rồi cũng không thấy thím này xuất hiện. Sao hôm nay đã được thả ra rồi.

Chào hỏi xong Kiều Anh đang định rời đi, ngờ đâu bị vị thím này cản lại nói: "Cháu bắt trộm cá này ở đâu?" Vừa nói đôi mắt tham lam nhìn con cá màu mỡ kia.

Kiều Anh chỉ muốn chửi má nó, không biết trong đầu thím cô đều chứa thứ gì. Chẳng lẽ không nghĩ tốt đẹp được sao, thật đúng là kỳ ba. Sợ không nói rõ ràng mai cô khả năng trở thành kẻ trộm. Kiều Anh nhẫn nại giải thích: "Cháu câu ở mương bên kia. Không tin thím có thể ra xem cần câu cháu vẫn để ở đấy."

Thím cô sao không biết cá là cô câu được, bà chỉ muốn lừa con cá này về ăn thôi. Vì vậy cũng không quan tâm cô giải thích mà nói hươu nói vượn: "Cái mương này đã có chủ rồi, cháu câu cá ở đấy là ăn trộm còn gì. Để thím mang trả cho người ta." Nói rồi đưa tay giằng lấy thùng cá của Kiều Anh. Kiều Anh không chịu đưa, thím cháu tranh chấp lên. Trẻ con sức lực sao bằng người lớn được, mắt thấy thùng cá bị cướp mất, Kiều Anh nhìn về phía sau lưng thím cô gọi to lên: "Chú Phương ơi, giúp cháu!"



Chú Phương là anh rể bị thím cô rải lời đồn, nghe đến tên này thím cô run người lên. Trận đánh mấy tháng trước bà vẫn còn nhớ đâu. Vội vàng chạy đi, không dám ngoảnh đầu lại. Kiều Anh hừ một tiếng, xách thùng cá về nhà. Đằng trước trống không làm gì có chú Phương nào ở đó.

Kiều Anh không phải là người nén giận, về đến nhà cô lập tức kể hết từ đầu tới cuối cho mẹ cô nghe. Nghe xong mẹ cô mứt dừa cũng không làm xắn tay áo lên hùng hổ ra ngoài tìm thím cô tính sổ đi.

Kiều Anh đi vào trong bếp chị cô đang đảo dừa trên bếp, bên cạnh đặt một mâm mứt dừa vẫn còn nóng hổi. Cô có tâm ăn vụng vài miếng nhưng nghĩ đến tay vừa chộp cá lại tắt ý tưởng này. Nhìn chảo dừa trên bếp cô lại có tân ý tưởng, cô tiến lại gần chị cô nói: "Chị ơi! Làm dừa khô đi!"

Chị cô đầu cũng không ngoảnh lại trả lời: "Chị không biết làm."

Kiều Anh không quá thích ăn mứt dừa, cô vẫn thích ăn dừa khô hơn. Nó giòn và thơm hơn. Cô lại tiếp tục dụ dỗ chị cô: "Đơn giản lắm chỉ việc để lâu trên bếp đến khi nó chuyển màu là được."

Chị cô vẫn không tình nguyện, còn muốn hỏi ý kiến mẹ cô. Kiều Anh mắt xoay một vòng đã nghĩ ra một chủ ý nói với chị cô: "Chị bảo mẹ là làm cháy nên đành làm dừa khô."

Chị cô quay lại lườm cô một cái, nhưng khẩu vị của hai chị em giống nhau đều thích ăn dừa khô hơn. Nên chờ mẹ cô về nhà thấy bên cạnh mứt dừa trắng bóng là một góc dừa khô. Bà chiều con cũng không nói gì. Bà lấy túi ni lông ra, bỏ mứt dừa vào trong túi. Còn đừng nói bốn quả dừa mà làm được năm túi mứt dừa và một túi dừa khô. Mỗi túi nửa cân, tổng cộng thu được ba cân. Khối lượng thành phẩm cũng là khá cao.

Mẹ cô đưa cho cô một túi mứt dừa bảo cô mang vào biếu bà nội. Còn lại bốn túi, một túi biếu bà ngoại, hai túi chị em cô mang đến lớp, còn lại túi cuối cùng có cơ hội gửi lên cho bố cô.

Cô mang túi mứt vào biếu bà nội, nhìn túi mứt này bà nội cô còn rất ngạc nhiên hỏi từ đâu ra. Kiều Anh không quá tin tưởng độ bảo mật của bà nội cô nên nói dối là bố cô gửi về. Bà nội cô không nghi ngờ có khác vẫy tay làm cô về nhà.

Hoàn thành nhiệm vụ Kiều Anh nhảy chân sáo về nhà. Con cá chép kia cuối cùng là bị om dưa. Cả nhà cô ăn no căng mới hết được con cá. Vuốt tròn vo bụng Kiều Anh quyết định sẽ tiếp tục hoạt động câu cá này.