Nếu Dận Chân mà biết chuyện vừa xảy ra ở Nam thư phòng thì chắc hắn sẽ cả kinh đến mức mồ hôi vã ra như tắm mất. Khang Hi gọi Quách Tú vào Nam thư phòng hỏi thăm như vậy, rõ ràng là đang ngầm kiểm tra xem Dận Chân có đang lén lút kết giao với đại thần trong triều hay không. Mật thám của Khang Hi tràn ngập cả triều, lại còn “chăm sóc” đám a ca và trọng thần trong triều đặc biệt kỹ. Theo như tin tức mà lần trước mật thám hồi báo về, Khang Hi đã có phần cảnh giác với chuyện lần trước Dận Chân đến phủ Đông Quốc Duy rồi nán lại đó. Lại thêm lần này Đông Quốc Duy ra sức che chở Dận Chân càng làm cho thần kinh Khang Hi căng thẳng. Cũng may, lần này Dận Chân vẫn tương đối cẩn thận, không nhân cơ hội Khang Hi khai ân mà lôi kéo lòng người về phe mình, cũng không nói thêm gì với Quách Tú. Bởi vậy, Khang Hi còn khá hài lòng đối với biểu hiện của hắn.
Dận Chân đi vào trong phòng với tâm trạng khá là buồn bực. Hắn vừa bước vào cái là mấy tên thái giám sau lưng đã dùng vải quấn xung quanh phòng, biểu thị đây là nơi nhốt, cấm chỉ người ngoài đi vào, đương nhiên cũng cấm Dận Chân ra ngoài. Ở lối ra vào ban đầu, người ta đào một cái lỗ rộng một thước vương, có lẽ là để đưa đồ ăn cho Dận Chân, hoặc là để đưa những thứ bẩn thỉu như vật bài tiết ra ngoài.
Chế độ phạt nhốt của thời nhà Thanh chia làm mấy loại:
Loại thứ nhất là nhốt đứng. Người bị nhốt đứng đó, người ta vẽ đường bao quanh vết chân người bị nhốt, người này không được bước ra khỏi vòng đó, chỉ có thể đứng bất động. Đây là một trong những hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với tôn thất.
Loại thứ hai là nhốt ngồi. Người bị nhốt ngồi trên một chiếc ghế đẩu, người ta sẽ vẽ vòng tròn quanh bốn cái chân ghế, người bị nhốt không được ra khỏi vòng, chỉ được ngồi yên trên ghế.
Loại thứ ba là xác định ra một giới hạn trong phòng làm nơi nhốt, thực chất cũng giống như ngồi tù chung thân vậy.
Loại thứ tư là nhốt trong phủ Tông Nhân hoặc trong phủ đệ của mình, xây tường cao xung quanh phủ, trên tường bao đó còn trồng cỏ tật lê (1). Trong phủ lại xác định ra một chỗ, hoạt động chỉ giới hạn trong phạm vi đó. Loại phạt nhốt này ngoại trừ tước đoạt tự do ra thì còn lại như bình thường, cũng là loại nhẹ nhàng nhất.
Hai loại nhốt đầu quá nghiêm khắc, mặc dù được quy định rõ ràng trên văn bản luật, nhưng chưa bao giờ thực sự được thi hành. Cho nên, tính ra Dận Chân bị nhốt kiểu này đã tính là nặng rồi, Khang Hi muốn trừng phạt như vậy cho Dận Chân đòn đau nhớ lâu, không dám kết giao đại thần, kéo bè kết phái. Cũng may vì tính ra Khang Hi còn thương con trai mình, thời gian phạt nhốt cũng không lâu quá. Có điều giờ đã gần cuối thu nhưng thời tiết vẫn cực kì nóng bức, quanh phòng còn bọc màn vải quả thực làm Dận Chân nóng không chịu nổi, chẳng bao lâu mồ hôi đã thấm ướt mấy tầng y phục của Dận Chân rồi.
Dận Chân sợ nóng nhất trên đời, nhưng lại vô cùng chú ý tiểu tiết, kể cả là trước mặt hay sau lưng người ngoài hắn đều ăn mặc rất trang trọng, có nóng mấy cũng không chịu cởi quần áo. Nhưng trong lòng hắn thì bực bội lắm.
Đúng lúc này, hắn nghe thấy bên ngoài kia có thái giám cao giọng hô: “Phụng khẩu dụ của hoàng thượng, thưởng hoàng tứ tử Dận Chân một chậu băng để giải nhiệt.” Dận Chận thầm nhủ trong lòng đúng là đương hạn gặp mưa phùn mà, cầu được ước thấy luôn.. Hắn vội quỳ xuống hô: “Đứa con có tội là nhi thần xin cảm tạ ân điển của hoàng a mã.” Bên ngoài nghe thấy tiếng tạ ơn của Dận Chân mới nhét chậu băng kia vào qua lỗ vuông, nhìn khối băng đang tỏa ra hơi lạnh mờ ảo trong chậu, tâm trạng của Dận Chân lập tức thoái mái hơn rất nhiều.
Suốt hai ngày sau đó, bọn thái giám đều mang chậu băng rồi hộp cơm do Khang Hi ban thưởng tới, điều này làm Dận Chân không rõ là mình đang bị phạt hay là được thưởng nữa. Chỉ là rất nhàm chán khi cứ phải ngồi yên trong đó mà thôi. Rốt cuộc, kì hạn ba ngày cũng kết thúc, màn vải quây vừa bị dỡ ra đã thấy một thiếu niên mỉm cười đứng trước mặt, chính là Bát a ca Dận Tự.
Dận Chân thấy hơi kinh ngạc, Bát a ca này từ trước tới giờ chẳng thân thiết gì với mình, nghĩ thế nào cũng không phải người sẽ đặc biệt đến thăm mình, chẳng lẽ y đến chỉ để chế giễu thôi sao?
Dận Tự thấy Dận Chân bước ra thì cúi người chào thật sâu và nói: “Tứ ca cát tường!” Mặc dù không hiểu lắm nhưng Dận Chân không để mình cư xử thất lễ, hắn cũng chắp tay bảo: “Bát đệ, sao hôm nay lại rảnh rỗi đến chỗ tứ ca của đệ thế này?”
Dận Tự cười ấm áp và đáp: “Nghe như kiểu tứ ca có ý trách cứ tiểu đệ ấy nhỉ. Hôm nay tiểu đệ đặc biệt tới đây thỉnh an bồi tội với tứ ca ngài đây. Bình thường cũng nhờ tứ ca chiếu cố cả, tiểu đệ vẫn luôn ghi tạc trong lòng. Hai huynh đệ ta có nhiều ngày chưa gặp nhau rồi. Hôm nay tiểu đệ phụng mệnh của ngạch nương đến mời tứ ca cùng ăn tối. Chẳng hay tứ ca có nể mặt không?”
Dận Chân còn chưa kịp trả lời, đã nghe phía cửa truyền đến tiếng cười sang sảng: “Trời cao muốn đặt trọng trách lớn lên vai người nào, trước tiên sẽ làm hắn phải khổ tâm, gân cốt mệt mỏi, phải chịu đói, thân thể trống rỗng không chút sức lực nào, khiến cho mỗi hành động của hắn đều không đúng ý, như vậy mới có thể khích lệ tâm chí hắn, rèn giũa đức tính kiên nhẫn của hắn, tăng cường năng lực mà hắn không có. (2) Tứ đệ hôm nay xem như là tu hành viên mãn được xuất quan rồi, sao ta không đến tiếp đón cho được?”
Dận Chân cũng vui vẻ nói: “Tam ca cũng tới rồi à. Từ xa như vậy đã thấy khoe chữ, chẳng lẽ tam ca đến để nhắc Dận Chân mấy hôm nay không làm bài tập ư?’
Bèn thấy Dận Chỉ phe phẩy chiếc quạt thong thả bước từ cổng vào, vừa đi vừa nói: “Bát đệ cũng chẳng trượng nghĩa gì cả, có tiệc mà không thèm báo với tam ca là ta tiếng nào là sao hả?”
Dận Tự vội nói: “Có Tam ca cùng đi là tốt nhất, Dận Tự chỉ sợ người học vấn uyên bác như tam ca ngồi vào bàn ăn thì Dận Tử còn nước cắm đầu ăn cơm thôi.” (3)
Dận Chỉ mỉm cười.
Dận Chân cũng cười cười và nói: “Đa tạ Tam ca và Bát đệ đã đến thăm ta, nhân tình này Dận Chân xin ghi tạc trong lòng.”
Dận Chỉ bảo: “Không phải chỉ có mỗi hai người là ta với lão Bát đâu, vừa rồi ta nhìn hình như còn có Thập Tam đệ được ma ma dẫn đang đi về chỗ này đó.”
Dận Tự cũng cười bảo: “Không phải tiểu đệ lí do lý trấu, cũng không phải tiểu đệ quá lười mới không hay đến chỗ Tứ ca, mà vì cái chỗ tứ ca đang ở này nóng lắm, sợ người ta nói ta rắp tâm nịnh bợ hoàng ngạch nương với Tứ ca lại mang thêm phiền phức cho Tứ ca thì chết. Đấy, hôm nay thấy Tứ ca ra ngoài, ta cố ý tới vấn an Tứ ca này. Lúc đầu Cửu đệ, Thập đệ cũng muốn đến nữa, nhưng mà hôm nay bọn họ không đọc xong sách đang bị hoàng a mã phạt chép Luận Ngữ rồi, không trốn được!”
“Ha ha ha!” Dận Chân cười to: “Tứ ca của đệ giờ là chó ngã xuống ao rồi, không chỉ bị nhốt mà Đông châu trên đầu cũng bị tước luôn kìa. Được Tam ca, Bát đệ không chê còn tới thăm ta thế này, Dận Chân cảm kích lắm. Thực ra kể cả là trước kia, đều là huynh đệ nhà mình, ở đâu ra mà lắm cố kỵ thế đâu? Về sau chỗ này của ta Tam ca Bát đệ nhớ đến chơi nhiều vào nhé!” Hai huynh đệ kia nhìn nhau cười một tiếng, nhưng trong lòng đều có tính toán riêng.
Đúng lúc này chợt nghe thấy giọng nói dõng dạc truyền đến từ phía sau lưng Dận Chỉ: “Tam ca cát tường, Tứ ca cát tường, Bát ca cát tường!” Dận Chỉ nghiêng người nhường lối, Dận Chân nhìn thấy một đứa bé hồng hào mũm mĩm, mặc áo khoác vải sợi màu vàng úa in hình chữ Phúc, áo ba lỗ màu thiên thanh, đầu đội một cái mũ che nắng nhỏ bằng sợi mây, còn tua rua đã bị tháo xuống, đó chính là Thập tam a ca Dận Tường. Chi tiết tua rua bị tháo xuống này làm Dận Chân cảm động hết sức. Cách ăn mặc này nói rõ Thập tam a ca còn đang mặc đồ để tang Đông hoàng hậu đó.
Dận Tường hành lễ với từng vị ca ca một. Dận Chân vội vàng nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của nó và bảo: “Thập tam đệ, sao đệ cũng tới rồi?”
-------------
Chú thích:
(1) Cỏ tật lê: Một cây thân thảo có hoa màu vàng, quả có gai, là một cây thuốc quý
(2) Cả đoạn này Dận Chỉ trích từ trong “Sinh vu ưu hoạn, tử vu an nhạc” tuyển chọn từ “Mạnh Tử - Cáo Tử hạ”
Nguyên văn: “Cố thiên tương hàng đại nhậm vu thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tằng ích kỳ sở bất năng.”
Dịch giả diễn xuôi cho dễ hiểu.
(3) Nguyên văn: Dận Tự nói tam a ca là người “vãng lai hữu hồng nho” Câu này vốn đầy đủ là “Đàm tiếu hữu hồng nho, vãng lai vô bạch đinh”. Trong đó “hồng nho” là bậc đại nho, học giả có kiến thức uyên bác. “bạch đinh” là người thường, chỉ kẻ không biết chữ, không có kiến thức. Câu này có nghĩa là “những kẻ có thể nói chuyện cười đùa không câu nệ trước mặt bậc đại nho kiến thức uyên thâm vốn chưa bao giờ là loại bình thường dốt nát”. Nói chung, câu này vận rất hay.