Trở Về Đời Thanh

Chương 64: Biết đi đường nào (5)




Đông Quốc Duy hỏi: “Cao tướng chắc là biết Hứa Tam Lễ đúng không?”

Cao Sĩ Kỳ làm việc ở Thượng thư phòng đã lâu, quan viên trong triều có ai mà hắn không biết, huống chi người kia quá quen với hắn nên mới hỏi ngược lại: “Đông công là hỏi Phó tả đô ngự sử Hứa đại nhân? Sĩ Kỳ đương nhiên biết, ông ấy là cao thủ về lý học đương đại, lại là lãnh tụ của phái thanh lưu trong triều, quan hệ cá nhân với Quách Tú rất tốt. Đông công, ý ngài là định để ông ấy viết tấu chương luận tội Cao mỗ?”

Đông Quốc Duy đáp: “Cao tướng không hổ là người có tư duy thấu triệt cực kì, vừa nghe đã hiểu ngay tám chín phần ý của Đông mỗ. Đông mỗ biết ngài với ông ta trước kia có qua lại với nhau. Vị phó đô ngự sử đại nhân kia trước giờ không chấp nhận được một chút tì vết nào, chỉ cần là quan to quyền quý, bắt được lỗi là lập tức vạch tội ngay, ông ta với Quách Tú chính là Hắc Bạch song sát của Đốc Sát Viện. Nhưng mà, ý Đông mỗ không phải để ông ta vạch tội ngài, mà là để ông ta lộ ra tin tức làm Quách Tú tới vạch tội.”

Cao Sĩ Kỳ cười: “Đông công, chuyện ở trong triều quả là không có cái gì gạt được ngài.” Cao Sĩ Kỳ với Hứa Tam Lễ đều là người có tài văn chương xuất chúng trong đám triều thần, thường cùng nhau làm thơ, nhưng sợ bị người ta nghi là cùng phe đảng nên bình thường gặp nhau nơi công cộng chỉ gật đầu thăm hỏi rất thông thường, chẳng ai biết giữa họ có giao tình. Giờ bị Đông Quốc Duy nói ra, Cao Sĩ Kỳ rất là khiếp sợ.

Đông Quốc Duy nói: “Hơn nữa, phải để ông ta không phải chỉ vạch tội ngài, mà vạch cả Vương Hồng Tự, Trần Nguyên Long, Hà Giai, Vương Hạng Linh nữa.”

Một câu nói này, chính là làm bừng tỉnh người trong mộng. Những người này đều là người của phái thanh lưu, xuất thân hàn lâm chính quy, cũng đều là nhân tài kiệt xuất của đám bầy tôi người Hán, bọn họ thường tụ tập với Cao Sĩ kỳ uống rượu làm thơ. Song, ai cũng là người có lai lịch. Có mấy người, ngoài sáng trong tối đều qua lại với thái tử, mấy người lại không ưa đảng Sách Ngạch Đồ. Nếu vạch tội họ, chẳng khác gì đi quấy đục nước ao. Cao Sĩ Kỳ thầm nghĩ: vị quốc trượng này thực đúng là nhìn thấu tâm tư của Khang Hi.

Trước đây, hai phe Sách Ngạch Đồ và Minh Châu không ngừng đánh nhau túi bụi, khiến triều đình gặp nguy hiểm, Khang Hi luôn muốn giải quyết sự tranh đấu này. Vì vậy mới có chuyện Minh Châu bị bãi quan, Sách Ngạch Đồ bị phái đi xa. Lúc đó, vì Cao Sĩ Kỳ hơi đi lại với Minh Châu nên mới bị Khang Hi mắng cho xối xả. Xưa nay Cao Sĩ Kỳ cũng có chút danh vọng trong đám triều thần người Hán, nếu hắn thực bị kéo dính vào với Minh Châu, như vậy sẽ phá vỡ sự cân bằng, đó là chưa kể Khang Hi còn muốn che chở cho thái tử.

Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Nếu để Quách Tú vạch tội những người này, Khang Hi sẽ cho rằng đây là đám bầy tôi người Hán tự đấu đá lẫn nhau. Khang Hi từng nói, triều thần người Hán có một cái tính rất không tốt, chính là cái tính tự xử nhau này. Nếu chuyện này xảy ra, mỗi người tất sẽ bị đánh cho 50 gậy, đám đại thần của Thượng thư phòng cũng sẽ bị xử lý hàng loạt. Cao Sĩ Kỳ dù không bị đuổi về nhà như Hùng Tứ Lý, Trương Anh, thì ít nhất cũng bị giáng cấp. Như thế, Sách Ngạch Đồ sẽ phải tránh hiềm nghi, sẽ không lôi kéo Cao Sĩ Kỳ không bỏ nữa.

Ngoài ra, với tính cách của Khang Hi, nhất định sẽ không thẳng tay với Cao Sĩ Kỳ. Khang Hi nhất định sẽ nhớ tới tình cảm bao năm, lại còn là cựu thần của Thượng thư phòng mà chừa chút mặt mũi cho Cao Sĩ Kỳ. Như Minh Châu đấy, bị vạch cả mười cái tội trọng, cái nào cũng xứng đáng bị diệt môn, thế mà Khang Hi chỉ cách chức cho về nhà đọc sách. Mấy người con trai của Minh Châu chẳng ai bị cái gì, Quỹ Tự còn được thăng lên thị lang. Cho nên Cao Sĩ Kỳ không hề lo lắng, hắn chắp tay cảm ơn Đông Quốc Duy: “Cũng may được Đông công chỉ điểm, nếu Sĩ Kỳ được như nguyện ắt có ngày đến đây cảm tạ. Xin cáo từ.”

Đông Quốc Duy tiễn Cao Sĩ Kỳ, lòng thấy nhẹ nhõm hẳn. Chuyện của Tứ a ca cũng có thể nhờ bản tấu của này Quách Tú mà thoát khỏi sự truy cứu của Khang Hi. Mấu chốt nằm chính trên người mấy kẻ bị vạch tội cùng Cao Sĩ Kì đó. Bọn họ ngày thường đều có qua lại với Cao Sĩ Kỳ, nhưng đồng thời mấy người Vương Hạng Linh, Hà Giai đều từng làm thị giảng học sĩ, đều là người rất được lòng đế vương, Khang Hi cũng từng không tiếc lời khen mấy vị thanh lưu này. Nếu Quách Tú vạch tội họ, dù bên ngoài Khang Hi không nói gì, thì trong lòng cũng thầm cảm thấy sự vạch tội của Quách Tú có vấn đề. Thế nên lỡ có nhìn thấy tấu chương vạch tội Tứ a ca thì trong lòng cũng đã có mấy phần nghi ngờ trong đó. Chưa kể, trong tay mình vẫn còn một lá bài tẩy.

Quách Tú có một thủ hạ, tên là Trương Tinh Pháp, từng vạch tội tuần phủ Sơn Đông là Tiễn Giác tham tiền làm chuyện ác, nhưng Đông Quốc Duy biết, tội đó không có thật. Nguyên nhân là Quách Tú từng lợi dụng quyền làm chủ khảo để chọn lấy một đám thí sinh, trong đó có mấy người quả thực có tư chất không tệ vào làm việc cho Quách Tú. Quách Tú cũng là kẻ mến tài, dặn Tiễn Giác tiến cử mấy tên đệ tử đó làm tri huyện hoặc giáo dụ (2), nhưng kết quả bị Tiễn Giác từ chối, thế là Quách Tú trở mặt với Tiễn Giác, sai thủ hạ ngự sử của mình để mắt tới chuyện ở Sơn Đông, hễ cứ nghe có phong thanh gì là nhất định phải ghép vào ghi tội cho Tiễn Giác. Vừa gặp một dịp Tiễn Giác xử một vụ án tri phủ dưới quyền. Tri phủ đó muốn đút một ngàn lượng cho Tiễn Giác, không biết Trương Tinh Pháp làm sao biết được tin đó, lập tức viết tấu chương tấu tội Tiễn Giác, lôi cả tên Quách Tú vào. Tiếc là, Trương Tinh Pháp và Quách Tú không biết Tiễn Giác đã sớm đem bộ hồ sơ kia và cả vụ đút lót báo lên Thượng thư phòng, lại nộp đúng vào tay Đông Quốc Duy. Hiện tại, cả hồ sơ và hai tấu chương đều đang nằm trong tay Đông Quốc Duy. Đông Quốc Duy biết, mình chỉ cần nộp cho Khang Hi thì Quách Tú nhất định sẽ gặp họa. Như vậy tức là cả hai bản tấu của Quách Tú đều đã có vấn đề, thế thì chuyện hắn tố cáo Tứ a ca sẽ còn nổi bao nhiêu trọng lượng?!

Cao Sĩ Kỳ làm việc rất nhanh. Chưa tới hai ngày sau, bản tấu vạch tội của Quách Tú đã xuất hiện. Đương nhiên, Đông Quốc Duy không chút trì hoãn, lập tức dâng tấu chương này lên cho Khang Hi. Khang Hi xem xong, quả nhiên giận tím mặt.

Quách Tú ghi tội mấy người kia là “Kết đảng vì mưu lợi riêng, trong ngoài đều làm gian, trắng trợn nhận hối lộ”, Cao Sĩ Kỳ phạm bốn tội đáng bị xử chém là “Nói Cao Sĩ Kỳ xuất thân nghèo hèn, hoàng thượng yêu tài viết thư pháp tinh tế, không câu nệ tư cách cất nhắc lên làm hàn lâm, làm việc trong Nam thư phòng. Thế mà không biết trọng thánh ân, kết giao kẻ xấu, rêu rao tin tức, hám lợi chia nhau, giành hết công lao.” Nhìn tấu chương, Đông Quốc Duy lắc đầu, Quách Tú thực là lỗ mãng, viết như thế mặt ngoài là chỉ trích Cao Sĩ Kỳ, nhưng như thế có khác gì đang mắng vào mặt Khang Hi. Một quân chủ thánh minh như Khang Hi, nếu Cao Sĩ Kỳ thực chỉ có tài nịnh hót thì làm sao Khang Hi lại giữ hắn bên người suốt mười mấy năm? Vậy chẳng phải bảo Khang Hi là kẻ không biết nhìn người hay sao?

Một tội khác ghi rằng: "Cao Sĩ Kỳ đã đủ lông đủ cánh, tự lập môn hộ, cấu kết Vương Hồng Tự, Trần Nguyên Long, Hà Giai, Vương Hạng Linh, ký gửi tâm phúc, bên ngoài chào mời tìm người, bên trong cấu kết quan lại làm gian tham, không chút cố kị. Khi quân phạm pháp, lợi dụng việc công để làm việc tư. Quả thực tội ác tày trời."

Nhưng cái tội này lại làm cho Khang Hi kiêng kị. Những người này đều là cận thần của Khang Hi, nếu cả đám đều thuộc loại sâu mọt như thế, thì làm sao Khang Hi có thể được coi là vị hoàng đế thánh minh? Cái tấu chương này, trong lòng Đông Quốc Duy chỉ có mấy chữ dành cho Quách Tú, đó chính là: Ngu còn manh động.

Khang Hi giận dữ nhưng không làm gì cả. Mấy ngày sau ông mới hạ chỉ, cho Cao Sĩ Kỳ, Vương Hồng Tự, Trần Nguyên Long lãnh thưởng về hưu, hai người còn lại vẫn tiếp tục làm việc, không xử phạt gì thêm. Hai ngày sau nữa, Đông Quốc Duy nộp hồ sơ vụ án Trương Tinh Pháp và Quách Tú vạch tội Tiễn Giác, Khang Hi phê vào mấy chữ: "vạch tội bậy bạ, thực là đáng giận, giao hai người Trương, Quách cho Hình bộ và Đô sát viện xem xét."

Chú thích:

1) Ở đây nguyên văn là “Hanh Ha nhị tướng” 哼哈二将, tức hai vị tướng nhà Thương trong thần thoại Trung Quốc. Nhóm dịch đã chuyển sang Hắc Bạch song sát cho thân thiện

2) Giáo dụ: là một chức trong hệ thống giáo dục phủ huyện của thời Minh, Thanh, cỡ giảng viên chính. Trong đó, giáo dụ của phủ học (trường học cấp phủ) phải có xuất thân tiến sĩ, do triều đình cử xuống. Còn giáo dụ của huyện học (trường học cấp huyện) và các cấp thấp hơn thì có xuất thân cử nhân, cống sinh do phủ huyện tự sắp xếp.