Trở Lại Cố Đô

Chương 41




Ông hoàng Uy Hóa bước vào hỏi: “Có chuyện gì vui vậy?”

Ngân Hà sợ hãi khụy gối cúi chào ông hoàng, sau đó rất thức thời chạy đến Nội Trù phòng để dâng bánh dâng trà.

An Nhiên lắc đầu cười, chỉ hướng cô gái trẻ chạy đi, “Anh dọa con bé chạy rồi kìa.”

Ông hoàng nhún vai, “Ta đâu có nói gì với nó. Ta hỏi em mà.”

“Do buồn chán nên đùa giỡn tí thôi.” An Nhiên vừa đáp vừa bận rộn thu lại tranh vẽ bay tán loạn trên bàn.

Hôm nay trùng hợp hai người đều mặc áo ngũ thân màu xanh bơ, màu sắc áo dài nam đậm hơn một chút. Cũng không biết ai đã mua hoặc làm y phục cho họ, đều giống như áo tình nhân vậy. Tóc chàng được búi gọn gàng giấu trong khăn vấn. Còn cô chỉ đơn giản tết hai bên tóc mái, tóc dài cột thấp phía sau lưng, có phong vị hoài cổ của con gái miền Nam.

Ông hoàng nhìn cô không chớp mắt, sau đó bị cô mỉm cười nhìn lại. Chàng hắng giọng cầm một tờ giấy xem thử, thì thấy trên giấy vẽ một con mèo mập màu xám đang gặm một cái bánh vòng, thứ này chàng đã ăn thử lúc đến hiện đại, bánh ở tiệm do cô làm, không quá ngọt rất dễ ăn.

“Nếu em rảnh rỗi thì làm ít bánh này đi.” Chàng vừa nói vừa chỉ vào chiếc bánh donut đang cắn dở trên tay mèo Pusheen.

An Nhiên trầm ngâm, làm bánh là nghề tủ của cô, nhưng không biết trên thuyền có đủ nguyên liệu hay không. Cô bèn ừ một tiếng, “Để tôi hỏi xem nếu nhà bếp có đủ nguyên liệu thì sẽ làm một ít.”

Sau đó, không có sau đó.

Chàng để lại mấy câu như vậy rồi vội vã rời đi.



Nhưng so với ba ngày trước thì họ có chút tiến bộ, ít ra còn trao đổi được vài câu.

Lúc Ngân Hà bưng khay nước trà quay trở lại thì ông hoàng đã đi mất từ bao giờ. An Nhiên đang ngồi viết chữ gì đó. Ngân Hà vừa vào phòng thì đột nhiên An tiểu thư đứng dậy, nói cô muốn đi phòng bếp. Ngân Hà không hiểu đầu cua tai nheo gì, chỉ biết theo lệnh của bề trên mà làm.

Dạo gần đây An Nhiên đều theo mấy thủy thủ trên tàu nói chuyện phiếm. Cho nên biết được vài điều thú vị. Giống như chiếc thuyền chiến lớn này gọi là Đa Sách Thuyền, hình dáng giống như tàu biển ba cột buồm của người phương Tây. Trên tàu ngoài một hoa tiêu thì còn có một quản đốc, hai suất đội bao gồm hai người chánh và phó suất đội chịu trách nhiệm quản lý năm mươi thủy quân làm việc trên thuyền. Ngoài ra còn có bốn mươi sáu ‘trạo phu’, là ngôn ngữ xưa để gọi người chèo thuyền. Việc chèo thuyền này cũng không phải chèo theo kiểu thông thường, mà mái chèo liên kết với ròng rọc để giúp thuyền chạy nhanh mà không phí sức người. Nhà bếp trên này được gọi là Nội Trù thuyền, trong bếp cũng có hơn mười người làm việc, gồm một đại trù hai phó trù và vài người làm chuyện vặt.

An Nhiên đứng trong Nội Trù Thuyền trao đổi cùng lão Trịnh, cha của Ngân Hà. Chức vụ phó trù của ông tương đương như bếp phó ở thời hiện đại. Công việc của ông chuyên về làm bánh, làm điểm tâm. Khi cô hỏi về bột mì, trứng, men khô, bơ và sữa tươi, ông đều gật đầu nói có.

Hay thật! Thật không ngờ ba trăm năm trước cũng có thể tìm được mấy loại nguyên liệu này dễ dàng như vậy.

Để giải đáp cho thắc mắc của An Nhiên, lão Trịnh giải thích: “Đội thuyền chúng tôi đôi khi cũng tiếp đãi mấy vị tướng người Tây đến tập trận, nên men khô hay bơ sữa luôn phải có sẵn, vì họ mỗi ngày đều muốn ăn bánh mì. Không như người Nam Quốc chỉ cần có lương thực để ăn, lương thực chính phụ không quan trọng.”

“Ồ.”

An Nhiên và Ngân Hà đều gật gù, ra chiều đã hiểu rõ.

Sau khi tìm đủ nguyên liệu làm bánh donut, An Nhiên liền mặc tạp dề, xắn tay áo nhồi bột. Cũng may bột bánh donut chỉ cần nhồi bằng tay, ủ bột năm phút rồi lại nhồi lần hai, lại ủ lần thứ hai thêm năm mươi phút cho bột nở là được. Sau khi bột đã ủ xong, thì cắt bột thành nhiều khối đều tay, rồi tạo thành hình tròn đơn giản hay hình tròn xoắn, đậy khăn lại ủ lần cuối thêm hai mươi phút. Sau đó, đổ dầu vào chảo, đợi dầu sôi thì chiên vàng đều hai mặt bánh. Cả quá trình không cần máy trộn bột hay lò nướng gì, tuy rằng trong bếp cũng có lò nướng thô sơ của niên đại này.

Sau khi chiên xong thì nhúng bánh vào đĩa đường trộn lẫn bột quế.

Ngân Hà đang mê mẩn nhìn mấy chiếc bánh vòng xốp mềm vàng ươm được phủ lớp đường mỏng, mùi quế thơm đến nứt mũi. An Nhiên gọi mấy lần đều không thấy cô bé trả lời. An Nhiên gấp vài chiếc bánh cho vào đĩa sứ, bảo Ngân Hà mang đến cho ông hoàng Uy Hóa.



Cô bé biết khi trở về sẽ được ăn bánh vòng xinh đẹp, vui đến quên trời đất, vội vàng cười toe toét nâng mâm gỗ mang đĩa bánh đi tặng ông Hoàng.

Lão Trịnh đứng kế bên, nãy giờ đều học được nghề, tấm tắc khen An Nhiên thật khéo tay, làm bánh không những thơm mà cách tạo hình đơn giản lại đẹp mắt. An Nhiên không giấu nghề thảo luận cách làm bánh với lão Trịnh, hơn nữa càng nói càng hợp ý.

Vợ lão Trịnh bị tai nạn khi làm ruộng, sau bị đau lưng kinh niên, vài năm này việc trong nhà đều do con gái duy nhất Ngân Hà chống đỡ, hai đứa con trai đều còn nhỏ chỉ mới sáu tuổi và ba tuổi. Lão Trịnh hàng năm đi làm trên thuyền ít khi về nhà, nên cũng mắt nhắm mắt mở để con cái tự lớn. Thú thật, bây giờ để Ngân Hà đi theo hầu hạ An Nhiên, ở nhà càng khó khăn chật vật hơn, nhưng bề trên ra lệnh thì đều phải bấm bụng nghe theo.

Mấy ngày nay lão Trịnh đều lo lắng cho vợ hiền ở quê nhà, sợ bà quán xuyến không xong, lại làm phật lòng mẹ chồng. Mướn người thì cũng được nhưng mẹ ông lại kiên quyết không chịu, bao nhiêu tiền gửi về đều do mẹ ruột giữ chặt, bên hiếu bên tình ông xử lý không xong.

Nên lão Trịnh cứ suy nghĩ mãi, muốn từ chức về quê mở quán ăn. Tuy không ổn định như làm phó trù trong Nội Trù thuyền, nhưng ít ra gần gia đình, vừa đỡ đần vợ vừa chăm sóc con cái còn thơ. Ngân Hà theo An Nhiên cũng tốt, ít ra cũng có chỗ dựa trong tương lai, chủ nhân thật sự phía trên chính là ông hoàng hét ra lửa đấy.

Sau khi trải lòng cùng An Nhiên, lão Trình chợt xấu hổ vì cầu xin cô giúp đỡ để lão sớm kết thúc việc trên thuyền. Lão cũng hết cách mới làm liều, nghe con gái nói An tiểu thư rất tốt bụng, nên mới có ý định nói với cô, để cô giúp lão thổi gió bên gối ông hoàng.

An Nhiên không biết suy nghĩ của ông, nếu biết cô thật phải kêu trời, cô còn lo chưa xong cho bản thân nữa kìa.

Ngoài thông cảm ra An Nhiên cũng không biết nói gì hơn, chuyện này nằm ngoài khả năng của cô. Cái cô có thể giúp, chính là chỉ cho lão Trịnh mấy công thức làm bánh đơn giản ở hiện đại, không cần máy móc, nhưng kinh doanh tốt hay không còn phải xem tay nghề của lão.

Lão Trịnh vui mừng, như vậy cũng tốt. Ông có thể mở tiệm bánh của người Tây, lại nói quê quán của ông có vài lính tây đánh thuê đến cư trú, còn có người ngoại quốc đến làm ăn, nói không chừng có thể làm tốt việc kinh doanh. Lão Trịnh cũng không phải người tham lam, lão nói với An Nhiên nếu cửa tiệm ăn nên làm ra, lão nhất định chia cho cô hai phần tiền lời. An Nhiên nghe lời này cũng chỉ cười, không cho là thật. Vài công thức bánh hay những khi thực hành làm bánh cùng lão Trịnh cô cũng không mệt nhọc, nên không cần phải nhận công.

Hơn nữa lão Trịnh rất hòa ái dễ gần, lão còn thường xuyên nấu chè, làm đồ tráng miệng cho An Nhiên, tuy rằng đa số đồ ngọt đều vào bụng của Ngân Hà. Từ nhỏ An Nhiên chỉ ăn bánh kiểu tây vì trong nhà chính là một tiệm bánh ngọt, những loại chè truyền thống mẹ An hầu như không mua nên cô cũng không có thói quen ăn chúng.

Mấy ngày sau đó, lúc rảnh rỗi An Nhiên đều tận tình hướng dẫn lão Trịnh và Ngân Hà học làm bánh Tây.