Trôi thêm thời gian nữa, cuộc sống của tôi dần như trở về bình thường. Hằng ngày tôi vẫn đến trường, tối đến lại làm thêm ở quán bar. Mà từ sau buổi tối hôm ấy thì tôi cũng không gặp Quân nữa. Chẳng biết là do vô thức hay sao mà thỉnh thoảng tôi lại ngó về hướng cửa, khi thấy bóng dáng người đàn ông cao lớn nào đó, tôi đã hy vọng đó là Quân, nhưng sau đó, tôi lại thất vọng!
Tối đó tôi vừa thay đồng phục bước ra ngoài thì ông Phúc đã gọi:
- Vân, ra đây tao bảo.
- Anh bảo gì em?
- Mày thấy cái anh mặc áo sơ mi trắng ngồi góc trong cùng tay trái kia không?
Tôi đưa mắt nhìn về hướng tay ông Phúc chỉ, tôi gật đầu:
- Dạ em thấy ạ.
-Bưng cái chai rượu này ra cho anh đó. Cẩn thận đấy, rượu đắt tiền, mày mà làm vỡ là chết mẹ mày luôn.
Tôi gật đầu, bưng chai rượu kia, chầm chậm bước đi. Thế nhưng vừa bước đến bàn thì phải khựng người lại, người ngồi trên ghế cũng sững sờ nhìn tôi. Cả hai chúng tôi đều đồng thanh gọi tên nhau:
- Vân…
- Anh Phong…
Phong ngày trước là hàng xóm của tôi. Nhưng từ khi anh học cấp 3 được bố anh đón lên thành phố nên lâu rồi chúng tôi không gặp lại, cũng không liên lạc gì với nhau. Bây giờ gặp nhau trong hoàn cảnh này, tôi chỉ biết gượng cười nói:
- Lâu rồi không gặp anh, anh dạo này khỏe chứ?
- Ừ anh khỏe. Tại sao em làm việc ở đây?
Phong thấy tôi chần chừ nên liền giải thích:
- Anh không có ý gì đâu. Ý anh là em không còn đi học nữa sao?
- Dạ, em làm thêm thôi ạ. Còn em vẫn đi học bình thường.
Tôi vừa dứt lời thì tiếng con Mai vang lên. Mấy ngày nay nó không tới quán, bây giờ nhìn thấy nó là tôi vẫn cay cái vụ đánh ghen nhầm hôm trước. Con Mai cười tươi nói:
- Anh Phong, anh để em rót rượu cho anh nhé.
- Không cần, tôi có cô gái này là đủ rồi.
Phong thẳng thắn từ chối khiến mặt con Mai tủn ngủn lại. Tôi cũng quái lạ bình thường con này nó chỉ tiếp đại gia thôi mà, mãi sau này tôi mới biết anh Phong cũng là con của một đại gia nổi tiếng Hà Nội. Mẹ anh là vợ hai nhưng anh là con trai duy nhất, nghe đâu bà cả có hai cô con gái. Gia đình trục trặc nên bà cả với hai cô con gái của mình đã sang nước ngoài định cư. Và anh Phong là người thừa kế duy nhất của tập đoàn. Bảo sao con Mai còn biết rõ tên người ta, mũi con này thính như chó ấy, đánh hơi đại gia nhanh thật.
Sau đó con Mai một lần nữa bất đắc dĩ phải đi khỏi. Phong kéo ghế cho tôi ngồi xuống:
- Em ngồi xuống đi. Uống cùng anh ly rượu được chứ?
Tôi nhìn Phong, gật đầu đáp:
- Dạ được ạ.
Nói rồi tôi rót một ly rượu cho Phong rồi tới lượt mình. Tôi khẽ giơ lên rồi uống ực một hơi, rượu làm khoé mắt tôi cay xè. Phong yên lặng nhìn tôi, một lúc sau mới cất lời:
- Cô gái bé nhỏ ngày nào, bây giờ đã lớn thật rồi.
- Em vẫn nhớ ngày xưa hay được anh cho kẹo béo.
- Và mỗi lần như vậy em đều bị mẹ đánh.
Chúng tôi mỉm cười nhìn nhau, Phong hỏi tiếp:
- Dạo này mẹ em còn hay đánh em nữa không? À chắc là không đâu nhỉ? Ai nỡ lòng nào đánh một cô gái xinh đẹp thế này.
Tôi cười nhạt uống thêm một ngụm rượu nữa, hơi rượu cay cay cháy rát nơi cổ họng, bỗng dưng trong lòng tôi lại dâng lên hồi chua xót. Mẹ đã không đánh tôi như hồi bé nữa, nhưng có những câu nói còn đau hơn cả vết thương ngoài da, nó trực tiếp sát muối vào trái tim non nớt này. Phong thấy tôi im lặng nên cũng không hỏi thêm nữa. Tôi ngước mắt nhìn Phong, tôi hỏi:
- Vậy còn anh? Cuộc sống dạo này có ổn không?
- Anh ổn. Mà em đang học trường gì?
- Em học trường đại học ngoại thương, chuyên ngành quản trị kinh doanh.
- Ồ, cô quản lý tương lai. Sau này ra trường, về làm việc cho anh nhé.
Lúc ấy tôi cứ tưởng Phong nói đùa nên cũng trêu anh vài câu. Hai chúng tôi vừa uống rượu, vừa tâm sự với nhau các chuyện trên trời dưới bể, cả cái chuyện hồi tôi còn bé xíu như thế nào anh đều nhớ rất rõ. Uống tới ly thứ 2 thì tôi bắt đầu ngà ngà say, đúng lúc đó tiếng của ông Phúc vang lên làm tôi bừng tỉnh.
- Em chào anh Quân ạ. Nay tới muộn vậy anh?
Vô thức tôi quay đầu nhìn lại, Quân đang ở trước mặt tôi, anh cách tôi một đoạn không xa lắm nhưng cảm giác cứ ngỡ vạn trượng. Hôm nay Quân mặc tây trang màu đen rất nghiêm chỉnh, gương mặt vẫn lạnh lùng như thế. Ông Phúc kính cẩn hỏi:
- Nay anh vẫn như cũ ạ?
- Gọi một cô gái rót rượu cho tôi, trên tầng 2!
- Dạ vâng ạ. Anh đợi em một lát.
Quân lạnh lùng xỏ tay túi quần bước đi, ngay sau đó tôi thấy ông Phúc gọi con Mai lên tầng tiếp rượu cho anh. Khỏi phải nói con Mai vui sướng cỡ nào, nụ cười của nó kéo dài 7 cây số chưa hết. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại thấy lòng mình gai gai, kiểu khó chịu thế nào ấy. Nhiều lúc tôi nghĩ mình đúng là điên thật rồi.
Phong thấy sự thay đổi trên gương mặt tôi nên bèn hỏi:
- Em quen người đàn ông đó à?
- Dạ không.
- Ừ, không quen là tốt em ạ. Anh ta sắp có vợ rồi đó.
Mà vợ tương lai của anh ta cũng không phải người đơn giản, liên quan đến mafia nữa.
- Anh biết anh ta sao? ( tôi ngạc nhiên hỏi)
- Anh có biết một chút, do anh ta là đối tác làm ăn của bố anh. Nghe đâu tháng sau cô gái kia về nước là tổ chức lễ đính hôn.
Tôi gật đầu hiểu thêm được chút thông tin của Quân. Lúc này tôi mới tá hoả về thân phận của Phong không đơn giản như mình nghĩ. Tối đó tan làm Phong lái xe đưa tôi và cái Hoa về xóm trọ, vừa nhìn thấy chúng tôi bước xuống từ chiếc xe mẹc sang trọng kia, bà chủ trọ đứng đầu ngõ mỉa mai:
- Chúng mày kinh đấy, mới tí tuổi đã săn được đại gia.
Cái Hoa định nói lại bà ấy nhưng tôi ngăn cái Hoa lại rồi kéo tay nó bước đi. Thực ra để mà cãi nhau với bà ấy thì cả ngày cũng không xong. Hơn nữa bây giờ trời cũng khuya rồi, mọi người nghe thấy dù không biết thực hư sao nhưng người mang tiếng xấu vẫn là chúng tôi.
- Sao hôm nay mày hiền thế, để im cho bà ấy nói mình vậy?
- Muộn rồi nên thôi kệ bà ấy đi. Mày biết bà ấy không nói thì miệng mọc da non mà.
- Mẹ nghĩ tức méo chịu được. Tiền trọ mình cũng đóng đủ có được thiếu một ngàn nào đâu mà bà ấy lúc nào cũng vậy. Rồi để tao xem đứa con gái của bà ấy đó.
- Ừ thôi kệ đi. Tao đang tính mai làm bài kiểm tra xong thì về quê một chuyến. Ba tháng nay tao chưa về rồi, bà nội lại đang ốm nên tao tranh thủ về thăm bà.
- Ừ thế cũng được. Tranh thủ mấy ngày cuối tuần. Lát tao gửi mày 200 ngàn biếu bà giùm tao.
- Thôi, tiền đó giữ lấy đi. Tao có tiền cho bà rồi.
- Ơ con hâm này, tao cho bà chứ cho mày đâu.
Tôi tủm tỉm cười nhìn cái Hoa, hai đứa luyên thuyên thêm một lúc rồi cuối cùng mới chịu đi ngủ. Sáng sớm hôm sau hai đứa vừa mở mắt dậy đã thấy Phong đứng trước cửa, làm đứa nào đứa nấy hoảng loạn cả tâm can.
- Ủa anh Phong???
- Anh tới rủ hai em đi ăn sáng.
Tôi vì sợ muộn giờ học nên từ chối, mà cái Hoa thì lại nhiệt tình nhận lời nên bất đắc dĩ tôi phải đi theo hai người đó. Sáng đó vừa bước chân vào lớp học tôi đã nhận thấy ánh mắt khác lạ của mọi người rồi cả tiếng xì xào bàn tán. Sau một hồi nghĩ ngợi thì tôi mới hiểu ra rằng chắc có lẽ là do sáng nay Phong đưa chúng tôi đến trường bằng chiếc xe sang trọng kia.
Tan học tôi xin phép cô giáo chủ nhiệm cho tôi nghỉ một ngày để về quê. Sau đó tôi nhờ cái Hoa đưa mình ra bến xe khách. Cái Hoa tính nó lo xa, đi đường sợ tôi đói nên còn mua cả bánh mì với hoa quả. Khổ, quãng đường nào có đâu xa, chỉ 80 km với hơn hai tiếng là về tới nhà thôi mà.
Trên đường trở về, tôi cũng không gọi điện trước cho mẹ báo hôm nay tôi về. Mà nếu có gọi điện báo trước thì kiểu gì mẹ cũng ngăn cản với lý do về làm gì cho tốn kém tiền xe cộ.
Vừa bước xuống xe khách, ngoài trời bắt đầu đổ một trận mưa rào. Tôi vội vàng chạy vào một mái hiên nhà gần đó, đợi ngớt mưa hẳn mới lếch thếch khoác chiếc balo buớc đi.
Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp dưới bóng cây nhãn, tôi mở cánh cổng ra, mang tiếng khoảng cách cũng không quá xa nhưng một năm tôi về nhà thì số lần còn chưa bằng số ngón tay trên một bàn tay. Từ trong nhà, giọng nói của mẹ tôi vang lên:
- Uống đi, uống cho lắm vào, sớm muộn gì cũng có ngày ông chết vì rượu, xem lúc đó ai có thể khóc vì ông lúc ông chết.
- Tôi đếch cần ai khóc cho mình. Tôi là thằng đàn ông vô dụng, nếu như tôi không vô dụng thì mẹ tôi cũng không chét vì không có tiền.
Tôi nghe xong, toàn thân bất giác run rẩy, cảm thấy như mình vừa bị ném xuống đáy vực một cách không thương tiếc. Chiếc túi hoa quả tôi cầm trên tay cũng bởi vậy mà buông thõng xuống đất. Tôi vội vàng chạy vào nhà hỏi:
- Bố vừa nói gì cơ?
Cả bố và mẹ đều quay người lại nhìn tôi, khỏi nói mẹ tôi sốc khi thấy tôi thế nào, nhưng ánh mắt mẹ vẫn lạnh lùng vô cùng. Mẹ lắp bắp hỏi:
- Vân…sao mày về khi nào?
Lúc này, tôi cũng đưa mắt nhìn về góc trong cùng bên tay phải ngôi nhà. Ở đó, vẫn còn một chiếc bàn để di ảnh bà tôi cùng với một nải chuối xanh. Cả người tôi bất giác hoá đá, bà nội tôi mất rồi sao? Mất khi nào? Tại sao không có ai nói cho tôi biết hết vậy? Tôi đứng bất động như vậy, không biết phải mất bao lâu mới có thể tiếp nhận sự thật trước mặt mà cất giọng khàn đặc:
- Sao mẹ nói mẹ sẽ dành tiền chữa bệnh cho bà cơ mà? Sao bà lại mất?
Tôi cứ ngỡ trong mắt mẹ còn có gì đó ân hận hay hối lỗi, nhưng không, mẹ còn lạnh lùng đáp:
- Mày đi mà hỏi bác sĩ ấy. Tao cũng đã cố gắng lắm rồi. Biết làm sao được bây giờ?
- Mẹ nói vậy mà nghe được sao? Bố vừa nói gì, bố nói nếu như bố có tiền thì bà đã không mất. Chẳng lẽ số tiền con gửi mẹ, mẹ đã không cứu bà?
Chưa để bố tôi kịp lên tiếng thì mẹ tôi đã gào lên nói:
- Tao nuôi mày lớn bằng từng này tuổi đầu mà mày lại nghĩ xấu về tao thế hả? Bà mày mất là do số đã tận, mày tưởng tao muốn như vậy lắm sao?
Tôi nhìn mẹ mình, lắc đầu vài cái, dứt khoát nói:
- Con không tin.
- Tuỳ mày.
- Vậy tại sao mẹ lại giấu con việc bà mất. Rõ ràng là mẹ cố tình và chắc chắn mẹ đã không cứu bà. Mẹ có biết số tiền đó con đã nhục nhã thế nào mới có được không?
Tôi hét lên, đây là lần đầu tiên tôi lớn tiếng với mẹ. Thế rồi, bất ngờ một bạt tay thật mạnh giáng xuống mặt tôi, đau tới xây xẩm mặt mày:
- Im mồm lại. Tao nuôi mày lớn bằng này tuổi đầu không phải để mày nghĩ xấu về tao. Mày biết gì mà nói.
- Mẹ! Rốt cuộc mẹ có phải là mẹ ruột của con không vậy? Hay là mẹ nhặt được con ở bụi chuối nào đó?
Câu hỏi này tôi đã chôn vùi trong lòng biết bao nhiêu năm nay mà chưa từng dám nói ra. Tôi đã từng cố nín nhịn mẹ rất nhiều, cho rằng mẹ có đối xử với tôi ra sao nhưng tôi cũng không nghĩ mẹ lại bạc trước một tính mạng con người đến mức vậy. Thậm chí tôi còn ước mình không phải là con ruột của bà, vì tôi cảm thấy thực sự xấu hổ khi có một người mẹ như vậy.
Tôi nhìn mẹ một lúc rất lâu, tôi nói hết những suy nghĩ trong lòng mình. Bà nhìn tôi vẻ mặt có chút sững sờ, rồi cất giọng:
- Tao cũng ước tao nhặt mày ở bụi chuối thôi đấy. Tao cho mày ăn học để cái thằng thầy con cô mày dạy mày ăn nói mất dậy như vậy với mẹ mình hả?
- Có người mẹ nào như mẹ không? Mẹ đối xử với con còn tàn nhẫn hơn mẹ ghẻ. Từ nhỏ đến lớn, mẹ đánh con, mẹ chửi con, mẹ đối xử với con ra sao chắc mẹ vẫn nhớ chứ? Mấy năm nay con học trên Hà Nội, có bao giờ mẹ gửi cho con một đồng nào chưa? Có bao giờ mẹ hỏi con học hành thế nào, có mệt không, có nhớ nhà không, hay là những lúc con ốm mẹ có bao giờ hỏi thăm con được câu nào không? Mẹ xua đuổi con, mẹ không mong con về nhà cứ như con là cây sao chổi vậy. Hồi bé con không hiểu sao mẹ lại đối xử với con như vậy, nhưng càng lớn con càng hiểu rằng đơn giản vì mẹ không thương con.Tại sao lại như vậy hả mẹ? Mẹ ghét con như vậy thì sao lúc đẻ con ra mẹ không bóp chết con luôn đi. Nhiều lúc con nghĩ khéo mẹ vất con ngoài đường cho ai đó nuôi, con còn hạnh phúc hơn bây giờ.
Nói đến đây, tôi thấy sắc mặt mẹ có chút thay đổi, nhưng rất nhanh mẹ lại trở về dáng vẻ ban đầu mà nói:
- Tao làm tất cả chỉ vì tao muốn tốt cho mày, tao muốn mày trưởng thành, tao muốn mày độc lập và mạnh mẽ. Mày không nghe các cụ nói “ thương cho roi cho vọt” à?
- Tất cả chỉ là lý do, là ngụy biện cho việc mẹ không thương con mà thôi. Mẹ nghĩ con còn là đứa trẻ mới lên ba để tin những lời nói đó?
Tôi thấy khoé môi mẹ mấp máy định nói tiếp thì bố tôi cất giọng trước:
- Thôi hai mẹ con bà im đi. Nhức hết cả đầu.
Nói rồi bố tôi loạng choạng bước đi, ngay sau đó bà cũng rời khỏi. Căn nhà ba gian lúc này chỉ còn có tôi và di ảnh lạnh lẽo của bà nội. Tôi nhìn gương mặt phúc hậu của bà nội mình, những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi, rơi cả xuống nền đất lạnh lẽo. Tôi ngồi sụp xuống, ruột gan quặn thắt lên từng hồi đau đớn. Những gì tôi cố gắng để có được tiền chữa bệnh cho bà bây giờ đã thành công cốc. Hoá ra, tận cùng của nỗi đau chính là cái cảm giác thở thôi cũng thấy đau. Tôi ngồi đó không biết bao nhiêu lâu, rơi biết bao nhiêu nước mắt, những hình ảnh kỷ niệm tuổi thơ của hai bà cháu ùa về. Càng nghĩ, tôi lại càng hận chính mẹ ruột của mình.
Thế rồi, bất giờ một giọng nói vang lên khiến tôi giật mình thoát khỏi suy nghĩ.
- Chị Vân, chị về khi nào vậy?
Tôi đưa mắt nhìn thằng Tý, dạo này thằng bé cũng lớn hơn rồi. Tôi từ từ đáp:
- Chị mới về. Bà nội mất lâu chưa? Sao không gọi cho chị biết?
- Mẹ không cho em cầm điện thoại, mẹ nói chị đang bận ôn thi. Bà mất cũng được gần chục hôm rồi chị.
Tôi gật đầu, tôi không muốn nói sự thật cho nó biết, vì dù sao trong mắt nó mẹ tôi cũng rất tuyệt. Tuyệt là phải rồi, mẹ yêu thương nó, chiều chuộng nó vậy cơ mà.
Sau khi đã ổn định lại tâm trạng thì tôi mới bình tĩnh hỏi thằng Tý mọi chuyện xảy ra trong nhà những ngày qua. Thằng Tý còn hỏi:
- Chị nhận được quà sinh Nhật mẹ gửi tặng chưa?
Lúc này tôi mới ngớ người, tôi còn quên mất ngày sinh nhật của bản thân mình vừa trôi qua 5 hôm trước. Tôi lắc đầu:
- Quà nào cơ?
- Mẹ mua tặng chị một chiếc lắc tay đính đá đẹp lắm. Em hỏi mẹ, mẹ bảo tặng sinh Nhật. Xong em hỏi sinh nhật chị à thì mẹ ậm ừ.
Tôi ngạc nhiên nhìn thằng Tý, cái chuyện mà mẹ mua lắc tay đính đá tặng tôi là chuyện không thể nào xảy ra. Tôi nhớ mẹ còn chưa bao giờ chúc mừng sinh nhật tôi cơ mà. Vậy món quà kia mẹ tặng ai? Số tiền mua lắc tay đó có phải nó nằm trong cái số tiền tôi gửi về chữa bệnh cho bà? Tôi biết nếu bây giờ trực tiếp đi hỏi mẹ thì chắc chắn mẹ cũng sẽ chối. Hơn nữa thực tâm tôi bây giờ không muốn nói với mẹ mình một chút nào.
Tôi ở quê hai ngày, sáng sớm tôi định lên thành phố thì tôi hỏi mẹ:
- Số tiền con gửi mẹ để chữa bệnh cho bà, mẹ đã làm gì?
- Mày buồn cười thật, tao đã bảo tao chữa bệnh cho bà mày hết tiền rồi.
- Con không tin.
- Không tin tao cũng mặc kệ.
Tôi định nói nữa thì bất ngờ từ bên ngoài, giọng nói một người đàn ông vang lên:
- Chào cô! Hôm nay đích thân sếp Tổng của tôi đến bàn giao đất.
Tôi còn chưa hết sững sờ chuyện này thì đã tới chuyện khác, Quân đang đứng trước mặt tôi, hàng lông mày khẽ nhíu lại nhìn tôi đầy khó hiểu