Lúc Trần Nhạc còn đang sững sờ, cái thìa đã đặt trên môi hắn từ lâu, Trần Lâm nói: “Ăn miếng cháo, An ca sao con vừa nấu đó.”
An ca sao là phu lang Trần Lâm, dựa theo tập tục cưới hỏi nơi này, ca nhi nếu gả đi đều gọi là ca sao, phu lang Trần Lâm tên thật là Trần An, theo bối phận thì Trần Nhạc phải gọi là An ca sao.
Trần Nhạc có chút suy yếu mỉm cười, nhưng khóe miệng lại cứng ngắc, cơ mặt kéo không nổi. Chắc là nguyên thân không thường xuyên cười nên cảm giác có chút lạ, Trần Nhạc đành từ bỏ, nói: “Chú Lâm, chú đỡ con dậy để con tự ăn là được rồi ạ.”
Trần Lâm cũng cảm thấy tư thế này đút cháo có chút không thuận, còn dễ làm đứa nhỏ bị sặc. Thế nên dưới sự giúp đỡ của chú Lâm, Trần Nhạc dựa vào tường uống từng ngụm cháo nhỏ.
Cháo nấu bằng hạt kê, có chút đặc, màu của hạt có chút đen như là để lâu lắm rồi, nhưng Trần Nhạc không để ý, hắn đã đói lắm rồi. Chú Lâm nhìn Trần Nhạc ăn ngon như vậy trong lòng cũng vui mừng khôn nguôi.
Trước đây đứa nhỏ rất khách sáo, luôn câu nệ không dám làm phiền người khác, cũng có thể là muốn chứng minh dù bản thân cô độc vẫn sống tốt. Người khác hỏi “Trần Nhạc” có cần giúp gì không, đứa nhỏ nói có thể tự mình làm, kêu qua ăn cơm nếu không ăn thì thôi, còn ăn thì chỉ dám ăn một miếng rồi nói bản thân đã no rồi.
Bây giờ Trần Nhạc rất bộc trực, làm chú Lâm có chút không quen. Nhưng chú rất vui khi thấy thay đổi này.
Chén cháo rất nhanh thấy đáy, chú Lâm nói để chú đi múc thêm một chén, Trần Nhạc theo bản năng muốn từ chối.
Trần Lâm trừng mắt, nói: “Ăn thêm chén nữa, nhìn cái thân khô đét của con kia kìa.” Dứt lời chú đã đứng lên ra ngoài, ngay cả thời gian để Trần Nhạc cự tuyệt cũng không có.
Trần Nhạc ngơ ngác ngồi đó, ăn xong chén cháo thứ hai thì nằm xuống ngủ theo lời dặn của chú Lâm.
Lúc Trần Nhạc tỉnh dậy thì thấy một người đàn ông ngồi dưới ánh nến bé như hạt đậu, hình như đang khâu quần áo, bên cạnh có một thằng nhóc 7-8 tuổi rung đùi đắc ý ngồi đó, nhưng hai người lại chẳng nói gì với nhau.
Đột nhiên thằng nhóc quay đầu lại mắt đối mắt với Trần Nhạc. Sau đó kéo tay áo của người ngồi bên: “A ma, anh Nhạc dậy rồi.”
Người đàn ông được kêu là a ma lập tức quay đầu lại, bỏ quần áo với rỗ kim khâu xuống, nói: “A Nhạc dậy rồi à.”
Trần Nhạc trừng mắt nhìn, suy nghĩ một chút cũng biết người này là phu lang của Trần Lâm, đứa trẻ bên cạnh chắc là bé ca nhi nhà bọn họ, Trần Văn.
An ca sao vừa đi tới vừa nói, sau đó ngồi xuống mép giường, đưa tay kiểm tra nhiệt độ trên trán Trần Nhạc: “Có đói không, ngủ cũng hơn nửa ngày rồi, chắc là đói lắm.”
An ca sao quay đầu nói với Trần Văn: “Bé Văn đi bưng chén cháo tới đây, đi chậm thôi không đổ.”
Đứa nhóc nghe thế thì chạy ra ngoài.
An ca sao nói với Trần Nhạc: “Thấy có khỏe hơn không, chú Lâm của con trưa nay lên trấn làm việc rồi, có dặn chú tối nay qua xem con có cần giúp cái chi không, hôm qua con bệnh nặng lắm, thế mà hôm nay khỏe ráo lên rồi, đúng là tuổi trẻ tốt thật đấy.”
Trần Nhạc nghe được câu này mày nhíu hết cả lại, vô thường thế đấy, nghiêm trọng tới nỗi các trưởng bối đã không còn thấy “hắn” nữa.
Trần Nhạc đang tính nói gì thì nghe thấy tiếng kêu từ xa: “A ma, con tới rồi! Oé, con làm đổ rồi.”
An ca sao nghe thấy giọng Văn ca nhi, vỗ tay Trần Nhạc nói: “Chú đi phụ nó một tay.” Lập tức đứng dậy đi ra ngoài giúp Văn ca nhi cầm chén cháo.
Một lúc sau An ca sao bưng cháo đến, một tay dắt Văn ca nhi, thấy Trần Nhạc đã ngồi trên giường chờ mình. An ca sao nghĩ, A Nhạc đã thay đổi rất nhiều, hôm nay nghe nhà mình nói qua chú vẫn không quá tin, dù sao A Nhạc vẫn luôn khách sáo với nhà chú đó giờ. Nhưng bây giờ nhìn thấy tận mắt mới dám tin. Nếu là lúc trước dù thân thể có khó chịu, A Nhạc cũng sẽ cố gắng xuống giường phụ chú một tay.
Mà hôm nay lại thoải mái ngồi trên giường chờ chú. Chuyện này là An ca sao vui vẻ không thôi.
An ca sao đi tới mép giường, Trần Nhạc đưa hai tay nhận chén, nói: “An ca sao đưa con đi, con đã khỏe lắm rồi, có thể tự mình ăn. Thơm ghê, làm con càng đói.”
Trần Nhạc vừa cầm chén cháo thoáng khựng lại, không phải chén cháo này không ngon, mà hắn thấy trong chén cháo có một ít đồ ăn khác. Đây là một chén cháo bắp, nhưng bên trong lại có mấy miếng khoai lang, hỏi tại sao Trần Nhạc biết được ấy à?
Bởi vì đây là thói quen khi Trần Nhạc nấu cháo cho bà nội, nấu nhừ khoai trong nồi thì bà cũng dễ ăn hơn, răng bà nội yếu nên khi nấu Trần Nhạc hay bỏ thêm khoai lang vào cháo.
Nhưng bây giờ kiểu nấu cháo thêm khoa này chỉ để no bụng hơn mà thôi.
Có điều Trần Nhạc nhớ khoai lang được du nhập vào Trung Quốc từ thời nhà Minh, nếu nó xuất hiện ở đây vậy thì nơi này thuộc về triều đại nào?
Sau đó Trần Nhạc buồn cười với suy nghĩ của mình, ngủ có một giấc đã xuyên tới đây luôn rồi, thế sao khoai lang không thể xuất hiện ở đây chứ.
Trần Nhạc cười với An ca sao một tiếng, nói câu cảm ơn.
An ca sao mỉm cười: “Ừ, con tự ăn đi, ăn chậm thôi, ngủ lâu như rày chắc đói lắm.”
Trần Nhạc vừa ăn vừa nghe An ca sao chuyện trò, thỉnh thoảng hắn đáp lại dăm đôi câu.
Đã qua mười mấy năm, tính cách của Trần Lâm với Trần An cũng thay đổi rất nhiều, từ người chỉ biết cắm đầu làm việc dần trở nên sáng sủa có mục tiêu hơn.
Văn ca nhi nằm sấp trên giường nhìn Trần Nhạc ăn cháo, hắn đưa tay sờ đầu đứa nhỏ, làm đôi mắt Văn ca nhi sáng rực lên.
Sau khi Trần Nhạc ăn cháo xong, An ca sao dặn đi dặn lại bảo hắn phải nghỉ ngơi cho khỏe, để lại ngọn đèn dầu rồi dẫn Văn ca nhi về nhà.
Bụng đã no Trần Nhạc bước xuống giường, hắn muốn nhìn qua ngôi nhà một chút, mặc dù nhìn qua trí nhớ của “Trần Nhạc” ngôi nhà này với nguyên chủ đã quá quen thuộc, nhưng đối với hắn mà nói thì đây chỉ là nơi xa lạ.
Trần Nhạc cầm ngọn đèn dầu bước ra phòng.
Bên ngoài là phòng khách, đồ dùng bên trong cũng đơn sơ, gần cửa có một cái bàn vuông nằm giữa hai băng ghế gỗ dài. Trong góc nhà có một chiếc bàn nhỏ, phía trên để bài vị, hắn biết đó là bài vị song thân đã mất của nguyên chủ.
Trần Nhạc đến gần bàn nhỏ, đúng như hắn đoán, trên bài vị khắc hai cái tên vừa quen thuộc cũng vừa xa lạ. Hắn đứng trước bài vị hồi lâu, nhìn bài vị được lau sáng bóng, sau đó mở ngăn kéo nhỏ của chiếc bàn, bên trong có chứa giấy tiền vàng và nhang đèn.
Trần Nhạc cầm ra ba cây nhang giơ ra ngọn đèn dầu để châm, sau đó vững vàng cắm trước bài vị lạy ba lạy.
Ở một góc khác có một cái vại cao cỡ nửa người, Trần Nhạc tiến đến mở ra nhìn thử, hắn kinh ngạc một lúc, trong vại có không ít gạo, phẩm chất cũng không tệ lắm, không nghĩ đến nguyên thân còn tích trữ nhiều lương thực như vậy.
Bên trên có hai cái bao, Trần Nhạc mở miệng túi ra xem, một bao là thóc lúa, một bao là gạo lứt. Hắn nhìn gạo trong bao so sánh với gạo trong vại, hai loại rõ ràng khác nhau. Trần Nhạc nhớ ra năm nay không có thu thuế nông nghiệp.
Thuế nông nghiệp là lương thực phải nộp lên cho triều đình, loại gạo tốt này là loại để giao cho quan phủ. Mà nguyên thân thường dùng gạo dư sau khi nộp thuế đem ra chợ bán để mua gạo lứt về ăn. Như vậy sẽ tiết kiệm được chút lại còn có thể no bụng.
Nhiều người trong nhà nghèo khổ đều sẽ làm cách này.
Trần Nhạc cột miệng bao rồi đóng nắp vại, đi qua xem gian phòng nhỏ kế bên phòng khách.
Vừa nhìn đã biết đây là phòng bếp.
Trong phòng bếp có một ít dụng cụ làm bếp đơn giản, mấy chiếc chén mẻ miệng chất đống trên kệ bếp, vài đôi đũa được đặt trong ống tre đen thui. Trên đất có mấy bó củi, một ít nông cụ với giỏ trúc được dựng sát tường, còn có một đống gì đó bị tấm vải rách che lại.
Trần Nhạc đi tới vén tấm vải lên, dựa vào vách tường là một núi nhỏ khoai tây và khoai lang. Yo~ thời đại này đến cả khoai tây cũng có, Trần Nhạc vui muốn chết, đống này cũng đủ để hắn ăn mấy ngày. Nhưng hắn biết những thứ này nhiều vậy là bởi vì dễ cất trữ và ăn được no lâu, bình thường nguyên thân ngoài ăn gạo lứt ra thì còn dùng đống đồ ăn này để no bụng.
Nhưng cũng vì ăn mỗi mấy thứ này nên dinh dưỡng của nguyên thân mới không đầy đủ.
Trần Nhạc không muốn ra ngoài thăm dò vào lúc này, hắn không muốn phải tốn đèn dầu. Trong trí nhớ của “Trần Nhạc”, người trong thôn đều làm việc lúc sáng sớm và nghỉ ngơi lúc hoàng hôn xuống, tất thảy đều tuân theo quy luật tự nhiên.
Buổi tối sẽ không có hoạt động gì, vì đèn dầu rất đắt nên không ai muốn phí tiền cả, không có chuyện gì quan trọng thì bình thường họ đều tiết kiệm hết mức có thể.
Cho nên Trần Nhạc quyết định sáng mai thăm dò cũng không muộn. Hắn trở về phòng ngủ, thôi tắt đèn dầu, dựa vào ánh trăng mò mẫm trèo lên giường, nhưng do ban ngày ngủ quá nhiều nên mãi vẫn chưa thể vào giấc.
Trần Nhạc đắp cái chăn rách nằm trên giường. Hắn cảm thấy trí nhớ của mình hình như không được mạch lạc cho lắm, chỉ khi nào đụng chuyện mới nhớ được một ít.
Mà thôi, đến cũng đến rồi, binh đến tướng chặn nước đến đất ngăn.
Nghĩ thế Trần Nhạc từ từ tiến vào mộng đẹp.
Ngày thứ hai Trần Nhạc bị tiếng gà gáy đánh thức, sau đó liên tiếp nghe được âm thanh xoong chảo chạm truyền tới. Dù cho hắn không biết bây giờ là mấy giờ, nhưng hắn biết đã đến lúc rời giường rồi.
Lúc hắn bước xuống giường thì thấy gầm giường tối đen, Trần Nhạc đột nhiên nhớ ra, trong trí nhớ “Trần Nhạc” hình như có đào một cái hố dưới gầm giường đem toàn bộ tài sản của mình giấu đi.
Trần Nhạc trầm mặc một chút xoay người vào phòng bếp lấy nông cụ, sau đó chui xuống gầm giường tìm được đống đồ bị chôn kia. Hắn đào ra một cái bao bố nhỏ, vừa mở ra thấy bên trong có 3 lượng bạc với 28 đồng, ngoài ra còn có giấy tờ nhà đất.
Đồng tiền
Hôm qua Trần Nhạc đã nghĩ qua, nguyên thân chỉ có một mình, một miệng ăn không bao nhiêu, lại không phải người thích xài tiền bậy bạ, không thể nào mà nghèo tới mức này được. Nhưng sau khi thấy số tiền này hắn cũng đã hiểu, có thể khi còn bé nguyên thân sợ cái nghèo nên mới đem tiền tiết kiệm giấu đi mới có cảm giác an toàn.