Trâm Cài Tóc Mỹ Nhân

Chương 2




Ta nghe thấy giọng ông lạnh căm căm: “Đó là nhà Lâm huyện thừa đấy, lúc nãy con nên đồng ý mới đúng! Hắn có thể cho con tất cả những thứ cả đời con không cách nào đào ra nổi.”

Ông bước qua dạy dỗ ta giống như cách ông vẫn làm với mẹ mấy năm nay: “Đàn bà con gái đừng có già mồm cãi láo, sẽ làm chồng con thấy phiền chán biết chưa!”

Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.

Thói đời làm ai cũng thấy chán ghét thế này, liệu có ngày sửa lại hay chăng?

Ta không nhịn được, hừ lạnh một tiếng: “Cha có thật lòng muốn tốt cho con, hy vọng gả con cho nhà đàng hoàng, hay là cha mưu đồ gả con qua đó để được làm thông gia với Lâm Huyện thừa? Anh cả của Lâm Huyện thừa là Quận trưởng đại nhân, đừng tưởng con không biết cha đang tính toán chuyện gì!”

Cha ta thở gấp, chạy tới đánh ta.

Ta sớm biết ông muốn động tay động chân nên kịp thời né tránh, trơ mắt nhìn ông ngã nhào xuống nền đất lầy lội, phần đầu đập thẳng vào cửa lớn.

Ta không định đỡ ông dậy mà khoanh tay, thản nhiên nói: “Ngày mai con sẽ dọn ra ngoài ở cùng mẹ, sau này cha muốn yên ổn cưới Lưu tam tiểu thư thì đừng có mà gây chuyện nữa!”

Ta thấy cha giận đến nỗi gân xanh hiện ra thì càng phách lối hơn.

Ta cúi đầu nhìn chằm chằm ông, nói: “Nếu không thì chờ cha cưới hỏi xong xuôi, ngày nào con cũng đứng chặn ngoài cửa hô lên [chủ nhà này không chỉ trâu già gặm cỏ non, mà còn ép con gái ruột làm nô làm kỹ], để cha mất hết mặt mũi với người trong huyện.”

Không biết cha ta đập đầu vào bản lề hôn mê hay là bị ta chọc tức, ông ngã sõng soài dưới đất, không nói nổi một câu nào.

“Hừ! Đáng đời!” Ta nhổ nước bọt, không thèm quan tâm đến ông, xoay người quay về phòng chăm sóc mẹ.

Cha sợ ta nổi điên, khi ta thu dọn đồ đạc lúc trời hửng sáng thì đã không thấy bóng dáng ông đâu. Cửa lớn mở rộng, ông rời đi không để lại một chữ, chỉ muốn mẹ con hai chúng ta mau chóng cách xa ông ra.

Mẹ hỏi ta trước mắt không có tiền thì biết phải làm sao.

Ta nhìn về nơi xa, trả lời bà: “Mẹ à, chúng ta quay về căn nhà nhỏ lúc chỉ có hai chúng ta sống nương tựa vào nhau trước đi.”

Ta để bao lớn bao nhỏ lên xe lừa, đỡ mẹ ta ngồi vững rồi nói: “Mấy năm đó mẹ con chúng ta sống bằng cách nào thì sau này cứ thế mà sống.”

Năm xưa không có cha, hai người chúng ta cũng sống rất tốt mà đúng không?

Mấy năm nay nghe cha dạy bảo mấy phép tắc chỉ dành cho nữ giới thì ta cũng vâng dạ ít nhiều. Ta cẩn thận biến bản thân trở thành một đứa con gái ngoan ngoãn bên cạnh ông, sau đó chờ ngày được gả cho vị thiếu gia môn đăng hộ đối nào đấy.

Đến khi thành thân, có lẽ ta cũng sẽ đối xử với phu quân ta giống như mẹ đối xử với cha, từ bỏ tay nghề đã từng nuôi sống cả gia đình. Ta sẽ gói ghém hết quãng đời còn lại vào trong khoảng sân nho nhỏ trước nhà.

Ai rồi cũng phải khom lưng uốn gối trước phu quân mình chỉ vì chút tiền mua đồ ăn.

Trong ngôi nhà nhỏ quanh năm suốt tháng không người ở, khóa cửa rỉ sét gõ một cái là gãy luôn. Ta tốn chừng bốn ngày mới quét dọn xong xuôi. Tuy tất cả của cải vật chất đều không sánh bằng chỗ cha ta, nhưng ta và mẹ được trở lại chốn cũ quen thuộc này, sống những ngày không cần ăn nhờ ở đậu một ai thì thấy trong lòng yên ổn lắm.

Chăm sóc cho mẹ non nửa tháng đã làm số tiền tích cóp của chúng ta chạm đáy rương. Lâm Hoài Tín khăng khăng muốn đưa tiền cho ta nhưng lần nào cũng bị ta kiên trì từ chối. Có một lần hắn bực mình, trách ta coi hắn như người ngoài.

Đó là lần đầu ta thấy hắn tức giận, nhưng ta vẫn quyết tâm trả túi tiền lại cho hắn: “Lâm tam lang, nếu ngươi muốn tốt cho ta thì giúp ta hỏi thăm xem, không nhất thiết phải ở trong huyện mà vùng phụ cận, hay thành Nguyệt Nhị cũng được. Hỏi xem có nhà phu nhân nào thiếu nha hoàn chải đầu hay không.”

Mặt mày hắn giãn ra, ta duỗi tay nhẹ nhàng nắm cổ tay áo hắn, mềm mỏng nói: “Cho người ta cá không bằng dạy người ta quăng lưới, câu này là ngươi dạy cho ta đấy. Ngươi nói xem đạo lý này có đúng hay không?”

Hắn ngước mắt nhìn ta chăm chú. Hắn còn định cãi lại nhưng cuối cùng chỉ thở dài bất lực.

Ta trêu ghẹo hắn: “Hối hận trước đây dạy ta đọc sách viết chữ rồi chứ gì?”

Lâm Hoài Tín lắc đầu: “Ta chỉ hy vọng những con chữ mà ta dạy nàng có lợi ích thiết thực mà thôi.”

Hắn sáp lại gần ta, nhoẻn miệng cười nói: “Hôm nay nàng bướng bỉnh thế này là học chữ nào nằm lòng chữ đó rồi, người làm thầy là ta đây thật vui mừng.”

Đôi mắt cười đó quá sức tươi đẹp làm ta không dám nhìn thẳng. Khi gò má thì sắp sửa thiêu cháy thì ta nhanh chóng xoay người quay về phòng.

Ta bình tĩnh lại, cẩn thận nghe ngóng tiếng Lâm Hoài Tín múc nước ở bên ngoài. Nếu ta không nhận tiền thì hắn sẽ giúp đỡ ta làm vài việc trong tầm khả năng cho phép.

Một khắc đó ta thật sự hạ quyết tâm, nói với mẹ là: “Mẹ, dạy con cách chải đầu cho người ta đi, con không thể trông nhờ mẹ nuôi sống con cả đời được.”

Nhìn tới chồng sách ta để trên đầu giường, chợt có một tia sáng xẹt qua đầu làm ta nghĩ tới một cách rất hay.

Sau kỳ thu hoạch vụ thu có rất nhiều đám cưới hỏi, mẹ ta ra giá rẻ nên rất nhiều người mời bà đi chải đầu cho tân nương. Lúc đầu ta chỉ có thể đi theo mẹ hỗ trợ, sau này bà dạy ta đủ nhiều rồi thì ta cũng có thể ra tay làm việc.

Ta nói với mấy cô gái trẻ cùng quê là ta không cần tiền, tạm thời luyện tập thế thôi. Thành ra các nàng rất vui lòng tới tìm ta chải đầu giúp, dần dần ta đã có thể đích thân xử lý một mình.

Hơn nữa ta còn biết chữ, lúc không có việc ra khỏi cửa sẽ giúp mọi người viết thư nhà. Tuy tiền ít ỏi không có mấy, nhưng để dành từng chút một thì vẫn có thể sống qua ngày.

Ngày cha ta cưới Lưu tam tiểu thư thì vừa hay ta cần đi đến một hộ gia đình ở trong thành, giúp lão phu nhân ở đó chải đầu. Lão phu nhân thấy ta khéo tay nên thưởng thêm chút tiền.

Ta thấy hổ thẹn trong lòng, ngó sang cháu gái nhỏ của bà đang chơi đùa trong sân. Ta gọi cô bé tới, giúp cô bé búi tóc như hình vẽ trong tranh tết.

Lão phu nhân khen ngợi: “Ngươi để lại thông tin chỗ ở rồi về nhà chờ đi, ta sẽ đề cử ngươi với những người khác.”

Ta cảm ơn bà ngàn vạn lần rồi mới kêu xe lừa quay về nhà. Cũng vì chậm trễ vài canh giờ nên khi vào trong huyện thì trời đã tối đen bốn phía. Bình thường sau khi mặt trời lặn thì phần lớn mọi người đều đóng cửa nghỉ ngơi rất yên ắng. Thế mà hôm nay càng đến gần nhà ta thì tiếng người huyên náo càng ầm ĩ hơn.

Gã sai vặt của Lâm Hoài Tín hay còn gọi là “Hoài sinh” nhìn thấy ta từ đằng xa thì vội vàng chạy tới.

“Nguyên cô nương trốn đi trước đã.” Hắn nói xong thì dẫn ta đi về hướng ngược lại.

Ta dừng bước, vội hỏi hắn đã có chuyện gì xảy ra.

Hoài sinh gãi đầu nói: “Không phải hôm nay cha cô nương cưới Lưu tam tiểu thư vào cửa sao? Ai ngờ Lưu tiểu thư bỏ trốn với người khác rồi, cha cô nương đinh ninh là mẹ cô nương giở trò quỷ, bây giờ còn đang quậy phá kia kìa!”

“Ông ta phát điên gì thế!” Ta vừa nghe thì máu nóng sôi trào, xắn tay áo lên quay về nhà, Hoài sinh có muốn cũng cản không nổi.

Ta mới đẩy đám đông ra đã thấy cha ta lảo đảo ngã xuống ngay trước mặt. Ta lập tức né qua một bên, mặc kệ ông ngã quỵ, cả người dính đầy tro bụi.

“Ngươi, cái đồ đàn bà đanh đá!”

Ngay sau đó ta lập tức thấy Lâm Hoài Tín vừa nói lời hay ý đẹp, vừa lui ra sau nói: “Bác gái, có gì cũng nên lựa lời phân xử, hôm nay ngài mà ra tay là bị người ta lấy cớ đưa vào nha phủ đấy, thế thì Thanh Tuệ biết phải làm sao bây giờ?”

Mẹ nghe thấy tên ta thì dừng chân lại. Ta tiến tới, nhìn thấy một cây kéo sắc bén trong tay bà. Trong nháy mắt đó, dường như ta lại nhìn thấy người phụ nữ không sợ trời không sợ đất quay về từ quá khứ.

“Nếu như mẹ ta phải nhịn nhục thứ đàn ông bội bạc này thì ta mới cảm thấy không biết phải làm sao.” Ta đi qua, lặng lẽ lấy lại cây kéo đó.

Cha ta vừa lăn vừa bò dưới đất, kêu gào vào mặt ta: “Mẹ con điên rồi! Con canh chừng ả cho cẩn thận đi!”

Ta ôm mẹ, đưa mắt ra hiệu cho Hoài sinh để hắn nhanh chóng đưa cha ta rời khỏi đây. Bằng không còn quậy nữa thì quậy ra mạng người luôn mất, nói sao thì vẫn không đáng để mẹ ta ra tay.

Bác gái từng khuyên nhủ mẹ ta năm xưa cũng có mặt trong đám đông. Nhưng lúc này bà lại âm thầm giơ ngón tay cái lên nói: “Tuệ Tuệ, lần này mẹ con đáng đúng lắm! Đá một chân đạp ngay ngực cha con, ta nhìn mà hả lòng hả dạ!”

Ta và mẹ bị chọc cười, sau đó ta đỡ bà ngồi ở trong sân nhà. Ta chậm rãi vuốt ve sau lưng giúp bà nguôi giận: “Mẹ đừng giận, hạng người đó không đáng để mẹ tức giận đâu.”

Mẹ ta hiểu những vẫn khẽ thở dài, ngược lại nói: “Lúa mạch mới thu hoạch xong, Lâm tam công tử có tặng chúng ta một ít. Chiều nay mẹ xay thành bột làm bánh cho con ăn rồi, con mau đi ăn đi.”

Ta ôm mẹ: “Con biết là mẹ thương con nhất trên đời.”

“Con cũng thương Hoài Tín chút đi.”

Lâm Hoài Tín tiễn cha đi xong thì sải bước vào sân nhà ta. Hắn luôn ăn mặc đúng mực, từng thời từng khắc đều nho nhã lịch sự.

Mẹ cười hoan nghênh hắn: “Tuệ Tuệ con mang bánh qua đây, chúng ta ăn chung đi. Hôm nay nhờ có tam công tử kịp thời xuất hiện, không thì chẳng biết cha con còn muốn làm gì ta nữa đâu.”

Ta nhìn Lâm Hoài Tín đầy biết ơn, hắn vẫn cười hòa nhã như cũ, đứng dưới ánh sao trời như mây màu trăng sáng.

Hắn tới giúp ta bưng bánh lên. Bỗng dưng ta lại thấy có chút không đành lòng. Ta luyến tiếc hắn, đồng thời cũng uổng phí hắn.

Khi hắn cúi đầu, ta nhẹ giọng hỏi: “Thấy ta thế này, chắc là cha mẹ ngươi khuyên can ngươi nhiều lắm?”

Thân mình Lâm Hoài Tín cứng đờ, không cần nói gì ta cũng tự hiểu ra. Hắn là công tử có gia thế xuất chúng, còn ta chỉ là đứa con gái bị cha đuổi ra khỏi nhà. Cha mẹ hắn xem trọng con trai như vậy, còn cho phép hắn quản lý toàn bộ ruộng đất, tất nhiên họ không muốn hắn cưới người như ta được.

Cho dù có nhượng bộ, nói toạc ra thì cùng lắm chỉ cho ta làm thiếp thôi.

Nhưng Lâm Hoài Tín không muốn thế, từ đầu tới cuối hắn đều nói muốn nhất sinh nhất thế một đôi người. Hắn hứa hẹn cưới ta làm vợ, làm phu nhân duy nhất của hắn.

Cho nên hắn chỉ có thể vòng vo dài dòng, nói rất nhiều lời trấn an ta. Nhưng hắn càng dịu dàng, ta càng cảm thấy buồn rầu, đau khổ.

Nhờ có lão phu nhân kia đề cử nên ngày lập thu năm sau ta nhận được công việc mới, đó là làm thợ chải đầu cho cô con gái sắp xuất giá của Quận thừa đại nhân.

Ta xốc rèm châu lên, chỉ cần liếc nhìn qua gương khắc hoa lăng là không kìm được lời ngưỡng mộ: “Cô nương xinh đẹp quá.”

Trịnh tiểu thư nghe ta nói thẳng như thế thì bật cười, sau đó e thẹn cúi đầu xuống. Nàng rất chịu hợp tác, thời gian chải đầu búi tóc thì dài, thế mà nàng chỉ lẳng lặng ngồi đó, quan sát ta thông qua tấm gương đồng.

So với lúc mới học nghề thì bây giờ tay chân ta lanh lẹ lắm, ta làm xong hết mọi thứ rồi mà còn lâu mới tới giờ lành. Trịnh tiểu thư thấy ta ôm rương định rời đi thì mở miệng bảo ta ở lại. Nàng muốn mời ta uống ly rượu mừng.

Ta nhận lấy chung rượu, sau khi đứng uống sạch trơn thì nói vài câu chúc tốt lành. Trịnh tiểu thư lập tức sai nha hoàn thưởng cho ta ít tiền bạc.

Trong lúc ta từ chối thì nàng đột nhiên hỏi: “Nguyên cô nương, hình như tuổi chúng ta không chênh lệch là mấy đúng không?”

Ta cẩn thận trả lời: “Năm nay ta mười bảy, so với tiểu thư thì nhỏ hơn mấy tháng.”

Trịnh tiểu thư gật đầu, tiếp tục hỏi ta: “Nhìn tay nghề ngươi thành thạo, chắc là ra ngoài làm việc được một khoảng thời gian rồi nhỉ?”

Ta thành thật đáp: “Sức khỏe mẹ ta không tốt, muốn trị bệnh thì cần rất nhiều tiền. Hơn nữa bản thân ta cũng muốn tự lực cánh sinh, cho nên ta mới ra ngoài làm việc.”

Không ngờ là ta còn có thể nhìn thấy ánh mắt hâm mộ trong mắt của một tiểu thư khuê các như nàng. Có lẽ nàng hâm mộ ta tuổi đời còn trẻ đã vào Nam ra Bắc, gặp gỡ nhiều người, cũng như trải nghiệm rất nhiều thứ.

Lúc đó ta còn không quá hiểu rõ vì sao nàng hâm mộ ta, tận đến khi nàng bày tỏ: “Ngươi không giống ta, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu. Ngay cả phu quân cũng do cha chọn lựa, là một người ta chưa từng gặp mặt.”

Gương mặt đẹp đẽ gục xuống, chỉ trong chớp mắt đã phai tàn héo úa. Nàng làm ta nhớ tới mấy năm trời mẹ ta nhịn nhục, ngậm đắng nuốt cay.

Ta an ủi nàng, dù sao hôm nay cũng là ngày vui của nàng mà.

Trịnh tiểu thư kiên cường vực dậy tinh thần, lại hỏi ta có gả chồng chưa, hay trong lòng đã có người nào khác. Ta lắc đầu, sau đó lại gật đầu. Ta chưa gả chồng, nhưng ta đã có người thương mến.

Giờ lành đã tới. Cách một tấm khăn voan đỏ thẫm, Trịnh tiểu thư nói lời cuối trước khi đi: “Nguyên cô nương có lòng tự trọng cao, cũng là người có bản lĩnh, tương lai nhất định có thể gả cho người trong lòng.”

Ta nhìn bóng dáng nàng bước ra khỏi phủ, không khí vui mừng bốc lên tận trời, vậy mà trong lòng ta lại cảm thấy có vài phần phiền muộn.

Vì nàng, cũng vì chính ta.

Tháng sau ta phải vào phủ Lâm Hoài Tín. Nhị tỷ hắn sắp xuất giá, mẹ hắn đặc biệt phái người mời ta tới giúp nàng chải đầu. Lúc đó Lâm Hoài Tín còn giúp ta từ chối, ta lại đẩy hắn ra để nhận tiền đặt cọc, đồng ý rước thêm việc vào người.

Lâm Hoài Tín lo lắng cha mẹ hắn gặp ta rồi sẽ gây khó dễ.

Ta cười hỏi hắn: “Nếu như cha mẹ ngươi có thể dạy dỗ ngươi thành người hiền lành thế này, ta tin là bọn họ không làm ra chuyện cùng hung cực ác được đâu.”

Lâm Hoài Tín yên lặng gật đầu.

Ta không muốn làm hắn thấy nặng nề thêm, thoải mái cười nói là: “Ngươi nhìn này, mẹ ngươi cho nhiều tiền đặt cọc hơn người khác, có thể thấy bà sẽ không làm khó dễ ta.”

Trời đêm những ngày giữa thu thường có mây mờ che kín, gió quét tới đâu buốt giá tới đó, hắn không nói tiếp mà cởi áo choàng ra khoác lên người ta.

Ánh mắt hắn khi đó vô cùng kiên định. Hắn nói: “Thanh Tuệ, ta biết ta nên làm gì rồi.”

Sau đó hắn càng vùi đầu vào hàng tá công việc bận rộn. Hắn cũng giống như ta, muốn tích cóp tiền, muốn tự lực cánh sinh. Chờ đến khi hắn mua nổi một cái sân nhỏ cho chính mình, chờ đến khi hắn có khả năng tách ra ở riêng, chờ đến khi hắn thật sự có thể nuôi được ta và mẹ, khi đó hắn càng có thể thuyết phục cha mẹ hắn.

Thỉnh thoảng ta sẽ sợ hãi những hy vọng hắn gieo rắc cho ta. Nói cho cùng với điều kiện hiện giờ, ta chỉ có thể tùy tiện gả cho mấy người nông dân, đồ để mà thôi. Cuộc sống không thấy được bao nhiêu ngày lành, nhưng nhất định phải gả đi mới được.

Có điều là trước nay ta đều mong mỏi bản thân có thể thành đôi với người ta thích, nếu được như thế thì tốt đẹp biết bao nhiêu. Cho dù kết cục tương lai có thế nào đi chăng nữa, ta vẫn muốn liều mình thử sức vì một tia hy vọng cuối cùng này.

Không cầu bất hối, chỉ cần không thẹn với lòng.

Cuối cùng ngày ta đi chải đầu cho nhị tiểu thư nhà họ Lâm cũng đến. Ta chọn mặc một thân quần áo đơn giản, sạch sẽ. Trước đó mẹ có đưa cho ta rất nhiều trang sức chính bản thân bà còn không dám đeo, bà muốn con gái đến nhà người ta được nở mày nở mặt, không nên để nhà họ Lâm coi thường.

Ta lắc đầu nói: “Con đi làm việc mà, đeo mấy món này vướng tay lắm. Con chỉ cần làm tốt chuyện cần làm thì bọn họ không thể nào xem thường con được.”

Mẹ vẫn không yên tâm, chạy đuổi theo xe lừa một đoạn ngắn. Ta đành phải nhảy xuống xe đỡ mẹ.

Bà gượng cười nắm lấy tay ta, đôi mắt ngập tràn lo lắng: “Tuệ Tuệ, đừng để bản thân chịu khổ, ngàn vạn lần không được nha con. Mẹ con còn khả năng làm việc, nếu bọn họ không cần con thì ở nhà mẹ nuôi, con mãi mãi là bảo bối của mẹ...”

“Mẹ ơi...” Xoang mũi chua xót, ta cố nén nước mắt vào trong: “Tuệ Tuệ biết. Con là bảo bối của mẹ, tuyệt đối không thể để người ta giẫm đạp như cỏ rác.”

Ta vỗ mu bàn tay mẹ rồi kéo bà đi tìm bác gái sống cách vách. Thấy sắc trời sắp sửa đổ cơn mưa, ta khuyên hai người họ nên ở trong nhà thêu thùa, may vá thì hơn.

“Mẹ đợi con quay về, hai chúng ta cùng nhau hấp bánh bao ăn.” Ta cười nói với bà, ngồi lên xe tiến về phía Lâm phủ.

Từ xa ta đã thấy Lâm Hoài Tín đứng ở góc đường chờ đợi. Hắn phát hiện ra xe nhỏ của ta thì nhanh chân bước tới, giúp ta dắt lừa đi.

Hắn cười nói: “Mùa đông sắp đến rồi, canh giờ hãy còn sớm mà sắc trời đã âm u.”

Ta vác thùng dụng cụ lên, dịu dàng cười với hắn: “Trang điểm cho tân nương là việc gấp, nếu lỡ giờ lành thì ta đền tội muôn lần cũng không xong.”

Lâm Hoài Tín giúp ta buộc xe lừa lại, còn ta thì đi vào hậu viện nhà hắn trước.

Nha hoàn xốc rèm cửa lên, ta vừa ngẩng đầu là thấy Lâm phu nhân ngay. Bà là người đứng đầu, cả phòng đầy đàn bà con gái đều đang cẩn thận quan sát, đánh giá ta.

Ta bình tĩnh hành lễ: “Chư vị phu nhân, tiểu thư mạnh khỏe. Ta là Nguyên Thanh Tuệ, hôm nay tới đây làm thợ chải đầu cho Lâm nhị tiểu thư.”

Lâm phu nhân há mồm ra oai phủ đầu: “Nói với nha hoàn canh cửa một tiếng, nơi này toàn là nữ giới, để bọn đàn ông ra ngoài hỗ trợ đi, đừng có vào đây quấy rối.”

Ta biết lời này là để ngăn Lâm Hoài Tín bên ngoài, phòng ngừa hắn vào đây bảo vệ ta. Mà thôi, có gì quan trọng chứ, ta đâu cần trốn tránh sau lưng hắn.

Nhờ vả được chuyện trước mắt nhưng không thể trông cậy cả đời.