Tìm Lại Anh Và Một Lần Nữa Yêu Anh

Chương 12: Cho thê nhà




Ba anh em gồm có Chi Nga, cu Bin và anh trai đang dán chặt như thằn lằn bám tường vào mấy tấm kính màu trên gác xép để nhìn xuống phòng khách. Đây là lần đầu tiên mấy đứa trẻ được nhìn thấy người da trắng, tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ.

Với Chi Nga đây không phải là lần đầu tiên nhìn thấy người nước ngoài nhưng cô ham vui, a dua cùng ông anh trai và cậu bạn hàng xóm. Hai trong số ba người nước ngoài là vợ chồng. Họ muốn thuê nhà của gia đình Chi Nga vì họ đang đầu tư sản xuất cho một trại nấm và trang trại cà chua chỉ cách nhà Chi Nga có 300 m. Người nước ngoài còn lại là một đứa bé trai, khoảng bằng tuổi Kha, nhưng Chi Nga không thấy rõ mặt vì thằng bé cứ vùi mặt vào vòng tay bà mẹ chỉ để lộ ra một mái tóc vàng rực.

Bà mẹ khoảng bốn mươi, nhìn còn vẫn còn đẹp, khuôn mặt có nét hiền hòa. Ông bố không được đẹp trai, nhưng có vóc người cao to của người Tây, thoạt nhìn khiến người khác chú ý bởi ông cao những hơn 1m8. Những người ở đây, như bố Chi Nga chẳng hạn cao lắm cũng 1m7 mà thôi. Ông ta là kỹ sư công nghệ sinh học, người chỉ đạo kĩ thuật và cũng là người quản lý cho trại nấm và trang trại cà chua. Vợ và con ông là vì theo ông mà tới đây.

Sở dĩ họ lựa chọn nhà Chi Nga không phải vì ngôi nhà này to nhất đẹp nhất trong thị trấn mà vì nó sạch sẽ nhất và có nhà vệ sinh tự hoại. Sạch sẽ nhất thì phải nói đến công lao của mẹ, mẹ là người vô cùng gọn gàng, ngăn nắp cho nên ngôi nhà này dù không đẹp nhưng vẫn gây được thiện cảm cho người bước vào. Còn nhà vệ sinh tự hoại thì đó là kết quả sự thuyết phục hơn năm nay của Chi Nga.

Sống lại năm sáu tuổi thứ khó thích ứng nhất với cô là nhà vệ sinh. Khi còn ở trong làng, phải ngồi nhà cầu sát với chuồng lợn, mùa hè thì mát gió thổi hơi bay lên “thơm” không chịu được. Mùa đông cởi quần ra mông đã muốn đóng băng. Cũng may bố làm xây dựng, đi đây đi đó nhiều thấy được sự tiện lợi của hố xí tự hoại nên khi nghe Chi Nga thuyết phục mới lắp đặt một nhà vệ sinh đúng kiểu phương Tây.

Bao bọc quanh thị trấn là ruộng và bãi nên thị trấn này nhiều nhà còn chưa có nhà vệ sinh, toàn ra bãi mà phóng uế hoặc có xây nhà vệ sinh thì cũng kiểu nhà cầu nối với chuồng lợn. Ồ, nghĩ mà xem, có bác Tây nào chịu ra ngoài bãi mà ngồi phóng uế hay ngồi nhà cầu vừa đi vệ sinh vừa tâm sự với lợn không? Thế nên cái vụ thuê nhà béo bở này rơi vào tay nhà Chi Nga.

Cô phiên dịch viên ngoài ba mươi tuổi lên tiếng:

“Ông bà William nói sẽ trả 200 đô, tức là khoảng ba triệu sáu tiền thuê nhà cho anh chị mỗi tháng.”

Nhìn khuôn mặt hoan hỉ của bố mẹ cũng đủ biết con số này không nhỏ. Phải biết lương bố và mẹ mỗi người bây giờ chỉ được hơn triệu một tháng. Nhưng vấn đề không nằm ở đấy mà nằm ở lời của cô phiên dịch viên. Rõ ràng chi Nga nghe thấy bà nước ngoài nói giá là 250 đô, tại sao lại dịch ra là 200? Chi Nga ngửi thấy mùi gian gian. Con người mà, không lúc nào ngừng cảnh giác được.

Thấy bà phiên dịch dẫn bà nước ngoài tới nhà vệ sinh. Chi Nga bỏ lại anh trai và cậu bạn hàng xóm chạy xuống. Gặp ba người ở bếp, cô tươi cười nói với mẹ:

“Mẹ với cô phiên dịch quay lại phòng khách đi, không bố với ông Tây kia biết nói gì với nhau? Bà ý đi ra con dẫn ra phòng khách cho. Chứ người ta đi vệ sinh mà có người đứng chờ bên ngoài thì bên trong cũng không thoải mái.”

Mẹ cười gật đầu trở lại phòng khách với cô phiên dịch viên. Đợi khoảng mười phút mới thấy bà nước ngoài đi ra. Chi Nga đưa cho bà một cái khăn trắng để lau tay. Cô biết người nước ngoài có thói quen đi vệ sinh xong sẽ rửa tay nên cần khăn để lau. Không giống người quê cô có thói quen rửa tay sau khi ăn và trước khi đi vệ sinh, khăn lau tay hữu hiệu nhất là hai cái mông quần. Bà nước ngoài mỉm cười với cô. Chi Nga nhỏ giọng nói:

<Tên của tôi là Chi Nga, bố mẹ tôi là chủ nhà này!>

Bà nước ngoài ngạc nhiên nhìn Chi Nga. Đầu những năm chín mươi, ở ngoài Bắc người nói được tiếng Nga thì không thiếu nhưng ít người nói được tiếng Anh lưu loát, nhất lại là một cô bé con mới sáu, bảy tuổi ở nông thôn thì quả là hiếm thấy.

Sợ bố mẹ bất chợt đi ra sẽ trố mắt khi nhìn thấy mình nói chuyện với bà Tây. Mặc dù một năm qua những gì Chi Nga làm bố mẹ trố mắt không ít, nhưng cô biết có những thứ dù lấy lí do là thần đồng cũng khó lòng giải thích. Chẳng hạn cô có thể vượt qua được các bài thi vì cô đã đọc sách giáo khoa thì có thể hiểu được. Nhưng chỉ đọc sách giáo khoa mà có thể nói tiếng Anh như gió thì thật khó tin. Nhất là khi mẹ cô còn tốt nghiệp khoa tâm lý sư phạm, bà hiểu khái niệm thần đồng nghĩa là gì. Nếu thời đại này máy tính và internet phổ biến thì cô cũng chẳng cần phải cẩn thận thế.

Chi Nga nói rất nhanh nhưng rõ ràng:

<Cái giá mà vợ chồng bà trả để thuê căn nhà là 250 đô đúng không?>

Không đợi bà ta trả lời, Chi Nga cười giải thích cho sự đường đột của mình.

<Cháu ở trên gác xép nên nghe được. Nhưng cô phiên dịch viên nói với bố mẹ cháu cái giá là 200 đô.>

Bà nước ngoài mặt biến sắc. Bà chăm chú nhìn Chi Nga, Chi Nga vẫn cười nụ.

<Tí nữa thảo luận lại về giá, bà có thể viết giá tiền bằng con số và kí hiệu đồng đô la, bố cháu có thể hiểu, lúc đó bà có thể biết phiên dịch viên nói đúng hay sai.>

Chi Nga định quay người vào phòng. Bà Tây kéo tay cô lại nói:

<Họ không biết cháu có thể nói tiếng Anh.>

Bà tây nhìn Chi Nga khó hiểu. Chi Nga vẫn cười.

<Nếu gia đình bà trở thành hàng xóm nhà cháu, nhất định cháu sẽ giải thích cho bà.>

Cho thuê nhà xong, thì gia đình Chi Nga sẽ thuê một căn hộ cấp bốn của một người hàng xóm ngay bên cạnh nhà với giá chỉ 300 nghìn. Căn hộ đó chỉ có hai phòng, một phòng ngủ với một phòng là kết hợp của tất cả các thể loại còn lại bao gồm phòng khách, phòng kho, phòng bếp… Thực ra có thể trở về sống với ông bà nội, nhưng mẹ nhất định không đồng ý. Vì thế nếu gia đình người Tây này thuê nhà Chi Nga, họ sẽ trở thành hàng xóm gia đình cô. Chi Nga nghe được đoạn tán ngẫu này giữa cô phiên dịch và vợ chồng bà Tây nên biết bà sẽ hiểu ý cô. Trước khi quay đi, Chi Nga còn nói một câu học được trong Thám tử lừng danh Conan:

Lại còn đưa tay lên cái miệng đang chu ra suỵt một cái, câu nói với điệu bộ này ở trên người một con nhóc bảy tuổi khiến bà Tây bật cười.

Quả nhiên sự gian lận của cô phiên dịch viên bị lộ tẩy. Gia đình William đồng ý không tố giác với văn phòng phiên dịch nhưng chuyển tiền phiên dịch của cô ta vào tháng tiền thuê nhà đầu tiên trả cho nhà Chi Nga. Điều này về sau bà William mới nói cho Chi Nga nghe. Khi Chi Nga hỏi tại sao thì bà ấy nói:

<Cháu xứng đáng nhận được tiền phiên dịch. Nhưng ta không thể đưa tiền cho một đứa bé bảy tuổi đúng không?>

Kể từ đó gia đình Chi Nga có thêm hàng xóm mới.