Tháng bảy âm lịch vừa qua, trời thu mát mẻ dần đến, rất nhanh đã đến ngày Chu Hoành Viễn tựu trường.
Đây là lần đầu tiên trong đời Trình Dục làm phụ huynh, trong lòng anh cực kỳ căng thẳng, nào là mua sách mua vở, rồi là mua áo mua quần, anh sợ mình chỉ sơ suất một tí thôi sẽ làm cho Chu Hoành Viễn mất mặt.
Hai chú cháu đứng trước kệ hàng hoá trong siêu thị, nhìn vào đống cặp sách và văn phòng phẩm đủ màu sắc hoa văn đến nỗi hoa cả mắt, Trình Dục để Chu Hoành Viễn tùy ý chọn chọn, bạn nhỏ Hoành Viễn nhìn lên nhìn xuống một hồi, cuối cùng vẫn chọn cái rẻ nhất.
Trình Dục gãi gãi đầu, đột nhiên không biết nên vui hay buồn. Trong một thoáng, anh có cảm giác như việc này đã từng xảy ra rồi. Lúc đó Trình Mạn Hồng cũng dẫn anh đến trước mấy cái kệ này, mà anh, cũng giống như Hoành Viễn của hiện tại, đã chọn cái cặp mềm oặt nằm bên trên có màu sắc ảm đạm với mức giá rẻ nhất trong số những mặt hàng xanh xanh đỏ đỏ đó.
Khi ấy Trình Mạn Hồng có phản ứng như thế nào Trình Dục cũng chẳng nhớ nổi nữa, không có tư liệu để tham khảo, anh chỉ có thể dựa vào bản năng, vuốt vuốt tóc của Hoành Viễn bé nhỏ, nói, "Ngoan thật, Hoành Viễn của chúng ta ngoan quá đi."
Bạn nhỏ Hoành Viễn không có nhiều quần áo, Trình Dục lại dẫn nó đi vào tiệm lựa đồ, bất kể là lôi bộ nào ra quơ quơ trước mặt Hoành Viễn, nó cũng đều chỉ nói một câu "Được ạ". Trình Dục không còn cách nào khác nên đành phải tự mình chọn, đến khi mua đủ rồi, chú cháu hai người mới vác theo bao lớn bao nhỏ cùng nhau về nhà.
Ngày bạn nhỏ Hoành Viễn khai giảng, bầu trời thành phố J đổ mưa xối xả, dưới mặt đất toàn bùn là bùn, trong không khí tràn ngập mùi hương của cỏ cây. Trên đường đi, hai chú cháu cố gắng bung dù để chống đỡ, nhưng gió lại thổi mạnh quá nên thành ra chẳng đâu vào đâu cả. Lúc bọn họ cách trường học chỉ còn có một chút thì bỗng một con xe hơi từ đâu chạy vụt qua làm bùn bắn tung toé, chốc lát cả hai người đều ướt như chuột lột.
Trong lòng Trình Dục rất tức giận, nhưng cũng chỉ đành bất đắc dĩ nhìn tài xế nghênh ngang rời đi, hai người họ chú nhìn con, con nhìn chú, cuối cùng lại chỉ còn tiếng thở dài.
Trình Dục không có thói quen mang khăn tay, hết cách, anh đành phải dùng tay lau mặt cho Hoành Viễn bé nhỏ, thế mà vết bùn trên mặt càng lau càng dây ra nhiều, cuối cùng toàn bộ mặt của bạn nhỏ Hoành Viễn là một mảng đen thui.
Trình Dục như tìm thấy được niềm vui trong khổ đau, anh nhịn không được, bật cười.
Chu Hoành Viễn nhíu mày, quay đầu đi thì lại nhìn thấy bộ dạng khốn đốn của mình qua tấm cửa bằng kính. Nó nhếch miệng, cả người trông rất tức giận, nhanh chân sải bước về phía trường học, lờ đi tiếng gọi í ới từ phía sau của Trình Dục.
Trình Dục cảm thấy buồn cười, ở phía sau đuổi theo Chu Hoành Viễn, lại còn không ngừng hỏi, "Hoành Viễn, con giận rồi à? Chú không cố ý đâu, chú xin lỗi mà."
Chu Hoành Viễn tự mình đi trước, nghe thấy giọng của chú cũng không đáp lại, buồn bực đâm đầu đi đến ngã tư đường, đứng chờ bên cột đèn xanh đèn đỏ, lúc này nó mới chợt nhớ đến thân phận bây giờ của mình.
Ăn nhờ ở đậu thì làm gì có mặt mũi nào để cáu giận chứ? Nghĩ đến đây, cơn giận của Chu Hoành Viễn mới lắng xuống, tiếp đó lại hoá thành một mảnh hoang tàn, nó cúi thấp đầu nhìn vũng nước trên mặt đất, trong tim rối bời.
Trình Dục làm sao biết được thằng cháu mình đang nghĩ ngợi lung tung cái gì, anh bước nhanh qua, phát hiện bạn nhỏ Hoành Viễn đang "than thân trách phận", không nhịn được cười nói, "Không có chuyện gì đâu, đừng lo nữa, đợi đến trường học rồi chú sẽ dẫn con đi rửa mặt. Trời mà đổ mưa thì ai cũng như ai thôi, con không phải lo đâu."
Chu Hoành Viễn bối rối trong lòng. Thứ nhất, đây là ngày đầu tiên nó đi học, người mới đến đây như nó thì khẩn trương là đương nhiên; thứ hai, trên đường vừa xảy ra bất trắc, làm cho nó một thân rất chật vật. Nhưng lời chú nói không thể không đáp, nó nhíu mày, mơ hồ "Dạ" một tiếng.
Đến trường học, Trình Dục và Chu Hoành Viễn chán nản chui vào nhà vệ sinh dưới ánh mắt săm soi của một đống phụ huynh với học sinh, chỉnh đốn cho tươm tất mới dám bước ra ngoài.
Đưa con trẻ đưa đến trước cửa lớp thì phụ huynh cũng nên dừng bước rồi, trước khi rời đi, Trình Dục nắm tay Chu Hoành Viễn thật chặt, tự dưng tỏ ra lo lắng, miệng còn lải nhải, "Vào lớp thì phải hoà đồng với bạn học nhé, phải nghe lời thầy cô, đừng có mà làm mấy chuyện lén lút nghe chưa..."
Chung quanh, các ông bố bà mẹ đang đưa con đi học đều tò mò liếc nhìn cái tổ hợp lạ lùng này, những ánh mắt ấy khiến cho Chu Hoành Viễn vô cùng khó chịu, nó mím môi, nhẹ nhàng vỗ vỗ vào mu bàn tay của chú, nói, "Vâng, con biết rồi, con vào lớp đây."
Lúc này, Trình Dục mới như "tỉnh mộng", buông Chu Hoành Viễn ra, còn Chu Hoành Viễn thì bước hai bước vào trong phòng học, không quay đầu lại nữa.
Trình Dục nhìn vào trong lớp qua tấm kính cửa sổ, anh thấy cháu trai của mình đã tìm được một chỗ ngồi đầu lớp rồi yên ổn ngồi xuống. Trình Dục không yên tâm, đứng ngoài cửa sổ nhìn chằm chằm một hồi, mãi cho đến khi giáo viên bước lên bục giảng rồi anh mới ngượng ngùng rời đi.
Thẳng thắn mà nói, trường trung học cơ sở số 14 nơi Chu Hoành Viễn học là trường dành cho con em có ba mẹ làm công ăn lương. Học sinh nơi đây ai cũng có bố mẹ bận bịu, cho nên trường học đã đặc biệt mở căn tin, tạo điều kiện để giữa trưa phụ huynh khỏi phải đón học sinh về nhà ăn cơm. Bởi vậy, cả ngày của Trình Dục đều trở nên cực kì nhàn nhã.
Sinh viên đại học ít khi lên lớp, mà Trình Dục lại còn là sinh viên năm tư nữa. Nếu như nói sinh viên năm cuối phải thi nghiên cứu sinh và tìm việc làm là khổ như chó, thì những người đã đậu nghiên cứu sinh như Trình Dục lại chính là sướng như heo. Tất cả những gì anh phải làm là điền vào biểu mẫu khảo sát nguyện vọng trong vòng một tháng rồi nộp lại, sau đó là anh có thể dành cả năm tròn để đợi đến lúc nhập học đại học B rồi.
Bởi vậy, khi về đến nhà, Trình Dục chỉ đơn giản là làm nghiên cứu, nấu cơm, rồi lại quay ra làm nghiên cứu. Đôi khi học hành mệt mỏi quá, anh vô thức ngó nghiêng bốn phía, lúc này mới phát hiện ra cháu trai bé nhỏ của mình không có ở nhà. Anh không khỏi cười khổ, con người đúng là loài giỏi ỷ vào thói quen.
Thời gian biểu của Chu Hoành Viễn hoàn toàn trái ngược với Trình Dục, bài tập vào ngày khai giảng đầu tiên làm nó quá vất vả. Ở trường trung học cơ sở số 14, tuy trình độ giáo viên với học sinh hơi yếu chút, nhưng nói thế nào thì đây cũng là trường ở thành phố, so với giáo dục ở nông thôn thì chỉ có hơn chứ không hề kém. Hơn nữa, các bậc phụ huynh ở thành thị dù giàu hay nghèo cũng đều rất đồng lòng "không thể để cho con mình thua ở vạch xuất phát", trong ngày nghỉ dốc hết sức lực cho con học bù, phụ huynh kèm không được liền mời thầy đến dạy thay. Tóm lại, trong một lớp có 70 học sinh, tính ra chắc không quá ba em không biết gì về kiến thức mới.
Ngữ văn còn có thể học và hiểu, đơn giản là đọc sách viết chữ mà thôi, cũng không có gì khó lắm. Nhưng mà Toán và tiếng Anh thì không giống vậy, chưa có học tới là chưa học tới, không biết thì chính là không biết.
Cô giáo dạy Toán là một người phụ nữ béo lùn, nhuộm nguyên một mái đầu vàng, giọng nói tục tằng vang dội, được người đời gọi là "Vua Sư Tử Vàng". Vua Sư Tử Vàng là giáo viên có tuổi của trường trung học cơ sở số 14, tương đối có kinh nghiệm, phong cách mạnh mẽ dứt khoát, sau khi giải thích một cách đơn giản cô đã "xoạt xoạt xoạt" lau sạch bảng đen ba lần.