Năm 2006 đã trôi qua gần một tháng rồi mà tiếng pháo hoa ngày Tết vẫn chưa vang lên, người dân Trung Quốc cũng không nhận ra điều đó, họ chỉ cho rằng năm cũ vẫn còn đây, và một mùa xuân mới luôn luôn tràn ngập sức sống, mang đến cho mọi người vô vàn hy vọng.
Người ta nói rằng tuyết đầu xuân báo trước mùa màng bội thu, vào đêm giao thừa, tuyết rơi cả đêm ở thành phố J, mặt đất bị bao phủ bởi từng tầng tuyết trắng xoá, lấp đi cả những bẩn thỉu và bừa bộn của thành phố này, cũng làm dịu đi những ồn ào và hối hả của ngày thường.
Hai chú cháu vẫn bận rộn như vậy, không có ai rảnh rỗi, bây giờ Chu Hoành Viễn càng ngày càng cao, chỉ còn chút xíu nữa thôi là cao bằng Trình Dục luôn rồi, bà cô ở căn hộ đối diện cứ thấy Chu Hoành Viễn là cứ luôn mồm khen, chú cháu các cậu ai cũng cao ráo, chứ ai như thằng cháu nhà cô, phát triển có mỗi bề ngang mà thôi!
Chu Hoành Viễn sức lực lớn, lại còn vô cùng ngăn nắp và cẩn thận, hơn nữa cũng là người giỏi làm việc nhà, một khi đã xắn tay áo lên thì còn nhanh nhẹn hơn cả Trình Dục. Trước kia Trình Dục cả ngày vùi đầu vào sách vở, bây giờ là cả ngày ngồi trước bàn làm việc, vai với eo đã tích tụ bệnh tật từ lâu, cứ hai ba ngày lại đau một lần. Anh mặc dù không thường xuyên nói những chuyện này với Chu Hoành Viễn, nhưng Chu Hoành Viễn vẫn nhìn ra được, cho nên, ngày thường cậu cũng không cho Trình Dục quét nhà lau nhà, sợ thắt lưng anh cố quá lại làm anh buổi tối đau đến mất ngủ.
Tay nghề gói sủi cảo của hai chú cháu năm nay tiến bộ hơn nhiều so với năm ngoái, một người cán bột một người gói bánh, phối hợp ăn ý không chê vào đâu được. Thành phẩm bánh làm ra tuy đều nằm úp sấp cả lũ, vẻ bề ngoài nhìn có hơi xấu xí chút, thế nhưng lúc bỏ vào nồi nấu thì không có miếng nào bị rách vỏ cả, làm gì có ai bắt bẻ được nữa chứ.
Ăn cơm tất niên được một lúc thì Đêm hội mùa xuân[1] trên TV bắt đầu chiếu, cả hai người họ đều không thích xem mấy thể loại ca múa này, còn tiểu phẩm tấu hài thì lại không hứng thú mấy, vì vậy nên họ cũng chẳng để ý đến TV mà chỉ lo trò chuyện câu được câu chăng với nhau. Dù cho đó chỉ là những chuyện vặt vãnh thường ngày, cũng chả phải điều gì lớn lao, nhưng cũng thật ấm áp và cảm động.
[1] Từ gốc: 春晚 (Xuân Vãn), một chương trình được chiếu hằng năm trong đêm giao thừa của truyền hình trung ương TQ
Trình Dục là người theo chủ nghĩa thực dụng, từ hồi còn nhỏ anh đã luôn nói ít làm nhiều, có nói cũng chỉ thích nói đến những chuyện lông gà vỏ tỏi trong nhà, đồng thời cũng giấu đi hết những nhiệt huyết và dịu dàng. Anh thà nói về giá thịt với hoá đơn tiền điện năm nay, còn hơn phải nhắc đến ân tình không thể xoá nhoà và vinh quang của ngày hôm qua.
Tính cách Chu Hoành Viễn lại như một trời một vực với Trình Dục. Cậu là người luôn hướng về phía trước, có chí lớn và đầy tham vọng. Có thể đây chính là bản chất của một kẻ liều lĩnh ngay từ trong xương cốt, hoặc cũng có thể là sản phẩm thời ấu thơ, từ những năm tháng ban đầu đó, tất cả những gì cậu có là kì vọng về tương lai và trí tưởng tượng trù phú. Cậu có vô vàn tham vọng, vô tận hùng tâm, cậu muốn nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn, cũng mong muốn sở hữu một thế giới kỳ vĩ như vậy. Nhưng cậu biết, thứ tương lai không nhìn thấy được này, những lời nói đầy hào hùng chưa từng thổ lộ này, đều là thứ Trình Dục không thích. Trình Dục chỉ thích bước từng bước chân một, cho nên Chu Hoành Viễn cũng chỉ có thể đứng vững vàng trên mặt đất, giấu nhẹm mọi khát khao tuổi trẻ bừng bừng vào bụng, sau đó nói với chú út của cậu, sủi cảo lần này ăn ngon hơn nhiều so với lần trước.
Trong hơn một năm qua, cả hai người đều thay đổi, và họ cũng đang thỏa hiệp. Chu Hoành Viễn học được cách thể hiện mặt yếu đuối và giỏi làm nũng, Trình Dục thì học cách hút thuốc uống rượu, làm quen với xã hội hiểm ác. Hai người bọn họ đều đang mò mẫm, một người học làm một đứa trẻ đủ tư cách, một người học làm người lớn có quy củ.
Nghĩ kĩ lại thì họ chỉ mới quen biết nhau được một năm rưỡi, thế mà trong màn hơi nước nóng hầm hập, trong tiếng ca múa náo nhiệt trên TV, trong tiếng pháo hoa nở rộ rồi tắt lịm ngoài cửa sổ, bọn họ lại cùng cảm giác mình không thuộc về thế giới ngoài kia. Ý nghĩ này có hơi vớ vẩn, thế nhưng trong một khoảnh khắc, hai người lại cảm thấy giống như họ đã ở bên nhau từ rất lâu, ngay cả huyết thống cũng được buộc lại với nhau rồi.
Lúc Trình Mạn Hồng còn sống, Trình Dục lúc nào cũng cùng bà chờ đến 0 giờ, sau khi Trình Mạn Hồng bị bệnh qua đời, năm mới chỉ còn lại một mình Trình Dục, anh cũng không còn hứng thú nữa, nhìn nhà nhà đèn đuốc sáng trưng chỉ làm nổi bật thêm tình cảnh thê lương của chính mình thôi, còn hơi sức đâu mà quan tâm đến 0 giờ đón Giao thừa hay thêm một tuổi nữa? Nốc vài chai bia Thanh Đảo vào bụng xong ngả đầu ngủ là xong việc, đến rạng sáng ngày hôm sau mà bị đánh thức bởi tiếng pháo nổ đầy đường thì cứ lấy gối che đầu lại, vừa chửi mát vừa ngủ tiếp.
Sau đó, Chu Hoành Viễn đến, trong nhà có thêm một đứa trẻ, bên người có thêm một thân nhân, mọi thứ tự nhiên khắc hẳn, cho dù trong lòng Trình Dục hiểu rõ, để mà nói thì Chu Hoành Viễn với anh không thể xem là thân nhân, thế nhưng người ta sống trên đời, dù sao cũng nên có cái gì đó để tâm niệm.
Nếu ngay cả thứ để nghĩ về cũng không có, thì cuộc đời của Trình Dục cũng đáng thương quá đi.
Sau bữa cơm tất niên, hai người họ nói chuyện cười đùa chúc nhau năm mới, sau đó trong lúc đếm ngược mới cùng nhau cầm dây pháo xuống dưới sân để đốt.
Phía dưới lầu đã vang lên mấy tiếng "bùm bùm" nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, đó là chưa kể đến những chùm pháo hoa bay lên trời rồi nở rộ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đầy lộng lẫy. Trong bầu không khí tràn ngập mùi khói của pháo nổ, ngửi vào chỉ cảm thấy buồn nôn, bước ra ngoài thêm hai bước thì đến mắt cũng sẽ thấy nhức nhối. Trình Dục cố gắng chớp chớp mắt mới có thể nhìn rõ được hơn một chút, anh nhanh chóng lấy dây pháo ra, dùng bật lửa châm ngòi, sau đó túm lấy Chu Hoành Viễn bên cạnh lùi về hành lang.
Hai chú cháu nhìn chăm chú vào dây pháo đang dần ngắn lại và nổ tung tứ phía, lấy tay bịt chặt hai tai, dây pháo vừa nổ xong hai người liền nhìn nhau mỉm cười rồi cùng trở về phòng.
Buổi tối vẫn nghe văng vẳng tiếng pháo nổ và pháo hoa, hai người ngủ không được ngon giấc lắm, mãi đến ba, bốn giờ sáng mới chìm được vào giấc ngủ sâu, thế mà vừa qua sáng sớm mùng một thì tiếng pháo lại nổ tiếp, cả chú cả cháu chỉ vừa mới thiếp đi đã phải tỉnh.
Hai người kéo chăn trùm đầu, sau khi cố ngủ đến lần thứ một trăm thì mới cam chịu đứng dậy rời giường.
Trời vào đông, việc phải rời giường thật sự rất tốn sức, hai người lăn qua lộn lại mất một đống thời gian mới thay xong quần áo, sau khi rửa mặt xong, họ ăn đại vài cái sủi cảo còn thừa tối qua rồi cùng nhau đi chùa Đại Bi.
Tiền thân của chùa Đại Bi là một tập hợp những ngôi chùa hoang phế không may bị sụp đổ, mãi cho đến thời Trung Hoa Dân Quốc mới được phục dựng lại. Ở thành phố J, chùa Đại Bi không phải là một ngôi chùa hương khói thịnh vượng, vả lại không nhiều người lui tới nơi này lắm cho nên nó càng thêm yên tĩnh, bởi vậy lúc sinh thời Trình Mạn Hồng thích đến nơi này nhất, lúc vui thì bái, không vui cũng bái.
Trình Dục là một người hoàn toàn vô thần, mọi việc xảy ra đều có quy luật của nó, cần gì phải hỏi quỷ thần. Mặc dù anh không tin vào mấy thứ này, thế nhưng làm một người con hiếu thảo, anh thường cùng mẹ đi đây đi đó. Giờ đây mẹ không còn nữa, trong lòng anh lại cảm thấy hoài niệm, lại còn nghĩ đến việc đi thăm chùa viếng miếu nữa chứ.
@antiquefe (wattpad)
Vì chùa Đại Bi mấy năm gần đây vắng khách du lịch, cho nên còn chậm phát triển và vẫn chưa bị thương mại hoá, đến cả cổng chùa cũng chỉ được dựng lên một cách tạm bợ, trông có hơi buồn cười, nhưng mà nơi này là chốn tu hành linh thiêng, Trình Dục mà cười đùa thì lại có vẻ không ổn lắm.
Trong miếu chỉ có mấy gian thiền phòng, ở vị trí chính giữa là tượng Bồ Tát, Trình Dục không nhận ra là vị Bồ Tát nào, Chu Hoành Viễn lại càng không thể nào biết được. Cạnh bức tượng có một cái bàn, trước bàn có một người đàn ông mặc áo cà sa, đeo kính, tư thế cầm sách kinh rất đàng hoàng nhưng không cạo đầu, trên tay cầm một nắm hương, du khách đến thì đưa họ ba cây, không cần mua, tiền hương khói cũng tuỳ tâm, không cưỡng cầu.
Người đến nơi này dâng hương phần lớn đều là người già yếu bệnh tật và phụ nữ trong gia đình, trên mặt ai cũng lộ ra vẻ oán hận sâu nặng, họ quỳ gối trước bồ đoàn, trò chuyện cùng Bồ Tát một hồi lâu mới xong việc, sau đó nhăn nhăn nhó nhó lấy trong túi ra một tệ năm tệ nhét vào hòm công đức.
Trình Dục không định dâng hương, cũng không định quỳ lạy, anh đứng trước Bồ Tát nhìn hồi lâu, lâu đến mức "hòa thượng giả" kia không thể nhìn nổi nữa, hắng giọng, nói, "À thì, hay là cậu dâng hai nén hương nhé?"
Trình Dục lúc này mới quay đầu lại, cười cười với "hòa thượng giả", nói, "Không cần đâu". Ngay sau đó, anh nhét một trăm tệ vào tay Chu Hoành Viễn, bảo Chu Hoành Viễn bỏ vào hòm công đức. Chu Hoành Viễn có chút kinh ngạc, nhưng vẫn làm theo.
Trước khi đi, "hòa thượng giả" đề nghị, "Cậu đã cúng dường rồi, thì đến đây thắp nén hương đi."
Trình Dục lại chỉ lắc đầu, cũng không giả vờ, nói, "Tôi không tin cái này."
"Hòa thượng giả" mở miệng rồi lại ngậm miệng, cuối cùng chỉ lẩm bẩm nói, "Thật là một người kỳ lạ."
Khi hai chú cháu rời khỏi miếu, Chu Hoành Viễn nhịn không được hỏi, "Chú ơi, chú không tin Phật, cũng không cúng Bồ Tát, vậy thì cho nhiều tiền như vậy làm gì?"