Bí mật bẩn thỉu làm nên những người bạn
Tờ Nhân vật và thời đại số mới nhất mở ra, tiêu đề trên trang nhất: “Thượng Hải và Hồng Kông, đâu là trung tâm kinh tế của tương lai”. Bắc Kinh đã sớm bị bỏ xa hàng trăm mét, chưa nói đến kinh tế Đài Bắc đang tụt dốc kinh hoàng.
Mỗi ngày, vô số con người tràn về cái thành phố đang xoay chuyển chóng mặt này - mang theo những kế hoạch vĩ đại hoặc những giấc mơ bong bóng giữa ban ngày; mỗi ngày, lại có vô số con người rời bỏ rừng nhà chọc trời lạnh lùng và xa lạ - để lại nước mắt sau lưng.
Cô nhân viên văn phòng trẻ đeo túi xách Marc Jacobs, gắng len lỏi chui khỏi đám đông ồn ã ở ga tàu điện ngầm, chân giày cao gót mười phân lướt như bay lên bậc cấp, bịt mũi ngoảnh mặt bước nhanh qua người ăn mày áo quần rách rưới.
Nơi hành lang công sở, đám người chờ phỏng vấn xin việc ngồi cả dãy dài, mươi phút lại có một người trẻ tuổi bước khỏi phòng, ném tập hồ sơ cá nhân trên tay vào thùng rác.
Trong quán Starbucks, vô số khuôn mặt phương Đông vội vã xách túi giấy đựng cà phê đẩy cửa kính bước ra ngoài. Vài người vừa điện thoại, vừa lấy cốc cà phê ra uống vội uống vàng; có người cẩn thận cầm túi giấy, chui vào chiếc xe đen đỗ đợi bên đường, đến thẳng văn phòng của ông chủ. Đối lập với hình ảnh đó, là những khuôn mặt phương Tây đang nhàn nhã ngồi bên trong, mắt nheo nheo đọc Shanghai Daily, hay cầm điện thoại di động cười lớn: “What about your holiday?”
Trong các tiệm hàng hiệu dàn ngang từ số 1 đến số 18 trên phố Bund, nhân viên phục vụ mặt lạnh như băng, thỉnh thoảng có một, hai nữ khách hàng đeo kính râm to đại thận trọng dùng hai ngón tay kẹp món đồ, ẻo lả kéo khỏi giá treo, liếc nhìn như thể quần áo ấy bị phun thuốc độc, rồi vừa khi đám nhân viên trong tiệm nét mặt bỗng rạng ngời như hồn nhập lại xác chực lao tới chào mời giới thiệu, đột ngột buông nhẹ tay, món đồ soạt một tiếng rơi trở về trong dãy giá áo dày đặc. Trong các cửa tiệm bán đồ xa xỉ trên phố Bund, nhân viên bao giờ cũng đông hơn khách hàng. Tôn chỉ ở đây là: nhất định phải có năm người cùng lúc phục vụ một khách.
Còn trên đại lộ bên kia sông chỉ cách phố Bund có một con đường, vô số du khách từ các nơi đổ về đều cầm máy ảnh, tranh nhau chiếm những chỗ chụp hình đẹp nhát. Họ mặc các loại áo quần mua ở cửa hàng một giá rẻ tiền, hò hét bằng đủ thứ giọng địa phương: “Xem chỗ này này! Xem chỗ kia kìa!” Bọn họ, và thế giới hàng xa xỉ của con đường đối diện, chỉ cách nhau hơn hai chục mét.
Trong con ngõ cũ, một người đàn bà đầu tóc rối bung sau một đêm ngủ xách bô đi về phía nhà xí công cộng, ánh mắt chất chứa nỗi oán hận và không cam lòng, tích lũy suốt bao tháng năm ròng rã.
Còn dưới chân tòa nhà số 8 đường Tề Nam, một dãy xe hơi sang trọng đỗ dài, đợi đón đưa các quý phu nhân bên trong, họ đã mất ba tiếng đồng hồ trang điểm chỉ để ra ngoài uống một tách trà trưa.
Đó là một thành phố đang phát triển với tốc độ ánh sáng. Ham muốn vật chất quay cuồng, cơ hội làm giàu nờ rộ khiến thành phố trở nên rối rắm phức tạp như một mê cung dưới lòng đất.
Đây là một thời đại lạnh lùng bén sắc như dao găm.
Khoét trên tim người từng hố rồi từng hố, tí tách thả vào những trái lựu đạn. Hai cực giàu nghèo phân hóa nhanh chóng, trắng trợn xé linh hồn con người làm hai nửa.
Chúng ta nằm trong ổ chăn con con, chúng ta bé nhỏ tới mức dường như chẳng là gì cả.
Tiếng chuông báo thức nhọn hoắt châm nhói đau màng nhĩ, theo bản năng sinh tồn, tôi quẳng ngay cái đồng hồ ra xa. Sau đó là một khoảng yên lặng mỹ mãn.
Nhưng kết quả là: nửa tiếng sau, tôi hét lên tỉnh giấc, thấy cái đồng hồ đã bình yên chìm nghỉm trong xô nước để tưới hoa tối qua, do tôi lười biếng chưa cất lại vào nhà vệ sinh bị bỏ quên cạnh giường, thế là tiếng hét thứ hai liền có vẻ bất lực hơn.
Tôi đem đồng hồ đặt ra ban công, hy vọng nước bốc hơi hết nó sẽ vẫn kiên cường sống tiếp giống như cái điện thoại cầm tay từng bị chìm trong cốc trà của tôi. Để đẩy nhanh tốc độ nước bốc hơi, tôi cầm cái đồng hồ vẩy mạnh mấy phát, hòng mong nước bên trong văng ra sạch. Nhưng khi dừng tay, tôi mới phát hiện ra cái nắp mặt sau đồng hồ đã không cánh mà bay một cách thần kỳ, liền đó nghe vọng lên tiếng hét thất thanh của một phụ nữ trung niên dưới tầng: “Á! Muốn chết à!”
Lần trước phải nghe câu này là lúc tôi làm rơi tấm chăn bông nặng mười cân trên ban công xuống. Đúng hôm bà Trương tầng dưới vừa ở hiệu làm tóc về, tóc trên đầu vấn cao hai mươi phân với ngót nghét một cân keo tóc, đang nhìn ngó xung quanh, đột nhiên thấy trời đất tối mù.
Bên trong tòa nhà cao cấp nằm giữa khu trung tâm Thượng Hải, một bầu không khí cao quý u nhã thong dong chảy qua các bề mặt kiến trúc mạ vàng.
Cố Diên Thịnh đang gọi di động, ra dấu cho cô giúp việc đứng bên rót trà sữa vào cốc trà hiệu Hermès, mặt trời 7 rưỡi sáng vừa vặn chiếu qua bức rèm cửa sổ Ai Cập cực lớn, rọi lên mặt ông. Khuôn mặt đường nét rõ ràng, năm mươi tuổi mà trẻ như bốn mươi. Đương nhiên, đó là nhờ có cô con gái hàng ngày bắt ông uống vài loại thực phẩm chức năng chống lão hóa và chọn giúp kem dưỡng da cao cấp dành cho nam giới.
Cô con gái đang ngồi đối diện uống cà phê, tay loạt soạt giở tờ Kinh tế tài chính cô giúp việc mang dưới lầu lên. Cố Ly khẽ đưa tách cà phê đã cạn ra trước mặt cô giúp việc, không nói, mắt cũng không rời tờ báo, chỉ dừng tay giữa khoảng không. Lát sau, tay thu về, trong tách đã rót đầy cà phê Brazil mới.
Cố Diên Thịnh mỉm cười hài lòng, tiếp tục điện thoại, “Không có gì không thể dỡ bỏ, có là mồ mả cậu cũng cứ đạp bằng xuống mà xây nhà lên cho tôi. Đào thấy xương trắng? Thế thì đào sạch lên! Còn nữa, mảnh rừng trồng mới bên Hắc Long Giang, chỗ đó báo giá chưa? Nếu đổi sang đô la... ừ, tỷ giá hôm nay bao nhiêu? Nếu được, cậu giúp tôi đưa cái...” Cố Diên Thịnh vừa dừng lời uống hớp trà sữa, đã nghe Cố Ly ngồi trước mặt bình thản buông một câu: “1 đổi 7,46.”
“Lily, con nói gì?” Cố Diên Thịnh nhìn sang.
“Con bảo, tỷ giá đô la hôm nay là,” Cố Ly ngước khỏi tờ báo, “1 đổi 7,46,” rồi lại cúi đầu đọc tiếp. Mãi khi Cố Diên Thịnh chuẩn bị ra ngoài, nó mới ngẩng lên: “Bố, nếu không định đi dự lễ hội váy xòe Hawaii, bố thay ngay cái cà vạt hoa hòe hoa sói kia ra có được không?” Cố Ly thoáng ngừng lại, quay sang Lucy (tên cô giúp việc): “Chị mang cái cà vạt Hermès xanh đậm tôi mua ra đây.”
Dứt lời, nó mỉm cười với bố. Trán Cố Diên Thịnh rịn ra một giọt mồ hôi.
Cửa vừa đóng, mẹ của Cố Ly từ phòng ngủ len lén bước ra, con ngươi long lanh đảo quanh một lượt, liếc Cố Ly với ánh nhìn kỳ lạ: “Lily, cho mẹ mượn ít tiền.”
Cố Ly đặt nhẹ tách cà phê xuống: “Mẹ, hôm qua con gọi điện cho Cartier rồi, nếu bọn họ dám bán chuỗi hột xoàn ấy cho mẹ, con sẽ bảo tất cả bạn bè của bố và của con nhất loạt chuyển sang dùng hàng của Bvlgari đấy.”
Lúc mẹ nó sắp sửa hét lên, Cố Ly hết kiên nhẫn liếc xéo bà, “Mẹ thôi đi, mỗi tháng mẹ mua ba cái lắc tay hai cái nhẫn hai cái đồng hồ, mẹ có mấy cánh tay hả mẹ, con rết cũng không đeo nhiều bằng mẹ đâu đấy, mẹ ngừng tiêu xài một chút đi.”
Nói xong nó nhấc cái túi Fendi bên cạnh lên, quay người đi ra cửa, “Lucy gọi điện cho lái xe, tôi xuống luôn. Tôi không muốn đợi. Bảo anh ta nhanh lên.”
Đóng cửa đi được mười giây, lại mở cửa: “Lucy, đưa nước súc miệng cho tôi, quên không cho vào túi rồi.”
Mẹ Cố Ly hét: “Mày cho hết sữa tắm, dầu gội, kem dưỡng da vào túi luôn đi!”
Cố Ly cúi đầu ngẫm nghĩ: “Đáng để suy nghĩ,” rồi cầm lọ nước súc miệng, đi luôn không hề ngoảnh lại.
Lúc Đường Uyển Như cố ních vào cái áo cỡ L lần thứ ba, Nam Tương ngồi trước mặt nó khẽ hít một hơi thật sâu, không phải vì Đường Uyển Như không chui nổi vào cái áo - nói thực, Nam Tương rất không thể hiểu cái áo Đường Uyển Như đang thử đẹp chỗ nào, sọc thẳng màu đen, túi áo to cứng, trên vai lại còn có hình con ngựa phi... Trước lúc Uyển Như mặc thử, Nam Tương thậm chí phải níu lấy nhân viên cửa hàng, xác nhận lại đúng ba lần, “Đây không phải áo nam, thật đấy chứ?”
Khi Đường Uyển Như đôi mắt ngấn lệ từ bỏ cái áo, một nhân viên bán hàng khác mặt tươi như hoa chạy tới, giáng đòn cuối cùng: “Cô ơi, bên này chúng tôi vẫn còn một chiếc kiểu của nam, giống y hệt, cô mặc lên, đảm bảo người khác không nhìn ra đâu.”
“Chị nói không nhìn ra kiểu nam hay là không nhìn ra kiểu nữ?” Nam Tương phản ứng tức thì.
“Cái này...” cô nhân viên lúng túng.
Đường Uyển Như tức tối ném cái áo xuống, giận dỗi: “Bắt nạt người ta. Không thèm mua nữa.” rồi bước tới kéo Nam Tương mắt đang trợn tròn đầy lòng trắng như sắp nghẹt thở nhăm nhăm đi ra.
Nhưng, đó không phải là cái áo cuối cùng vắt lên lưng đè chết con lừa, đòn chí mạng sau rốt do Nam Tương gây ra.
Con bé đột nhiên nhìn thấy một cái áo khác trong cửa hàng, thử xong cỡ S, thở dài sườn sượt bước ra: “Rộng quá!”
Đường Uyển Như bực bội phẩy tay đi luôn.
Bị bỏ rơi, Nam Tương một mình lang thang, không chút hứng thú. Nó vốn không thích mua sắm, huống hồ là ở mấy trung tâm thương mại này, trừ phi có giảm giá hoặc Cố Ly tặng, còn thì không đời nào nó mua. Nhưng Thượng đế thật không công bằng, mỗi lần Nam Tương mặc những chiếc váy mua từ các cửa hàng nhỏ ven đường đứng giữa đám con gái, bọn con trai bất giác đều quên bẵng bạn gái của mình, dán chặt mắt vào nó. Vì thế, Uyển Như luôn giữ một khoảng cách nhất định với Nam Tương.
Đi hết bốn tầng trung tâm thương mại, Nam Tương quyết định đến trường báo danh sớm một chút. Nó cầm tập tranh mang ra quầy thanh toán, rồi ôm quyển sách to tướng đi thẳng về phía trạm xe buýt.
Xuống xe buýt, Nam Tương thong thả rảo bộ đến trường, dọc đường trông thấy vô số gương mặt mới mẻ và phấn chấn. Ngày khai giảng năm nào cũng rất đông sinh viên mới mang theo xúc động và lo sợ bước vào cổng trường đại học có tới chín mươi lăm phần trăm sinh viên đều là người Thượng Hải, kiến trúc xa hoa bậc nhất Trung Quốc này. Thật khó tin nổi, một trường đại học, chỉ dựa vào các tòa giảng đường và thư viện mà đã có thể sánh vai với tháp Kim Mậu[1], Đông Phương Minh Châu... trở thành một trong mười công trình kiến trúc lớn của Thượng Hải.
Các cô nữ sinh đi phía trước đều vừa trên taxi bước xuống, quả tình, vị trí trường không ở trung tâm thành phố, nếu chẳng phải may mắn có nhà gần đây, tiền taxi chắc chắn vượt ba con số, cứ theo đó mà suy đoán thì nhà bọn họ có lẽ cũng khá giả.
Đám nữ sinh đều trang điểm đúng mốt gái trẻ đặc trưng Thượng Hải, rất tinh tế, thi thoảng, lúc các cô nàng nghiêng đầu trò chuyện với người đi cạnh, Nam Tương có thể nom rõ hàng mi từng sợi chuốt kỹ dài tới hai milimét, trông như hai cái bàn chải dựng đứng.
Một cô trong nhóm bỗng cất giọng cao vút trong veo y như giọng Lâm Chí Linh: “Oa! Giảng đường lớn ghê! Lại còn toàn bằng đá trắng nữa! Cứ như cung điện ấy! Tớ cảm giác mình cứ như công chúa ấy!”
Bụng Nam Tương đột nhiên cuộn lên chua loét, miệng ợ ra một tiếng nghe như phát nôn. m thanh này vừa vặn nối theo câu: “Tớ cảm giác mình cứ như công chúa ấy.” Không khí giữa đôi bên trở nên hơi gượng gạo. Nam Tương xua xua tay nói: “Tôi không có ý gì đâu.” Đương nhiên đối phương không chấp nhận nổi câu phân bua này, Nam Tương nghĩ một lát, lại thành khẩn nói thêm: “Tôi nghén.”
Đối phương lập tức chấp nhận cách giải thích này, nét mặt lộ vẻ thích thú, miệng thốt ra một tiếng kêu “a...” thoảng như gió.
Trong bữa tối, Nam Tương kể cho tôi mẩu tiểu phẩm đó, opening của nó thế này: “Lâm Tiêu, cậu hoàn toàn không biết hôm nay trường mình tiếp nhận một bầy yêu thú thế nào đâu.”
Tôi luôn cực kỳ bái phục tài văn chương của Nam Tương, chẳng hạn trong mớ ngôn từ quen thuộc “yêu tinh”, “yêu nghiệt”, “yêu quái”, “quái thú” nó có thể bỏ cũ thay mới chọn chuẩn ngay từ “yêu thú” rất xác đáng này.
Cảnh “công chúa” bị dãy mấy chục chiếc xe riêng sang trọng đỗ trước cổng Học viện Mỹ thuật gây tổn thương sâu sắc là ending của câu chuyện. Nam Tương nói: “Thấy toàn BMW, Mercedes, Cadillac, thậm chí Rolls Royce, nàng ta cuối cùng cũng ngộ ra ngồi taxi đến trường chẳng phải công chúa gì, chỉ là hầu gái thôi.” Sau rốt nó chêm một câu: “Tất nhiên, đi xe buýt như tớ thì là nữ nô rồi.”
Nam Tương nói vậy, thú thực trong lòng tôi không vui chút nào. Nó là đứa tài hoa xuất chúng, trong các cuộc thi vẽ hằng năm dù cấp trường hay cấp quốc gia, đều giành những thứ hạng đáng mơ ước. Có điều nhà nó quá bình thường, mà ai cũng biết cái Học viện Mỹ thuật này giống như một lò thiêu được xây dựng chỉ để đổi tiền, năm nào cũng có vô số bậc phụ huynh chất hàng bó tiền dùng xe chở đến, trút vào ngọn lửa rừng rực kia, bầu trời bao phủ học viện nhuộm đỏ sắc màu của những ngọn lửa và tro bụi mịt mù. Trước đám lửa ấy, suất học bổng hằng năm có khác nào cốc nước nhỏ tí xíu, giội xuống, “xèo xèo” trong nháy mắt đã bốc hơi rồi.
Nhưng Nam Tương không quá để tâm đến chuyện này.
Khai giảng hôm đó, người muốn nôn không chỉ mình Nam Tương.
Đường Uyển Như uất ức đầy mình từ Trung tâm Thương mại về tới trường liền lập tức tập luyện. Giờ nó đã chạy được hai mươi chín vòng trong sân nhà thể chất, bài tập thể năng ba mươi vòng không gì thay đổi của mỗi lần tập luyện. Cứ nhìn những người phụ nữ cơ bắp cuồn cuộn chạy phía trước, cảm giác bất lực “hay là bỏ cuộc” lại dấy lên trong nó. Mồ hôi bóng nhẫy, cơ bắp nổi gồ, hơi thở phì phì... những thứ này có phù hợp nổi với hai tiếng “phụ nữ” hay không?
Trở thành một tuyển thủ cầu lông xuất sắc tuyệt đối không phải là mơ ước của Uyển Như (thành ra Lâm Chí Linh mới là ước vọng của nó... nếu thực sự không thể được, Từ Nhược Tuyên cũng OK), mà là mơ ước của bố nó. Lúc này, bố nó đang đứng ở rìa sân tính giờ chạy của mỗi vận động viên. Có ông bố dạy thể dục, đối với Uyển Như, không khác nào là cơn ác mộng bất tận bắt đầu từ tuổi thơ kéo dài đến mãi bây giờ.
Hồi lên bốn, lần đầu tiên bố dắt nó ra bể bơi, chuẩn bị dạy bơi cho nó, vừa hay gặp ông bạn đồng nghiệp, một huấn luyện viên bơi lội đang rèn luyện cậu con trai sáu tuổi của mình, bố nó nói tỉnh bơ: “Con gái tôi cũng biết bơi từ lâu rồi,” và nhanh như chớp vung tay đẩy nó xuống bể. Đường Uyển Như chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, đã như quả bóng bằng chì cứng đờ chìm nghỉm.
Thi thoảng thay đồ trước gương, lúc cánh tay đang giơ quá đầu, Uyển Như nhìn thấy cái ụ thịt dày bịch trên vai và lưng mình, khoảnh khắc ấy, nó cảm thấy nước mắt chua xót trào ra, nhưng cũng trong khoảnh khắc ấy tinh thần lạc quan chủ nghĩa kiên cường cứu vẫn nó: “Ôi, mắt mình đầy ứ nước, giống nữ nhân vật chính trong phim Quỳnh Dao thế!”
Hễ bình nước tinh khiết trong phòng học cạn, mọi người vẫn thường xuyên nhờ nó tự nhiên như không: “Uyển Như, đi đổi hộ cái bình nước nào!”
“Trong khoảnh khắc ấy, tớ có cảm giác niết bàn.” Đường Uyển Như có lần nói thế với chúng tôi về tâm trạng của nó. Nhưng, thấy vẻ mặt bối rối của chúng tôi, nó nhận ra ngay chắc chắn đã nói sai chữ gì đó rồi, “Chả lẽ niết bàn không phải để hình dung tâm trạng vô cùng tuyệt vọng hả?”
“À, sự thực thì, niết bàn là để hình dung một loại chất mềm mại.” Cố Ly thản nhiên đáp.
“Thật hay đùa vậy...” Uyển Như nom có vẻ nghĩ ngợi, “thế thì tớ chỉ ước gì cơ thể của tớ trở thành niết bàn!” Nam Tương và tôi cùng biểu lộ vẻ đau khổ.