Tiệm Đồ Cổ Á Xá

Quyển 1 - Chương 5-2




2.

“Đúng rồi, gần đây có phải có một ông chú tay vịn batoong, đeo kính gọng vàng cứ lượn lờ trong tiệm của anh không?” Gần đây bác sĩ mê mẩn món bánh chéo nhân tôm ở nhà hàng bên cạnh nên tối nào tan ca xong cũng tới mua hai đĩa, sau đó mang thẳng tới Á Xá ăn. Có người ăn cơm cùng luôn ngon hơn ăn một mình.

Gã chủ tiệm nhướn mày đặt đũa xuống, hỏi với vẻ ngạc nhiên: “Cậu gặp ông ta rồi à? Mấy hôm nay cậu tới đều không chạm mặt ông ta mà?” Mấy hôm nay ngày nào ông giám đốc cũng tới điểm danh, cũng chỉ nói lại chuyện đã nói hôm đó.

Bác sĩ nhìn gã chủ tiệm với vẻ kỳ lạ: “Đó là bởi vì ông ấy chặn tôi lại ngoài tiệm, còn vặn hỏi tôi đã mua gì ở đây chưa, và tình hình trong cửa tiệm”.

Gã chủ tiệm nghe vậy liền nheo mắt lại, nho nhã lấy giấy ăn lau khóe miệng.

Bác sĩ không nhận ra tâm trạng gã chủ tiệm đang trở nên xấu đi, miệng nhồm nhoàm một cái bánh chẻo, lúng búng nói: “Ông chú này rất lạ lùng, hỏi mấy câu cũng rất lạ, rốt cuộc anh quen được ông chú lạ lùng này ở đâu thế?”.

Gã chủ tiệm đang nghĩ chuyện khác, nghe hỏi liền thờ ơ đáp: “À, quen lúc trộm mộ trước kia”.

Bác sĩ suýt nghẹn, nhất thời không phân biệt nổi gã chủ tiệm đang nói đùa hay nói thật. Anh vội rót một cốc trà uống một ngụm, sau đó chợt nhớ ra điều gì bèn e dè hỏi: “Cái…cái gối sứ lần trước tôi mượn của anh…”.

“Đương nhiên cũng là đồ trong mộ, nếu không cậu nghĩ nó từ đâu ra?”. Gã chủ tiệm mỉm cười.

“Cạch”. Đôi đũa trong tay bác sĩ rơi xuống bàn, nhưng anh không định nhặt nó lên.

Trong, trong mộ? Điều đó có nghĩa là… cái gối đó vốn dành cho người chết nằm ngủ… bác sĩ lặng lẽ câm nín, nhìn nửa đĩa bánh chẻo chưa ăn hết, liền thấy mất hết cảm hứng ăn uống.

Ông giám đốc cầm một cái tráp gấm, gần như chạy về viện bảo tàng.

Nhân viên bảo tàng thấy vậy đều mỉm cười hiểu ý, đoán được ông giám đốc lại kiếm được cổ vật quý giá nào đó rồi.

Ông giám đốc không về văn phòng mà đi thẳng tới phòng giám định văn vật. Mấy hôm nay ông ngồi suốt ở quán trà đối diện Á Xá, nếu gã chủ tiệm trẻ tuổi ấy không chịu bán cho ông, ông chỉ còn cách tiếp cận với khách hàng của cửa tiệm mà thôi.

Ban đầu ông còn mời nhiều người đóng giả làm khách hàng tới Á Xá mua đồ cổ, nhưng gã chủ tiệm kia cũng thật kỳ lạ, nói thế nào cũng không bán. Khiến ông không còn cách nào khác, đành ôm cây đợi thỏ. Đợi mấy ngày liền, Á Xá không bán ra một món đồ cổ nào, điều này cũng không đáng ngạc nhiên, các tiệm đồ cổ thường ba năm không mở cửa, mở cửa đủ ăn ba năm. Ông cũng đã chuẩn bị trường kỳ kháng chiến rồi.

Có điều, thời gian không phụ người có tâm, cuối cùng hôm nay ông đã nhìn thấy một cậu học sinh trẻ tuổi ôm một cái tráp gấm cỡ vừa bước ra từ Á Xá. Ông tốn không ít nước bọt, thậm chí lấy thân phận giám đốc viện bảo tàng ra mới mua được món đồ này từ tay cậu học sinh kia.

Điều khiến ông bất ngờ nhất là cậu học sinh kia nói chỉ mất năm mươi năm tệ để mua thứ trong chiếc hộp gấm này. Lúc trả tiền ông giám đốc cũng không tin lắm. Nhưng ông không muốn lãng phí cơ hội tốt như vậy, thậm chí còn không mở tráp xem ngay lúc đó mà vội vã ôm thẳng về viện bảo tàng.

Lúc này cũng là lúc sắp tan ca, nhân viên trong phòng giám định đã về văn phòng, chuẩn bị về nhà. Ông giám đốc rửa tay kĩ càng, nìn thở, mở chiếc tráp gấm ra.

Một tia sáng lạnh chói mắt chiếu vào mắt ông, khi ông giám đốc nhìn rõ vật trong tráp gấm thì suýt nữa quên cả thở.

Trên tấm vải lụa màu vàng hoa mỹ là một thanh kiếm đồng xanh.

Toàn thân thanh kiếm tỏa ra thứ ánh sáng xanh chói mắt, hàn khí lấn át. THân kiếm dài chừng hơn ba mươi centimet, màu nâu sẫm, toàn thân láng bóng không bị gỉ nhiều, thân kiếm bằng phẳng, nhìn thấy ẩn hiện hoa văn hình thoi chìm. Phần lưỡi kiếm sắc bén vô cùng. Đốc kiếm được trang trí bằng hoa văn mặt thú, một mặt được khảm đá Thanh Kim, một mặt khảm đá Lục Tùng. Gần chỗ ngăn cách có tám chữ thếp vàng được khắc bằng kiểu chữ triện: Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm”. (Thanh kiếm tự làm của Việt Vương Câu Tiễn”)

* Việt Vương Câu Tiễn (trị vì 496 TCN – 465 TCN) là vua nước Việt (ngày nay là Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô) cuối thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, một trong ngũ bá.

Ông giám đốc hoàn toàn không ngờ rằng vật trong chiếc tráp gấm lại là kiếm đồng xanh của Việt Vương Câu Tiễn! Nhiều năm trước, ở Hồ Bắc từng khai quật được môt thanh kiếm Việt Vương lừng danh thiên hạ, khi khai quật chỉ cần dùng một chút sức là cắt rách mười sáu lớp giấy trắng, vẫn sắc bén như trước đây.

Ông giám đốc cũng từng được chiêm ngưỡng thanh kiếm Việt Vương ấy ở cự ly gần, hình dáng rất giống thanh kiếm ở trước mặt ông bây giờ, nếu không phải kích cỡ to nhỏ khác nhau, ông gần như lập tức cho rằng đây là đồ nhái.

Nhưng ông biết, Việt Vương Câu Tiễn năm xưa bắc tiến Trung Nguyên, hội kiến chư hầu trong thiên hạ, nhất thời xứng danh bá chủ. Theo ghi chép của “Ngô Việt Xuân Thu” và “Việt tuyệt sách”, Việt Vương Câu Tiễn từng đặc biệt mời thợ đúc kiếm Long Tuyền - Âu Trị Tử đúc năm thanh kiếm quý. Năm thanh kiếm lần lượt mang tên Trạm Lô, Thuần Quân, Thắng Tà, Ngư Tràng, Cự Khuyết, đều là những thanh bảo kiếm hiếm có chém sắt như chém bùn. Bởi trong năm thanh kiếm có ba trường kiếm, hai thanh đoản kiếm, nên được người đời gọi là “tam trường nhị đoản”, sau này thành ngữ này được dùng với hàm nghĩa “tai họa bất ngờ”.

Nếu năm xưa đúc năm thanh kiếm, vậy thì ai dám chắc chỉ có thanh kiếm khai quật được ở Hồ Bắc còn tồn tại trên đời.

Ông giám đốc cảm thấy máu trong người như sôi lên, là thật hay giả chỉ cần ông giám định một chút là sẽ có kết quả ngay.

Ảnh chụp tia X, phân tích kim loại, nhiễu xạ quang, phổ huỳnh quang… ông giám đốc cẩn thận làm đủ loại xét nghiệm, càng nhìn thấy những số liệu chuẩn xác của các phân tích kia ông càng giật mình kinh ngạc, bởi bất luận phân tích thế nào kết quả đều chứng minh thanh kiếm này đích thực được chế tạo từ hơn hai nghìn năm trước?

Sao có thể thế được?

Không phải ông không tin kết quả xét nghiệm của các loại máy móc chính xác trước mặt, mà là ông không tin một văn vật cấp một quốc gia thế này gã chủ tiệm kia lại bán với giá năm mươi tệ!

Đang… đang đùa gì thế?

Ông giám đốc cầm kiếm Việt Vương lên, đưa tay vuốt ve hoa văn tinh xảo khắc trên đó. Một phút lơ là đầu ngón tay bị lưỡi kiếm sắc bén cứa rách, máu men theo lưỡi kiếm ánh sắc xanh từ từ chảy xuống, nhưng cũng có một vẻ đẹp khó diễn tả bằng lời, khiến người ta không rời nổi mắt.

Mặc dù bị thương nhưng ông giám đốc vẫn không nỡ đặt thanh kiếm xuống. Thanh kiếm đồng xanh này không biết đã bao nhiêu năm chưa uống máu tươi của người, cảnh này trong giây phút này có gì đó lạ lùng khó nói.

Ông giám đốc cũng không vội cầm máu cho mình, mà cầm miếng vải mềm lên cẩn thận lau lưỡi kiếm.

Lúc này, trong đầu ông chợt vang lên lời dặn dò của cậu học sinh nọ: “Lúc chủ tiệm bán thứ này cho cháu có dặn dò một câu duy nhất, đó là không được để nó dính máu người”.

Đầu tiên ông giám đốc khịt mũi cười nhạo, bỗng nhiên lại cảm thấy vô cùng tức giận. Việc sưu tầm bỏ dưỡng kiếm đồng xanh vô cùng phức tạp, gã chủ tiệm đó lại chỉ dặn dò một câu như vậy sao!

Một mình chiêm ngưỡng nó trong phòng giám định hồi lâu, thấy đồng hồ trên tường đã điểm chín giờ, ông giám đốc cho dù có lưu luyến mấy cũng đành phải cất thanh kiếm vào chiếc tráp gấm. Bên cạnh phòng giám định có một phòng lưu giữ văn vật tạm thời.

Ông giám đốc thận trọng cất chiếc tráp gấm vào tủ bảo hiểm, vừa tính toán trong bụng, đợi ngày mai ông sẽ mời mấy chuyên gia giám định tới giám định lần nữa, sau khi mọi thứ được xác nhận ông sẽ công bố tin này với truyền thông.

Chắc chắn sẽ gây ra tiếng vang lớn và đương nhiên cũng sẽ có tiếng nói nghi ngờ từ nhiều phía. Thanh kiếm Việt Vương ở Hồ Bắc không ai nghi ngờ thật giả, bởi vì quả thực nó là văn vật được khai quật, còn thanh kiếm Việt Vương ông có được… nguồn gốc của nó ông phải nghĩ xem nên giải thích thế nào mới được.

Ông giám đốc biết chắc chắn không thể tiết lộ tiệm đồ cổ của người kia, mặc dù bây giờ là con trai ông ấy trông coi, còn bản thân đang ở tận Ai Cập. Nhưng nếu khiến ông ấy tức giận không chừng sẽ đóng cửa bỏ đi, đến lúc đó số đồ cổ hiếm có trong tiệm cũng không biết đến lúc nào mới xuất hiện nữa. Ông giám đốc đóng cửa phòng giám định, vốn định về nhà ngay nhưng lại đổi hướng đi tới phòng trưng bày của viện bảo tàng.

3.

Lúc này đã chín giờ tối, viện bảo tàng đóng cửa lúc năm giờ, các nhân viên cũng đã ra về hết từ lúc năm giờ ba mươi, chỉ còn bảo vệ của viện bảo tàng ở lại. Nhưng cho dù là bảo vệ trực đêm cũng không như trước đây cầm đèn pin đi tuần từng tầng một, bởi camera kỹ thuật cao được lắp đặt ở đủ mọi góc trong viện bảo tàng đều ghi lại tất cả một cách trung thực, bảo vệ chỉ cần ngồi trong phòng giám sát, luôn chăm chú quan sát màn hình là được.

Viện bảo tàng này sử dụng kỹ thuật tiên tiến nhất nước, mỗi văn vật đều được đặt trong tủ trưng bày bằng kính cường lực, còn lắp đặt đèn cảm ứng tự động, bên trong tủ trưng bày bằng kính đều có ánh đèn yếu ớt, chỉ cần có người lại gần nó sẽ tự động sáng lên.

Ông giám đốc men theo lộ tuyến tham quan, chầm chậm vừa đi vừa suy nghĩ. Cùng với bước chân của ông, đèn trong tủ kính liên tiếp sáng lên, rồi theo bước chân ông rời đi, từng cái một tối dần.

Trong viện bảo tàng rộng rãi tăm tối, tĩnh lặng như chết, ông giám đốc chỉ nghe thấy tiếng lộc cộc vọng lên khi chiếc batoong của mình gõ xuống nền đá cẩm thạch.

Nếu là một người khác, e rằng cũng không thích ở lại một mình trong viện bảo tàng vào lúc đêm khuya thế này, nhưng đối với ông giám đốc mà nói, đây chính là giây phút ông hưởng thụ nhất.

Viện bảo tàng rất rộng, nhưng ông nắm rõ từng sản phẩm trưng bày, từng gian phòng trưng bày như lòng bàn tay, ông nhìn mỗi văn vật trong tủ trưng bày với ánh mắt hiền từ, giồng như đang nhìn những đứa con của mình. Đến khi ông đi từ tầng một lên phòng trưng bày đồ gốm sứ ở tầng hai, trong lòng ông đã nghĩ xong nên tuyên bố với mọi người lai lịch của thanh kiếm Việt Vương thế nào rồi, mọi tâm tư của ông đều dồn vào những món đồ cổ trong Á Xá, nghĩ xem làm thế nào để mang hết chúng về viện bảo tàng, thậm chí đã bắt đầu suy nghĩ đến việc sẽ bày chiếc đĩa sứ men xanh trắng đời Tống kia ở đâu nữa.

Tâm nguyện của ông giám đốc rất lớn, bắt đầu từ ngày mê đồ cổ, ông sưu tầm những món đồ cổ ngưng tụ văn hóa và sinh mạng của các tiền nhân một cách thèm khát. Bản thân ông rất thích và càng muốn người khác cũng thích.

Vì thế mỗi lần nhìn thấy cổ vật bị khuyết vỡ, lòng ông đau như cắt.

Những cổ vật bây giờ quả thật là vỡ một cái, mất một cái.

Ông giám đốc dừng lại trước một cái bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên ở trung tâm phòng trưng bày đồ gốm sứ, thể tích cái bình này rất lớn, thậm chí có thể đựng vừa một đứa trẻ năm, sáu tuổi, có thể bảo tồn hoàn chỉnh vốn đã không dễ dàng, mặc dù trên miệng có một vết sứt rất rõ, nhưng vẫn không làm giảm giá trị của nó. Cần phải biết rằng, chỉ có hơn bốn trăm món đồ sứ Thanh Hoa thời Nguyên còn tồn tại trên thế giới này, chiếc bình sứ to thế này càng hiếm thấy hơn.

Chiếc bình này chính là món đồ ông có được khi gặp người đó năm xưa… Chiếc bình đẹp như vậy, cho dù ngày ấy trong ngôi mộ đó, vì bảo vệ chiếc bình ông trúng phải bẫy trong mộ cổ, chân phải ông cũng tập tễnh từ đó, ông cũng không có gì nuối tiếc.

Nghĩ tới đây ông giám đốc bèn đưa tay chạm vào lớp men trắng như ngọc dưới ánh điện nhưng lại chạm vào một lớp kính.

Ông sực tỉnh, mới biết mình lại quên chiếc bình này không còn đặt ở nhà ông nữa, mà được đặt trong tủ kính ở viện bảo tàng.

Ông giám đốc buồn bã, có điều lại cảm thấy vui vẻ ngay. Những món đồ cổ này đặt trong viện bảo tàng, mặc dù không được trực tiếp chạm vào nhưng lại được bảo dưỡng tốt nhất. Chứ không như ở Á Xá, để ở đó một cách vô trách nhiệm, sử dụng một cách tùy tiện, đúng là phung phí của giời.

Vì thế những việc ông làm mới là đúng đắn nhất.

Ông giám đốc bật cười, nhìn những nếp nhăn trên mặt mình trên chụp kính, bất giác nghĩ tới nhiều năm sau, những cổ vật này vẫn ngay ngắn nằm trong viện bảo tàng cho người đời chiêm ngưỡng, còn ông sớm đã thành một nắm xương trắng…

Nhưng, như thế này cũng tốt.

Ông giám đốc đờ người nghĩ ngợi một hồi mới rụt bàn tay đang đặt trên chụp kính lại. Đầu ngón tay dội lên cảm giác đau nhói, bây giờ ông mới phát hiện ra vết thương bị kiếm Việt Vương cứa vào vẫn không ngừng chảy máu, bàn tay trái đã dính đầy máu từ bao giờ, để lại một dấu tay bằng máu trên chụp kính, trong đêm tối nhìn vô cùng ghê rợn.

Ông giám đốc vội dựng batoong vào tường, rút khăn tay ra, không để ý vết thương ở tay trái mà cẩn thận lau bàn tay máu trên chụp kính. Ông vừa lau, vừa cười nghĩ, nếu ông không lau sạch vết máu này mà để tới sáng mai, e rằng sẽ khiến toàn bộ nhân viên trong viện bảo tàng sợ chết khiếp. Bảy chuyện kỳ quái trong viện bảo tàng mà họ thêu dệt chắc sẽ thành tám chuyện kỳ quái mất.

Ông giám đốc đàn vui vẻ nghĩ thì bất ngờ phát hiện dấu tay máu trên chụp kính lau thế nào cũng không sạch. Ông chau mày, đẩy gọng kính, ghé sát lại gần quan sát. Sau khi nhìn kỹ ông kinh ngạc tròn mắt.

Bởi dấu tay máu kia lại xuất hiện ở bên trong chụp kính! Vết máu thậm chí còn chưa khô, dưới ánh sáng trong chụp kính nó đang từ từ men theo thành kính chảy xuống dưới một cách lạ lùng.

Sao có thể như thế được!

Ông giám đốc sợ hãi lùi lại một bước, ánh đèn trong quầy trưng bày cũng tối đi theo bước chân của ông, nhưng vẫn nhìn thấy rõ ràng vết máu ấy, đây chắc chắn không phải ảo giác của ông.

“Két…”.

Đúng lúc ông chưa định thần lại thì đột nhiên một âm thanh chói tai từ dưới tầng dội lên. Âm thanh này mặc dù rất nhẹ nhưng rất rõ ràng giữa viện bảo tàng rộng lớn tĩnh lặng.

Giống như tiếng một vật sắc cà xuống đất.

Ông giám đốc sợ đến mức tim suýt chút nữa vọt ra khỏi lồng ngực, ông vội rút điện thoại ra nhưng không có bất cứ tín hiệu nào.

Sóng điện thoại trong viện bảo tàng luôn lúc có lúc không, có người nói do hiệu ứng điện từ của vật, cũng có người nói do thiết bị bảo vệ của viện bảo tàng gây ra.

Nhưng đúng lúc này lại không có sóng khiến ông bực mình chửi thầm một tiếng.

Âm thanh quái lạ ở tầng một lại bắt đầu vang lên. Lần này âm thanh kéo dài, từ xa tới gần giống như… giống như người nào đó kéo lê một thanh kiếm, chầm chậm bước đi.

Ông giám đốc đưa tay ấn nút gọi khẩn cấp trên tường nhưng không có bất cứ phản ứng nào.

Sao lại thế? Ông giám đốc biết nút bấm này ở trong viện bảo tàng chỗ nào cũng có, chỉ cần ấn một cái khắp viện bảo tàng sẽ vang lên tiếng còi báo động, nhưng từ lúc xây viện bảo tàng tới giờ chưa được dùng bao giờ. Lẽ nào nhiều năm không sửa nên đã hỏng?

Ông giám đốc vốn không nên hoảng loạn như vậy nhưng dấu tay máu ban nãy lại in bên trong chụp kính đã khiến ông vô cùng kính sợ. Cộng thêm âm thanh cổ quái dưới tâng một khiến ông cuối cùng không thể nào giữ được sự phán đoán như mọi ngày. Nghe âm thanh giống như một thanh kiếm đồng xanh! Lẽ nào… lẽ nào là thanh kiếm Việt Vương ông mới bỏ vào tráp gấm ban nãy?

Nhưng rõ ràng ông đã đặt nó vào tủ bảo hiểm, mật mã tủ chỉ có mình ông biết. Mà một thanh kiếm làm sao có thể tự mình mở nắp tủ bảo hiểm bước ra được? Có điều ông không dám chạy xuống dưới xem rốt cuộc ra sao, âm thanh này nghe không tốt lành chút nào.

Không đúng, mọi thứ đều không đúng! Lúc này đáng nhẽ bảo vệ trong phòng giám sát phải chạy ra từ lâu rồi chứ, nhưng bây giờ trong viện bảo tàng vẫn im lặng như tờ, không thấy bất cứ một bóng người nào.

Việc cấp bách bây giờ là phải tới phòng giám sát quan sát màn hình mới đúng.

Ông giám đốc đưa tay sờ batoong nhưng lại sờ vào khoảng không. Lúc này âm thanh kỳ lạ ấy đã men theo bậc thang của đại sảnh chính, đang từ từ lên tầng hai.

“Két, két…”.

Ông giám đốc không kịp lần sờ tìm batoong trong bóng tối, loạng choạng bám vào tường đi ra ngoài. Từ trong phòng triển lãm này ra tới cầu thang máy hoàn toàn không mất tới một phút, nhưng ông đi mãi trong bóng tối, suốt dọc đường đèn cảm ứng hai bên lần lượt sáng lên rồi tắt đi. Chạy một hồi lâu ông phát hiện ra ông không tìm được nút bấm thang máy mà lại tới một gian trưng bày khác.

Ông tưởng mình đi quá nhanh nên đã tới phòng trưng bày đồ ngọc, nhưng đúng lúc ông định quay đầu lại tìm thang máy thì khóe mắt liếc thấy vật trưng bày ở đây, sững sờ khựng người lại.

Gian phòng triển lãm trước mặt ông vẫn là gian phòng trưng bày đồ gốm sứ! Giữa sảnh trưng bày, trên chụp kính của chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên, dấu tay máu vẫn rõ ràng bắt mắt.

Ông giám đốc há miệng, cổ họng khô rát không phát nổi âm thanh nào.

“Két…”

Tiếng động ấy đã thuận lợi lên được tầng hai, chỉ ngừng một chút như đang phán đoán chỗ ông đứng rồi đi về phía ông một cách chuẩn xác.

Ông giám đốc đơ người một lúc rồi nghiến răng tiếp tục đi về phía trước. Tất cả đều là ảo giác, ông nói với mình như vậy.

Nhưng lúc ông đi qua chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên, ông nhìn thấy chiếc batoong ban nãy mình chưa kịp nhặt lên, nhưng ông không dám bước qua đó.

“Két…”

Tiếng động phía sau dường như lại gần hơn một chút.