Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 310: Hồi Hai Mươi Sáu (16)




Y thấy quân Minh vừa ngừng bắn, bây giờ đang lúc nhồi thuốc thay đạn, bèn cho quân nổi trống, bắn hỏa pháo. Tức thì từ trên cù lao, trên chiến thuyền không ngớt có đạn pháo dội vào trận địa pháo của quân Minh. Quân Hậu Trần chiếm lợi ở chỗ bắn sau, biết đại khái vị trí đặt pháo của đối thủ, mà Mộc Thạnh lại không ngờ đối phương có pháo. Thành thử ngay trận đầu, Nguyễn Súy đã hủy được một số lớn hỏa pháo của quân Mộc Thạnh.



Mộc Thạnh biết có biến, nhưng chưa phản ứng kịp thì pháo đã bị bắn hỏng gần nửa. Lão một mặt cho quân kéo pháo lui lại giữ thế trận, tiếp tục bắn vào mấy con thuyền lớn đang chặn cửa sông, mặt khác lại cho khoái mã truyền tin về báo cho Trương Phụ.



Phía đông, nơi quân Minh do Hoàng Trung cầm đầu giáp trận với Nguyễn Cảnh Dị thì tình thế tương đối bình lặng. Sông Thạch Hãn phình to về phía đông, hai bờ cách nhau có đến một trăm hai mươi, một trăm ba mươi trượng. Thành thử, quân Minh chỉ kéo ra gây áp lực, ép Nguyễn Cảnh Dị phải thủ tại chỗ không chi viện cho hai cánh còn lại được, chứ không có ý dồn quân tấn công ngay.



Hoàng Trung còn chờ đoàn thuyền của Hoàng Phúc cập bờ, đánh từ đông vào, lúc ấy vượt sông diệt sạch quân của Nguyễn Cảnh Dị cũng không muộn.



Nhìn sắc trời, thì chỉ độ hai canh giờ nữa, quân của Hoàng Phúc sẽ vào bờ.



Đáng tiếc…



Quân của Hoàng Phúc, nội trong hôm nay chắc chắn không thể vào bờ…



Ngoài khơi, một toán thuyền hải tặc đang quần nhao với Hoàng Phúc, không ngừng dây dưa quấy rầy, quyết cầm chân cho được quân Minh. Hoàng Phúc không dám cho quân tùy tiện vào bờ, để hở lưng cho cướp biển, nên đành phải đánh tiếp với hải tặc.



Lần này, Hải Thượng Hung Lang cầm đầu, Đông Hải Kình Nương thì chỉ bàn giao số pháo cho quân Trần là lập tức lánh mặt. Các băng lớn nhỏ đến hội quân thì nghĩ nếu không phải Hoàng đảo chủ có lời thì hai người này chẳng nhìn được mặt nhau, tự nhiên không thể cùng đánh trận. Còn Nguyễn Cảnh Dị tuy biết rõ nội tình, nhưng đã hứa với lão họ Sa sẽ giữ kín mọi chuyện, nên tự nhiên không nói gì nhiều.



Có quân hải tặc trấn giữ bờ biển, quân Minh lại không tấn công dồn dập vì khúc sông rộng, thế nên Nguyễn Cảnh Dị không cần giữ quá nhiều quân thủ mặt đông. Số lều trại dựng lên, hào lũy đắp sẵn, đều là hư trương thanh thế. Đến quá nửa số quân đang thủ cũng là bù nhìn mặc quân phục cũ nát cả mà thôi.



Phía tây sông cánh Hòm, trên một đỉnh núi…



Có hai bóng người đang sóng vai mà đứng, gió thổi áo bào tung bay phần phật, lặng yên nhìn về phía chiến trường.



Một người vác gươm Xích Ngô, ăn mặc kiểu văn không ra văn võ chẳng ra võ, tự nhiên là Hoàng Thiên Hóa.



Người còn lại, lại là một thanh niên mặt ngọc mày kiếm, ngũ quan đoan chính, diện mạo thì anh tuấn, phong tư thì tiêu sái. Y vận một bộ giáp đen bóng, cầu vai và hộ uyển đều có gắn lưỡi dao nhọn hoắt, rộng cỡ hai ngón tay. Sau lưng y cắm một ngọn thanh long kích dài đến sáu xích, đúc bằng kim loại, đồ rằng ít nhất cũng nặng bốn năm chục cân. Có thể dùng được thứ binh khí này xung trận, đủ thấy y chẳng phải hạng thư sinh trói gà không chặt gì cho cam.



Mà bên hông y, bấy giờ đang buộc một thanh kiếm…



Ấy là kiếm Long Tuyền, vốn là vật Đặng Dung đưa cho Hoàng Thiên Hóa để làm tin, nhờ một người đến đặt phục binh ở sông Thạch Hãn, cửa Sái Già chỉ chờ đánh ập vào quân trại của đại Minh.



Giờ nhìn kiếm treo ở thắt lưng người nọ, đủ thấy thanh niên giáp đen là người mà Đặng Dung đã nhờ cậy.



Lúc này trên đầu hai người chợt có tiếng vỗ cánh. Đoạn, một con bồ câu màu xám nhẹ nhàng bay vù tới đậu lên vai của thanh niên nọ. Nhìn cách nó thuần thục tránh các lưỡi dao gắn trên cầu vai của y, đủ thấy đã được luyện thành quen.



Thanh niên vận giáp đen gỡ ống trúc ở chân bồ câu, rút phong thư bên trong ra.



Ấy tự nhiên là quân tình mà Đặng Dung bí mật gửi đi.



Y đọc xong thì quay sang Hoàng Thiên Hóa, cười mà nói:



“ Đảo chủ an tâm, tối nay đã có thể xuất kích được rồi. ”



Hoàng Thiên Hóa nghe y nói thế, thì cực kì kinh ngạc. Bởi lẽ, hiện tại trong tay hai người vốn không có một binh một tốt nào cả. Tuy y trước giờ vẫn tự thị võ học, độc công, nhưng đem ra đánh với đại quân cả vạn người của Trương Phụ thi tự nhiên hiệu quả không lớn.




Mà người thanh niên kia, cứ cho là dũng mãnh hơn người, thì cũng chẳng thể nào đánh xuyên qua ngàn quân được.



Lấy sức hai người, há có thể xoay chuyển được đại cục.



Thanh niên nọ mỉm cười, đoạn lấy ngón tay hơi cứa vào ngọn kích, cho máu nhỏ ra. Đoạn y chậm rãi vẽ một chữ nhất lên lưng con bồ câu. Làm xong xuôi, thì thanh niên nọ bèn thả con bồ câu lên không, chỉ thấy nó lập tức vỗ cánh bay về phía tây bắc.



Thanh niên nọ vác kích trên vai, lại huýt sáo một tiếng, tức thì từ khoảng rừng thưa có tiếng vó ngựa truyền tới. Chỉ độ mấy hơi thở sau, đã có một con ngựa ô lắc mình phóng ra, chạy đến bên người thanh niên, không ngừng cọ bờm cọ mặt vào tay y. Hoàng Thiên Hóa thấy cái bờm vàng óng như hoàng kim của con ngựa, lại thấy tròng mắt ngựa đỏ như máu, biết ấy là thứ ngựa chiến quý cực kì, bèn nói:



“ Xem ra tướng quân đã có chủ ý. ”



“ Công chưa thành danh chưa toại, nào đã có sắc phong gì, đảo chủ đừng cười. ”



Y nói xong, bèn nhoẻn cười, nhìn về phía doanh trại quân Minh, ánh mắt chứa đầy vẻ mong chờ.



Hai quân giao chiến trọn một ngày vẫn chưa phân thắng bại. Bấy giờ sắc trời đã nhá nhem mà cánh của Hoàng Phúc vẫn không cách nào vào bờ, mưu kế quân Minh đã không thành. Trương Phụ và Đặng Dung không hẹn mà cùng thu quân về.



Mộc Thạnh thủ vững ở ngã ba sông, đến tận chiều tối cũng không thấy quân Hậu Trần có ý định vượt sông, bèn cho hạ trại tại chỗ, thủ vững sườn cho đại quân.



Trương Phụ truyền tin, tạm thời chỉ cần án binh bất động, uy hiếp vị trí yếu hại của Nguyễn Súy, ngoài ra không cần đánh thủng tường thuyền của quân Hậu Trần vội.



Đêm xuống…




Trương Phụ tra hỏi Phạm Hách một lúc, đã biết được một trong những bí mật của người Nam, ấy là trước khi lặn nước thì uống nước mắm, người Tàu gọi là ngư lộ để giữ nhiệt, phòng được chết rét dưới sông. Ngày nay nghệ nhân rối nước vẫn có người dùng. Lão cho quân làm thử, quả nhiên chịu được nước sông lâu hơn trước nhiêu, không khỏi mừng thầm. Thế là Phụ chia quân làm nhiều nhóm, phân công nhau bơi ra sông, nghe tiếng mái chèo. Khi nào thấy động, tức là quân Hậu Trần tập kích, lập tức phải hét lên báo cho đại quân.



Mà Đặng Dung, thì lại nói với Lê Lợi:



“ Hôm nay lão già Trương Phụ tóm được Phạm Hách. Người này tham sống sợ chết, ắt sẽ khai hết bí mật về nghề lặn của ta. Mà thần công của Yết Kiêu tướng quân, e là cũng sắp không thoát khỏi tay giặc. ”



Y ngừng một chốc, lại nói:



“ Đương nhiên, thằng giặc già họ Trương là kẻ cáo già, hẳn sẽ đoán được ý tập kích của quân ta đêm nay. Thậm chí bây giờ, cả nửa con sông rải đầy quân dọ thám của giặc cũng không biết chừng. ”



Lê Lợi nghe xong, biết Đặng Dung đang tranh thủ lúc này truyền dạy thêm kinh nghiệm cầm quân cho mình, bèn hỏi:



“ Ý của quan Bình Chương tức là, chúng ta lấy thật làm giả, lấy giả làm thật? ”



“ Không sai… ”



Đặng Dung cười nhạt.



Y lệnh cho binh sĩ mỗi người mang một cái thuyền thúng, không cho để đèn đuốc gì cả, đoạn chèo ra khơi, rồi khua mái chèo như thể có quân vượt sông tập kích trại địch. Ngay khi quân giặc báo động, thì lập tức lui lại.



Canh hai…




Đêm không trăng, tối om như mực, sương mù lãng đãng phủ kín mặt sông, dù có đèn đuốc cũng không nhìn được quá hai trượng.



Thực là một thời điểm lí tưởng để tập kích.



“ Phong Tiêu Tiêu Hề! ”



Quân Minh đã được Trương Phụ dặn trước, sớm đã lăm lăm khí giới, tinh thần sẵn sàng, vừa nghe quân lặn ngoài sông hét lên là lập tức bật dậy, vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.



Mà Trương Phụ thì cũng đã y áo chỉnh tề, chuẩn bị sẵn sàng…



Lão đếm đủ một khắc, đoạn cho quân bắn pháo ra giữa sông, hòng tấn công vào “ đội thuyền tập kích ” của quân Trần.



Chỉ nghe tiếng hỏa pháo gầm rú, tiếng nước sông bắn tung ào ào…



Song lại không có tiếng người.



Điều này khiến Trương Phụ không khỏi nhíu mày, chợt nghĩ đến một tin đồn về khúc sông Thạch Hãn này.



Còn nhớ, hồi đó Phan Quý Hựu hàng xong, có nhắc đến sông Thạch Hãn, cũng như khúc sông bị quỷ ám ở cửa Sái Già. Độ mấy ngày sau đột nhiên y bị bệnh chết, bao nhiêu danh y đều trở tay không kịp, cũng không nhìn ra bệnh trạng.



Trương Phụ khi đó vẫn lấy làm kì quặc, song chỉ coi là chuyện huyễn dị truyền kì dân gian, không đáng tin tưởng.



Nhưng lần này, thì lão không thể không hoài nghi liệu sông Thạch Hãn này có thực sự bị quỷ ám hay không.



Bởi…



Lão dùng quân rất nghiêm, tuyệt nhiên không có chuyện kẻ dưới dám báo hiệu linh tinh. Đồng thời, ám hiệu của mỗi nhóm quân dọ thám đều khác nhau, lại tuyệt đối bí mật, nhóm này không biết của nhóm kia. Còn cử nhóm nào ra trước, nhóm nào ra sau, chỉ mình lão biết.



Quân Hậu Trần tuyệt đối không thể giả được ám hiệu…



Trừ phi, Đặng Dung có tài thánh, có thể cài được ít nhất một tên gian tế vào mỗi đội. Nhưng điều này còn khó hơn cả lên trời, vì Trương Phụ phân đội cũng hoàn toàn là ngẫu nhiên.



Ám hiệu là thật, thế thì hà cớ gì một loạt đạn pháo bắn ra, mà ngay cả một tiếng người kêu khóc, một tiếng thuyền vỡ cũng không có??



Lão cho rằng quân lính dưới trướng nhiễm lệnh, chắc có chút thần hồn nát thần tính, bèn cho quân chèo thuyền ra gọi về, đổi một nhóm mới.



Quân Minh thấy có vẻ là báo nhầm, bèn buông vũ khí ngồi xuống toan nghỉ ngơi…



Nào ngờ chưa qua một tuần hương, thì nhóm dọ thám thứ hai cũng hô to ám hiệu có quân Trần tập kích!



Doanh trại quân Minh lại lần nữa giới bị, tinh thần tướng sĩ căng như dây đàn…