Đầu triều Tống, Nho học chưa mấy thịnh vượng. Thế mà khi Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh. Tống Thái-Tông hùng hổ sai Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng, Triệu Phụng-Huân, Quách Quân-Bảo… đem mấy chục vạn quân sang đánh, nêu lý do diệt kẻ thoán vị, cướp ngôi vua của ấu quân, khi chúa qua đời. Thế mà giữa đời nhà Tống, Nho học cực thịnh. Triết lý trung quân đề cao, tại sao Lý Công-Uẩn cướp ngôi của nhà Lê, vua tôi nhà Tống lờ đi, hơn nữa còn sai sứ sang phong chức tước cho nữa? Có thực nhà Tống tử tế như thế không? Hay vì dư oai trận Bạch-đằng chưa hết? Hoặc vì lý do nào khác? Thưa sự thực vì Lý Công-Uẩn là phò mã của vua Lê Đại-Hành. Nho-giáo hết sức đề cao việc vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, vì vua Thuấn là người hiền, hơn nữa Ngài được vua Nghiêu gả hai công chúa là Nga-Hoàng và Nữ-Anh cho. Nay Lý Công-Uẩn cũng là người hiền, cũng là phò mã!
Sử nói rằng, thời đại Tiêu-sơn, là thời đại cực thịnh của Phật-giáo. Thế nhưng một người Việt không rõ tên họ, cùng Lưu Trí-Viễn mang một thứ tôn giáo ở bộ lạc Sa-đà về Trung-quốc. Rồi từ đó lập ra triều Hán (Thời Lục-triều). Sau ông ta trở về Đại-Việt tranh ngôi vua, gây thành cảnh núi xương sông máu thời mười hai sứ quân. Hành trạng của ông ta ra sao. Xin độc giả theo dõi trong chín trăm trang, bộ Anh hùng Tiêu sơn, giai đoạn hai, mang tên Thuận-Thiên di sử.