Thời Thanh Niên Của Ông Nội Tôi

Chương 55




Trong tiếng chuông vang vọng không ngừng, Hạ Nhạc hoàn toàn quên mất mình đang ở đâu, cô đứng yên không động đậy, như thể lúc này cô đã có mặt ở tận thủ đô Bắc Kinh cách đây hàng ngàn dặm —

Tại thủ đô Bắc Kinh, những nhân vật lịch sử sống động trong sách vở, họ đứng trên tường thành, sau khi trải qua muôn vàn khó khăn, cuối cùng trên gương mặt họ cũng hiện lên nụ cười đầy tự hào.

Quốc ca vang lên, trong cái nhìn chăm chú của hàng triệu người, lá cờ đỏ năm sao từ từ được kéo lên. Dưới lá cờ đỏ bay phấp phới, 54 khẩu đại bác nổ 28 phát, làm rộn ràng trái tim mọi người.

Trên tường thành, những chiếc đèn lồng đỏ treo thành hàng dài lay động trong gió, dưới ánh đèn lồng, mọi người vẫy tay chào đoàn không quân đang bay lượn trên bầu trời.

Dưới chân thành, hàng vạn người dân vẫy cờ reo hò, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Bộ binh, kỵ binh, xe tăng, đại bác, xe hơi… tất cả xếp thành đội hình vuông, đồng thời 14 chiếc máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của không quân vừa được thành lập mang theo đạn thật, bay qua quảng trường Thiên An Môn, nhận lệnh duyệt binh.

Đây chính là ngày mà mọi người mong đợi – ngày 1 tháng 10 năm 1949.



“Nhạc Nhạc, Nhạc Nhạc?”

Hạ Nhạc giật mình tỉnh lại, bên cạnh là chú Trương đang ôm vài lọ thuốc, cùng Hạ Thiệu Minh nhìn cô đầy thắc mắc.

“Sao không vào trong?”

Chú Trương vừa nói vừa bước vào phòng bệnh, đặt thuốc lên bàn, Hạ Thiệu Hoa và Chung Cửu Hương nghe thấy động tĩnh thì cũng từ cửa sổ cũng bước tới bên bàn.

“Chú đã nói là hai đứa em này của cháu sẽ không yên tâm mà đi rồi mà.” Chú Trương miệng trách móc nhưng gương mặt lại nở nụ cười: “Đấy, lại quay về rồi.”

Ánh mắt Hạ Thiệu Hoa dừng lại trên người Hạ Nhạc và Hạ Thiệu Minh, khiến cả hai không dám ngẩng đầu lên, sợ làm anh không vui.

Im lặng một lúc lâu sau Hạ Thiệu Hoa mới che miệng ho khan vài tiếng, anh nói: “Quay lại cũng tốt.”

Chung Cửu Hương vẫn luôn để ý đến Hạ Thiệu Hoa, thấy anh ho, chị ấy lập tức đưa cho anh cốc nước nóng mà chị ấy đã rót sẵn.

Hạ Thiệu Hoa nhận lấy, cảm ơn một tiếng rồi mở lọ thuốc chú Trương mang về, nuốt vài viên thuốc trắng.

Trong phòng bệnh đến tĩnh đến mức chỉ còn lại tiếng Hạ Thiệu Hoa uống nước, còn bên ngoài phòng bệnh, cả bệnh viện vang vọng những tiếng hát, trên đường phố là những tiếng reo hò đầy phấn khích của đoàn người diễu hành.

Năm người trong phòng bệnh cũng đều không tránh khỏi bị cuốn vào bầu không khí vui mừng bên ngoài.

Trong niềm tự hào về Tổ quốc, họ càng thêm vui sướng hơn.

Sau một lúc im lặng, tất cả đều nhìn nhau cười.



Dù sao vẫn là trẻ con, khi Hạ Thiệu Minh nghe thấy những tiếng ồn ào từ bên ngoài, cậu đã không thể ngồi yên được nữa mà kéo tay Hạ Nhạc chạy ra ngoài.

Đi qua đám đông đang hát, Hạ Thiệu Minh cũng muốn tham gia hát chung; Khi gặp đoàn diễu hành bên ngoài bệnh viện, Hạ Thiệu Minh lại muốn chạy theo vẫy tay hò hét; Khi đi qua sân bóng rổ… Hạ Thiệu Minh liền chạy vào ngay.

Cậu lập tức kết bạn với mấy đứa trẻ khác, còn họ lên bảo Hạ Nhạc chờ mình nhưng kết quả là đợi cả buổi trời, còn cậu thì mải mê chơi mà quên luôn đường về.

Đứng ngoài sân bóng, Hạ Nhạc ghét bỏ nói: “Cậu tự chơi đi, tôi về đây.”

Hạ Thiệu Minh ôm quả bóng rổ, hài lòng trả lời: “Đi đi.”

“Nhớ về sớm đấy!”

Hạ Nhạc dặn dò xong liền quay đầu bỏ đi.

Vì vậy, trong hai ngày tiếp theo, Hạ Thiệu Minh cứ lải nhải đòi đi chơi bóng rổ mỗi ngày và ngày nào cậu cũng kéo Hạ Nhạc đi cùng.

Nếu không phải vì muốn để ông bà nội có không gian riêng thì Hạ Nhạc thật sự không muốn chạy ra ngoài cùng cậu vào cái thời tiết nóng nực thế này.

Chú Trương cũng rất tinh ý mà thỉnh thoảng lại lặng lẽ biến mất.

Trong phòng bệnh mỗi ngày chỉ còn lại hai người là Hạ Thiệu Hoa và Chung Cửu Hương.

Hạ Nhạc có linh cảm rằng, chẳng bao lâu nữa, ông bà nội của cô sẽ ở bên nhau.

Dù sao, năm 1950 cũng chính là năm ông bà nội đã nên duyên vợ chồng.

Hôm đó, khi đi qua góc phố, Hạ Nhạc bỗng nhiên dừng bước.

Một giai điệu du dương văng vẳng bên tai, Hạ Nhạc bước đến bên cạnh gốc cây lớn gần đó. Dưới tán cây rậm rạp, bóng mát phủ kín một khoảng không, rất dễ chịu.

Cô ngó đầu nhìn về phía bên kia của cây.

Một ông lão tóc bạc trắng ôm cây đàn nhị ngồi dưới gốc cây. Ông ấy mặc một bộ quần áo vải thô rộng rãi nhưng đã cũ kỹ, mắt nhắm lại, hoàn toàn chìm đắm trong thế giới của mình mà chậm rãi kéo đàn.

Khung cảnh này dường như hoàn toàn tách biệt với sự náo nhiệt của đường phố bên ngoài.

Hạ Nhạc cũng bị mê hoặc bởi giai điệu của ông ấy, cô vô thức ngồi xuống, lặng lẽ đếm theo nhịp.

Không lâu sau, khúc nhạc kết thúc, ông lão mở mắt ra, Hạ Nhạc và ông ấy nhìn nhau trong giây lát, cô mỉm cười nhẹ nhàng rồi rời khỏi nơi đó.

Ngày hôm sau, Hạ Nhạc theo Hạ Thiệu Minh ra ngoài, cô không có việc gì làm nên lại ngồi nghe ông lão kéo đàn nhị thêm một lúc.

Đến ngày thứ ba, khi ông lão đang kéo đàn giữa chừng thì bất ngờ dừng lại, ông ấy mở mắt nhìn chằm chằm vào Hạ Nhạc.

“Cô bé, cháu bao nhiêu tuổi rồi?” Ông ấy đột nhiên hỏi.

Hạ Nhạc ngẩn người trong giây lát, đối diện với ánh mắt sáng quắc của ông lão, cô trả lời: “Cháu mười một tuổi ạ.”

Ông lão vuốt vuốt chòm râu trắng: “Ông thấy cháu rất thích đàn nhị đấy, hay là cháu quỳ xuống bái ông làm thầy, ông sẽ dạy cháu kéo đàn nhị, thế nào?”

Hạ Nhạc nhìn cây đàn nhị đã cũ kỹ đã gần như sắp hỏng đến nơi rồi lại nhìn gương mặt già nua nhưng vẫn rạng ngời của ông ấy: “Chuyện này… Cháu…”.

Cô không muốn làm mất hứng của ông ấy nhưng cô thật sự là người rất vụng về.

Hạ Nhạc muốn khóc mà không được, cô cắn răng nói: “Cháu… Nhà cháu không đủ tiền mua đàn nhị…”

Khuôn mặt ông lão hiện rõ vẻ thất vọng, ông ấy xoa cây đàn nhị: “Tiếc thật, cây đàn nhị này là di vật duy nhất của người bạn cũ của ông, nó đã theo ông suốt mấy chục năm rồi, sau này nó cũng phải cùng ông về với đất, nếu không thì ông đã tặng nó cho cháu rồi.”

Hạ Nhạc đành an ủi: “Không sao đâu ạ, sau này lớn lên, có tiền rồi, cháu nhất định sẽ học mà…”

Ông lão gật đầu, rồi lại vuốt vuốt chòm râu bạc của mình, nhìn cô đánh giá.

“Cô bé, cháu đã từng đến Nam Kinh chưa?”

Mặc dù Hạ Nhạc là người thích ở nhà nhưng khi còn nhỏ cô đã từng đi du lịch nhiều nơi.

Cô đặc biệt thích phong cảnh vùng Giang Tô và Chiết Giang, lắng nghe giọng nói nhẹ nhàng của người dân địa phương, bước trên con đường đầy nắng và gió nhẹ, tâm trạng của cô như được rót đầy mật ngọt.

Hạ Nhạc gật đầu: “Cháu đã từng đến rồi, Nam Kinh là một nơi rất đẹp.”

Ông lão mỉm cười, nói: “Ông nhìn cháu là liền cảm thấy cháu có cái nét duyên dáng của con gái Nam Kinh.”

Ông dường như muốn há miệng nói điều gì đó nhưng cuối cùng không nói gì.

Ông ấy từ từ kéo dây đàn lần nữa, bao nhiêu lời muốn nói, trong phút chốc đều hòa quyện vào tiếng đàn.

Hạ Nhạc ngân nga hát theo tiếng đàn của ông lão, dường như ông ấy cũng nghe thấy, dù rất vui mừng nhưng ông ấy nhưng vẫn kiên trì kéo hết bản nhạc này.

Khi bản nhạc kết thúc, ông ấy như gặp được tri âm, nói: “Cô bé, cháu cũng biết bài hát này à?”

“Cháu biết ạ.”

Ông lão ngồi thẳng người, ánh mắt đầy khao khát: “Bài hát này ông học được ở Nam Kinh khi còn trẻ, cháu có biết Lục Hợp không? Ông từng ở núi Kim Ngưu, Lục Hợp, nơi đó có một vị thầy rất giỏi, khi nghe bài hát này, ông đã rất thích nó và năn nỉ thầy đưa bản nhạc cho ông…”

Nói đến đây, sắc mặt của ông lão bỗng thay đổi, như thể đang đau khổ.

“Nam Kinh à, Nam Kinh…”

“Nam Kinh của chúng ta, ôi.”

Ông lão dùng tay áo vá chằng vá đụp lau đi giọt nước mắt ở khóe mắt, ông ấy quay đầu nhìn về phía những người dân đang vui vẻ trên phố rồi lại nhìn vào những chậu hoa đang nở rộ trong bóng mát dưới mái hiên.

Những bông hoa trắng như tuyết, trong suốt như băng tỏa hương thơm ngát, điểm xuyết trên nền lá xanh tươi.

“Thầy bảo bài hát này tên là Điệu Hoa Tươi. Cô bé, vừa rồi ông nghe cháu hát lời bài hát, hình như đều toàn là… Hoa nhài? Ôi một đóa hoa nhài?”



Những ngày sau đó, Hạ Nhạc ngày nào cũng đúng giờ đến nghe ông lão kéo đàn nhị.

Khi bác sĩ nói rằng Hạ Thiệu Hoa đã có thể xuất viện về nhà, tảng đá đè nặng trong lòng mọi người cuối cùng cũng tan biến. Hạ Nhạc vui mừng nhưng lại chợt nhớ đến ông lão kéo đàn nhị cô đơn dưới gốc cây.

Sáng sớm, cô cùng Hạ Thiệu Minh ra ngoài, ngồi dưới gốc cây, chờ ông lão đến.

Nhưng lần này, ông ấy đến muộn hơn nhiều so với bình thường, mãi mà vẫn không thấy bóng dáng của ông ấy đâu.

Thấy trời đã sắp tối, Hạ Nhạc lo lắng chặn hỏi một người đi đường mà cô từng gặp qua và hỏi thăm về nơi ở của ông lão kia.

Rốt cuộc, lần chia tay này có lẽ là vĩnh biệt.

Người đi đường nghe xong liền hiểu ngay, gật đầu nói: “Cháu nói ông Lạc à? Ừm, ông ấy đi rồi.”

“Đi rồi?”

Ông ấy không phải là người sẽ ra đi mà không nói lời từ biệt, Hạ Nhạc bối rối nhìn về phía gốc cây, nơi dường như vẫn còn in bóng ông lão cùng cô học hát bài hoa nhài.

Hạ Nhạc cảm thấy có chút tủi thân, cô cau mày hỏi như muốn chất vấn: “Ông ấy đi đâu rồi ạ?”

Người đi đường nhìn vào đôi mắt sáng ngời của Hạ Nhạc, đôi mắt long lanh như rơi vào giữa bầu trời đầy sao, khiến người ta không nỡ phá tan sự ngây thơ của cô.

Thế là người đi đường chỉ tay về phía góc phố.

“Ở góc hẻm kia, trong căn nhà cũ kỹ có nhiều người…”

Hạ Nhạc gật đầu cảm ơn rồi đi về phía đó.

Con phố này được xem là khu vực sầm uất của thị trấn nhưng cô không ngờ rằng, khi rẽ vào con hẻm nhỏ lại là một cảnh tượng như vậy.

Những ngôi nhà cũ kỹ nối tiếp nhau, gạch ngói nứt nẻ, tường gỗ mọc đầy rêu xanh, con hẻm nhỏ ngập tràn mùi ẩm mốc như thể không bao giờ thấy ánh mặt trời.

Hạ Nhạc đứng trước một ngôi nhà nhỏ ở cuối hẻm, cửa nhà cũng đã xiêu vẹo.

Những ngôi nhà trong con hẻm đã đủ cũ nát lắm rồi nhưng không ngờ rằng căn nhà này nằm trong góc khuất này là tồi tàn nhất.

Tiếng người nói chuyện ồn ào vọng ra từ bên trong, Hạ Nhạc nhìn vào thì thấy căn phòng nhỏ hẹp, tối tăm và đông đúc, bên trong có nhiều cụ già đang ngồi.

Hương nhang phảng phất khắp nơi, căn phòng được thắp sáng bằng những ngọn nến trắng, ở giữa phòng, một chiếc quan tài lớn nằm yên lặng, trên quan tài là cây đàn nhị quen thuộc.

Hạ Nhạc thở dốc, năm ngón tay cô bám chặt vào bờ tường, cố gắng giữ bình tĩnh.

“Cụ Lạc cũng coi như sống thọ rồi, trời nóng quá, nên sớm an táng cho cụ thôi.”

“Trong khu này chỉ có cụ Lạc sống một mình, cũng không có thân thích gì, an táng sớm cũng tốt cho ông ấy.”

“Nghe nói, cụ Lạc là người Nam Kinh à?”

“Cụ Lạc cả đời này có một nút thắt trong lòng, nghe nói năm đó ông ấy và người bạn cũ cãi nhau, trong cơn tức giận, ông ấy đã trộm cây đàn nhị của người bạn đó rồi rời khỏi Nam Kinh, sau đó…”

Sau đó, Hạ Nhạc không nghe tiếp được nữa.

Kể từ khi đến thời đại này, cô đã trở nên dễ khóc hơn rất nhiều

Ở đây, cô đã gặp gỡ nhiều người và nhiều điều mà trước đây cô không dám tưởng tượng mình sẽ gặp được. Mỗi một câu chuyện của từng người như những cuốn sách mở ra trước mắt cô.

Ban đầu cô nghĩ mình sẽ là người viết nên câu chuyện này, với sự xuất hiện của cô, câu chuyện sẽ thay đổi.

Cô đã kiên nhẫn ghi nhớ những câu chuyện ấy trong lòng, hiểu rõ từng bước chuyển của chúng nhưng sau khi chứng kiến bao nhiêu câu chuyện như vậy, cô vẫn không biết làm thế nào để kết thúc chúng một cách trọn vẹn.

Cuối cùng cô cũng đã hiểu rằng, sự xuất hiện của cô từ đầu đến cuối sẽ không thể thay đổi được điều gì.

Cô không chỉ là một người quan sát mà là một phần trong câu chuyện nhưng lại như đứng ngoài câu chuyện.

Nhưng lần này, cô đã chấp nhận điều đó.

Hạ Nhạc trở lại góc phố, ngồi xổm xuống trước những chậu hoa, để mặc nước mắt rơi xuống và thấm vào lòng đất.

Cô cẩn thận ngắt một cành hoa nhài.

Ông lão không có người thân, nếu cô đột nhiên xuất hiện tại tang lễ của ông ấy lúc này cũng chỉ gây thêm phiền phức. Chi bằng, hãy để mọi chuyện trôi vào dĩ vãng cùng với sự ra đi của ông tan biến thành tro bụi.

Khi Hạ Nhạc và Hạ Thiệu Minh rời khỏi khu phố này, từ trong ngôi nhà cũ kỹ, một ông lão đã nói chuyện lúc nãy bước ra.

Mùi trong nhà không dễ chịu nên ông ấy ra ngoài hít thở chút không khí.

Ánh mắt ông lão dừng lại trên chiếc ghế tre trước cửa, trên đó được đặt một cành hoa nhài trắng tinh khôi.

Ông ấy cầm lên, ngắm nghía một lát rồi bước vào nhà.

Ông ấy nhẹ nhàng đặt cành hoa nhài bên cạnh cây đàn nhị trên nắp quan tài.

“Cụ Lạc à, không biết ai đã hái tặng ông cành hoa nhài mà ông thích nhất.”

“Thôi, ông biết là ai thì được rồi… Cụ Lạc, yên nghỉ nhé.”