20.
Trên đường về ký túc xá, từ phía xa tôi trông thấy một bóng dáng cao lớn, mặc áo khoác trùm mũ, đang đứng dựa vào đèn đường, thở hồng hộc.
Đôi mắt anh đỏ hoe vì khóc, tôi không biết anh đã đứng chờ ở đây bao lâu rồi.
Nhìn thấy tôi, Tạ Chước nhanh chóng bước đến, trông có vẻ hơi tức giận.
Tôi đang định giải thích, lời chưa kịp nói thì anh đã kéo tôi ôm vào lòng.
“Bên ngoài lạnh như thế, trời lại còn tối, điện thoại cũng không chịu nghe. Em vội đi đầu thai à.”
Thôi chỉ biết im lặng để anh ôm vào lòng, thở dài từng tiếng.
Mùi thơm dịu nhẹ của quần áo, nhiệt độ ấm áp từ cơ thể của anh làm cho tôi cảm thấy dễ chịu.
“Đi tìm em loạn lên như thế làm gì, người vẫn ở đây chứ có mất đi đâu đâu.”
“Sao lại tránh mặt anh. Anh đã biết chuyện của bố em rồi, đó không phải là lỗi của em, không liên quan đến em.”
“Anh biết từ khi nào?”
Tôi ngước lên nhìn anh, ánh mắt anh không giống như đang đùa giỡn.
“Khi đến nhà em, bà nội đã nói cho anh rồi.”
Bây giờ chúng tôi chính thức nói về vấn đề này, một lần rồi thôi.
“Chuyện này không thể nào không liên quan đến em được. Gia đình nạn nhân đó đòi nhà em phải bồi thường, ngày nào họ cũng đến nhà để gây sự, Tết vừa rồi mới chịu để yên vài ngày, anh đừng nhúng tay vào.”
“Đợi chút…”
Tạ Chước duỗi ngón tay gõ gõ vào trán tôi, vẻ mặt có vẻ tức giận, sau đó lại cười.
“Em vì chuyện này mà chia tay với anh?”
“Không thì sao. Em không muốn yêu đương gì hết, em chỉ muốn chăm sóc cho bà nội thật tốt và nhanh chóng trả hết nợ thôi.”
Thẳng thắn bao giờ cũng hơn.
“Bây giờ bố em cũng sắp ngồi tù rồi, em với anh mà đến với nhau thì chắc chắn gia đình anh sẽ không đồng ý đâu.”
Dưới ánh đèn đường mờ ảo, khuôn mặt anh tuấn của anh nhuốm màu tức giận, anh hung dữ nói.
“Em đã gặp người nhà của anh chưa? Không đồng ý cái gì? Em đã hỏi ý kiến của anh chưa mà đã quyết định chia tay?”
“Anh không thích em nói như thế.”
Anh cúi người xuống, ôm chặt lấy tôi, mùi hương đặc trưng của anh vương vấn ở xung quanh. Đôi môi mát lạnh chạm xuống.
Người anh cứng rắn, tôi đẩy ra cũng không được, ngược lại bị sự hung hắng đến bá đạo của anh làm cho mê mẩn.
Anh hài lòng ngẩng đầu lên, khoé miệng nhếch lên nhìn tôi, khí thế ngang tàn đó lại trỗi dậy.
“Anh nói cho em biết, anh không đồng ý chia tay. Dù anh có phải trói em lại thì đáp án vẫn vậy thôi. Em chịu thì chịu, không chịu cũng phải chịu.”
21.
Tình yêu đúng là thuốc độc. Lý trí thì bảo tôi đừng dây vào nó nữa nhưng tôi lại không thể cưỡng lại được cảm xúc thật của mình.
Anh hôn tôi rất nhẹ nhàng, tôi không kìm được mà nở nụ cười.
“Khang Niệm Kiều, nếu thích như vậy thì không cần phải nhịn, anh cũng có phải là không cho em đâu.”
Tiếng cười của Tạ Chước vang lên ròn rã sau lưng tôi, tôi đỏ bừng mặt chạy về phía hành lang, suýt chút nữa là đâm vào một người đang đi từ góc phòng học đến.
Hách Mạch Lệ mặc bộ đồ ngủ, khoanh tay đứng nhìn tôi.
“Làm hoà với Tạ Chước rồi à?”
“Liên quan gì đến cậu.”
“Tôi khuyên cậu tránh xa cậu ấy ra một chút, hai người không phải thuộc một thế giới đâu.”
Tôi tức giận: “Cậu rảnh quá nhỉ.”
Tôi đi lướt qua cô ta, không muốn mất thời gian lảm nhảm mấy lời vô nghĩa với cô ta nữa, tôi cảm nhận được sự khinh bỉ trong ánh mắt của Hách Mạch Lệ.
“Khang Niệm Kiều, đừng trách tôi không báo trước cho cậu.”
22.
Hầu như ngày nào Tạ Chước cũng đợi tôi ở dưới ký túc xá sau đó chúng tôi cùng lên lớp và đi ăn.
“Không bận việc gì thì để anh dẫn em đi tắm nắng.”
Anh uể oải tựa cằm vào vai tôi, lười biếng nói: “Về nhà anh chơi đi, cho bà nội anh gặp em.”
“Như thế không tốt lắm đâu, đang yên đang lành em về nhà anh làm gì.”
Tạ Chước dụi đầu vào cổ tôi, dịu dàng đáp: “Bà nội anh thích trong nhà nhộn nhịp, chúng ta về cùng nhau đi.”
Tạ Chước cũng giống tôi, được bà nội nuôi lớn.
Những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của ông bà thì thường có sự đồng cảm với nhau, tình cảm với ông bà cũng sâu sắc hơn.
“Vậy để em chuẩn bị một ít quà, bà nội thích gì thế?”
“Không cần.”
Tạ Chước nắm lấy tay tôi: “Anh chuẩn bị xong hết rồi, em chỉ cần đi cùng anh thôi.”
Mặc dù Tạ Chước nói chỉ là gặp mặt bình thường thôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy hồi hộp cứ như sắp ra mắt phụ huynh vậy đó.
Anh liếc nhìn tôi, cười nhẹ nhàng nói: “Đừng căng thẳng, không sao đâu, bà nội anh hiền lắm.”
Tôi đã vô số lần tưởng tượng về nơi mà Tạ Chước đã lớn lên. Anh nói nhà anh là một căn nhà gỗ cũ kỹ, phủ đầy rêu phong và những cây hoa ngọc lan do chính tay bà anh trồng.
Nhưng khi nhìn thấy ngôi nhà trong sân, đôi đứng hình mất vài giây.
“Đây là căn nhà trệt cũ kỹ mà anh nói?”
“Phải, nhà từ đường của tổ tiên để lại.”
Tạ Chước cười, đẩy cánh cửa gỗ màu nâu đỏ đã nhuốm màu thời gian, hương hoa ngọc lan lập tức tràn ngập xung quanh tôi.
Khoảng sân nhỏ đầy cỏ cây hoa lá được chăm sóc cẩn thận, góc sân còn có một chiếc xích đu bằng mây khẽ đung đưa.
Tề Phóng đặt bình tưới cây xuống đất, hướng vào trong nhà mà hô to: “Bà nội ơi, bọn họ về rồi này.”
Bà nội Tạ với mái tóc hoa râm, đeo mắt kính gọng vàng thanh mảnh, bước đi nhỏ nhẹ, cử chỉ cực kỳ tao nhã, nụ cười của bà nhìn hiền hậu vô cùng.
“Hôm nay hoa ngọc lan nở thật đúng lúc.”
Tạ Chước đẩy tôi ra trước mặt bà, tay tôi cầm túi quà biếu bà nội Tạ.
“Chào bà nội, con là Khang Niệm Kiều, bạn học của Tạ Chước.”
Bà nội Tạ Mỉm cười, đôi bàn tay ấm nóng nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, bà nhìn tôi chăm chú.
“Tạ Chước nói không chỉ là bạn học thôi đâu, nó nói bà nội à, ở lớp con có thích một người, con muốn đưa về gặp bà.”
Tạ Chước cười xấu hổ, nhanh chóng ôm lấy vai của bà.
“Bà nội, sao bà lại kể chuyện này. Bà mau thể hiện tài nghệ tuyệt đỉnh của bà cho cô ấy thử đi. Con mèo nhỏ tham ăn này, ăn còn nhiều hơn cả Thuý Hoa nữa đó.”
Tôi chưa bao giờ thấy Tạ Chước như thế này. Trước đây anh ấy luôn tỏ vẻ kiêu ngạo và tự mãn, còn bây giờ trước mặt bà nội Tạ thì chẳng khác nào cậu bé mới lớn đang làm nũng với bà cả.
Bà nội Tạ quay đầu nhìn tôi: “Niệm Kiều à, con nghỉ ngơi trước đi, bà nội đi nấu cơm cho con ăn nhé.”
“Để con phụ bà ạ.”
“Không cần đâu, con cứ ở trong sân chơi với Thuý Hoa đi, để đó bà làm.”
Tôi lúng túng đứng trong sân, nhìn Tề Phóng đang ngồi đung đưa trên chiếc xích đu mây.
“Thuý Hoa là ai vậy?”
Tề Phóng bế con mèo béo có lông trắng đen lên, cười nói: “Thuý Hoa là mèo hoang được bà nội nhặt về nuôi, ngày trước lúc mới nhặt về nó gầy nhom, bây giờ thì béo như con heo luôn rồi.”
Tôi ôm lấy Thuý Hoa, chao ôi nó nặng quá!!!
Ngồi trên xích đu, Tề Phóng chỉ vào những nét chữ mờ nhạt, lốm đốm trên tường, nét chữ đó rất quen thuộc, hình như có tên của tôi trên đó.
“Trong cả con ngõ này, ai cũng biết người mà Tạ Chước thích tên là Khang Niệm Kiều.”
23.
Nhà của Tề Phóng kế bên nhà của bà nội Tạ Chước, bọn họ lớn lên cùng nhau.
Đám trẻ lớn lên ở con ngõ này đều là con cháu của những người có gốc gác lớn ở Bắc Kinh.
Tề Phóng kể, lúc Tạ Chước 6 tuổi thì bố mẹ ra ngoài làm ăn nên gửi anh ấy cho bà nội nuôi.
Họ gửi về nhà rất nhiều tiền, nhưng chưa một lần thấy họ quay về.
Năm Tạ Chước 16 tuổi, anh ấy một mình xách vali bay ra nước ngoài để đi tìm bố mẹ, cuối cùng phát hiện ra bố mẹ anh ấy đã ly hôn từ lâu rồi, mỗi người còn có gia đình riêng của mình ở nước ngoài.
“Cậu ấy đứng trước sân, nhìn thấy mẹ cậu ấy ôm một đứa con lai, dạy nó gọi mẹ.”
“Còn bố của anh ấy thì sao?”
“Bố của cậu ấy cũng có một đứa con gái riêng, cậu ấy chỉ ở được với bố đúng hai ngày là bỏ về nước, cậu ấy nói bản thân như người thừa ở gia đình đó.”
“Sau khi từ nước ngoài về, cậu ấy tự nhốt mình trong phòng suốt một tuần.”
Mũi tôi cay cay, tôi nhìn qua khung cửa sổ cũ kỹ của nhà bếp, thấy Tạ Chước đang bận rộn luôn tay luôn chân, nhưng nụ cười vẫn ở trên môi.
Tôi đột nhiên muốn ôm anh ấy vào lòng.
“Cảm ơn cô, Niệm Kiều.”
Tôi cảm thấy bối rối vì lời cảm ơn bất ngờ của Tề Phóng.
“Tại sao lại cảm ơn tôi?”
“Nếu không có cô, Tạ Chước đã chết từ lâu rồi.”