Thái Bỉ thành, biên giới phía Bắc của An Hòa quốc.
Thành trì nơi đây dài hơn bốn dặm, cao ba mươi thước và có tất cả tám đài quan sát cao đến bốn mươi thước. Tường thành được làm từ đá ong xám có độ cứng cao và có độ bền vượt trội so với thời gian. Xung quanh thành còn có hào sâu, rộng năm mươi thước dùng để phòng thủ. Nay mười vạn quân của Quý Thuần Khanh đều ở trong thành. Nếu Phong Vân và Hung quốc có kéo đến đây, muốn công hạ thành Thái Bỉ e phải rất khó khăn.
Ngồi trong doanh trướng, cả người Quý Thuần Khanh rơi vào trầm ngâm, ánh mắt vẫn chăm chú nhìn vào lá thư Chu Lan gửi đến. Lát sau mới thấy khóe môi hắn nhẹ cong, nàng nói hắn phải cố thủ thành, vậy hắn tuyệt đối sẽ không làm cho nàng thất vọng!
- Vũ tướng quân!
- Có mạt tướng!
- Ngài hãy mang theo hai ngàn binh sĩ lập tức ra ngoài thành rút cạn nước trong hào. Sau đó chất đầy củi khô vào, cuối cùng phủ một lớp rơm lên trên. Đợi đến khi quân địch tấn công, ngài dùng một mồi lửa để ngăn không cho bọn chúng tiếp cận được tường thành. Đã rõ chưa?
- Đã rõ thưa hầu gia!
Thấy Vũ tướng quân không lập tức đi ngay mà vẫn còn đứng yên tại chỗ, Quý Thuần Khanh liền thắc mắc hỏi:
- Còn có chuyện gì muốn nói?
Nghe hỏi, Vũ Duệ lúc này mới dám lên tiếng nói ra suy nghĩ của chính mình:
- Thưa hầu gia, thuộc hạ thấy ta có thể nhờ đến sự giúp đỡ của Tây Ly. Dù sao Tây Ly và Phong Vân quốc cũng có chung một đường biên giới. Nếu Tây Ly chịu xuất binh thì liên minh Hung - Phong Vân nhất định sẽ bị phá vỡ.
Chuyện này không phải Quý Thuần Khanh chưa từng nghĩ tới. Nhưng mời người đến thì dễ, đuổi đi mới khó! Nếu Tây Ly cũng lợi dụng cơ hội này quay sang cắn bọn họ một cái thì sao? Hắn tuyệt đối sẽ không để cho bất kì kẻ nào nắm bắt được sơ hở của chính mình. Bấy giờ Quý Thuần Khanh mới chậm rãi quay sang nhìn Vũ Duệ, mang theo ánh mắt sắc lẹm hỏi lại một câu:
- Vũ tướng quân, ngài có biết Tây Ly trong lòng đang nghĩ cái gì hay không?
Vũ Duệ lắc đầu, vẻ mặt Quý Thuần Khanh lúc ấy lại cười như không cười. Hắn chậm rãi nói tiếp, ngữ điệu vô cùng bình thản nhưng nội dung đủ làm cho Vũ Duệ khiếp sợ:
- Nếu Tây Ly chịu xuất binh nhưng sau đó lại quay sang tấn công chúng ta! Ngài nói xem, bấy giờ chúng ta có thể một lúc đánh bại cả ba nước được hay sao?
Một câu hỏi ngược đã khiến Vũ Duệ á khẩu không thể trả lời! Quý Thuần Khanh thấy vậy thì bình tĩnh nói tiếp:
- Vả lại, Tây Ly cũng sẽ không muốn tốn công xuất binh vô ích như vậy. Bởi thứ mà bọn chúng đang chờ đợi chính là trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi. Thử nghĩ mà xem, nếu lần này An Hòa thất bại thì phía Bắc, An Hòa ta phải đối mặt với các nước chư hầu, phía Nam phải vất vả chiến đấu với Đông quốc. Còn ở phía Tây, bọn họ sẽ thoải mái xâu xé, gặm nhấm lãnh thổ ta.
Nghe đến đây, đáy lòng Vũ Duệ đã có chút hoảng sợ, nhưng hơn hết vẫn là khâm phục suy tính sâu xa của Định Quốc hầu. Ông ta vội vàng cúi đầu lĩnh mệnh rồi lập tức lui ra ngoài.
- Thuộc hạ đã biết!
...
Biên giới tuy bận rộn chiến sự, nhưng bên trong Lưu phủ lại là một mảng yên bình khiến lòng người thanh thản. Trong khuê phòng, Lưu Tịnh Thi đang ngồi trên ghế với dáng vẻ ung dung, nhàn tĩnh. Tưởng như hoàn cảnh khốn nguy nơi biên thùy đã chẳng còn khiến nàng bận tâm. Nàng thong thả lấy ra một đôi giày mới tinh của nam tử cùng một hà bao nhỏ đưa cho Chu Lan, căn dặn:
- Phiền Chu cô nương hãy giao vật này cho ngài ấy, sau đó nhắn lại rằng "Đi đường xa, tất phải có hài mới!" là được. Ta tin hầu gia nhất định sẽ hiểu!
Chu Lan nhìn người con gái trước mặt, trong lòng bỗng dâng lên chút ganh tị lẫn ái mộ. Ở Lưu Tịnh Thi có một vẻ ngoài cao quý, thanh khiết, mỗi một cử chỉ hay lời nói đều vô cùng tao nhã, tinh tế. Từ trong cốt tủy, Lưu Tịnh Thi luôn khiến cho người đối diện cảm thấy mê hoặc tựa như nếm phải quỳnh tương ngọc lộ, một thứ nước tinh túy, thơm ngon. Hơn nữa khí chất toát ra từ người của Quận chúa trong sáng như ngọc, tuệ tú muôn phần. Có lẽ vì điều này, Định Quốc hầu Quý Thuần Khanh mới một lòng hướng về nàng ấy. Nghĩ vậy nội tâm Chu Lan tức thì chùng xuống, đáy lòng chợt dâng lên một loại cảm giác thua cuộc. Nàng hơi cụp mắt, cúi đầu thật thấp coi như hành lễ rồi nhanh chóng nhận lấy đồ vật vội vã lên đường.
- Chu Lan nhất định sẽ chuyển lời đến Định Quốc hầu! Xin Quận chúa cứ yên tâm!
...
Sau bốn ngày, Chu Lan cuối cũng cũng đã đến được thành Thái Bỉ. Quý Thuần Khanh sau khi nghe nàng thuật lại lời nói của Lưu Tịnh Thi thì liền tức khắc mở hà bao ra kiểm tra. Chu Lan đứng bên cạnh, trong ánh mắt cũng không nén nổi sự tò mò. Tuy thời gian tiếp xúc với Quận chúa không lâu nhưng nàng luôn cảm thấy Quận chúa là người có thể nhìn thấu được mọi việc, kể cả một chút tâm tư ở trong lòng nàng. Điều này khiến cho nàng có chút không thoải mái, nhưng hiện tại nàng cũng thật sự rất muốn biết rốt cuộc trong hà bao ấy đang chứa đựng thứ gì. Song khi hà bao vừa được mở, cả hai liền không khỏi nhíu mày một phen. Bởi bên trong chỉ có một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay, trên đó viết vỏn vẹn hai câu thơ:
Sơn trùng thủy phúc nghi vô lối
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn*
Dịch thơ
Khuất núi sông liền không lối nẻo
Sau bờ hoa liễu hiện thôn trang.
Đây chính là hai câu thơ trong bài "Du Sơn Tây thôn" của thi nhân Lục Du. Nếu là người khác đọc được có lẽ họ sẽ lắc đầu xem thường rồi ném thẳng mảnh giấy vào chậu than cũng nên. Bởi đây chỉ đơn giản là hai dòng thơ miêu tả lại khung cảnh tại một nơi hẻo lánh, xa xôi. Nhưng riêng với Quý Thuần Khanh thì lại khác, vì từ nhỏ cả hắn và Lưu Tịnh Thi đều có chung một sở thích đó là nghiên cứu binh thư và ngẫm về thơ phú.
Lúc ấy hắn nhớ nàng bảy tuổi, vừa hay tin hắn được vào hàng ngũ quân đội để chuẩn bị ra biên cương trấn thủ, nàng đã lẽo đẽo theo hắn đòi hắn phải dạy cho nàng biết về binh pháp, về cách hành quân. Năm lên tám tuổi, nàng đã chính thức bám chặt lấy hắn không buông, nhất quyết bắt hắn phải ngâm thơ cho nàng nghe, giảng cho nàng những đạo lý trên đời thông qua từng con chữ. Quý Thuần Khanh biết khi ấy nàng nghe sẽ có cái hiểu, cái không. Nhưng chẳng biết như thế nào, mỗi một yêu cầu của nàng, hắn đều không nỡ từ chối. Trùng hợp thay những bài thơ mà hắn từng ngâm cho nàng nghe lúc nhỏ, trong đó có "Du Sơn Tây thôn".
Quý Thuần Khanh nhẹ nhếch môi cười, ánh mắt từ hoài niệm dần trở về với thực tại. Hai câu thơ ở trước mặt tưởng như bình dị nhưng thật ra lại ẩn chứa nội hàm sâu sắc đầy triết lý. Có thể nói bậc cao nhân hiền triết Lục Du đã dạy cho hậu thế một bài học vô cùng quý báu. Đó chính là khi đương đầu với hoàn cảnh bần cùng khốn khó, khi đối mặt với nỗi vô vọng không lối thoát, thì cũng chớ có bi quan. Vì biết đâu khi tiến lên thêm một bước nữa, phía trước chúng ta sẽ là một khoảng trời mới thênh thang tràn đầy hi vọng.
Quý Thuần Khanh sau khi đọc xong mảnh giấy, hắn thoáng đưa mắt nhìn sang đôi giày mới tinh, sau đó lại nhìn vào hai câu thơ tiếp tục lặng người suy ngẫm. Một canh giờ trôi qua, nam tử vẫn ngồi im như pho tượng, ánh mắt không một khắc chuyển dời, hoàn toàn tịnh nhập yên lặng. Bài "Du Sơn Tây thôn" này hắn vẫn còn nhớ rõ nguồn gốc xuất xứ của nó. Thi nhân Lục Du trong một lần đi chơi xa, đi mãi cho đến khi xế chiều, trước mặt ông chỉ có núi non trùng điệp. Nhưng tính ông vốn cương nghị, dù "nghi vô lối" ông vẫn nhất quyết không quay đầu mà cứ men theo sườn núi đi tiếp. Đi thêm vài trăm bước, rẽ qua một góc núi khuất, quả nhiên Lục Du đã nhìn thấy một thung lũng xinh tươi trù phú vô ngần. Mà ở giữa thung lũng ấy chính là một thôn trang nhỏ thanh bình, xinh đẹp. Cũng vì ấn tượng sâu sắc với chuyến đi này, Lục Du đã viết nên bài "Du Sơn Tây thôn".
Nghĩ đến đây, bất chợt Quý Thuần Khanh lại liếc mắt nhìn sang đôi giày. Câu nói "Đi đường xa, tất phải có hài mới" cứ liên tục quanh quẩn trong đầu khiến cho hắn dần dần ngộ ra được vài chuyện. Đột nhiên tâm niệm vừa động, như đã hiểu được ngụ ý của Lưu Tịnh Thi, đáy mắt hắn liền lóe lên tia vui mừng khôn xiết, trên gương mặt đều là một bộ dạng tự hào mà nhoẻn miệng:
- Diệu kế! Đúng là diệu kế!
Nhìn khuôn mặt thường ngày vốn cương ngạnh nghiêm tuấn, nay đột nhiên lại trở nên ôn thuận khác lạ, nhất thời khiến Chu Lan sững người ngây ngốc. Hóa ra chỉ cần một cái cong môi cũng có thể khiến cho thâm tâm kẻ ám vệ như nàng trở nên mềm yếu. Lúc này Quý Thuần Khanh lại chẳng hề để tâm tới ánh mắt si mê bên cạnh. Hắn chỉ nhanh chóng quay lưng lại quan sát tấm bản đồ màu vàng được treo trên giá. Dãy núi Hoàng Lĩnh từ phía Tây Thái Bỉ thành kéo dài sang tận Phong Vân quốc, ấy vậy mà lại hệt như cảnh sắc trong bài "Du Sơn Tây thôn"!
...
Chú thích:
*Đây là hai câu thơ trong bài Du Sơn Tây Thôn của Thi nhân Lục Du. Nguồn thivien.net