Thiên Địa Nghịch Lữ - Xuân Nhật Phụ Huyên

Chương 3




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tuy đang giữa đêm khuya, nhưng nếu Tạ Yến Hồng muốn gọi nước ấm thì phòng bếp vẫn phải tận tâm tận lực. Chỉ mất có một khắc mà mấy xô nước nóng hôi hổi đã được người hầu lần lượt gánh vào gian phòng phía đông, đổ ào ào vào thùng tắm.

Hiện giờ Trường Ninh ở trong lòng Tạ Yến Hồng từ “một tên to cao nghèo rớt” thoắt cái biến thành “sát thần không rõ lai lịch”.

Hắn không cần người ở lại hầu hạ, cũng không thèm nói một tiếng cảm ơn mà thản nhiên đóng sầm cửa lại tự tẩy rửa. Mấy người hầu bị Tạ Yến Hồng kêu tỉnh đứng đầy trong viện, trông thấy gã thanh niên không rõ lai lịch dám hành động vô lễ với thiếu gia liền châu đầu xì xầm khe khẽ với nhau.

Tạ Yến Hồng quá mất mặt, phải giả vờ ho nhẹ mấy tiếng rồi đuổi hết người hầu đi.

Vốn nên trở về phòng ngủ, nhưng lúc này Tạ Yến Hồng lại tỉnh như sáo. Lúc ban ngày Trường Ninh túm chặt tay y hãy còn để lại một vòng xanh tím, vừa rồi lại nghe hắn chính miệng nói mình từng giết báo càng tò mò tợn. Từ nhỏ đến lớn, bản lĩnh học hành của Tạ Yến Hồng vốn không xuất sắc như huynh trưởng, chỉ có tinh thần cố chấp không chịu thua là hơn người, cho nên nói thế nào cũng phải đi làm rõ hết những chuyện mình để ý.

Lúc này người đang tắm rửa bên trong chắc không tới mức vừa ôm tay nải vừa tắm đúng không? Nếu y nhân cơ hội lẻn vào tìm hiểu, Trường Ninh sẽ không tới mức để nguyên thân hình trần trụi đánh y một trận chứ?

Tạ Yến Hồng hơi do dự rồi lại nghĩ, cho dù đánh cũng không dám đánh chết mình thật đâu nhỉ?

Nghĩ đến đây Tạ Yến Hồng lại có lòng tin. Y dỏng tai ghé vào cửa nghe ngóng, nghe bên trong đích xác có tiếng nước chảy bèn nhẹ nhàng đẩy cửa ra, cúi người thăm dò thấy đúng là người đã ngồi vào thùng tắm, lại thấy xiêm y và tay nải tùy thân đều đặt chỉnh tề dưới sàn, trong lòng càng bình tĩnh hơn.

Tạ Yến Hồng quan sát Trường Ninh đang ngồi quay lưng về phía mình nên bạo gan đẩy đống quần áo đặt dưới đất, sờ tay vào tay nải. Thật ra y chưa từng cầm da thật bao giờ, hôm nay sờ vào xúc cảm đúng là không giống với lông chồn lông cáo bình thường, cứ thế từ từ nhấc lớp bọc tay nải lên.

Tiếng nước phía sau đột nhiên ngừng bặt, Tạ Yến Hồng hốt hoảng thầm hô không ổn, nhưng đã làm phải làm cho trót, y bèn quyết đoán giũ tung tay nải ra luôn. Ngoại trừ mấy vật nhỏ linh tinh rơi ra, bên trong thật sự có binh khí! Tạ Yến Hồng trông thấy một cây trường đao, chỉ riêng chuôi đao đã dài đến bốn thước, phần còn lại là lưỡi đao được quấn chặt bằng vải.

Tạ Yến Hồng quay đầu thấy ngay Trường Ninh đang nằm sấp trong bồn tắm nhìn mình.

Trường Ninh không có vẻ tức giận cũng không căng thẳng gì, hắn chỉ nghiêng đầu gối lên mu bàn tay nhìn y, hai mắt nheo lại tựa như một con mãnh thú đang thỏa mãn. Tay hắn gác lên thành bồn trông rất rắn chắc, cánh tay dài đúng là có thể nhấc được món binh khí cao bằng một người lên. Mái tóc hắn ướt nước hơi xoăn nhẹ, mặt mày sắc bén, Tạ Yến Hồng kết luận hẳn người này có một chút huyết thống ngoại tộc.

Hắn chỉ lẳng lặng nhìn mà không nổi giận, cứ như nắm chắc rằng Tạ Yến Hồng chỉ là một bao cỏ vô dụng, không có lá gan tìm hiểu đến tận cùng.

Tạ Yến Hồng hất cằm tìm chuyện: “Ngươi dùng thanh đao này để giết báo đó sao?”

Trường Ninh lười biếng đáp: “Nếu muốn lấy bộ da thì chỉ có thể siết cổ đến chết, sau đó dùng dao găm cắt tiết. Cây đao này rất nặng, chém được cả đầu báo đấy.”

Đưa mắt nhìn khắp hầu phủ yên tĩnh toàn là lụa hoa bảo thạch, chăm chú lắng tai nghe chỉ có thể nghe thấy tiếng cành lay hoa rụng, nước chảy róc rách. Lời Trường Ninh nói lại như một cơn gió lốc nhuốm cả huyết tinh sát ý. Tạ Yến Hồng nào đã gặp qua cảnh đó bao giờ, mỗi năm y đều đi xem cấm quân diễn võ nhưng chỉ toàn là mấy giàn hoa đẹp đẽ, chuôi đao khảm ngọc, áo gấm đai vàng làm màu cho náo nhiệt thôi.

Tạ Yến Hồng từng luyện đao kiếm mà chưa hề gặp phải chút máu me, lúc này y ngồi ngẩn cả người, trái tim đột ngột nhảy lên từng tiếng “thình thịch” ù cả tai.

Trường Ninh bỗng đứng dậy khỏi bồn tắm, Tạ Yến Hồng vội vàng tránh ánh mắt nhìn đi chỗ khác. Y không tiện ngẩng đầu mà chỉ nhìn chằm chằm vào nền gạch xanh dưới đất. Hầu phủ giàu có phô trương, đến cả gạch xanh lát nền cũng phải khắc hoa văn chìm phức tạp. Trường Ninh lại làm như không có gì, chỉ tùy ý cầm một chiếc khăn quấn quanh hông, giẫm chân trần xuống đất để lại từng dấu chân ướt đẫm. Hắn đi đến bên cạnh Tạ Yến Hồng, khom lưng muốn nhặt lại những thứ vừa bị y xốc ra.

Tạ Yến Hồng thầm nghĩ phi lễ chớ nhìn, y cúi đầu nhìn bàn chân Trường Ninh cùng cẳng chân thon dài chắc nịch, hơi nước nóng bốc ra từ da thịt hắn trông càng nóng hừng hực.

Tóc Trường Ninh còn ướt, nước cứ thế nhỏ xuống cả người Tạ Yến Hồng, bấy giờ y mới hồi phục tinh thần, vội vàng co cẳng chạy. Mãi đến khi trở về phòng mình, nằm lên giường rồi vẫn cảm thấy chưa bình tĩnh nổi, nói sợ thì không hẳn là sợ, chỉ cảm giác tim mình đập càng lúc càng nhanh.

Y trấn định lại mới nhớ trong số mấy món đồ nhỏ mình hất tung ra hình như có một miếng ngọc bội khắc hình cá chép dài khoảng một tấc, tinh xảo đáng yêu mà nhìn cũng rất quen mắt.

Tạ Yến Hồng lật đật ngồi dậy lục tung khắp phòng mất cả buổi, cuối cùng tìm thấy dưới đáy hòm một miếng ngọc bội hình con cá giống hệt như thế. Đó là một chiếc hòm nhỏ bằng gỗ tử đàn đựng những món đồ y dùng hồi còn nhỏ, có con diều trúc huynh trưởng làm cho, có miếng ngọc thạch hình con ngựa đánh thắng từ chỗ Nhan Trừng, vài thanh kiếm đồ chơi dát vàng khảm ngọc, cùng với miếng ngọc bội hình con cá chép này.

Y đặt miếng ngọc vào lòng bàn tay, chất ngọc khá tốt, niên đại cũ kỹ mà sờ vào vẫn ấm áp. Cẩn thận quan sát kỹ hơn có thể thấy ở đầu và đuôi cá khắc khe lõm nho nhỏ, không biết có nối vào với miếng ngọc của Trường Ninh thành một đôi cá được không.

Tạ Yến Hồng không nhớ rõ làm sao mình có được miếng ngọc này, nghĩ tới nghĩ lui vẫn nghĩ không ra. Bên ngoài trời sắp sáng, y đành nhét ngọc bội xuống gối đầu rồi ngủ thiếp đi.

Tạ Yến Hồng quanh quẩn trong nhà suốt mười ngày, bị cấm túc không cho ra ngoài chơi đã sắp trở nên rảnh rỗi sinh nông nổi.

Giữa chừng Nhan Trừng có đến thăm một lần. Ngày ấy hắn bị Trường Ninh đạp một cú không ra thương tích gì nghiêm trọng, mông chỉ nhiều thêm một vết bầm, cái chính vẫn là mất hết mặt mũi với người ngoài. Hôm đó vừa thấy Trường Ninh như ôn thần canh giữ ngoài viện Tạ Yến Hồng, hắn liền bất bình hỏi: “Chuyên theo sát ngươi à? Cha ngươi tìm ở đâu về thế?”

Trường Ninh khoanh tay đứng dưới tán cây hoa lê, lưng đeo thanh trường đao không nói gì cũng không thèm nhìn ai, chẳng biết đang nghĩ những gì. Thỉnh thoảng có cánh hoa rụng xuống trước mặt, hắn liền thổi nhẹ một cái cho cánh hoa bay đi. Nếu không có ai lại gần bắt chuyện, hắn có thể không hé răng suốt cả ngày, người trong hầu phủ nhìn nhiều thành quen. Hắn còn thay cả quần áo mới, từ chối không mặc áo gấm vải lụa mà chỉ chọn một bộ áo quần vải lam gọn nhẹ, vậy mà mấy nha đầu đi ngang ai ai cũng thích ngắm nghía.

Tạ Yến Hồng và Nhan Trừng cùng ngồi trong thư phòng châu đầu nói nhỏ.

“Nói là con trai người quen cũ, ta cũng không rõ lắm.” Tạ Yến Hồng lười biếng đáp.

Phòng bếp đặt trái cây tươi vào đĩa sứ trắng, đào ngự mọng nước cắt thành từng miếng nhỏ cắm sẵn xiên bạc, ngoài ra còn có mận, mơ, táo đỏ rực rỡ muôn màu. Nhan Trừng ăn một miếng đào, gác chân liếc ra bên ngoài rồi hỏi: “Chắc là nói bừa để dễ bề quản thúc ngươi thôi.”

Trong lòng Tạ Yến Hồng cảm thấy Nhan Trừng nói khá có lý, y chống cằm nhìn cảnh xuân tươi đẹp bên ngoài mà thở dài sườn sượt.

Nhan Trừng ném xiên bạc về lại đĩa sứ, ôm cổ Tạ Yến Hồng nói: “Thôi chịu khó mấy ngày nữa đi, Thánh nhân sắp ngự giá xuống Kim Minh Trì, ngươi cũng phải đi dự thính. Chờ ta nghĩ biện pháp giúp ngươi trút giận sau.”

Không chờ Tạ Yến Hồng hỏi thêm, hắn đã phóng ào ào đi như gió.

Cách một ngày Nhan Trừng lại tới cùng tứ thiếu gia nhà An Tĩnh bá. Tôn Diệp Đình là nam đinh duy nhất trong nhà, phía trên có ba người chị gái nên tính cách được nuôi dạy khá ôn hòa. Cùng là tước bá nhưng Tôn gia không bì kịp Nhan gia, họ Nhan cưới được công chúa, mẹ ruột Nhan Trừng là muội muội Thánh nhân, đương nhiên Tôn Diệp Đình không thể phô trương hướng ngoại bằng Nhan Trừng.

Ba người bọn họ từ nhỏ đã lớn lên bên nhau.

Tôn Diệp Đình cũng lên tiếng an ủi: “Trước giờ Thánh nhân luôn yêu thích ngươi, ngày giá hạnh nhất định sẽ gọi ngươi đi cùng.”

Thấy Tạ Yến Hồng vẫn không quá vui vẻ mà như suy tư chuyện gì, hắn ta lại nói tiếp: “Ca ca ngươi gần đây làm được việc nên Thánh nhân khen ngợi không ít, biết đâu phụ thân ngươi vui vẻ nên đã sớm nguôi giận không chừng.”

Nghe đến đây, Tạ Yến Hồng ngẩng đầu liếc một cái.

Tôn Diệp Đình không giống Nhan Trừng được gia đình sắp xếp công việc, làm sao biết được Thánh nhân khen ai ghét ai? Tôn Diệp Đình biết mình lỡ miệng bèn bổ sung thêm: “Nghe người ta nói.”

Miệng ai lại có thể truyền ra lời thiên tử?

Tạ Yến Hồng còn muốn hỏi nữa, nhưng nhác thấy Tôn Diệp Đình đổi thái độ không muốn nói, y cũng đành thôi.

Đến ngày hai mươi tháng ba, Thánh giá đông nghìn nghịt di chuyển từ Tuyên Đức Môn, dọc theo ngự phố đi hướng về Kim Minh Trì ở ngoại thành. Cấm quân giương cao cảnh giác, bảo vệ nghiêm ngặt. Các vương công quan lại lần lượt cưỡi ngựa ngồi xe theo sát, bá tánh trong thành xếp hàng dọc hai bên ngắm nghía, hương bay đầy phố, ngựa phi nước đại, xe thơm lăn nhanh.

Định Viễn hầu Tạ gia đương nhiên là khách mời danh dự, có điều trên đùi Tạ Thao có vết thương cũ từ thời còn chinh chiến, mưa xuân kéo dài khiến ông không tiện di chuyển. Sức khỏe Vương thị vốn không tốt, trước giờ luôn ở yên trong nhà, trưởng tẩu Chương thị cũng ở nhà chăm sóc cha mẹ chồng, vậy là nhà Định Viễn hầu chỉ có Tạ Yến Hồng và huynh trưởng Tạ Nguyệt Lộ đi theo xa giá.

Tạ Yến Hồng cưỡi một con tuấn mã mặc giáp trụ đỏ, quấn dây cương gấm chạy song song bên cạnh Nhan Trừng, Tôn Diệp Đình đi tuột phía sau một ít. Xung quanh bọn họ vây đầy vương công quý tộc và quân đội hoàng gia. Hai bên ngự phố đặt những thanh gỗ màu đỏ để ngăn cách người đi đường, thế nhưng đoàn người ngựa xe dài như rồng rắn không thể phóng cương chạy băng băng, mọi người chỉ đành ghì chặt dây cương phi nước kiệu.

Trường Ninh vẫn cưỡi ngựa đi cách Tạ Yến Hồng không xa.

Hắn hiển nhiên đã cưỡi ngựa thành quen, thân mặc áo quần ngắn vải thô, eo lưng thẳng tắp, thả lỏng dây cương để ngựa đi chậm rãi. Trên mặt hắn không có biểu cảm gì như thể phồn hoa gấm vóc phía trước không thể lay động vào đáy lòng. Tạ Yến Hồng chỉ thoáng liếc một cái, hắn đã nhạy bén bắt được ánh mắt y. Thời điểm bốn mắt chạm nhau, đôi đồng tử của hắn tựa như giếng cổ hồ sâu, Tạ Yến Hồng lỡ sa chân vào đó nhất định sẽ chìm sâu không thấy nổi bọt nước.

Hai bên ngự phố có người tung hoa tươi. Đương là tiết cuối xuân vạn hoa rực rỡ, thược dược còn mang theo sương sớm cứ thế đáp thẳng lên người các thiếu niên lang.

Tạ Yến Hồng tuấn tú, Nhan Trừng hào hoa nên được ném cho không ít hoa. Tôn Diệp Đình cũng nhận được một đóa thược dược màu trắng hồng, bối rối đến mức đỏ bừng cả mặt. Nhan Trừng cao giọng cười to, quay đầu ngựa cướp lấy đóa hoa trên tay hắn ta vứt cho người khác, chuyền tay qua lại vài phen, cánh hoa tung bay, hương thơm cũng lay động.

Cuối cùng đóa hoa rơi vào tay Tạ Yến Hồng, y lại ném trả cho Tôn Diệp Đình. Hắn ta ngượng không dám cài hoa lên đầu, chỉ đành giắt tạm lên đầu ngựa.

Mấy người trẻ tuổi đùa nghịch ồn ào khiến đường sá càng thêm tắc nghẽn. Tạ Nguyệt Lộ là quan văn, không cưỡi ngựa nên vén màn xe lên liếc nhìn Tạ Yến Hồng ở xa xa. Y cũng nháy mắt một cái, cài một đóa hoa lệ đường* lên vạt áo rồi ngoan ngoãn ruổi ngựa nhập vào đội ngũ.

*Lệ đường (hoàng độ mai):




Lời tác giả:

*Cảnh tham khảo từ 《 Đông Kinh mộng hoa lục 》. Hầu hết các mô tả về phong tục và cuộc sống ở kinh sư đều tham khảo trong quyển sách này.

*《 Đông Kinh mộng hoa lục 》东京梦华录 (Giấc mộng huy hoàng ở Đông Kinh) là một quyển hồi ký do Mạnh Nguyên Lão viết khoảng năm 1126, sau khi ông phải theo triều đình Bắc Tống tị nạn khỏi Khai Phong (kinh đô thịnh vượng của nhà Bắc Tống) và rút về thủ đô tạm thời ở Hàng Châu. Cuốn sách là những mô tả đầy hoài niệm của ông về cuộc sống ở kinh kỳ, các đặc sản theo mùa và các lễ hội náo nhiệt, cũng như các món ăn, phong tục và truyền thống của cố đô.