Thế Giới Ngầm

Thế Giới Ngầm - Quyển 1 Chương 15: Chưa gì đã bị phạt




Xe chỉ dừng lại dưới chân núi, thế là anh phải è cổ vác cái balo vừa to vừa nặng lên dốc. Khi đến nơi, đã mệt thì chớ, nghĩ đến việc còn phải xách nguyên balo nặng trịch đi một đoạn dài nữa mà Việt thấy nản. Dù anh có thời gian từng đeo đồ nặng chạy bộ hay leo dốc, nhưng so với khối lượng balo thì không thấm vào đâu. Chưa học quân sự ngày nào đã làm như khổ sai thế này, anh chỉ còn biết thở dài ngán ngẩm.

Vẫn chưa hết, xách đồ tới nơi rồi còn phải báo cáo với thầy. Chả hiểu thằng lớp trưởng làm ăn kiểu gì mà đi tìm thầy mãi không xong. Sinh viên chờ chán rồi, bắt đầu nói chuyện với nhau. Nguyên hai lớp gộp lại, trăm mấy người chứ ít ỏi gì. Cả đống sinh viên bàn tán, người đứng ngoài vài chục mét cũng nghe thấy. Dĩ nhiên, loại âm thanh không hay mấy này nhanh chóng vang tới chỗ thầy Trần Bách. Luật quân đội cực kỳ nghiêm khắc, hậu quả dễ dàng đoán ra được. Thầy Bách tiến tới chỗ hai lớp, mắt long sòng sọc, miệng quát lớn:

- Các cô cậu câm miệng hết cho tôi, biết bây giờ là giờ nào không?

Cả đám giật mình kinh hãi, chưa kịp hoàn hồn thì thầy lại quát:

- Giữa trưa mà các cô các cậu la hét như vậy, không để cho người khác nghỉ ngơi hả? Đúng là một lũ vô kỷ luật.

Sinh viên đứa nào đứa nấy sợ đến run cầm cập, ấy vậy mà thầy vẫn tiếp tục:

- Tôi sẽ bị phạt hết tất cả đứng nắng. Nam nữ đều phải đứng nắng hai tiếng.

Nghe tên hình phạt tức thì toàn bộ hai lớp mặt mày tái xanh, đứng ngơ ngác nguyên một chỗ. Thấy vậy thầy chỉ tay ra bãi đất trống trước dãy phòng và hét lớn ra lệnh:

- Còn đứng đấy nữa hả, mau ra ngoài kia.

Cả đám hoảng hốt chạy ùa ra, đứng rất lộn xộn. Lại có thêm cớ cho thầy mắng:

- Các cô cậu học hành thế nào vậy hả, ngay cả xếp hàng cũng không biết? Mau xếp hàng đàng hoàng cho tôi.

Dưới áp lực rất lớn, hai lớp sợ hãi nhanh chóng xếp thành sáu hàng dài. Thầy Bách phạt:

- Đứng dưới nắng hai tiếng, cấm nhúc nhích, dù gãi cũng không được. Nếu tôi phát hiện ai vi phạm thì tăng gấp đôi thời gian.

Ai cũng sợ mất vía nên thực hiện nghiêm chỉnh. Mấy lớp sau đi qua trông thấy đều chỉ trỏ bàn tán. Thầy Bách quay sang trừng mắt một cái, tức thì cúi đầu đi thẳng.

Phơi nắng giữa trưa đâu phải chuyện đùa, mười phút trôi qua, các cô gái gần như đã kiệt sức, lác đác vài cô ngất xỉu. Thầy Bách lệnh cho năm sáu thằng đỡ ra. Mấy thằng đó rất muốn tận dụng thời gian để nghỉ sức nhưng sợ "quà khuyến mãi" của thầy nên làm rất nhanh rồi ra đứng tiếp.

Hai mươi phút sau thì không còn một cô bé nào trên sân, à, trên chỗ phạt. Thầy Bách cũng không còn tức giận như lúc đầu, thấy ai ngắc ngoải muốn ngất là cho ra.

Con trai thì có vài thằng đung đưa qua lai, chân khẽ run rẩy, nhưng vì không muốn là kẻ yếu đuối đầu tiên, mà cũng vì sợ thầy mà cố gắng cầm cự. Thêm mười lăm phút nữa, hai anh chàng ngã gục, nằm phịch xuống mà không ngất. Thầy hừ đe dọa rồi cho qua, thành ra không một ai dám giả bộ kiệt sức.

Một tiếng hai mươi phút trôi qua, thêm mấy người nữa.

Một tiếng bốn mươi lăm phút, mười mấy sinh viên đã gục, trong số này hầu như là bản địa thành phố. Tất nhiên không phải tất cả dân thành phố đều thế, vẫn có ba bốn cao thủ, ví dụ tốt nhất là Đình Hiếu.

Mặt Đình Hiếu chảy đầy mồ hôi, sắc mặt hơi kém nhưng vẫn kiên trì bám trụ. Quốc Việt chưa gục ngã thì hắn chưa bỏ cuộc. Bản thân Quốc Việt làm việc nông thường xuyên, lên núi hái củi rất nhiều lần, phơi nắng không ít, anh vẫn còn chịu đựng được.

Một kẻ có tính tình ngang bướng, dám thách thức hình phạt của thầy, một kẻ GATO quyết tâm phục hận, như hai cây cột; đứng dưới nắng buổi trưa gay gắt không chút mệt mỏi, dù đó chỉ là bề ngoài. Điều đó vô tình làm nổi bật lên trong mắt thầy và trong mắt các cô gái. Thu ghé sát vào tai Thu Ngọc thì thầm:

- Này, ông bồ mi giỏi thật đấy, đứng lâu quá.

Thu Ngọc đáp lại theo phản xạ:

- Cậu ta không phải...

Cô chợt dừng lại, vì cô biết có giải thích nữa cũng không ai tin. Thấy Thu vẫn tiếp tục trêu, Ngọc chỉ nhẹ nhàng nói:

- Cậu ta không phải là người yêu của mình mà.

- Xí!

Thu nghe vậy thì bĩu môi quay mặt sang nơi khác. Hằng thấy thế thì cười khẽ. Thu Ngọc bị quê, cô lườm Hằng ý bảo "Tại mi hết đấy!". Hằng hết nhìn cô lại nhìn Việt rồi vừa cười vừa lắc đầu kiểu trào phúng.

Hình phạt trên sân chuẩn bị đi tới hồi kết. Những sinh viên còn trụ lại đang cầu mong thời gian trôi qua thật nhanh. Ngay khi Đình Hiếu sắp sửa gục thì giọng của thầy vang lên:

- Hết giờ.

Thầy nói xong, lập tức năm sáu người ngồi phịch xuống, miệng lẩm bẩm: "Thoát nạn!" Thậm chí có anh chàng xắn cao ống quần lên, vứt hết hình tượng đàn ông, gãi chân sột soạt do ngứa ngáy nãy giờ.

Riêng Đình Hiếu và hai sinh viên lớp khác nữa đi bộ tới một bóng cây mới ngồi xuống nghỉ, mặt đã xanh lè. Việt nhỉnh hơn, đi bộ tới chỗ cái balo của mình rồi rút khăn ra lau mồ hôi. Thần sắc anh vẫn còn chút tỉnh táo. Anh liếc mắt qua Đình Hiếu, cùng lúc đấy hắn nhìn sang anh. Cả hai cùng xuất hiện suy nghĩ: "Hắn ta là kẻ đáng gờm đây."

Nghỉ ngơi không được mấy phút thì thầy lệnh vào phòng nhận áo và mũ cho đợt học quân sự. Sinh viên hai lớp bước đi thất thiểu như đám tàn binh thua trận bỏ chạy. Nhận áo mũ xong thì về phòng dành cho sinh viên. Thầy nói một câu làm tất cả sung sướng:

- Chiều này sinh viên được tự do chơi, ngày mai chính thức vào học.

Dẫu vậy, chẳng tên nào dám vỗ tay hoan hô.

Về phòng, Quốc Việt chọn giường nằm ở cuối dãy. Anh chưa kịp sắp xếp lại giường chiếu thì nhiều thằng đã đặt lưng xuống nghỉ mệt. Dọn dẹp xong thì anh đánh một giấc tới hơn ba giờ chiều mới dậy. Khi anh tỉnh thì số sinh viên trong phòng chỉ còn một nửa, nửa kia ra ngoài chơi rồi. Thầy nói là cho tự do nhưng tất nhiên là tự do trong giới hạn cho phép.

Vệ sinh cá nhân xong, anh quay lại phòng, mở ra balo, lôi ra một chiếc quần dài làm bằng vải nilon và cặp tạ chân. Anh đã hỏi ông năm trên, thời gian rảnh của đợt quốc phòng khá nhiều, nên anh chả dại gì mà lãng phí.

Anh đeo tạ vào chân rồi chạy bộ. Việc chạy xuống dốc không dễ làm, vừa phải dùng chân gìm lại đảm bảo tốc độ yêu cầu vừa chạy theo những đường đặc biệt như zic zắc. Hơn nữa, khi chạy còn phải nâng cao gối lên, khó khắn tăng lên nhiều lần. May là trên đường vắng người nên anh mặc sức, chạy thoải mái, đồng thời cũng nhân cơ hội tìm một chỗ thuận tiện để luyện công.

Anh chạy theo đường nhựa vòng ra phía sau trường quân sự, thấy ở đấy có bãi đất rất rộng. Khi anh tới chỗ đấy thì biết mình đến trễ, ở đấy đã tập trung rất đông sinh viên đá bóng.. Anh đành phải chạy ngang qua bãi đất để tìm một chỗ kín đáo. Anh nghe thấy tiếng Mạnh Hùng gọi lớn:

- Ê Việt, lại đây đá bóng với bọn tao, đội tao đang thiếu người.

Việt hét lên đáp lại:

- Không! Tao bận việc rồi, không đá với bọn mày được.

Nói xong anh chạy vào bên trong sâu hơn. Vòng vèo một hồi lâu, anh tìm thấy một khoảng đất bằng phẳng, rộng tầm mười mấy mét vuông, lại khá kín đáo, từ trong nhìn ra thì được nhưng từ ngoài nhìn váo thì bị cây che khuất, không thấy gì. Anh gật gù hài lòng. Điều kiện của chỗ này rất lý tưởng.

Cũng gần tới giờ luyện Thuần Dương Công rồi. Anh ngồi xuống, lưng thẳng, hai chân xếp bằng, hai tay thả lỏng, đặt lên đầu gối. Điều quan trọng đầu tiên của việc luyện công là cảm nhận được "Khí" trong cơ thể, mà cụ thể là kinh mạch. Khi cảm nhận được khí rồi thì tiếp theo là sự dịch chuyển của nó bên trong kinh mạch và huyệt đạo. Vượt qua giai đoạn này rồi mới tính đến tu luyện.

Quá trình khởi đầu của luyện nội công chủ yếu cần tới sự tĩnh lặng. May sao chỗ tìm được rất kín đáo, Việt yên tâm luyện công đến tận giờ tắm rửa và tập trung điểm quân số.

Buổi đầu tiên thầy không nói quá nhiều, chỉ phổ biến nội quy và cách thức làm việc mà thôi. Đại đội anh gồm hai lớp hơn trăm người được miễn cưỡng chia thành bốn tiểu đội. Cách thức tổ chức học tập thì rất đơn giản, sáng thức dậy đúng vào năm giờ sáng để chạy bộ và tập thể dục, xong thì về vệ sinh cá nhân, ăn sáng đến bảy giờ thì đi học. Học đến khoảng trên dưới mười giờ ba mươi thì nghỉ trưa ăn cơm. Buổi chiều bắt đầu từ một rưỡi đến bốn rưỡi. Tập trung điểm quân số thì bảy giờ tối và cuối cùng là chín giờ tối phải lên giường ngủ. Quy tắc tưởng chừng đơn giản vậy mà chẳng dễ thực hiện chút nào, chỉ cần phạm một lỗi nhẹ thôi cũng sẽ bị xử lý theo “quân luật”.

Thầy phổ biến chốc lát rồi cho hai lớp về phòng. Việt thấy có khoảng rảnh nhiều, không có việc gì làm nên anh tận dụng thời gian triệt để vào luyện võ. Anh hi vọng có thể nhanh chóng nâng cao thể lực cũng như khí công của bản thân. Tuy nhiên, mọi sự không êm đềm được như tính toán của Việt. Kỳ quân sự đầy sóng gió của anh chính thức bắt đầu.

Chín giờ tối là bắt buộc cả phòng phải đi ngủ. Sinh viên nghe lời tắt đèn lên giường, chẳng qua đâu có mấy người ngủ, phần lớn đều chui vào chăn bật điện thoại nhắn tin.

Việt cứ thực hiện theo lịch của mình, đặt lưng xuống là ngủ, ngủ sớm dậy sớm. Còn những người đó nhắn tin tới tận mười một mười hai giớ khuya mới đi ngủ. Chính vì thế nên khi tiếng kẻng báo thức đúng năm giờ sáng hôm sau, Việt ra rất đúng giờ. Bình thường, cứ đến đúng thời điểm là anh tỉnh dậy tập thể dục, luyện võ, tất cả đã thành phản xạ. Anh ra khoảng đất trống để tập trung với vẻ mặt rất tỉnh táo. Những sinh viên kia đều uể oải, hết ngồi lên lại nằm xuống giường nên ra muộn mấy phút. Nhưng đối với kỷ luật thép của quân đội thì là phạm lỗi, phải bị phạt. Đình Hiếu xem vậy mà khá hơn họ. Hắn ta cùng hai sinh viên lớp khác nữa đi theo phía sau anh vài mét, dù không tỉnh táo bằng.