Chương 7: Thị trấn
Xe kéo nhỏ, bốn người ngồi là vừa vặn, năm sáu người ngồi liền chật. Thập Tam mất một lúc, mới có thể co ro cuộn mình ngồi trong lòng thầy ma, hắn mệt mỏi chợp mắt, quên đi xóc nảy dưới hông.
Đoàn người đi qua khe núi, xe kéo không có mái che, để cho gió dễ dàng hạ xuống đùa giỡn bọn họ, buốt như đao cắt, lạnh như kim châm. Thiếu niên bị buốt lạnh đánh thức, vẫn như cũ im lặng không lên tiếng, sợ ảnh hưởng đến thầy ma đang nghỉ ngơi.
Hắn dự tính quấn vải thô thành một vòng, muốn che kín thân hình nhưng không được, bịt đầu lại hở chân, nhất thời không biết phải làm sao. Bất đắc dĩ, thiếu niên chỉ có thể rúc vào người thầy ma bên cạnh.
Theo trời mỗi lúc một ngả về trưa, không khí cũng ấm dần, Thập Tam bất giác ngủ lần nữa, khi hắn tỉnh dậy, xe kéo đã dừng ở một bờ suối.
Là thầy ma lay hắn dậy.
Bên cạnh, bốn năm người rục rịch xuống xe, trước nhất Lưu Bình đã rời chỗ, vừa tháo lừa ngựa lại hỗ trợ chuyển đồ. Thập Tam cùng thầy ma ngồi tại đầu xe, chờ bọn họ đi hết, hai người mới chuyển mình.
Thầy ma chọn một góc trống trải, tùy ý dựa vào đá tảng sau lưng, ngồi xuống, lật mở túi khoai ngô lạnh cứng. Khoai núi, tròn lại ngắn, cũng không ngọt mềm như đồng bằng, thầy ma cắn một miếng khô khốc nghĩ muốn lấp đầy cái bụng, rơi vào trong miệng đều là xơ khoai đắng chát. Thầy ma nhai nuốt chậm rãi ngon lành, chốc chốc dừng lại, nhấp một ngụm nước suối.
Đợi đến, Thập Tam cho con lừa già ăn uống trở về, thầy ma đã phơi nắng được một lúc. Thầy ma úp một cái mũ lá che qua hai mắt, gối đầu lên tay, vắt chân chữ ngũ, thở chậm mà đều đều, giống như thực sự đã ngủ.
Thập Tam nhìn nhìn mấy lần, cũng không có ý định đánh thức hắn, im lặng nhanh chóng ăn xong, cẩn thận gói lại đồ vật.
Bãi đá bên suối chia làm mấy góc, trừ bỏ Lưu Bình cùng hai người Thập Tam, còn có ba chỗ khác.
Một nam, một nữ Hà Đình trấn, ba người Lý gia thôn, cùng với một người trung niên ở Trường Hoa thôn.
Ba nhóm này có một điểm chung, bọn họ đều không có ăn. Người trẻ tuổi ở Lý gia thôn nhìn chỗ khoai bên cạnh Thập Tam, lại nhìn chỗ bánh trước người Lưu Bình, nuốt nuốt ngụm nước bọt, muốn mở miệng nói, lại thôi. Hai người trung niên trái phải hắn cũng bất lực làm gì, nhắm nghiền hai mắt, từ đầu đến cuối không nhìn.
Thập Tam không muốn đối diện với ánh mắt này, hắn không có sợ hãi, chỉ là mất tự nhiên, tìm một chỗ bên cạnh thầy ma co quắp nằm xuống.
Mấy người này so với hắn còn muốn khó khăn hơn.
Thái dương như đom đóm giấu trong áo bông, tản ra ánh sáng hòa tan lông vũ đen xám xung quanh toả ra hơi ấm dịu nhạt. Không tối tăm, cũng không sáng sủa.
Lưu Bình tính toán thời gian vừa vặn, liền hô đám người quay trở lại xe. Con lừa già lần nữa bị buộc vào càng, lộ ra vẻ khó chịu, muốn làm loạn, được thầy ma dùng túi đồ gõ một cái, liền ngoan ngoãn về chỗ.
Đói rét đan xen với mỏi mệt, mấy người lòng đầy tâm sự không nói với nhau câu nào, khiến không khí có phần hơi căng thẳng. Lưu Bình cười cười gợi chuyện mấy câu, đáng tiếc không ai để ý đến hắn, đều ôm một mặt "ngươi đừng phiền ta" cuộn mình giữ chặt vạt áo.
Xe kéo dọc theo dòng suối khô cạn, trôi trên ánh nắng chiều yếu ớt, đi từ khi bông hoa trắng sáng trên cao nở rộ ngàn cánh đến khi nó tàn úa rơi rụng sau những núi đồi mới dừng lại.
Chập tối, rốt cuộc bọn họ tới được thị trấn.
Ánh đèn rải khắp nơi như quần tinh vẫn lạc rực sáng. Mùi khói bếp tràn ngập trong không khí hầm hập hơi nóng, xua đi ẩm mốc. Tro bụi xoay tròn quyện vào nhau bay lên cao, mãi mới chịu tan biến, để cho gió thổi vào rừng.
Lưu Bình ở đây không có quay đầu rời đi ngay, mà còn tiễn đám người thêm một đoạn, còn nói ở thị trấn hắn cũng có quen biết, nếu đêm nay ai không có chỗ ăn ngủ hắn có thể dẫn. Đám người dường như đều có ý riêng, rất nhanh cảm tạ một tiếng, giao tiền rồi rời đi.
Thập Tam bỏ xuống khăn trùm đầu, ngơ ngác nhìn thế giới trước mặt.
Người ở nơi này so với An Lộc trấn phải nhiều hơn mười mấy lần, nhà nào cũng so Trần gia trước kia cao hơn, đường cũng so An Lộc trấn rộng phẳng.
Già trẻ không để chân trần, mặc áo thô. Trai gái không gầy gò, mang bụi bặm. Ăn uống no đủ, sinh hoạt dễ chịu, tựa như chốn thần tiên.
Con lừa già ngu ngốc nhìn ra ý nghĩ của Thập Tam, kêu khặc khặc vài tiếng, giống như cười nhạo thiếu niên nông cạn, tầm mắt hạn hẹp, lại chậm chạp tránh sang một bên, sợ bị cho rằng là đồng loại với hắn. Không nghĩ tới đột nhiên, thầy ma xách Thập Tam đặt lên trên lưng nó, khiến con lừa già không khỏi cằn nhằn.
Thiếu niên đung đưa theo nhịp bước của con vật, hỏi thầy ma bên cạnh: "Thầy ma, bây giờ chúng ta đi đâu?"
Thầy ma chậm rãi giảng: "Đi nhà một người lão hữu của ta, đêm nay chúng ta sẽ ngủ ở đó."
Thiếu niên gật đầu "dạ" một tiếng, thầy ma lại giảng tiếp: "Ta ở thị trấn cũng không có quen biết nhiều, chỉ có một vài người bạn già, mà lát nữa chúng ta sẽ gặp là một trong số, gọi Lương Hữu Quốc. Thập Tam kêu hắn một tiếng Lương thúc"
"Dạ". Thiếu niên không nhanh không chậm trả lời.
Thầy ma lại nói tiếp: "Lương gia nấu rượu, nuôi mười mấy miệng ăn không vấn đề, còn dưỡng hai cái học sinh đến trường. Bọn họ khá giả, lại sống không tệ. Thầy ma bình thường hàng tháng đều mua một bình rượu của Lương gia, xem như nửa cái khách quen nhỏ, bọn họ nhưng là đồng ý cho chúng ta một gian mái tá túc nhờ."
"Lương gia này, thực sự tốt". Thiếu niên không ngắn không dài bình luận một câu.
Thầy ma lắc đầu giảng: "Cái này cũng phải nói Lương gia nể mặt năm đồng tiền rượu, nếu như không có, sợ rằng Lương gia môn chúng ta cũng không vào nổi."
Thiếu niên giống như hiểu được điều gì, gật gật đầu lại trầm ngâm. Thầy ma sợ hắn nghĩ nhiều lại nói: "Thập Tam không cần lo lắng, đợi lát nữa ta nói đến ai, con chào hỏi một tiếng là được. Đợi ngày mai, ta lên nhà lớn thị trấn trở về sẽ dẫn con đi chợ phiên."
Thiếu niên khẽ cúi người: "Thập Tam ghi nhớ".
Trời cao vời vợi, mây dày tựa áo rét. Trăng mờ như hoa đào chưa nở, đợi gió gõ cửa tìm đường.
Gà đã vào chuồng, người đã tắt lửa, thời điểm chó bắt đầu sủa loạn. Hai người cuối cùng đến được Lương gia, may mắn nhà bọn họ vẫn còn thắp đèn.
Lương gia đại hộ, cổng lớn sân rộng, tường vây đất cao ngang người, mái lợp lá phủ khắp hè. Gà lợn không thiếu, dê bò cũng có. Cửa bếp bám đầy tro bụi, bậc thềm nhẵn nhụi phẳng phiu. Trong không khí còn có hương bã rượu từ sau nhà thổi tới, rất nồng, khiến cho tim phổi nôn nao.
Thập Tam chưa từng uống rượu, ngửi thấy cũng choáng váng một hai phần.
Dường như không phải thầy ma lần đầu tới, Lương Hữu Quốc một dạng quen thuộc ngồi tại bàn trúc trước cửa, pha sẵn một ấm nước lá chuẩn bị đón tiếp. Mà ngược lại phía thầy ma cũng không phải tay không, tặng cho đối phương một phần khoai ngô.
Hai câu mở đầu, bốn câu cao trào, bốn câu kết thúc, hai người bọn họ trò chuyện đến sinh động. Một hồi, thầy ma giới thiệu Thập Tam bên cạnh, cũng không nhắc tới nhiều, chỉ nói là hài tử trong nhà lần đầu lên thị trấn. Lương Hữu Quốc đoán được ý tứ, cũng không hỏi thêm.
Đến sau, Lương gia chủ còn muốn giữ hai người ăn khuya, nhưng bị thầy ma khéo léo từ chối. Cho đến tối muộn, cuối cùng bọn họ được sắp xếp tới phòng bếp.
Phòng bếp kín gió, tro than chưa tắt, hơi ấm vẫn còn, là một chỗ tốt để ngủ mùa đông, ở An Lộc trấn nhiều nhà cũng là như vậy. Trong phòng, còn có sẵn một cái nệm rơm, không để cho bọn họ phải ngủ đất.
Lương Hữu Quốc chuẩn bị xem như trọn tình gia chủ.