Thập Niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 6: Chiến hữu




Tức thì, gương mặt Lý Đại Thuật thoắt đen thoắt đỏ. Anh ta lấy tay che che miệng, thì thà thì thầm như sợ người khác nghe mất bí mật: “Hồi tôi mới sanh mẹ tôi cũng đi theo người ta chấm tử vi. Thầy bói phán trước năm 25 tuổi tôi tuyệt đối không được thành gia lập thất, vậy nên mới chần chờ cho tới tận bây giờ. Nhưng khổ một nỗi nhịn được tới năm 25 tuổi thì không còn cô gái nào chịu để mắt tới tôi nữa. Haizzz…”

Càng nghĩ càng thấy bực bội. Rõ ràng điều kiện gia đình không phải hạng kém, cha đường đường là thôn y có danh có tiếng, mà ngay bản thân anh cũng là người chịu thương chịu khó, lại khoẻ mạnh cường tráng. Thế quái nào các cô ấy lại không ưng nhỉ? Chả hiểu mắt nhìn của con gái bây giờ sao nữa! Thiệt là lạ lùng!

Vừa nghe một cái là Văn Trạch Tài bắt được ý chính ngay: “Cậu muốn hỏi nhân duyên phải không?”

Lý Đại Thuận lập tức buông tay, đỏ mặt gật gật đầu.

Văn Trạch Tài giơ ngón trỏ, miết nhẹ hai hàng chân mày của Lý Đại Thuận rồi đủng đỉnh phán: “Ông thầy tử vi kia nói cũng không sai. Nhưng muốn biết hôn nhân tới sớm hay muộn thì còn phải coi xương chân mày. Xương chân mày của cậu khá ngắn và nông. Điều đó chứng tỏ nhân duyên sẽ tới rất muộn.”

Nghe xong Lý Đại Thuận giãy đành đạch như đỉa phải vôi: “Năm nay tôi đã 25 tuổi, chẳng lẽ như thế còn chưa đủ muộn hay sao? Bằng tầm này người ta đều vợ con đề huề cả rồi. À, tất nhiên không tính cái tên lập dị Vương Thủ Nghĩa, cả cái thôn này chắc chỉ duy nhất anh ta là không thèm vợ!”

Nhắc tới tên tình địch Văn Trạch Tài lập tức nhướng mày. Thấy thế, Lý Đại thuận toét miệng cười cầu hoà: “Vậy theo như anh nói thì năm nay tôi vẫn chưa thoát khỏi kiếp ế hả?”

Văn Trạch Tài lắc đầu: “Không hẳn vậy, cậu đã từng nghe câu “trên trời có chim liền cánh, dưới đất có cây liền cành” (2) chưa? Lông mày tượng trưng cho “liền cành”, còn “liền cánh” chính là chỗ này…”

Sợ đối phương nghe không hiểu nên Văn Trạch Tài dứt khoát chỉ vào mép tóc gần huyệt Thái Dương (3) của Lý Đại Thuận.

“Mép tóc cậu càng ngày càng tiến lại gần đuôi lông mày, cho thấy chuyện tốt đang tới gần. Không quá ba tháng chắc chắn sẽ gặp được ý trung nhân.”

Lý Đại Thuận hơi hoang mang: “Sao anh nói giống mấy tên thầy bói rởm thế? Đáng lẽ phải nói mấy thứ cao thâm, huyền bí mới đúng chứ!”

Văn Trạch Tài khẽ cười: “Cao thâm cậu nghe không hiểu đâu. Vả lại đây mới chỉ là xem tướng thôi còn nếu muốn coi vận mệnh thì phải có đầy đủ đồ nghề. Hiện tại tôi chẳng có gì trong tay nên không thể giúp cậu tính được.”

Đợi Lý Đại Thuận đi rồi, Điền Tú Phương mới từ sau cánh cửa bước ra.

Vừa trông thấy cô, Văn Trạch Tài liền vui vẻ nộp đồng tiền đầu tiên cho vợ: “Không cần tiết kiệm, em cầm lấy mua kẹo cho con ăn đi.”

Sở dĩ anh nói vậy là vì ban nãy khi bế Hiểu Hiểu về có đi ngang qua cổng nhà ông phó đội trưởng, đúng lúc thằng cháu ông ấy đang đứng đó nhồm nhoàm mút dở viên kẹo, thế là con bé Hiểu Hiểu cứ ngoái đầu nhìn mãi không thôi. Chính cái ánh mắt trẻ thơ ngập tràn hâm mộ cùng thèm thuồng đó đã xoáy sâu vào tâm trí Văn Trạch Tài. Anh cũng muốn con gái mình được ăn kẹo thoả thích, anh cũng muốn nhìn con gái tươi cười vui vẻ. Và trên tất cả, anh không muốn Hiểu Hiểu cứ mãi chịu cảnh tủi thân thua thiệt trước đám trẻ trong làng. Vậy nên anh nhất định phải phấn đấu để con có cuộc sống bằng bạn bằng bè thậm chí vượt trội hơn thì càng tốt.

Song Điền Tú Phương lại không dám nhận, cô quả quyết giấu tay ra sau lưng, mím chặt môi, cứng rắn hỏi: “Anh…vừa rồi anh lừa gạt người ta hả?”

Văn Trạch Tài dở khóc dở cười, trực tiếp nhét tiền vào tay vợ rồi nghiêm túc giải thích: “Không phải, anh không lừa gạt bất cứ người nào cả. Em cứ chờ xem, nội trong ba tháng chắc chắn cậu ấy sẽ cưới vợ, hơn nữa mai này còn con cháu đầy đàn, hạnh phúc ấm êm.”

Nghe vậy, Điền Tú Phương nhíu mày do dự một lát rồi mới miễn cưỡng nắm tay, thu lấy một đồng tiền.

Ngày hôm sau, Văn Trạch Tài vừa bước xuống ruộng chuẩn bị làm việc đã thấy Điền Kiến Quốc hằm hằm lao tới. Đánh hơi thấy sắp có chuyện hay, đám người Lý Đại Thuận vội vàng gác cuốc sang một bên, len lén ngó nghiêng hóng hớt.

Trái ngược với khuôn mặt đen kịt của Điền Kiến Quốc, Văn Trạch Tài thoải mái cười chào: “Anh cả!”

Bất chợt Điền Kiến Quốc phanh kít lại, vốn đang định nện cho nó một trận thì tự nhiên nó lại chào hỏi cung kính thế này bảo sao có thể xuống tay cho đặng. Tính ra từ ngày Văn Trạch Tài về làm rể Điền gia tới nay thì đây là lần thứ hai ngoại trừ buổi hôn lễ nó gọi anh một tiếng “anh cả”, chứ bình thường nó toàn kêu chỏng lỏn “Điền Kiến Quốc” không thôi.

Tình huống quá mức bất ngờ khiến Điền Kiến Quốc thoáng lúng túng. Đợi đến khi định thần lại, anh mới nới lỏng nắm đấm rồi đưa mắt nhìn kỹ Văn Trạch Tài vài lần. Nhìn chán nhìn chê vẫn không soi ra được cái gì, Điền Kiến Quốc nhíu mày hất hàm hỏi: “Thằng khốn nạn này, rốt cuộc mày đang có âm mưu gì?”

Văn Trạch Tài thành thật đáp: “Em quyết định sẽ sống thật tốt, nuôi nấng Hiểu Hiểu nên người và cho hai mẹ con Tú Phương một đời cơm no áo ấm.”

“HA!” Điền Kiến Quốc nhếch mép cười lạnh, một khắc vừa rồi còn lầm tưởng nó đã đổi tính chứ, hoá ra vẫn chứng nào tật nấy: “Mày thôi đi, chỉ có Tú Phương nhẹ dạ mới đi tin mấy lời hoa ngôn xảo ngữ này thôi. Chứ cái ngữ “sáng tai họ, điếc tai cày” (1) như mày thì ai mà dám trông cậy cho được.”

Văn Trạch Tài kiên nhẫn thuyết phục: “Trông cậy được! Anh cả, anh cứ yên tâm, em sẽ dùng hành động thực tế để chứng minh.”

Điền Kiến Quốc thoáng nhíu mày, quái lạ, sao hôm nay nó lại khác thường thế nhỉ, rõ ràng bị mình xỉa xói không ra thể thống cống rãnh gì mà vẫn có thể bình tĩnh đối đáp, không những vậy thái độ còn cực kỳ nhãn nhặn và lịch sự nữa chứ. Thằng khốn nạn này lại định giở trò mèo gì đây?! Hừ, kể cả mày có che mắt cả thiên hạ thì cũng không lừa được Điền Kiến Quốc này đâu!

Làm mọi cách cũng không khai thác được chút sơ hở nào, cuối cùng, Điền Kiến Quốc đành trắng tay rời đi.

Đứng hóng hớt nãy giờ, Lý Đại Thuận không nhịn được mà phải dựng ngón tay cái tỏ ý thán phục. Đúng là lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, cái miệng của Văn Trạch Tài lợi hại thật. Mà may nhờ tài khéo ăn khéo nói chứ không thể nào cũng húp trọn cú đấm của ông anh vợ cho xem.

Đến giờ nghỉ trưa, hai vợ chồng vừa về gần tới nhà đã thấy chiến hữu “tốt” của Văn Trạch Tài đang đứng dựa người vào cánh cổng, miệng nghêu ngao mấy câu hí khúc, thi thoảng còn nhịp nhịp chân theo giai điệu nữa chứ.

Tên này chính là Triệu Đại Phi, anh em chí cốt của Văn Trạch Tài. Tuy là đứa lông bông đầu đường xó chợ nhưng cậu ta không bê tha nhếch nhác mà quần áo trên người tương đối gọn gàng, sạch sẽ

Tiến lại gần, Văn Trạch Tài không khách khí lên tiếng: “Đứng tránh ra nào.”

Nghe thấy thanh âm quen thuộc, Triệu Đại Phi lập tức ngẩng đầu lên, toét miệng cười tươi như hoa: “Đại ca, chị dâu, anh chị đi làm về rồi. Chà, mới mấy ngày không gặp mà nom chị dâu đẹp lên mấy phần. Hiểu Hiểu cũng xinh xắn quá, mắt to tròn đen láy thế kia, chắc hẳn mai này sẽ trở thành đại mỹ nữ giống mẹ cho xem.”

Về biệt tài nịnh hót thì Triệu Đại Phi đứng số hai không ai dám nhận số một. Cậu suốt ngày ba hoa bốc phét như thần, bởi thế dân làng mới truyền tai nhau một câu “nếu lời của Triệu Đại Phi mà tin được thì heo nái cũng biết leo cây!”

Vậy nên Điền Tú Phương chẳng thèm đáp lời mà chỉ lẳng lặng ẵm con gái đi thẳng vào nhà.

Bị làm lơ cũng hơi quê quê, Triệu Đại Phi tự cười chữa ngượng: “Haha, sao hôm nay chị dâu có vẻ hơi khó ở nhể. Đại ca, anh lại giở thói vũ phu ra đấy à?! Haiz, dù anh có chê em lắm lời thì thằng em này cũng phải nói vài câu. Anh à, anh đừng như vậy nữa, cố gắng tu tâm dưỡng tính chung sống hoà thuận với chị dâu đi. Anh chị còn có Hiểu Hiểu nữa mà. Một nhà ba người vui vẻ biết bao, tội tình gì phải căng thẳng như thế!”

Văn Trạch Tài nhàn nhạt nói: “Tôi biết rồi. Cậu tìm tôi có việc gì không?”

Lý do Văn Trạch Tài không cắt đứt quan hệ với Triệu Đại Phi vì anh nhìn ra được con người này tuy hơi cà lơ phất phơ, không có nghề nghiệp ổn định nhưng được cái tam quan ngay thẳng. Bằng chứng là trong suốt bao năm chơi bời lêu lổng cùng nhau, chưa một lần nào Triệu Đại Phi xúi giục hay rủ rê nguyên chủ làm nhưng việc sai trái, bậy bạ.

Nghe anh bạn hỏi thẳng, Triệu Đại Phi lúng túng ho khan mấy tiếng rồi mới cười trừ: “Haha, cũng không có gì, chẳng qua em lỡ tay ăn trộm mấy quả trứng gà của thím ba thế là bị bà ấy tổng cổ ra khỏi nhà. Đi lang thang nhưng không tìm được chỗ ở, thành ra em định đến nhà anh xin ngủ nhờ.”

Nếu kể cặn kẽ ra thì hoàn cảnh của Triệu Đại Phi rất thương tâm. Cha mẹ mất từ ngày cậu ấy còn bé xíu, vợ chồng chú thím ba lấy lý do nuôi nấng đứa cháu mồ côi để chiếm luôn căn nhà. Nói nuôi nấng cho sang mồm vậy thôi chứ kỳ thực bọn họ đối xử với Đại Phi còn không bằng một con chó, mỗi ngày bố thí cho một chén cơm thừa canh cặn, đêm đến bắt ngủ tại phòng chứa củi, quần áo đồ dùng cá nhân thì dùng lại từ đống đồ cũ kỹ, rách nát của đám con cái nhà chú ba.

Sống trong hoàn cảnh ấy, chắc hẳn ai cũng sẽ nảy sinh tâm lý phản kháng chứ không riêng gì Triệu Đại Phi.

Văn Trạch Tài lắc đầu nói ngay: “Nhà tôi chỉ có hai phòng, cậu ở lại cũng không tiện. Thôi, giờ cứ vào nhà ngồi trước đã, rồi tôi sẽ tìm chỗ cho cậu ngủ nhờ đêm nay.”

Thoáng thấy làn khói vấn vít toả ra từ gian bếp nhỏ, Triệu Đại Phi cười cười từ chối: “Thôi em không vào đâu. Em đi lên trên trấn đây, chạng vạng tối em sẽ quay về kiếm anh.”

Văn Trạch Tài gật đầu: “Ừ! Thế cũng được.”

Từ lúc nhìn thấy Triệu Đại Phi, dạ dày Điền Tú Phương cứ quặn lên liên hồi, cồn cào, khó chịu vô cùng. Bởi vì cô luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ Văn Trạch Tài lại ngựa quen đường cũ, kết bè cùng Triệu Đại Phi. Tất nhiên sòng bài hay bàn nhậu luôn là địa điểm lý tưởng để bọn họ tụ tập chơi bời. Và hậu quả cuối cùng chính là hai mẹ con cô sẽ phải tiếp tục hứng chịu những trận đòn roi đau đớn từ da thịt xuyên thấu tận tâm can.

Tiễn Triệu Đại Phi đi rồi, Văn Trạch Tài trực tiếp tiến ra sau bếp múc nước rửa tay định bụng giúp vợ nấu cơm, ai dè Điền Tú Phương lại bồn chồn hỏi một câu: “Anh định đi ra ngoài à?”

Biết vợ hiểu lầm, Văn Trạch Tài vội giải thích: “Không phải, anh rửa tay cho sạch để phụ em làm cơm mà.”

Nghe vậy, Điền Tú Phương mới nhẹ nhàng thở phào một hơi. Trút được lo âu, cô bỗng nhiên tươi tỉnh hơn hẳn: “Thế anh vào nhóm củi nhé để em đi vo gạo.”

Dứt lời, cô nhanh nhẹn xắn ống tay áo, bắt tay vào việc.

Hiểu Hiểu ngoan ngoãn ngồi chơi dưới hiên nhà, chốc chốc cô bé lại ngước lên nhìn mẹ một chút rồi quay sang ngó cha một tí.

Bắt gặp ánh mắt của con gái, Văn Trạch Tài lập tức đáp lại bằng một nụ cười dịu dàng hết sức có thể. Tiếc thay, Hiểu Hiểu vội hốt hoảng xoay người, trực tiếp đưa lưng về phía anh.

Ớ…. Văn Trạch Tài ngẩn tò te….Haha công nhận cái cảm giác bị trẻ con xa lánh cũng không mấy dễ chịu nhỉ!!!

Đúng lúc này, Điền Tú Phương bất chợt cất tiếng hỏi: “Ban nãy Triệu Đại Phi tìm anh có việc gì thế?”

Có thể những lời hứa hẹn mà Văn Trạch Tài đã nói hôm qua thực sự đánh động trái tim Tú Phương nên cô mới không nhịn được mà quan tâm tò mò một câu.

Văn Trạch Tài có sao nói vậy: “Đại Phi bảo hôm nay nó đói quá nên đánh liều ăn trộm trứng gà của thím ba, nhưng ai dè lại bị bắt ngay tại trận thế là người ta tống cổ nó ra đường. Giờ lang thang không có nơi trú chân nên đến xin ngủ nhờ nhà mình.”

Tuy nhà Đại Phi ở thôn bên nhưng Điền Tú Phương biết rất rõ hoàn cảnh gia đình cậu ấy. Mặc dù lúc này cuộc sống của mọi người cũng không lấy gì làm dễ dàng nhưng chắc có lẽ gộp cả hai thôn lại cũng chẳng có ai thảm bằng Triệu Đại Phi.

===

Chú Thích:

(1)Sáng tai họ, điếc tai cày: dùng để phê phán những kẻ lười biếng, không muốn làm lụng vất vả. Rất tinh tường khi nghe hiệu lệnh nghỉ ngơi nhưng hễ đến khi được yêu cầu quay trở lại công việc thì lại giả điếc.

(2)“Chim liền cánh” và “Cây liền cành” từ lâu đã được các tác giả cổ điển Trung Quốc và Việt Nam sử dụng để nói về tình cảm vợ chồng khắng khít, không gì có thể chia ly. Hai hình tượng này có tích như sau:

Sách Nhĩ Nhã chép: Chim Kiêm giống chim le le, lông màu xanh, chỉ có một cánh và một mắt, thường ở phương Nam. Mỗi khi muốn bay thì hai con phải chắp cánh với nhau mới bay được. Chim này có tên là tỷ dực điểu hoặc Kiêm Kiêm.

Cây liền cành là cành của hai cây giao nhau.

Nguyên đời Chiến Quốc (479-221 trước D.L.) vua nước Tống tên Yển vốn người hiếu sắc, dâm bạo. Một hôm đến chơi ở gò Phong Phụ, bắt gặp một phụ nữ hái dâu rất đẹp. Vua dò hỏi mới biết là vợ của nho sĩ Hàn Phùng, người họ Tức. Vua liền cho đòi Hàn, bảo đem vợ lại hiến mình. Hàn sợ uy quyền, về thuật cho vợ nghe và khóc hỏi có bằng lòng không? Tức Thị làm thơ để tỏ ý mình:

Núi nam có con chim

Núi bắc giăng lưới bắt.

Chim mặc sức bay cao,

Lưới kia đành quăng vất.

Vua Tống say mê sắc đẹp của nàng, theo đuổi không thôi. Liền sai người đến tận nhà Hàn, cướp lấy người đẹp. Hàn thấy vợ bị bắt đưa lên xe đi, lòng đau như dao cắt. Biết không phương giải cứu, kiếp này khó hợp, đau đớn quá mà tự tử.

Vua Tống đem Tức Thị lên đài Thanh Lăng, cưỡng bách, bảo nàng:

– Ta đây là vua một nước, có đủ uy quyền sinh sát trong tay. Muốn phúc, ta cho phúc. Muốn họa, ta cho họa. Huống hồ chồng nàng đã chết, nàng còn ở với ai. Không bằng đi theo ta, cùng tay bắt mặt kề thì sẽ được phong hoàng hậu.

Tức Thị nổi giận làm thơ tỏ ý mình:

Chim có trống mái,

Chẳng theo phượng hoàng.

Thiếp là thứ dân,

Chẳng thích Tống Vương.

Vua Tống tức quá, bảo:

– Nàng đến đây rồi, dẫu không muốn thờ ta cũng không thể được.

Tức Thị thấy thế liền nói:

– Để thiếp tắm gội, thay áo, lạy linh hồn chồng cũ rồi sẽ xin hầu đại vương.

Vua Tống bằng lòng cho Tức Thị tắm gội, thay áo xong, ngửa trông lên không, chắp tay vái hai vái rồi từ trên lầu đâm đầu xuống. Vua Tống hoảng hốt, vội níu lại nhưng không kịp, nàng đã tắt thở rồi. Sau khi khám xét thấy trong người nàng có giấu một bức thư. Đại ý nói: sau khi chết xin cho đem thi thể cùng chôn một mộ với chồng, dưới suối vàng sẽ đội ân sâu.

Vua Tống cả giận, chôn riêng mỗi người một nơi thậm chí còn bắt buộc hai mộ phải cách xa nhau. Được ba hôm, bỗng một đêm có giống cây Văn Tử mọc ở cạnh hai ngôi mộ. Chỉ trong tuần nhật, cây ấy dài hơn ba thước, cành lá quấn quít lấy nhau như một. Thỉnh thoảng có một đôi chim uyên ương đậu ở trên cành, giao đầu kêu nhau một giọng bi thương. Người trong xóm thương xót, cho đó là oan hồn của vợ chồng Hàn Phùng hóa sinh; và gọi thứ cây ấy là “Cây tương tư”.

(3)Huyệt Thái Dương là huyệt đạo khá phổ biến gần như ai cũng biết đến tên huyệt vị này. Để xác định vị trí của Huyệt Thái Dương không hề khó. Huyệt Thái Dương nằm ở chỗ lõm phía sau lông mày, tại đó có đường mạch xanh của Thái Dương. Hoặc điểm giao của đoạn nối giữa đuôi mắt tầm 1 tấc và đuôi lông mày, thuộc vùng chỗ hõm sát cạnh bên ngoài ổ mắt xương gò má.