Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 188: Con Giun Xéo Lắm Cũng Quằn




Kiểm kê vật tư trong không gian riêng. Toàn bộ số trứng gà, thịt heo, dầu đậu phộng được mang từ tương lai đến đã dùng hết sạch. Lâm Thanh Hoà buộc phải nhập hàng dự trữ từ chợ đen.



Bất quá gạo và bột mì thì vẫn còn nhiều.



Hồi ấy cô mang tới đây 50 bao gạo, khối lượng mỗi bao 20 cân, tổng số lượng không phải là lớn thế nhưng gạo không phải là lương thực chủ đạo thường ngày. Hàng ngày nhà cô hay ăn mì sợi, màn thầu cho nên bây giờ trong kho vẫn còn dư lại 30 bao gạo nguyên.



Đặc biệt là lúc Chu Thanh Bách mới xuất ngũ, chưa nắm chắc tình huống thế nào, Lâm Thanh Hoà không dám làm càn, sợ anh chú ý nên cô không lấy quá nhiều gạo ra ăn.



Còn bột mì cô cũng gom được 50 bao loại thượng hạng. Đúng là bột mì tiêu hao nhiều hơn gạo một chút nhưng cũng vẫn còn dư vì hàng năm đều có thu vào. Với lại mười ngày nửa tháng mới có đôi lần cô làm màn thầu bột mì tinh thôi chứ còn thường thường cô sẽ trộn thêm hỗn hợp các loại bột đậu hoặc bột ngô.



Không phải cứ ăn toàn lương thực tinh mới là tốt. Càng ăn nhiều các loại lương thực, ngũ cốc thì cơ thể càng khoẻ mạnh.



Ngoài màn thầu, nhà cô còn hay ăn sủi cảo, mì sợi thế nên tính ra cũng chỉ còn thừa 10 bao bột mì tinh.



Một bao nặng 20 cân nên 10 bao này chẳng mấy mà ăn hết.



May là năm nay được mùa, nhà cô được phân một ít lúa mì cộng thêm 30 cân cậu ba Lâm mang sang cho, Lâm Thanh Hoà mới quyết định làm một bữa bánh bao thịt hoành tráng luôn.



Dù sao cũng là cuối năm, xoã một bữa cho thoải mái.



Vợ chồng con cái chụm đầu nặn cả 1 mâm bánh bao, hôm nay ăn không hết thì xếp vào khay tre, khi nào muốn ăn chỉ việc bắc bếp hấp chín là được ngay, vô cùng tiện lợi.



Từ hôm phân thịt cho tới ngày 30 Tết, toàn gia bữa nào bữa nấy đều ăn uống no say.



Bao tử heo, đầu heo và lòng heo đã được xử xong xuôi rồi, giờ chỉ còn lại thịt ba chỉ, thịt nạc và mấy khúc xương sườn thôi.





Đến tận 30, Chu Hiểu Mai và Tô Đại Lâm mới về. Năm nay 2 vợ chồng vẫn ăn tết ở quê cho nên khi về còn mang theo lương thực, một con gà, một rổ trứng và một túi cá.



Chia trứng gà và cá ra làm đôi, mang một nửa qua cho chị ba Chu, còn lại bao nhiêu để hết ở nhà Lâm Thanh Hoà.



Tiểu Tô Tốn vẫn còn bú ti nhưng càng ngày càng lớn, nên để có đủ sữa cho cả 2 đứa béo háu ăn, chị ba Chu không dễ dàng tí nào.



Xem ra tháng tới phải tiến hành cho Tiểu Tô Tốn uống nước cháo loãng thôi, dù gì nó cũng đã đến tuổi ăn dặm.




Lúc này Chu Hiểu Mai kéo Lâm Thanh Hoà ra một góc thầm thì: “Chị tư, ra đây em nói cái này để cho chị chuẩn bị tâm lý trước. Khả năng chị Hiểu Cúc sẽ sang vay tiền đấy.”



Lâm Thanh Hoà sửng sốt: “Vay tiền gì?”



Chu Hiểu Mai: “Chị Hiểu Cúc đánh nhau với mấy bà chị dâu bên nhà chồng, anh rể còn bị ông anh cả nhà đó đánh cho vỡ đầu.”



Lâm Thanh Hoà khiếp sợ: “Cái gì?!”



Chuyện lớn như thế này mà nhà họ Chu bên này không nghe được một chút tiếng gió nào. Lâm Thanh Hoà vội níu tay áo hỏi làm sao Chu Hiểu Mai biết chuyện.



Chu Hiểu Mai đỏ mặt ngượng ngùng, gãi đầu nhỏ giọng nói: “À, chả là em đi bệnh viên lấy bao cao su, trùng hợp gặp chị Hiểu Cúc ở đó cho nên em mới biết.”



Gặp được em gái, Chu Hiểu Cúc trút bầu tâm sự muốn phân gia ra ở riêng, ngặt một nỗi không đủ tiền, hỏi vay Chu Hiểu Mai một ít.



Chu Hiểu Mai nói có thể cho mượn 30 đồng.




Nhưng 30 đồng nơi nào đủ. Chu Hiểu Cúc có tổng cộng 5 đứa con, bọn trẻ lớn hết cả rồi nên không thể chui rúc tạm bợ trong cái phòng quá chật hẹp được. Không giống trường hợp của cậu ba Lâm, tuy cậu cũng có 4 đứa con nhưng cả đám vẫn là lũ trẻ lít nhít cho nên ở trong một căn nhà mười mấy mét vuông vẫn thoải mái.



Lâm Thanh Hoà không quá để ý vấn đề này: “Ừ, để xem tới lúc đó thiếu đủ bao nhiêu. Nhà chị cũng có dư một khoản, có thể cho chị ấy mượn đỡ một ít.”



Chu gia có 2 cô con gái lớn, xét về mức độ cảm tình thì Chu Hiểu Quyên và Chu Hiểu Cúc thân với chị cả Chu và chị hai Chu hơn vì họ có thời gian tiếp xúc gần gũi, lúc Lâm Thanh Hoà gả về làm dâu, 2 chị cũng đã gả đi xa rồi, 1 năm chỉ gặp mặt nhau có 1 lần cho nên không có nhiều tình cảm lắm. Nhưng suy cho cùng vẫn là họ hàng, khó khăn thì phải ra tay tương trợ nhau, với lại cô cho em trai ruột mượn tiền mà bây giờ lại từ chối chị chồng thì coi sao được, sống vậy tệ quá!



Bởi vì đã biết chuyện của chị Chu Hiểu Cúc cho nên năm nay kế hoạch đành thay đổi. Chuyến du xuân đầu năm sẽ được chuyển sang ngày mùng 3, còn hôm nay mùng 2 Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách quyết định ở nhà chờ hai chị chồng.



Đúng như những gì Chu Hiểu Mai nói, lần này Chu Hiểu Cúc muốn về nhà mẹ đẻ mượn tiền. Cha mẹ chồng Chu Hiểu Cúc trước giờ luôn thiên vị con trai trưởng, hơn nữa bọn họ còn trông mong thằng cả phụng dưỡng lúc về già thành ra lần này đánh nhau hai ông bà bênh vực con trưởng ra mặt.



Chu Hiểu Cúc nhịn hết nổi, đòi phân gia. Cha mẹ chồng đồng ý ngay nhưng yêu cầu bắt buộc hàng năm phải đưa tiền phụng dưỡng và chỉ chia cho vợ chồng một chút lương thực và mấy chục đồng tiền thôi, còn lại đừng hòng lấy thêm gì.



Mặc dù biết bị xử ép nhưng Chu Hiểu Cúc vẫn cắn răng quyết định phân gia. Cô không muốn sống ở cái nhà đó thêm một ngày nào nữa.



Còn vấn đề phụng dưỡng, trước mắt thì cứ gật đầu cho được việc đã, một khi đã phân gia ra rồi, hiếu kính hay không hiếu kính hoàn toàn do cô quyết định, cứ đợi đấy mà xem!




Chu Hiểu Quyên và Chu Hiểu Cúc là người coi trọng thanh danh, sống dựa vào mặt mũi và sĩ diện, tính tình khác hẳn với cô em út. Chu Hiểu Mai có phần đanh đá bộc trực hơn.



Tuy nhiên hai người chị chồng này lại quá nhu nhược, yếu đuối và ba phải. Phàm những người như vậy, luôn luôn bó tay chịu trói, không dám đương đầu trước những khó khăn thử thách của cuộc sống. Lâm Thanh Hoà không thích lắm cho nên hạn chế qua lại. Vì thế mấy năm trước, vào ngày con gái về nhà mẹ đẻ lại mặt, Lâm Thanh Hoà cùng Chu Thanh Bách đều dắt các con vào thành chơi, chỉ để lương thực và thực phẩm lại cho ông bà Chu nấu nướng chiêu đãi con gái con rể ở bên Chu gia.



Hôm nay Chu Hiểu Cúc về đây. Lâm Thanh Hoà nhìn thấy một sự quyết tâm không hề nhỏ. Đúng là con giun xéo lắm cũng quằn, nhịn nhục tới đâu mà bị bức ép quá thì cũng tới ngày phải vùng lên.



Lần này chỉ có một mình Chu Hiểu Cúc về, chồng và con không về theo.




Lâm Thanh Hoà cho mượn 50 đồng. Cô còn nói thêm: “Nếu anh chị cất nhà mà muốn kiếm ngói thì có thể tới đây tìm Thanh Bách nhờ anh ấy hỗ trợ đi hỏi giúp cho.”



Chu Hiểu Cúc gật đầu đồng ý ngay.



May mà lần này có nhà mẹ đẻ trợ giúp chứ nếu không Chu Hiểu Cúc cũng không biết phải làm sao. Người lớn có thể chịu đói chịu rét được chứ bọn nhỏ thì không thể.



Đúng là lần này dọn ra, cô tính toán xây một căn nhà ngói, để cho đám anh em bên chồng mở to mắt ra mà nhìn Chu Hiểu Cúc cô đây không phải hạng dễ bắt nạt, cô vẫn còn cha mẹ đẻ, anh chị em ruột thịt bao bọc giúp đỡ.



Tức hận dồn nén bao năm, lần này Chu Hiểu Cúc phải vùng lên cho bằng được nên mới phải mượn nhiều tiền đến thế. Cô mượn Chu Hiểu Mai 30 đồng, Lâm Thanh Hoà 50 đồng, chị cả Chu và chị hai Chu mỗi người 20 đồng, chị ba Chu 10 đồng, Chu Hiểu Quyên 10 đồng. Tình hình chị Chu Hiểu Quyên đi làm dâu cũng chẳng khá khẩm hơn cô là bao thế nên chị ấy cho mượn 10 đồng cũng là tốt lắm rồi.



Mọi người đều đoán thể nào bà Chu cũng cho con gái mượn 1 ít nhưng cụ thể là bao nhiêu thì không ai dám dò hỏi.



Thực tế bà Chu cho vay không nhiều, chỉ 20 đồng mà còn nói rõ đây là cho mượn phải trả lại chứ không phải cho luôn.



Đây là tiền ông với bà tích cóp. Ban đầu tính để dành cho mấy đứa Đại Oa cưới vợ, mặc dù Lâm Thanh Hoà đã giải thích cặn kẽ rồi thế nhưng ông bà vẫn nhất quyết không tiêu. Dù sao người già có đồng tiền lận lưng vẫn yên tâm hơn, không phải sao?



Đây cũng là tâm tư chung của những người lớn tuổi. Cuộc đời có nhiều biến hoá khôn lường, lúc nào cũng phải đề phòng mọi bất trắc có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào. Họ không thích cái kiểu có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, sống như vậy rất bất an!



Chu Hiểu Cúc gom góp một vòng, kỳ thực vẫn chưa đủ nhưng nhà mẹ đẻ cho mượn nhiều như thế cũng là tốt lắm rồi.



Còn thiếu bao nhiêu, Chu Hiểu Cúc đi tới hỏi mượn mấy gia đình thân quen trong thôn.



Những lúc khó khăn cấp bách chính là lúc thể hiện xem nhân duyên của một người tới đâu. Nếu là người sống tử tế tốt bụng, hàng xóm sẽ sẵn sàng giúp đỡ mỗi người một ít.