Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 176: Cầu Được Ước Thấy




Vận khí của Chu Thanh Bách thật đúng là may mắn nghịch thiên.



Mới vào vụ được có mấy ngày mà anh đã bắt được một con thỏ hoang.



Toàn đội sản xuất hâm mộ muốn rớt tròng mắt.



2, 3 năm trở lại đây, hễ tới mùa gặt là thể nào Chu Thanh Bách cũng tóm được thỏ hoang. Thân thủ quân nhân, quả thật đáng gờm!



Ở các đại đội khác cũng có người bắt được thỏ, nhưng hãn hữu lắm, thành thật mà nói số người giống như Chu Thanh Bách, năm nào cũng bắt được, thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.



Xách con thỏ về tới nhà, anh bắt tay vào làm thịt, sơ chế sạch sẽ rồi mới giao cho vợ.



Lâm Thanh Hoà chỉ việc tẩm ướp gia vị rồi cho lên bếp hầm mềm là xong.



Con thỏ năm nay không béo bằng con thỏ năm ngoái nhưng hầm khoai tây vẫn thơm ngon như thường. Chỉ cần ngửi mùi thơm thôi cũng và vội được hai chén cơm chứ đùa.



Khoảng giữa vụ gặt, Chu Thanh Bách lại bắt được một con thỏ hoang nữa, con này đặc biệt béo hơn con trước rất nhiều.



Cái vận may này… thật là khiến người khác tức cái lồng ngực mà!



Lần trước chỉ để trong nhà ăn, lần này Lâm Thanh Hoà tặng 3 nhà anh chồng mỗi nhà 1 chén.



Đương nhiên khoai tây chiếm đa số, thịt thỏ chỉ 5, 6 miếng gọi là cho có mà thôi. Nhưng món ngon mà, chỉ cần chan một muỗng nhỏ nước súp béo béo ngậy ngậy là có thể đánh hết cả chén cơm.



Quan hệ giữa Lâm Thanh Hoà và chị hai Chu rất bình thường nếu không muốn nói là nhạt nhẽo nhưng anh hai Chu làm người không tệ. Dù sao vuốt mặt phải nể mũi, Lâm Thanh Hoà vẫn đưa một phần sang nhà anh hai.



Chu Lục Ni vừa ăn vừa âm dương quái khí: “Thím tư thật kỳ cục, sao đưa sang có mỗi tí ti thế này? Chú tư bắt được cả một con thỏ to đùng béo múp mà cho nhà ta có vài miếng thịt. Xìii.”



Chu Tam Ni nói ngay: “Đã được cho ăn còn chê bôi cái gì? Thím tư còn phải cho bên nhà bác cả với nhà thím ba nữa, có một con thỏ lấy đâu ra mà nhiều?”



Chu Lục Ni mồm mép không phải dạng vừa, đáp trả ngay: “Tôi có ăn của chị đâu, sao chị phải nhảy lên?!”



Chu Hạ: “Nếu chị chê ít thì đừng ăn, cho em đi.”



“Đừng hòng.” Chu Lục Ni vội vàng xúc phần của mình vào bát, nhồm nhoàm ăn lấy ăn để.



Chị hai Chu chỉ ngồi một bên nhìn, không gắp miếng nào nhưng cũng không nói gì.



Anh hai Chu thì chả suy nghĩ gì, ăn uống vô tư. Làm cả một ngày trời, mệt gần chết, giữa trưa chỉ có độc cái bánh bột ngô khô khốc lót dạ, bụng dạ đói méo hơi đâu mà nghĩ với chẳng ngợi.




No nê, anh hai Chu buông đũa, thở một hơi thoả mãn, chẹp chẹp miệng cảm khái: “Công nhận thịt thỏ ngon thật đấy.”



Chu Hạ hỏi cha: “Cha, sao cha không giống chú tư bắt một con thỏ về nhà mình ăn?”



Anh hai Chu: “Mày làm như thỏ hoang dễ bắt lắm không bằng?!”



Đừng nói tốc độ nhanh nhẹn mà phải có võ công nữa, vồ phát trúng ngay mới được. Nếu thỏ hoang dễ bắt thì nói làm đếch gì.



Ngon quá, no bụng rồi mà vẫn thòm thèm. Kể ra hơi ít, cả nhà được có vài miếng, không đã cái miệng lắm!



Nhà anh cả và anh ba Chu cũng nhận được chén thịt tương đương. Cả nhà chia nhau mấy miếng thịt nhưng ai cũng thích, tuyệt nhiên không có một ý chê bai hay ghét bỏ gì.



Chị cả và chị ba Chu còn đích thân sang tận nơi cảm ơn Lâm Thanh Hoà.



Lâm Thanh Hoà tỏ ý anh em trong nhà có gì đâu mà ơn với huệ.



Thật ra hai chị cảm ơn không phải chỉ có chén thịt thỏ hôm nay mà còn cảm ơn vì mỗi bữa trưa ăn cơm ngoài ruộng, Lâm Thanh Hoà đều đưa sang cho anh cả và anh ba Chu chén chè đậu xanh.



Lâm Thanh Hoà nấu chè đậu xanh mỗi ngày. Không phải là dạng nhiều đậu đặc sệt mà chỉ cốt ninh đậu xanh lấy cái nước uống cho giải nhiệt thôi.




Cuối thu, nắng đã sẫm lại thêm vài phần hanh khô, dễ làm cho con người ta mệt mỏi uể oải.



Lâm Thanh Hoà cười nói: “Từ giờ trở đi mà mỗi vụ thu hoạch đều bắt được hai con thỏ thì đỡ phải giết gà mẹ nhỉ, mấy con gà cứ để nuôi cho đẻ trứng thôi.”



Vốn dĩ vụ thu năm nay Lâm Thanh Hoà tính làm thịt một con gà. Đã làm công tác tư tưởng trước cho bà Chu để bà khỏi đau lòng rồi.



Thế mà bà vẫn tiếc mất mấy hôm, gà mái cứ nuôi để đó thì còn đẻ được bao nhiêu trứng, chứ giết cái ngoéo phát là tịt. Nhưng mà làm thịt bồi bổ cho con trai bà mà còn nói được gì.



Ai ngờ năm nay vận may kéo đến ùn ùn, Thanh Bách nhà bà bắt liên tiếp 2 con thỏ, coi như là đủ chất đạm.



Chu Thanh Bách ngồi gần đó nghe được mẹ với vợ nói chuyện thì lên tiếng: “Anh sẽ để ý.”



Lâm Thanh Hoà phì cười, cái ông tướng này thiệt tình…



Lại nói thỏ hoang đâu có dễ bắt, chúng nhanh nhẹn và tinh ranh số 1. Dọc dọc tới cuối vụ thỉnh thoảng cũng thấy bóng con thỏ xẹt qua nhưng không một ai bắt được.



Tháng 10, đương giữa vụ gặt, vợ cậu ba Lâm chuyển dạ. Lần này cầu được ước thấy, sinh đứa con trai.




Lâm Thanh Hoà tới thăm, cho một cặp móng giò, nửa cân thịt, chục trứng gà với hai phiếu vải.



Cô nói: “Đợi gặt xong vụ này bảo thằng ba vào thành cắt lấy miếng vải về may cho mấy đứa cháu gái của chị mỗi đứa một bộ quần áo mới.”



Từ ngày lên làm giáo viên, cô đường đường chính chính được phát phiếu gạo và phiếu vải. Phải nói là phúc lợi cho giáo viên rất tốt. Chẳng trách nhóm thanh niên trí thức canh me chằm chằm, tranh nhau sứt đầu mẻ trán.



Mợ ba Lâm nói: “Chị, sao chị cho nhiều đồ thế?”



Lâm Thanh Hoà: “Có gì đâu mà nhiều, dưới bếp chị đang hầm nồi móng giò đậu phộng cho mợ rồi. Đợi lát nữa lửa tàn là vừa nhừ. Ăn cái này mẹ mới có nhiều sữa cho em bé bú.”



Mợ ba ở cữ không cần ai tới giúp vì cô con gái đầu lòng năm nay đã lên 7.



Ở nông thôn, cô nương 7 tuổi đã có thể một mình đảm đang chuyện bếp núc, biết thu vén mọi việc từ trong nhà tới ngoài ngõ rồi.



Vì thế hôm nay Lâm Thanh Hoà đưa đồ sang, giúp hầm 1 nồi đậu phộng móng heo, còn lại giao hết cho nhóm cháu gái là được. Cô cũng không tính toán xen vào quá nhiều.



Chiếu theo mức sống thời này, lễ vật thăm bà đẻ của Lâm Thanh Hoà hôm nay là quá nhiều.



Em dâu chị chồng nói chuyện một lúc, Lâm Thanh Hoà không ngồi lại lâu lắm, sau khi hướng dẫn xong cho đứa cháu gái lớn cách trông lửa canh nồi rồi chào ra về.



Lúc Lâm Thanh Hoà tới chơi, cậu ba Lâm không có nhà. Chạng vạng tối trở về cậu mới nghe vợ kể hôm nay chị Thanh Hoà tới thăm, còn mang cho bao nhiêu quà.



Mợ ba nói: “Bây giờ nhà chị ấy ăn chung với cha mẹ chồng. Không biết chị ấy cho bên này nhiều đồ thế này, mẹ chồng có khó dễ gì không?”



“Không sao đâu, chị Thanh Hoà giờ làm giáo viên, có tiền lương.” Ngẫm nghĩ một lát, cậu ba Lâm bổ sung: “Để xong vụ này, anh đi lên rừng bắt con gà về cho chị ấy.”



Mợ ba Lâm: “Ừ, anh cố gắng kiếm nhá. Đừng để chị bị khó xử.”



Cô rất cảm kích chị Thanh Hoà. Chị đã lo cho nhà cô rất nhiều.



Thế cho nên, mối quan hệ này nhất định phải giữ chắc. Chị ấy giỏi giang như vậy, tương lai chắc chắn sẽ sẵn lòng giúp đỡ nhà cô thêm nữa.



Vì thế, không thể ngửa tay nhận không được. Trong nhà có đồ gì tốt, dù ít dù nhiều cũng nên đưa qua gọi là có chút tâm ý, không phải đó là điều nên làm sao?



Mợ ba nói thêm: “À, chị Thanh Hoà dặn anh năm nay lương thực không cần thu mua nhiều. Chỉ cần 30 cân lúa mì loại 1 là được.”



“Ừ.” Cậu ba Lâm gật đầu tỏ ý đã biết.