Vào một buổi sáng, trong tiết trời ấm áp, chen chân giữa dòng người lũ lượt kéo nhau đi vào thành Giang Nam (thành này là một thành phố nhỏ ở ngay cửa ngõ đi vào miền Giang Nam rộng lớn và trù phú. Do là địa đầu của Giang Nam nên dân cư bản địa gọi tên thành này là thành Giang Nam hầu báo cho khách thập phương biết rằng, hễ đã đặt chân đến đây, đến thành này kể như là đã được đến Giang Nam rồi) là một hiệp khách thiếu niên.
Là hiệp khách vì thiếu niên này đang vận một bộ võ phục tuyền một màu đen tang tóc, vác trên vai một thanh trường kiếm đã bị han rỉ vài chỗ, đầu kia của thanh trường kiếm cũng được quấn gọn, nhỏ cũng bằng vải đen. Đầu tóc được búi gọn, cuộn lại thật chặt bằng một dây vải cũng màu đen. Gọi chàng là hắc y hiệp khách thì mới đúng nghĩa. Với vẻ ngoài lạ đời đó, thanh kiếm kỳ quặc đó, Hắc y hiệp khách cố giữ khuôn mặt non tơ thật trầm tĩnh mỗi khi bắt gặp cái nhìn khó chịu và chòng chọc của người đi đường xạ vào.
Và càng khó chịu hơn khi có người chẳng những nhìn mà còn nói lời châm chích :
- Xem thằng oắt con đó kìa, tài cán bao nhiêu mà dám vác kiếm đi nghênh ngang thế kia. Hừ! Trông thật chướng mắt!
- Ha ha ha! Ngươi không có mắt sao? Thanh kiếm cùn đó mà võ nghệ gì? Có chăng là hắn ta đang định đem kiếm đi bán thì có. Ha ha ha...
- Bán? Ai mua thanh kiếm rỉ đó mà hắn bán? Giết kiến còn không được thì họa là có điên mới có người mua.
- Hà... hà... hà... không điên đâu, thanh kiếm đó vẫn còn chỗ diệu dụng đấy chứ.
- Diệu dụng gì mà diệu dụng, hay là ngươi đã nhìn được đó là kiếm báu? Vô lý! Ngữ đó mà có kiếm báu sao?
- Ha ha ha! Báu đâu mà báu, là ta muốn nói là nếu đem thanh kiếm đó làm dao chẻ củi thì cũng diệu dụng. Ha ha ha...
- Ha ha ha... hữu lý, hữu lý!
Cứ thế đám khách nhân giang hồ đó gồm một bọn ba tên, lưng cũng mang trường kiếm, vừa đi ngay phía sau hắc y hiệp khách vừa cợt nhả châm chọc, rõ là bọn chúng muốn kiếm chuyện gây hấn rồi. Nhưng bọn chúng dần dần cụt hứng khi thấy đã châm chọc đến thế mà tay nọ vẫn như để ngoài tai, vẫn không nổi giận, không phản ứng gì.
Dường như không muốn bỏ dịp vui này là vui vẻ với bọn chúng, nên bọn chúng không nhanh không chậm vẫn tiếp tục đi theo hắc y hiệp khách nọ.
Việc đang diễn tiến không hiểu Hắc y hiệp khách biết hay không mà tay hiệp khách Hắc y đó vẫn cứ điềm tĩnh dấn bước.
Ở phía sau, bọn ba tên vẫn lải nhải châm chọc :
- Oắt con này chắc không nghe bọn mình nói gì đâu, có lẽ hắn bị điếc rồi.
- Không những điếc mà có lẽ hắn cũng câm nữa.
- Ha ha ha... Lung Á hắc y đại hiệp! Ha ha ha...
- Lung đại hiệp, Á đại hiệp! Hay lắm! Danh hiệu này cũng oai đấy chứ, Ha ha ha...
Tay hắc y hiệp khách dẫu có nghe đi chăng nữa vẫn cứ một mực điềm tĩnh, giả tảng như không hay, không biết, cứ tiếp tục đi.
Nhưng bọn ở phía sau vẫn không chịu buông tha, cứ tiếp tục chọc ghẹo.
Tay Hắc y hiệp khách chừng như không chịu nổi nữa, đã phải dừng chân lại.
Bọn ở phía sau hí hửng, ngỡ rằng đã đến lúc sôi nổi hào hứng rồi
Nhưng không phải thế, tay Hắc y hiệp khách một là không dám gây sự, hai là muốn tránh xa bọn người này bèn tạt ngang bước thẳng vào một tửu điếm nhỏ bên đường. Vào giờ này, chỉ mới là giờ thìn mà tay Hắc y hiệp khách đặt chân vào tửu điếm đúng là tréo ngoe cẳng ngỗng. Nhưng chỉ còn mỗi cách thế và Hắc y hiệp khách cũng biết thế, nên hy vọng rằng bọn kia sẽ không theo chân trừ phi bọn chúng cố tình gây hấn, cố tình làm một điều kỳ cục là bước vào tửu điếm vào giờ này như Hắc y hiệp khách.
Quả là như vậy, đúng là bọn kia cố tình muốn kiếm chuyện thật, khiến cho tay quản lý và mấy tên tửu bảo trong tửu điếm hết sức kinh ngạc.
Hai tên tửu bảo cố kiềm nén sự kinh ngạc mà chạy ra, lăng xăng lau bàn lau ghế và rối rít hỏi :
- Khách nhân dùng gì?
- Mời ngồi! Mời ngồi! Khách nhân muốn dùng điểm tâm à?
Không hiểu tay Hắc y hiệp khách có đúng là lung á như bọn kia đã nhận định hay không, chỉ lẳng lặng gật đầu, hàm ý tán đồng với lời gợi ý dùng điểm tâm của tên tửu bảo.
Còn ba tên nọ bắt buộc phải lên tiếng vì tên tửu bảo thứ hai đã hỏi xem bọn chúng muốn dùng gì kia mà. Một tên trong bọn bèn nói :
- Có món nào điểm tâm được thì mang lại đây cho bọn ta. Còn đứng đó hỏi cái gì, Đi!
Là tửu bảo thì làm gì dám đụng chạm với bọn giang hồ được, nên tên tửu bảo nọ đã phải cúi đầu vâng dạ trước tính khí thất thường của ba tên đó.
Đúng là tính khí thất thường thật, vì một tên trong bọn đã quay lại đầu đề cũ lúc nãy.
Hắn bảo đồng bọn :
- Ê! Hay là tên tiểu tử đó điếc thật?
- Điếc sao mà điếc? Ngươi không thấy tên tiểu tử đó nghe được tên tửu bảo nói đó sao?
- Vậy là hắn khinh thường bọn mình, hắn không xem Hoa Sơn phái chúng ta ra gì hết. Các ngươi tính sao đây? Có nên dạy cho hắn ta bài học không hử?
- Thôi! Bỏ đi! Nhìn kìa! Có đối tượng khác để làm trò rồi kìa.
- Đâu? Đối tượng nào khác đâu?
- Đó, không phải có người đang bước vào đó sao? Nhìn xem xem, xem có giống không?
Cả ba tên đồng quay nhìn ra cửa, tay Hắc y hiệp khách đúng là không có điếc cũng đã nghe và cũng quay đầu nhìn ra.
Một giai nhân có vóc dáng đẹp tuyệt trần đang từ từ bước vào tửu điếm, nhưng gương mặt của giai nhân đó thì đúng là không thể nào xấu hơn được. Thân thì thân ngọc, vóc thì vóc ngà, mảnh mai như tơ liễu, mà nhan sắc thì không khác nào xú quỷ. Quá xấu, xấu không thể tưởng, thảo nào tên nọ vừa hỏi đồng bọn xem giai nhân có giống không? Là ý hắn muốn hỏi có giống ác quỷ không đấy mà!
Hai tên kia vừa nhìn thấy nhan sắc này, bèn khả ố cười lên trêu cợt :
- Hố! Hố! Hố...
- Hí! Hí! Hí... Xú cô nương! Xú cô nương từ động tiên nào lạc bước lên dương trần vậy? Hí hí hí... hay là xú cô nương muốn tìm cho mình một đấng phu quân? Đây, đây! Tại hạ xin tự nguyện là ông tơ bà nguyệt dẫn tiến quý cô nương một vị lang quân xứng đôi nhé. Hí hí hí...
- Phải rồi,! Hay lắm, một đàng là xú cô nương, một bên là... Ha ha ha... một bên là Lung Á đại hiệp, quả là xứng đôi, đúng là trai tài gái sắc...
- Câm ngay, Bọn ngươi đúng là phường bại hoại, thối tha! Ai động chạm gì các ngươi mà bọn ngươi lắm mồm thế? Người ta tuy là quỷ diện nhưng lại có nhân tâm, còn bọn ngươi thì ngược lại, bọn ngươi có nhân diện nhưng lại chứa đầy quỷ tâm. Ta hận không thể giết hết những hạng người như bọn ngươi.
Hóa ra là Hắc y đại hiệp khách không lung, không á, không điếc, không câm. Hắc y hiệp khách đã không chịu nổi thái độ vô sỉ này của bọn chúng. Chẳng thà bọn chúng châm chọc Hắc y hiệp khách thì Hắc y hiệp khách còn cố chịu được, nhưng đây lại là chòng ghẹo một nữ nhân chân yếu tay mềm, vô phương thế tự vệ. Do đó, Hắc y hiệp khách đã vỗ mạnh vào cái bàn cắt ngang những lời khó nghe của bọn chúng lại còn mắng như tát nước vào bọn chúng nữa khiến cho bọn chúng ba tên đỏ mặt phừng phừng lên vì thẹn và vì giận nhưng đúng như lời Hắc y đại hiệp vừa nói, dù có muốn giết bọn này không sao thực hiện được vì... lực bất tòng tâm!
Hiểu được điều này, hiểu được sự yếu thế của tên tiểu tử láo xược, ba tên nọ rừng rừng đứng lên. Cả ba đều chạy đến vây kín quanh tay Hắc y hiệp khách lại.
Một tên nhanh tay đã vỗ ra một quyền vào chính diện của Hắc y hiệp khách :
- Cho ngươi chết này!
Vù! Bình!
Dù sao, Hắc y hiệp khách cũng không hổ là người trong giới giang hồ khi dám vác trên vai thanh trường kiếm. Hắc y hiệp khách vội vàng khoa tay, gạt quyền của tên nọ ra, đồng thời đáp lễ lại tên nọ một quyền! Nhưng tên nọ đâu dễ gì chịu ở thế hạ phong. Khi thấy hữu quyền bị cái khoa tay của đối phương gạt đi, hắn bèn tống nhanh tả quyền, chọi thẳng vào hữu quyền của Hắc y hiệp khách đang lao đến. Hai quyền chạm vào nhau kêu lên một tiếng rõ to. Và sự thắng bại lập tức được minh định.
Tên nọ thì vẫn đứng yên một chỗ, thân hình bất động, còn Hắc y hiệp khách thì bị đẩy lùi ra sau. Bị vấp vào chiếc ghế ngay sau lưng nên tay Hắc y hiệp khách liền ngã ngửa ra, chổng bốn vó lên trời.
Ầm! Xoảng...
Hai tên còn lại, một tên thì tung cước đá bay chiếc bàn làm thức ăn bên trên bay văng tứ tung, còn một tên thì lao nhanh thanh trường kiếm mà hắn đã kịp thời rút ra, dù bọn chúng đông nhân số hơn, đâm vào người Hắc y hiệp khách.
Vút...
May nhờ cái ngã ngửa bất ngờ nên Hắc y hiệp khách đã tránh được mũi kiếm của tên võ sĩ nọ trong gang tấc!
Nhưng kiếm pháp Hoa Sơn đâu chỉ có thế. Tên nọ thấy đối phương may mà tránh thoát, hắn bèn gầm lên một tiếng, đồng thời kéo thanh trường kiếm xuống phía dưới, định chỉ một nhát lia ngang là sẽ tiện đứt hạ thân đối phương.
- Chết này!
Vút... Vút...
Những tưởng Hắc y hiệp khách chịu thúc thủ, nào ngờ sẵn hai chân đang đưa lên cao, Hắc y hiệp khách cong vút lên trên đầu, nhượng cho trường kiếm của tên kia chém hụt vào khoảng không, rồi nhanh như chớp giật, Hắc y hiệp khách búng hai chân mạnh về phía trước, với sức đẩy của song thủ, thân hình Hắc y hiệp khách lập tức đứng ngay dậy ngay khi trường kiếm của tên kia lướt qua. Nhân đà, Hắc y hiệp khách vỗ vào Đan Điền của tên nọ một quyền cực mạnh.
Đã nói về quyền pháp ắt phải nói đến quyền phong, phải nói nội lực. Chỉ cần quan sát cú chạm quyền ngay lúc đầu tên nọ đã biết ngay cân lượng của Hắc y hiệp khách. Do đó hắn đã không một chút nao núng khi cố tình vận khí về Đan Điền, chịu cho quyền phong của Hắc y hiệp khách chạm mạnh vào.
Bùng...
Đối phương thì bình chân như vại, còn Hắc y hiệp khách lại có cảm giác là cánh tay đã không còn là của mình nữa. Hữu thủ rát bỏng lên sau khi chạm vào luồng nội kình được đối phương đưa xuống Đan Điền, còn các khớp xương thì như rã rời ra, đau không thể tưởng.
Còn chưa hết, còn đang nhăn mày nhăn mặt vì đau thì Hắc y hiệp khách thấy thân hình chợt như hóa đá vì trường kiếm của đối phương đang lao nhanh như chớp vào ngay tâm thất của bản thân.
- Thế là hết đời rồi Cừu Thạch ơi!
- A!
- Ái! Cái gì vậy?
- Hự! Ối chao!
Cừu Thạch, Hắc y hiệp khách chính là Cừu Thạch đang trên đường xuôi Nam do biết rằng đời mình đến đây đã tận nên nhắm tịt mắt lại không dám chứng kiến thanh trường kiếm oan nghiệt kia đâm vào người. Và Cừu Thạch không kiềm được tiếng hét kinh hoàng vì không những đang bị trường kiếm phía trước uy hiếp sanh mạng mà thôi, ở phía sau, Cừu Thạch cũng đã kịp phát hiện có tiếng kình phong xô đến. Thế là tiền hậu gì cũng bị giáp công làm sao Cừu Thạch lại không kinh hoàng.
Thế nhưng tiếng hét vừa phát ra khỏi miệng thì Cừu Thạch đã nghe liền một lúc hai tiếng la hoảng nữa. Mà chủ nhân của hai tiếng la đó không ai khác chính là hai tên đang công vào Cừu Thạch
Quá đỗi bất ngờ, Cừu Thạch liền hé mắt nhìn thì thấy tên đứng trước mặt mày nhăn nhó, trường kiếm vẫn còn cầm trên tay, nhưng lại buông rũ xuống, còn tại hổ khẩu tay cầm kiếm của hắn thì đang phấp phới một dải vải trắng nhỏ dài độ hai thốn
Liếc nhìn lại phía sau Cừu Thạch phát hiện ra có đến ba người. Hai người thì là đồng bọn với tên cầm kiếm đứng trước mặt Cừu Thạch. Hai tên này thì một đang dùng tay chụp lấy bờ vai hữu của hắn, vì bờ vai hữu của hắn ngay huyệt Kiên Tĩnh cũng đang phấp phới dải vải trắng giống như trường hợp tên cầm kiếm, còn tên kia thì mặt mày xám ngoét, vừa liếc nhìn đồng bọn trong phút chốc đã bị người hạ thủ, vừa len lén nhìn người thứ ba là một nữ nhân đang đứng im ngay trước mặt hắn
Nữ nhân này, theo hướng nhìn của Cừu Thạch là nhìn nghiêng, nhưng Cừu Thạch cũng dễ dàng đoán được nữ nhân nọ chính là người mà bọn chúng vừa trêu chọc là Xú cô nương
Hóa ra nữ nhân đó không phải là hạng chân yếu tay mềm như Cừu Thạch nghĩ, trái lại, bản lãnh Trích Diệp Phi Hoa của cô nàng vào bậc này còn cao hơn Cừu Thạch không biết bao lần mà nói. Vậy mà do Cừu Thạch là hạng ếch ngồi đáy giếng đã vội vàng ra tay nghĩa hiệp, chút nữa là đã chuốc họa vào thân rồi
Ngượng chín người vì bị hố, thẹn đỏ mặt vì bản thân là nam nhi đại trượng phu thế mà bản lãnh không ra gì so với nữ nhân nên Cừu Thạch lách người sang một bên, nhặt lấy thanh kiếm rỉ và tay nải, không nói một lời, bỏ đi một mạch!
Vừa đặt chân đến ngưỡng cửa, Cừu Thạch có hơi khựng người lại một chút khi nghe một trong ba tên nọ lên tiếng ấp úng hỏi nữ nhân kia :
- Cô nương đây là... là... là Bạch Phướng chủ... chủ nhân?
Cừu Thạch càng thấy rúng động tâm can hơn khi nghe giọng nói khó nghe của nữ nhân kia đáp lại :
- Phải, tội xúc phạm đến bản nhân các ngươi có biết sẽ bị xử như thế nào không?
Trong thâm tâm, Cừu Thạch hiểu được ngay đây là Xú cô nương mà dưỡng phụ đã nói đến khi người cùng bọn giang hồ có mặt tại Diệp Lạc miếu Lữ Lương sơn để tranh đoạt Diệp Lạc kinh. Và vì Cừu Thạch đã nghe dưỡng phụ nhắc đến tuyệt kỹ và bản tánh ghét kẻ ác như kẻ thù của chủ nhân Bạch Phướng Khô Lâu Ký nên Cừu Thạch không còn lý do nào để lưu lại nữa. Bọn bại hoại kia thế nào cũng bị trừng phạt không sao tránh khỏi. Cừu Thạch còn có việc phải làm, có chủ đích để đi nên không thể lưu lại ở đây xem hết tấn tuồng này
Thế là tay nải treo trên kiếm, trường kiếm vác trên vai, Cừu Thạch xăm xăm bước đi
Được ước chừng năm dặm đường thì Cừu Thạch bỗng thấy có người đứng chắn lối đi, ngước nhìn lên, Cừu Thạch kinh ngạc kêu lên một tiếng :
- Là cô...
Ngừng ngang tiếng kêu vì Cừu Thạch thấy đối phương không có một biểu hiện gì là vui mừng hay biết ơn sau những hành động mới rồi của Cừu Thạch, ngoài cái gườm gườm xạ vào người Cừu Thạch
Do không hiểu ý tứ của đối phương, nên Cừu Thạch bèn lên tiếng :
- Ra cô nương là chủ nhân Bạch Phướng Khô Lâu Ký, hân hạnh! Bọn bại hoại nọ chắc cô nương đã xử trí xong
Nửa như chào mà như không chào, nửa như hỏi mà như không hỏi. Thế mà Cừu Thạch nói xong vẫn thấy thần sắc đối phương vẫn không thay đổi. Ngoại trừ việc đối phương đã chịu lên tiếng :
- Nghe ngươi nói thì hay lắm, nào là Xú diện Nhân tâm, thế nhưng ngươi cũng không dám tiếp cận ta. Tại sao vậy? Miệng ngươi nói một đằng mà lòng ngươi thì nghĩ một nẻo ư?
- Tiếp cận? Cô nương nói gì tại hạ không hiểu? Ai nói một đằng nghĩ một nẻo chứ?
- Vậy sao khi ngươi được ta giải vây xong, không nói một lời cảm tạ đã bỏ đi? Còn nữa, khi ngươi nghe thấy ta là chủ nhân Bạch Phướng Khô Lâu Ký thì ngươi lại còn bỏ đi nhanh hơn hử? Không phải là ngươi không muốn tiếp cận ta là vì ta là Xú diện hay sao?
Sắc mặt đã khó coi, thanh đã khó nghe, vậy mà lời lẽ của cô nàng xem ra còn khó nghe hơn gấp bội. Cừu Thạch như muốn dở khóc dở cười khi nghe cô nàng hỏi thật trớ trêu nghịch nhĩ. Cừu Thạch phải kiềm lòng lắm mới không phá cười lên và đáp :
- Lời cô nương trách thoạt nghe thì hữu lý lắm, nhưng tại hạ xin hỏi cô nương mấy điều. Thứ nhất, vì ai mà tại hạ phải ra tay, đến nỗi biết mình không bằng người, biết rằng sẽ phải chuốc họa vào thân mà tại hạ cũng phải ra tay? Thứ hai, thân phận cô nương là thế, võ công cô nương là thế mà bảo tại hạ phải tiếp cận cô nương là sao? Cô nương không thấy là cô nương đã dụ tại hạ vào tình thế khó xử đó sao? Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Cô nương nên nhớ cho điều này, còn nữa. Thứ ba là... Mà thôi, ngôn xuất bất tận ý. Tại hạ không nói chắc cô nương cũng tự hiểu. Cáo từ!
- Đứng lại, Hừ! Không lượng sức mình, hậu hoạn tự gánh lấy, còn bảo là vì ta, còn quay ngược lại trách cứ ta! Điều thứ ba ngươi muốn nói là điều gì? Ngươi hãy mau nói mau, không đừng trách bản nhân ta hạ thủ không dung tình
Vừa lách người sang một bên định tiếp tục đi thì Cừu Thạch đã phải quay ngoắt người lại, đối diện với cô nàng, không chút sợ sệt dù cho cô nàng đã lên tiếng hăm dọa, Cừu Thạch trầm tĩnh hỏi lại :
- Cô nương thật lòng muốn nghe?
- Ngươi cứ nói, nếu ngươi không muốn chết!
- Ha... ha... ha...
- Câm ngay! Tại sao ngươi lại cười? Hay là ngươi đã chán sống rồi?
- Hừ! Vậy mà tại hạ lại nghe người trong giang hồ đồn rằng chủ nhân Bạch Phướng Khô Lâu Ký tuy có ra tay rất tàn độc nhưng không hề giết người vô tội. Hóa ra lại không phải là như vậy! Hừ!
- Sao lại không phải chứ?
- Tại hạ đã phạm tội gì với cô nương? Hay là cô nương ỷ vào bản lãnh hơn người, muốn gán ghép tội cho ai cũng được?
- Thì ngươi...
- Tại hạ sao? Nước sông nước giếng đâu chạm nhau. Đường tại hạ đi, tại hạ đi. Tại hạ đụng phạm gì với cô nương mà hễ mở miệng ra là cô nương đòi giết chứ? Tại hạ nói không đúng sao?
- Được, mồm mép của ngươi cũng khá lắm, đởm lược cũng khá lắm. Nhưng... dù sao, ngươi có gan sao không nói luôn điều thứ ba cho ta nghe xem sao?
- Nói chứ! Nếu cô nương muốn nghe. Tại hạ đường đường là nam tử hán, đầu đội trời chân đạp đất, điều mình cho là đúng tại sao lại không dám nói cơ chứ? Nghe đây, điều tại hạ muốn nói là... ước mong sao cô nương tuy là Xú diện nhưng đừng có Quỷ tâm là được rồi! Bằng không...
- Ngươi...
- ... Bằng không cô nương có khi còn tệ hơn bọn người nhân diện quỷ tâm kia! Cáo biệt!
Bước đi được mười trượng hơn Cừu Thạch mới nghe hú hồn, như người vừa vượt qua được Quỷ môn quan vậy! Rõ ràng là Cừu Thạch đã quá liều lĩnh, gan dạ đến mức xem trời bằng vung. Nếu như vị cô nương nọ không vì quá sững sờ, không vì đuối lý khi nghe những lời nói xuất ngôn như phá thạch của Cừu Thạch thì có lẽ tính mạng của Cừu Thạch kể như là xong!
Thoát lần này, Cừu Thạch thầm hứa với lòng, Cừu Thạch sẽ không ngu dại như thế nữa. Chọc cho một người phải nổi xung lên thì có khi họ sẽ không còn nghĩ gì đến đạo lý nữa. Đến lúc đó, dù cho Cừu Thạch có trưng ra thật nhiều đạo lý đi chăng nữa thì cũng bằng thừa mà thôi. Một lần này thôi là quá đủ rồi
Soạt!
- Dừng lại đã nào!
Vậy là, tưởng đã thoát nhưng mà không phải. Một lần nữa sanh mạng của Cừu Thạch đang trong tình thế chỉ mành treo chuông!
Bậm gan Cừu Thạch lên tiếng hỏi khi nhìn thấy vị cô nương nọ đã lao đến và đứng chắn ngang đường :
- Cô nương còn điều gì muốn chỉ giáo?
- Đởm lược lắm! To gan lắm! Lần thứ nhất trong đời, ta mới thấy có người đứng trước mặt ta nói lên như vậy!
- Cô nương thứ cho! Trung ngôn nghịch nhĩ!
- Ngươi không sợ ta à?
s
- Sợ cũng chết, không sợ cũng chết, nếu cô nương cứ làm, bất chấp đạo lý!
- Ngươi không khinh ta?
- Tại sao lại khinh, khi cô nương là người có nhân tâm?
- Ngươi không ghét ta sao?
- Tại sao lại ghét?
- Vì ta là... Xú nữ?
- Hừ! Cô nương nói sai rồi! Đành rằng phàm những ai có sắc diện đẹp đẽ thường làm cho mọi người thương mến. Và đã là người thì ai mà lại không chuộng cái đẹp. Nhưng tại hạ thì khác, tại hạ nghĩ khác.
- Vậy ngươi có chịu kết bạn với ta không?
- Không!
- Ngươi...
- Khoan đã! Cô nương hãy chờ nghe tại hạ giải thích đã!
- Giải thích đi! Nếu ngươi nói không thông thì...
- Cô nương lại hăm dọa nữa rồi! Há cô nương không biết rằng tại hạ vốn là người không thích bị hăm dọa hay sao?
- ...
- Cô nương... nghe đây! Phàm những ai muốn kết bạn thì phải có những cái chung. Còn giữa cô nương và tại hạ không có cái gì chung cả. Mục đích thì đương nhiên khác nhau, hoàn toàn riêng biệt. Cô nương là nữ, tại hạ là nam. Khác nhau! Cô nương có võ công cao cường, tại hạ quá kém cỏi. Khác nhau! Vậy đó! Còn nếu giữa những người không có điểm nào chung lại muốn kết bạn với nhau tất có ý đồ, có mưu cầu một điều gì đó có lợi cho mình. Cô nương kết bại với tại hạ thì cô nương hoàn toàn bất lợi vì tại hạ không có cái gì để cô nương lợi dụng. Vật trân quý thì không có, võ công thì thua sút so với cô nương, xuất thân thì hèn kém. Ngược lại, được kết bạn với cô nương, tại hạ có muôn vàn điều lợi, nhưng tại hạ không có ý lợi dụng ai, không thích cầu cạnh ai. Nên xin cô nương đừng giận khi tại hạ bảo tại hạ không muốn kết bạn với cô nương!
- Nhưng chính đây là ta tự nguyện kia mà!
- Cũng vậy! Cầu cạnh hay được giúp đỡ thì cũng như nhau. Tại hạ vẫn kiên quyết từ chối!
- Vậy theo ngươi thì chừng nào ngươi mới dám kết bạn cùng ta?
- Khi nào giữa hai chúng ta có một điểm nào đó chung, hoặc giả tại hạ có võ công cao bằng hoặc hơn cô nương thì lúc đó tại hạ mới dám nghĩ đến điều này.
- Sao lại cao hơn? Nhỡ khi do ta lại bảo là ta không muốn cầu cạnh ngươi nên không thèm kết bạn cùng ngươi thì ngươi nghĩ sao?
- Nữ hơn nam là điều khó coi. Còn nam hơn nữ đó là chuyện thường tình
- Được! Lý lẽ hay lắm! Để xem lúc đó ngươi có giữ lời không cho biết, kẻo lại trách ta là...
- Cô nương lại hăm dọa...
- Ta quên! Vả lại ta đã quen miệng mất rồi, vì không phải người khác có cách đối xử như ngươi đâu! Nè! Ngươi tên là gì vậy? Còn danh tánh của ta là là Khả Mỹ Dung! Ngươi xem, giữa danh tánh và sắc diện của ta có tức cười không, có thấy chênh lệch quá đáng không?
- Không! Dung ở đây là chỉ về tấm lòng, chứ không phải là chỉ sắc diện bên ngoài. Khả Mỹ Dung, cái tên mới hay làm sao, có ý nghĩa lắm. Nếu cô nương giữ đúng như lời tại hạ vừa nói lúc nãy thì đúng là cô nương có tấm lòng Khả Mỹ Dung! Được rồi, dù sao tại hạ cũng biết tên của cô nương, vậy thì tại hạ xin đáp lễ lại... Cừu Thạch là đơn tánh, đơn tánh của tại hạ. Cô nương thấy thế nào?
- Cừu Thạch? Có họ Cừu ư?
- Có chứ! Dưỡng phụ của tại hạ là Cừu Dĩ Đào kia mà!
- Dưỡng phụ? Thế còn phụ thân ngươi đâu? Sao không mang họ của đấng sinh ra mình? Lạ vậy?
- Gia gia của tại hạ là... vô danh. Tiên mẫu đã bảo thế thì tại hạ đành biết thế.
- Tiên mẫu, hóa ra ngươi...
- Phải! Tại hạ đã nói rồi, xuất thân tại hạ hèn kém lắm! Cáo biệt!
Dường như không chịu nổi những câu hỏi liên tu bất tận của Khả Mỹ Dung và không muốn nàng gợi lại cái chết bi thương của mẫu thân và dưỡng phụ nên Cừu Thạch đã một lần nữa lách người bước đi
Lần này Khả Mỹ Dung không ngăn cản. Nàng ta chỉ kêu lên hỏi với theo Cừu Thạch :
- Ê! Ngươi định đi đâu vây?
- Kim Lăng!
Kim Lăng là một vùng phụ cận của Giang Nam, nằm chệch về phía Bắc, không cần hỏi thêm Khả Mỹ Dung cũng đã hiểu Cừu Thạch tại sao lại đi về đó rồi!
Vì chỉ độ mười lăm ngày nữa thì một cuộc thịnh hội võ lâm sẽ được diễn ra tại Kim Lăng. Và thịnh hội lần này nếu diễn ra tốt đẹp thì hiện tình võ lâm Trung Nguyên sẽ trở lại thời kỳ thanh bình trước đây dưới thời La minh chủ. Bằng ngược lại, những phân tranh giữa các môn phái với nhau, giữa hai phe Hắc đạo và Bạch đạo sẽ lại tiếp diễn với tình hình mỗi lúc mỗi gay gắt hơn, nguy hiểm hơn.
Đó là thịnh hội để chọn cho võ lâm Trung Nguyên một Minh chủ
Đứng nhìn theo bóng dáng của Cừu Thạch, Khả Mỹ Dung nhoẻn miệng cười thần bí, đoạn nàng vút bổng người lên cao, phi thân đuổi theo chàng!