Đại La là vòng tường đất bao bọc ngoài cùng Thăng Long với hai mươi cổng phân bổ tại bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Vào đến bên trong Hoàng Thành thì số lượng cổng chỉ còn bốn gồm Diệu Đức ở phía Bắc, Tường Phù ở phía Đông, Đại Hưng ở phía Nam và Quảng Phúc ở phía Tây(1). Còn Cấm Thành, khu vực trong cùng là nơi ở của đức vua thì có đúng một cổng duy nhất để ra vào là Dương Minh Môn.
Hoàng Thành tuy diện tích khá lớn nhưng cổng Quảng Phúc vốn rất gần Dương Minh Môn, con Đông A Xích Thố chỉ sải vó dăm ba bước là Nhật Duật đã ở trên cầu Đoạn Nguyệt. Qua cầu, Duật kìm cương con ngựa chỉ cho nó phi nước kiệu. Dương Minh Môn trong chốc lát đã hiện ra sừng sững trước mặt chàng.
Cổng Dương Minh thời Trần chính là Ngũ Phượng Lâu thời Lý đóng vai trò cổng chính nam của Cấm Thành, lối ra vào duy nhất giữa Cấm Thành và Hoàng Thành. Cổng Dương Minh có kiến trúc dạng môn các. Bên dưới là môn gồm có Dương Minh ở giữa, Nhật Tân ở bên trái, Vân Hội bên phải. Bên trên là gác được gọi là gác Triều Thiên. Cổng Dương Minh ở giữa luôn đóng im ỉm, chỉ dành cho đức vua và thượng hoàng. Cổng Nhật Tân bên trái dành cho văn võ bá quan trong triều. Cổng Vân Hội bên phải dành cho sứ giả và quan lại nước ngoài.
Nhật Duật đến dưới cổng Dương Minh thì thấy cờ xí rợp khoảng sân trước mặt. Trên gác Triều Thiên đèn đuốc sáng trưng. Quân Túc Vệ dàn hàng mấy đội, đứng chật cả một khu vực lớn. Đằng sau các đội Túc Vệ, Nhật Duật còn thấy thấp thoáng bóng cờ có thêu ba chữ vàng “Thánh Dực Quân”.
Như vậy là cả quân Thánh Dực cũng được điều động rồi, Chiêu Văn Vương thầm nghĩ. Thánh Dực Quân hay còn gọi là Thiên Tử Quân là đạo quân tinh nhuệ chuyên lo việc bảo vệ đức vua và thượng hoàng. Đạo quân này gồm toàn những người xuất thân đặc biệt như dân không ruộng đất, trộm cướp, tù nhân, người tứ cố vô thân, được triều đình tập hợp lại, huấn luyện và trang bị chính quy. Vì đạo quân này gồm toàn những người không gia đình, không bạn bè, được triều đình ban cho cuộc sống mới nên đặc biệt trung thành với nhà vua và có tinh thần cảm tử cũng như độ tinh nhuệ số một phương Nam. Nhắc đến Thánh Dực Quân thì ngay cả các vị tướng quân hàng đầu như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải cũng phải nể trọng.
Nhật Duật xuống ngựa, tiến lại gần toán quân Túc Vệ đang canh gác trước cửa Dương Minh nói:
- Chiêu Văn Vương xin vào yết kiến đức quan gia có việc gấp!
Thấy người mới tới là vị vương gia quyền cao chức trọng, tên đội trưởng đám lính gác liền vội vã bước ra thưa:
- Đức ông, xin người thứ lỗi. Hiện tại đang có lệnh giới nghiêm, hạn chế tối đa ra vào Cấm Thành.
Nhật Duật nghe vậy liền rút từ trong người ra tấm lệnh bài vương gia, đưa cho viên đội trưởng xem:
- Ta có việc quân khẩn cấp cần báo cáo.
Tên đội trưởng lưỡng lự đôi chút, rồi đáp:
- Được, vậy để tôi dẫn đức ông vào. Ngựa của đức ông xin để lại bên ngoài, tôi sẽ cử người trông.
Nhật Duật gật đầu, quy định trong Cấm Thành từ trước đến nay trừ đức quan gia và thượng hoàng thì tất cả đều không được phép cưỡi ngựa. Tên đội trưởng liền lệnh cho gã lính gần đấy tiến lại, đỡ dây cương Đông A Xích Thố từ tay Nhật Duật. Con ngựa thấy thế hí lên một tràng, hai vó trước nhảy chồm lên. Mấy tên lính đứng xung quanh và cả tên đội trưởng thấy con ngựa vừa hung dữ vừa dũng mãnh như vậy đều sợ xanh cả mặt.
- Ngoan nào, ngươi đi theo bọn họ. Chờ khi ta xong việc sẽ trở ra đón!
Nhật Duật vừa nói vừa vuốt ve con Hồng Mao. Con ngựa dường như hiểu lời chàng, không chồm lên nữa mà để yên cho tên lính dắt đi. Viên đội trưởng thấy con ngựa ngoan ngoãn trở lại thì yên tâm, vội vã đi trước dẫn đường. Gã đưa Nhật Duật băng qua đám lính Túc Vệ, tiến về phía cửa Nhật Tân.
Gần đến cổng thành, Chiêu Văn Vương nhìn sang phía đội quân Thánh Dực đang đứng im lìm canh gác trước Dương Minh Môn. Quân Thánh Dực người nào người nấy thân thể cao lớn, mình mang giáp vàng, tay phải cầm giáo, tay trái cầm khiên, hai bên hông dắt theo một đôi gươm ngắn. Bọn họ đầu đều cạo trọc, giữa trán thích ba chữ “Thiên Tử Quân”. Số lượng của họ chỉ khoảng hơn trăm người nhưng lại có khí thế áp đảo cả nghìn lính Túc Vệ.
“Quả là tinh binh, một có thể địch trăm. Nghe đồn quân Thánh Dực còn được học phép thuật trong quán Thái Thanh, chẳng biết thực hư thế nào?” Nhật Duật vừa nghĩ vừa theo viên đội trưởng bước qua cổng thành.
* * * * *
Qua cổng Dương Minh là đến một khoảng sân rộng lát đá xanh. Cuối sân có bậc đá đầu rồng dẫn lên khu điện các hoa lệ. Khu điện các này chính là Tập Hiền Điện và Minh Linh Các, nơi vua Trần thiết yến tiệc.
- Đức ông, xin mời người đi lối này!
Viên đội trưởng nói đoạn chỉ vào lối đi bên trái.
- Chúng ta sang phía điện Thọ Quang sao?
Nhật Duật hỏi lại, viên đội trưởng không đáp chỉ lẳng lặng gật đầu. Nhật Duật thấy vậy không nói gì thêm. Bình thường các vương hầu, quan lại có việc gấp cần gặp vua Thiệu Bảo(2) thì đều đi thẳng qua Tập Hiền Điện, tiến vào Long Trì phía trong. Lần này Nhật Duật lại được dẫn ra phía điện Thọ Quang, chàng đoán là do lệnh giới nghiêm mới ban.
Điện Thọ Quang nằm bên trái điện Tập Hiền, được dùng làm nơi nghị luận quân sự và võ thuật, tính chất tương tự điện Giảng Võ dưới thời Lý. Viên đội trưởng sau khi dẫn Nhật Duật vào đây thì mời chàng ngồi trên chiếc ghế lót da hổ, sau đó vội vã chạy đi.
Nhật Duật chờ một lúc lâu vẫn không thấy động tĩnh gì. Chàng bắt đầu đi ra, đi vào tỏ vẻ sốt ruột. Đúng khi đấy có toán quan hành khiển(3) lật đật chạy vào. Đi đầu toán hành khiển là một ông già với búi tóc bạc trắng nhưng động tác vẫn còn cực kỳ nhanh nhẹn.
- Phạm Ứng Mộng bái kiến đức ông!
Nhật Duật ngay lập tức nhận ra người hoạn quan già. Phạm Ứng Mộng làm hoạn quan từ thời Trần Thái Tông vua cha của Nhật Duật, giờ đến đời Thiệu Bảo là cháu nội của Thái Tông cũng được tính là lão thần ba đời vua. Chàng nhanh chóng lại gần đỡ lão dậy, nói:
- Đại hành khiển không cần hành lễ, người đừng làm tôi áy náy. Đã lâu không gặp, đại hành khiển vẫn khỏe chứ?
Phạm Ứng Mộng biết Nhật Duật từ hồi bé. Khi xưa lão hoạn quan thường hay chăm lo cho chàng. Mấy năm gần đây Nhật Duật được điều lên trấn ải biên cương nên ít gặp lão, giờ hàn huyên thấy có đôi chút bùi ngùi.
Lão hoạn quan già cười vui vẻ, nói:
- Tôi vẫn khỏe, đức ông trông rắn rỏi lắm!
- Đại hành khiển, tôi muốn gặp đức quan gia và đức thượng hoàng có chuyện khẩn cần báo cáo.
Lão hoạn quan nghe thấy thế thì trầm tư, đáp:
- Hiện giờ đức quan gia và đức thượng hoàng đang bàn chuyện với thái sư. Đức ông có thể chờ một lát được không?
Nhật Duật lắc đầu, thái độ càng thêm khẩn trương:
- Vậy càng hay. Chuyện mà tôi muốn báo cáo là việc có liên quan đến sảnh Phi Y.
Phạm Ứng Mộng nghe nhắc đến sảnh Phi Y thì nét mặt chợt trầm hẳn xuống. Cần biết vào thời Trần việc quản lý đất nước được chia cho ba sảnh thượng thư tương đương với lục bộ thời sau. Nhưng ngoài ba sảnh thượng thư chính ra, nhà Trần còn một sảnh khác cực kỳ bí mật gọi là Phi Y. Phi Y có nghĩa là không quần áo, không trang phục, một cách chơi chữ của họ Trần. Nhưng ngoài ra Phi Y còn mang nghĩa những điều cơ bản nhất, không bị che dấu bởi bất kỳ thứ gì. Sảnh Phi Y là nơi tập trung hoàng thân quốc thích, thực hiện những nhiệm vụ bí mật của họ Trần. Ngay cả Phạm Ứng Mộng cũng không hề biết sảnh Phi Y thực hiện những việc gì và bao gồm những ai. Lão chỉ biết là chuyện có liên quan đến sảnh Phi Y thì không thể chậm trễ.
- Vậy mời đức ông đi theo tôi!
Phạm Ứng Mộng không nói thêm lời thừa. Lão xua tay cho bọn hành khiển khác lui ra rồi tự mình dẫn đường cho Chiêu Văn Vương.
Phạm Ứng Mộng năm nay đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Lão dắt Nhật Duật đi qua hành lang của điện Thọ Quang, xuyên qua gác Minh Hà, vòng vèo phía sau Nguyệt Lâu của sân Long Trì. Hành lang nối tiếp hành lang, lầu gác xen lẫn lầu gác, thêm vào đó là các tấm bình phong, cây cảnh bố trí theo trận đồ Bát Quái. Nhật Duật tập trung tinh thần, thử nhớ lại quang cảnh và lối đi nhưng đột nhiên chàng thấy huyền lực trong người trở nên loạn xạ, phải cố lắm mới giữ ổn định được. Duật sực tỉnh, ngoài trận đồ Bát Quái thì nơi này chắc chắn được yểm thêm cả bùa của quán Thái Thanh. Đây rất có thể là tác phẩm của Đạo Thậm sư tổ.
- Đức ông, đã đến nơi. Xin người đứng đây chờ tôi một lát!
Phạm Ứng Mộng nói với Nhật Duật rồi tiến về phía hai hàng quân Thánh Dực đang đứng gác im lìm trước cổng một khu nhà trông kín đáo, bốn bề bao bọc bởi cây xanh và tường rào. Lão hoạn quan già trao đổi nhỏ to với tên đội trưởng toán lính một lúc. Tên này sau khi nghe lão hoạn quan nói xong thì không ừ, không hữ lấy nửa lời, chỉ ra hiệu cho Ứng Mộng đợi. Sau đó gã hé cổng ra khoảng nhỏ chỉ vừa đủ một thân người rồi bước vào trong. Thấy viên đội trưởng đi qua cổng, bọn lính canh liền đóng chặt lại. Chờ độ tàn nửa nén hương, viên đội trưởng đi ra gật đầu với Ứng Mộng. Đại hành khiển nét mặt mừng rỡ, vội vàng chạy lại báo với Nhật Duật:
- Đức quan gia có lệnh cho mời đức ông vào.
- Đại hành khiển, cảm ơn người!
Nhật Duật chào lão hoạn quan rồi bước qua hai hàng lính Thánh Dực uy nghiêm, đẩy cánh cổng gỗ tiến vào bên trong.
* * * * *
* Chú thích:
(1) Diệu Đức hiện giờ là cửa Bắc, Tường Phù là cửa Đông, Đại Hưng là cửa Nam còn cổng Quảng Phúc đã không còn dấu tích.
(2) Thiệu Bảo: tức niên hiệu của vua Trần Khâm từ năm 1279-1285. Vua Trần Khâm thường được biết tới với tên miếu hiệu là Trần Nhân Tông.
(3) Hành khiển: là chức quan dành cho hoạn quan thời Lý, Trần, chuyên lo việc hành chính trong cung.