Thâm Cung

Chương 92




Sáng ngày mùng sáu tháng tám, khi chúng phi còn đang ung dung tự tại tận hưởng khoảng thời gian tươi đẹp không có chính cung nương nương ngự ở trên đầu thì đột nhiên lại bị triệu đến Triêu Lan cung dự lễ thỉnh an. Hoàng hậu vốn dĩ phải bị cấm túc một tháng không hiểu sao lại được tha bổng. Thôi thì hoàng hậu ra ngoài sớm cũng vậy mà trễ cũng vậy, hậu cung trước sau vẫn là của nàng. Lý lẽ ấy không ai là không hiểu. Điều khiến người ta không dám tin chính là sau cơn sóng gió kia, hoàng hậu và hiền phi dường như gương vỡ lại lành, tình cảm xem chừng còn thắm thiết hơn xưa. Đám phi tần ai nấy đều lấy làm kinh ngạc, nhưng trước mắt đã có tấm gương của Dương Ngọc Huệ vì một câu nói mà mang họa, ngay cả kẻ ăn nói lỗ mãng nhất cũng chẳng dám hé môi thắc mắc nửa lời.

Mà người trong cuộc như ta đây, đứng trước chuyện này cũng không biết nên vui mừng hay là lo lắng. Buổi sớm hôm nay, ta biết trước lệnh cấm túc của hoàng hậu không còn cho nên đã tự giác thức dậy đi thỉnh an sớm không cần chờ người đến gọi. Hoàng hậu bỗng tỏ vẻ thân thiết, ta sao có thể dửng dưng. Việc này chung quy không ngoài dự đoán của ta. Ở trên đời, phàm là những kẻ đã biết quá nhiều chuyện mất mặt của ngươi, nếu không thể giết người diệt khẩu thì phải lập tức kết làm tri kỷ. Thỉnh an xong xuôi, quả nhiên hoàng hậu chủ động giữ ta ở lại. Nàng rời ghế phượng, nhẹ nhàng đến ngồi cạnh bên ta:

- Nguyệt nhi, thời gian qua... là tỷ tỷ có lỗi với muội, muội có thể bỏ qua cho tỷ không?

Ta ngước nhìn hoàng hậu, sự yếu đuối cùng sợ hãi đêm qua đã biến mất chẳng còn dấu vết, chỉ thấy dung mạo nàng vẫn tươi đẹp rạng ngời.

Ta thận trọng đáp:

- Muội biết tỷ tỷ có nỗi khó xử trong lòng. Chuyện gì qua rồi thì thôi. Giờ đây, chỉ có tỷ muội chúng ta là có thể nương tựa nhau.

Bên cạnh hoàng hậu lúc này đã chẳng còn ai hữu dụng. Giang Tiểu Ái xuất thân không cao, lại thất sủng từ lâu. Dương Ngọc Huệ đắc tội lớn với thái hậu, không biết khi nào mới lấy lại được oai phong. Quan hệ của hoàng hậu với Liễu Yến Yến chỉ tạm coi là nước sông không phạm nước giếng, nàng lại còn phải tận lực đối phó Triệu Lam Kiều cho nên nhất định sẽ không muốn kết oán với ta nữa.

Hoàng hậu nghe ta nói vậy, bèn thở phào nhẹ nhõm:


- Muội muội tốt, ta biết mình không nhìn lầm muội.

Ta mỉm cười, chợt nghĩ nếu hoàng hậu biết sớm hơn một chút thì chúng ta đâu đã đến nỗi xa cách thế này.

Hoàng hậu nhìn về phía bình hoa cúc phía góc phòng, bất thần hỏi:

- Diệu Hoa giờ thế nào rồi?

Ta lắc đầu:

- Muội ấy luôn miệng nói mình không sao, nhưng tâm trạng vẫn cứ buồn bã như thế.

Đêm qua trở về, ta đã đến thăm Bạch Diệu Hoa, chuyển lại cho nàng lời trăn trối của Tư An. Ngọn nguồn sự việc ta không nói rõ, chỉ kể vắn tắt lại rằng Tư An với nhà họ Hà có mối huyết hải thâm thù, vì báo thù cho phụ mẫu nên mới liên lụy đến nàng. Bạch Diệu Hoa nghe xong chỉ rơi nước mắt, không nói nổi lời nào.

Hoàng hậu im lặng hồi lâu rồi mới lên tiếng:

- Hôm đó ta cho người đi điều tra thân thế của Tư An, biết được trước khi nhập cung, nàng ta đã làm thuê ở một quán trọ nhỏ trong kinh thành sáu, bảy năm ròng. Mà chủ quán trọ này lại là một người cháu họ của đại phu nhân nhà họ Triệu. Về sau, Tư An được nhận làm cung nữ là nhờ một thị lang đánh tiếng giúp. Thị lang này đối với họ Triệu cũng có chút dây mơ rễ má. Lần đó Cẩm Tước cung tuyển thêm người, đố muội biết là ai tiến cử Tư An sang bên ấy?

Ta cười yếu ớt:

- Đều do muội không cẩn thận, để đức phi cài người vào chỗ mình mà chẳng hề hay biết.

Hoàng hậu khẽ thở dài:

- Ngày trước có một lần Tư An lén đốt vàng mã cúng bái phụ mẫu thì bị cung nữ của đức phi bắt gặp, có lẽ đức phi từ đó mà chiêu dụ được Tư An. Người của ta cũng báo lại đã nhìn thấy Tư An qua lại với đại cung nữ Hồng Diệp mấy lần.

Họ Triệu quả không hổ danh đệ nhất tướng gia. "Nuôi quân ba năm, dụng một giờ" có lẽ chính là ý này. Ai nói quân nhân là một đám hữu dũng vô mưu? Nhà họ Triệu đã nắm được chỗ xấu của Hà thái sư từ nhiều năm trước nhưng không dùng đến, chính là để chuẩn bị đá lót đường cho Triệu Lam Kiều về sau. Bọn họ không trực tiếp nhúng tay vào mà chỉ thao túng phía sau. Dẫu hoàng hậu có truy cứu thì cũng chỉ lôi ra được một tên chủ quán cơm vô danh và một thị lang nho nhỏ. Quan hệ dây mơ rễ má như thế, muốn truy cứu cũng không truy được đến chỗ nhà họ Triệu.

Triệu Lam Kiều muốn thâu tóm được Tư An, nhất định đã cho người theo dõi nàng sát sao, dù không bắt được việc nàng cúng bái phụ mẫu thì cũng sẽ lôi ra được việc khác để lợi dụng. Để Tư An cam tâm tình nguyện một mình xuống địa ngục, ta nghĩ Triệu Lam Kiều hẳn phải tốn không ít công sức.

Ta hỏi:

- Chuyện này tỷ có bẩm báo với hoàng thượng không?

Hoàng hậu cười lạnh:

- Dù sao cũng chẳng chứng minh được điều gì, hoàng thượng biết thì ích chi đâu? Đây rốt cuộc vẫn là chuyện giữa ta và Triệu Lam Kiều.

Chúng ta ngồi cùng nhau thêm một lúc. Ta đem việc tổ chức thọ yến của hoàng đế bàn giao lại cho hoàng hậu. Hoàng hậu biết chuyện ta thăng chức cho Tạ Thu Dung thì hơi phật ý nhưng không nói gì, ta cũng vờ như không nhận ra. Gánh nặng trên vai không còn, ta lại trở về làm một phi tần nhàn nhã.

Mỗi lúc rỗi rãi, ta đều đến trò chuyện với Bạch Diệu Hoa giúp nàng khuây khỏa. Thời gian trôi qua, gánh nặng trong lòng dần nguôi ngoai, nàng đã bắt đầu cùng ta nói đùa như trước. Hai người nói chuyện trên trời dưới đất hồi lâu, cuối cùng đã nói đến Tô Nhược. Căn bệnh mẩn ngứa kì lạ của Tô Nhược hóa ra đúng là có uẩn khúc đằng sau. Bạch Diệu Hoa cười kể lại:


- Hôm đó muội sai Tư Dao đi lấy nước pha màu vẽ, nàng ấy đi cả nửa ngày mới trở về. Muội thấy lạ nên gặng hỏi thì biết được trên đường về Tư Dao gặp phải Ngọc Lăng và Ngọc Chi bưng hoa quả đi ngang. Ngọc Lăng không hiểu thế nào lại vụng về làm trái cây rơi cả xuống đất. Nàng ta nhìn thấy Tư Dao ở đó thì liền gọi đến sai nhặt hộ. Muội sinh nghi, kiểm lại bình nước... Quả nhiên là có vấn đề.

Ta giật mình, lo lắng hỏi ngay:

- Có chuyện đó sao? Tô Nhược lại giở trò gì? Sao muội không nói với tỷ?

Bạch Diệu Hoa lắc đầu:

- Cũng chẳng phải việc gì to tát. Ban đầu muội chỉ bán tín bán nghi, nhưng khi đổ nước trong bình ra thau lớn nhìn cho kĩ thì thấy rõ ràng chất nước hơi đục, còn hăng hăng mùi đặc trưng của cỏ tía. (1)

Cỏ tía là một giống cỏ dại vô danh, mọc tràn lan khắp nơi. Nhựa cỏ này có độc nhưng chỉ gây mẩn ngứa chứ không nguy hại gì. Bọn trẻ con dân gian hay dùng loại cỏ tía chơi khăm nhau. Nhớ lại hình như lúc nhỏ ta cũng từng dùng cỏ tía trêu đám phi tần đáng ghét của phụ hoàng.

Bọn a hoàn trong Bạch phủ thường nghịch cỏ tía nên Bạch Diệu Hoa cũng có biết một chút. Lại thêm Tư Dao bưng nước về vô ý làm văng vài giọt lên tay, chỗ da thịt ấy liền bị ngứa ngáy. Thế là Bạch Diệu Hoa hiểu ra Tô Nhược giở trò muốn cản trở nàng biểu diễn đêm thọ yến.

Bạch Diệu Hoa thong thả nói tiếp:

- Muội nhớ đến khi trước, Tô thị dám lấn lướt tỷ tỷ mà cũng vẫn chưa bị trừng trị thì giận lắm. Muội liền quyết định tương kế tựu kế dạy cho nàng ta một bài học.

Bạch Diệu Hoa cùng với Tư Dao cắt giấy làm hoa nguyệt quý. (2) Sau đó, nàng đeo bao tay da cừu không thấm nước, dùng chính nước cỏ độc kia pha màu đỏ tô lên cánh hoa, chờ khô rồi bỏ vào một cái túi hương. Tô Nhược làm chuyện xấu xong, không nhịn được phải sai Ngọc Lăng sang nghe ngóng tình hình. Bạch Diệu Hoa đã đoán trước nên vờ trúng kế Tô Nhược.

- Lúc Ngọc Lăng rình ở ngoài cửa, muội nằm trong phòng, vừa làm bộ gãi vừa khóc: "Thôi rồi, bộ dạng ta như thế này, làm sao còn dám xuất hiện trước mặt ai?" Sau đó, muội nói Tư Dao mang chiếc túi hương kia đến gối đầu nằm, bảo rằng đấy là tín vật hoàng thượng cho muội năm xưa, hi vọng gần kề bên nó sẽ được hưởng chút long khí mà mau chóng khỏe lại. Ngọc Lăng không phụ lòng muội. Đợi đến khi Tư Dao giúp muội tắm rửa ở gian phòng bên cạnh, nàng ta liền lẻn vào trộm túi hương của muội đi mất.

Tô Nhược nghe đến tín vật định tình của hoàng đế và Bạch Diệu Hoa, tất nhiên phải xem cho bằng được. Bạch Diệu Hoa rất khéo tay, hoa giả nàng làm sinh động như thật. Khi Tô Nhược mở túi ra, nhìn thấy mấy bông nguyệt quý xinh đẹp bèn tò mò cầm lên săm soi, hít hà. Nhựa cỏ độc đã khô nên phát tác chậm hơn thường lệ, phải đến nửa canh giờ sau mới thấy Ngọc Lăng vắt chân lên cổ chạy đi tìm thái y. Đây gọi là gậy ông đập lưng ông. Tô Nhược tự đưa độc đến chỗ Bạch Diệu Hoa, sau đó lại tự trộm đồ có độc về rồi tự trúng độc, còn có thể kêu ca gì nữa? Nếu làm to chuyện lên, nàng ta nhất định chẳng được yên thân, đành cắn răng tự lãnh hậu quả.

Ta nghe xong, cười đến đau thắt cả bụng:

- Ha... lúc đến thăm Tô Nhược... thấy hai tay cùng với chóp mũi nàng ta nổi mẩn ngứa phồng rộp cả lên, tỷ cứ nghĩ mãi không biết nàng ta đụng vào thứ gì mà lại dị ứng kiểu kì lạ như vậy... thì ra là đụng phải Diệu Hoa nhà chúng ta...

Bạch Diệu Hoa phì cười:

- Nàng ta giở thủ đoạn độc ác với muội, muội có thể bỏ qua không chấp. Nhưng nàng ta lại dám ra tay trên đầu tỷ như thế, muội sao làm ngơ cho đặng? Vả lại, lúc ấy đã gần đến thọ yến thái hậu, cả cung đều bận rộn. Muội mới tạo điều kiện để Tô Nhược đóng cửa nghỉ ngơi vài ngày cho thiên hạ thái bình.

Ta mím môi, cố nín cười lại để hỏi:

- Những thứ cần thu dọn đều thu dọn cả rồi chứ?

Bạch Diệu Hoa gật đầu:

- Chỗ giấy dùng để làm hoa dư lại cùng với đôi bao tay da cừu kia, muội đều đốt sạch sẽ rồi.

Đến nước này, ta chỉ có thể vỗ vai Bạch Diệu Hoa, khen nàng một tiếng muội muội tốt.

Ta còn định nói thêm cho Bạch Diệu Hoa nghe việc Tô Nhược vừa bị hoàng đế chỉnh đốn thế nào thì Tiểu Phúc Tử lại đến thông báo có Tạ thượng nghi bên Ti Chế phòng cầu kiến.

Dù việc tổ chức yến tiệc ta đã giao trả lại cho hoàng hậu, nhưng để lấy lòng ta, hoàng hậu vẫn lệnh cho Thượng cung cục phải thường xuyên đến Cẩm Tước cung bẩm báo tình hình. Những việc kia ta không quan tâm mấy, chỉ là nhờ đó mà được gặp Tạ Thu Dung thường xuyên hơn nên cũng lấy làm vui vẻ. Mỗi lần phụng mệnh đến Cẩm Tước cung, việc trong cung Tạ Thu Dung chỉ nói được đôi ba câu là nhiều, còn lại đều dành thời gian tán chuyện trên trời dưới đất. Hôm nay, ta vừa trở về, từ xa đã thấy sắc mặt Tạ Thu Dung sa sầm.

Ta sợ trong Thượng cung cục xảy ra việc chẳng hay, trong lòng lo lắm nhưng chưa kịp hỏi han thì Tạ Thu Dung đã lên tiếng trước:

- Đố ngươi biết hôm nay ta gặp ai trong cung?

Ta cảnh giác nhìn nàng:

- Không lẽ phụ thân ngươi vào cung đòi người?

Tạ Thu Dung phẩy tay:

- Là Doãn Hi.

Nghe tới Doãn Hi, ta giật bắn cả người:

- Doãn Hi làm gì trong cung? Đừng nói hắn bị mất mặt đâm ra hận đời, nhập cung làm thái giám nhé?!

Tạ Thu Dung khổ sở day trán:

- Nếu hắn thực sự làm thái giám thì tốt quá rồi. Đằng này, hắn lại làm thị vệ, mà còn là thị vệ ở Thượng cung cục.

Ta hoảng hồn, hỏi ngay:

- Hắn gây sự với ngươi sao?

Tạ Thu Dung cắn môi:

- Cũng không phải là gây sự.

______

Chú thích:

(1) Cỏ tía: hư cấu

(2) Nguyệt quý: Còn gọi là hoa Hồng Tàu (nguồn gốc từ Trung Hoa), tên khoa học là Rosa chinensis. Nguyệt quý là một chi của đại gia đình hoa hồng.