Thâm Cung

Chương 83




[Dành tặng Ah Mei, người đã giúp mình lên ý tưởng "phượng hoàng nhỏ máu"]

Thời gian trước Triệu Lam Kiều liên tục thất thủ dưới tay hoàng hậu, vây cánh cũng bị giải trừ gần hết. Có lẽ nàng ta muốn nhân dịp này nhắc lại tình xưa với hoàng đế hòng giành về chút thánh sủng năm nào chăng? Ta vốn cho rằng đầu óc của Triệu Lam Kiều không thể đơn giản như vậy. Nhưng xét cho cùng, ở nơi này thánh sủng mới là thứ quyết định thắng thua. Hoàng hậu đương như mặt trời ban trưa, địa vị của Liễu Yến Yến vẫn vững như bàn thạch, thế lực của Triệu Lam Kiều trong hậu cung càng lúc càng mỏng manh. Nàng ta không thể trực diện đấu với người khác, quay lại níu kéo hoàng đế xem chừng là kế sách khả thi nhất.

Triệu Lam Kiều là kẻ khởi xướng chuyện biểu diễn ngày hôm nay, đương nhiên phần của mình không thể xoàng xĩnh. Chúng phi dẫu không nói ra, nhưng tất thảy đều nóng lòng chờ đợi.

Trong lúc chúng phi đang bận rộn đoán già đoán non, bước lên sân khấu lại là một người không ai nghĩ đến.

Nữ tử cầm sáo ngọc đứng ở trên đài cao, má hồng e ấp như tân nương mới xuất giá. Ánh mắt nàng hướng về nam nhân ngự trên ngôi cao cửu ngũ, ý tình dào dạt, điệu bộ thẹn thùng. So với dáng vẻ hung dữ, đanh đá thường ngày đúng là khác một trời một vực.

Ta cúi đầu, khẽ nhấp một ngụm trà.

Triệu Lam Kiều không ngờ lại để Quỳnh Tử Yên thượng đài. Nữ tử này xét cả về dung mạo lẫn xuất thân đều bình bình, dù không xuất chúng nhưng xét kỹ thì cũng là một người có xuất phát điểm tốt, ít ra đã hơn ta rất nhiều. Chỉ tiếc tính tình nàng ta lại quá đỗi tệ hại. Ở trên đời này, nếu đã ngu xuẩn thì tốt nhất là đừng học thói xấu xa. Làm người xấu chẳng phải chuyện dễ dàng. Đã không có đầu óc lại còn mang lòng độc địa, sớm muộn gì cũng hại người hại mình. Nếu Quỳnh Tử Yên hiểu được đạo lí này, đừng cố giương nanh múa vuốt, cứ ngoan ngoãn làm một nữ tử xinh đẹp ngốc nghếch không chừng còn được hoàng đế thương xót mấy phần. Hậu cung có bao nhiêu người, nàng ta lại chọn ngay quận chúa Phong tộc mà sinh sự. Một nữ tử không hề có giá trị thực lại dám đi đắc tội với hòn ngọc quý của thị tộc hùng mạnh bậc nhất phương Bắc, sau này còn có cơ hội trở mình được sao? Nếu mục đích thực sự của Triệu Lam Kiều khi khơi mào ra cả một tấn kịch lớn này chỉ là để nâng đỡ Quỳnh Tử Yên, vậy xem ra nàng ta đã uổng phí tâm tư rồi.

Những âm điệu đầu tiên vang lên có phần run rẩy, dần dần mới trở lên mạnh mẽ. Ta không rõ Quỳnh Tử Yên đang thổi khúc nhạc gì, chỉ cảm thấy giai điệu tràn ngập niềm hân hoan, âm vận tuy không quá tinh tế nhưng cũng đủ tươi vui. Tiếng sáo trầm bổng reo vui như vẽ nên khung cảnh trời quang mây tạnh, xuân phong ấm áp, muôn hoa đua nở. Khúc nhạc hoan hỉ thế này, dùng chúc thọ thực là thích hợp. Chẳng qua, tiếng sáo này dễ nghe cách mấy cũng không sánh nổi với cầm nghệ của Minh Du ban nãy. Lãng Hà cung chỉ được đến như thế mà thôi.

Nghĩ đến thái độ của hoàng đế khi thưởng thức Bạch Diệu Hoa vẽ tranh khi nãy, ta cảm thấy rất yên tâm. Thái hậu từ trước đến nay luôn cố gắng cùng hoàng đế tỏ vẻ mẫu tử đồng lòng, chỉ cần hoàng đế thích tranh của Bạch Diệu Hoa, thái hậu nhất định cũng sẽ thích thôi.

Khi ta đương mơ màng suy nghĩ xem nên tiêu ngàn lượng hoàng kim của hoàng hậu như thế nào thì đột nhiên từ thanh xà nhà phía trên sân khấu buông xuống hai vuông lụa đỏ lớn cách mặt đất chừng hơn một trượng. Người ta còn chưa kịp ngạc nhiên, liền nhìn thấy một dải lụa màu tía từ đâu phóng tới quấn lấy xà nhà. Nương theo dải lụa kia, một bóng váy áo thướt tha đồng một màu tía nhẹ nhàng bay đến trên đài như một cánh én nhỏ.

- Triệu Lam Kiều?!

Liễu Yến Yến che miệng, cố nén tiếng kêu kinh hãi.

Có ai ngờ được Triệu Lam Kiều lại nghĩ ra cách xuất hiện tráng lệ như vậy?

Ở trên đài, nghiên mực và bút lông đã được cung nữ thừa lúc mọi người không chú ý mà lặng lẽ mang lên. Triệu Lam Kiều mỉm cười nhìn lướt qua tất thảy, ánh mắt cao ngạo khi đến chuyển đến chỗ hoàng đế lại hóa thành tình thâm ý trọng. Ta ngoảnh nhìn hoàng đế, liền thấy hắn cũng nhếch môi cười, chén rượu trong tay hơi nâng lên đưa về phía Triệu Lam Kiều.

Nhắc đến Triệu Lam Kiều là nhắc đến thư pháp.

Nghe đâu khi xưa thái hậu từng nhiều lần nâng đỡ Triệu Lam Kiều không thành, chẳng ngờ nàng ta chỉ dùng một bức thư pháp mà giành được long ân. Ngọc Thủy luôn sợ ta đau lòng nên cứ tránh không nhắc tới chuyện của hoàng đế với những người khác, nhưng chỉ loáng thoáng nghe ngóng lời đồn đại trong cung cũng đủ biết hoàng đế và Triệu Lam Kiều cũng từng có thời điểm tâm đầu ý hợp. Nữ tử có thể cùng hắn luận đàm thư pháp từ sáng đến trưa, chung quy cũng chỉ có mình Triệu Lam Kiều. Điều đáng buồn duy nhất là nàng ta lại mang họ Triệu. Nồng nhiệt rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có vương quyền mới là thứ hoàng đế tuyệt đối không buông bỏ. Triệu Lam Kiều vẫn là đức phi nương nương hắn muôn phần sủng ái, nhưng những buổi cùng hồng nhan tri kỷ sánh vai luyện thư pháp thì đã không còn.

Nơi đài cao, Triệu Lam Kiều nhấc bút lông chấm vào nghiên mực, sau đó bèn nhún chân một cái, vận khinh công phi thân lên cao. Tay trái nàng ta bắt lấy dải lụa tía, tay phải bắt đầu viết lên vuông lụa. Võ công của Triệu Lam Kiều hóa ra cũng chỉ là loại công phu đẹp mắt dùng để biểu diễn, bay qua bay lại không thành vấn đề, nhưng lại không thể lưu lại trên không trung đủ lâu để thi triển thư pháp nên mới phải dùng đến dải lụa trợ lực. Chẳng qua nơi này không nhiều người biết võ công, chỉ thấy Triệu Lam Kiều bay vút lên như thế cũng đủ khiến cho đám nữ tử còn lại há hốc miệng rồi. Vả lại, đây cũng đâu phải võ đài, võ công của Triệu Lam Kiều cao đến đâu, không mấy ai quan tâm. Cái làm người ta phải chú ý chính là thư pháp của Triệu Lam Kiều.

Xa xa, chỉ thấy tay áo Triệu Lam Kiều phất phơ theo từng nét bút. Lớp áo the mỏng khoác ngoài tựa sương khói vấn vương chung quanh nàng, làm cho người ta có cảm giác những chùm hoa tử đằng thêu bên trên như lơ lửng trôi trong không trung. Tiếng sáo của Quỳnh Tử Yên từ chậm rãi vui tươi bỗng vút cao, dồn dập như trợ thế cho Triệu Lam Kiều múa bút. Từng nét chữ đẹp đẽ dần hiện lên trong tiếng nhạc.

Triệu Lam Kiều sử dụng Khải thư. Tạ Thu Dung quen dùng Khải thư, cũng dạy ta viết bằng thể chữ này nên dù ta không lĩnh hội hết được bút ý nhưng vẫn hiểu được ít nhiều. Thể chữ Triệu Lam Kiều đang viết gọi là Uyển thể, do nữ thi hào Nhan Uyển Quân sáng tạo nên hơn trăm năm trước. Uyển thể vừa có sự chân phương của Khải thư cổ, biểu trưng cho tấm lòng ngay thẳng, chính trực của người viết, vừa có tú khí dịu dàng, vô cùng thích hợp với những bậc nữ trung hào kiệt. Triệu Lam Kiều không có được bút pháp khoan dung và khí thế khoáng đạt như Tạ Thu Dung, nhưng nhờ có luyện qua võ công, bút lực của nàng ta hết sức mạnh mẽ, mang theo vẻ quật cường của con nhà võ tướng. Nếu Tạ Thu Dung có mặt ở đây, không chừng sẽ khen Triệu Lam Kiều đã thổi được vào Uyển thể một thứ hương vị mới lạ. (1)

Thọ đồng tùng bách thiên niên bích

Phẩm tự chi lan nhất vị thanh. (2)

Hai câu đối ngắn gọn khúc chiết, chẳng những chúc thái hậu trường thọ, tôn vinh đức hạnh của bà mà còn sử dụng thể chữ do vị nữ thi hào thái hậu ngưỡng mộ nhất để viết, thực là không thể tốt đẹp hơn được nữa. Triệu Lam Kiều tính toán chu toàn, chẳng trách thường ngày thái hậu yêu thích nàng ta như vậy.

Câu đối viết xong, Triệu Lam Kiều cũng buông dải lụa trong tay, xoay mấy vòng trên không rồi nhẹ nhàng đáp xuống trước mặt thái hậu hành đại lễ:

- Thần thiếp múa rìu qua mắt thợ, xin Lão Phật Gia lượng thứ.


Thái hậu cũng là người luyện thư pháp lâu năm, trong Cát Tường điện đến giờ vẫn còn treo không biết bao nhiêu bức thư pháp do bà chấp bút. Người ta đồn rằng, cả Tiên đế cũng phải thừa nhận chữ của mình không bằng thái hậu, cứ mỗi lần có vị quan viên nào muốn xin chữ, ngài đều nhờ thái hậu viết hộ. Biểu diễn thư pháp trước mặt bà, nói là múa rìu qua mắt thợ cũng chẳng sai. Nhưng thái hậu không có vẻ gì là bận lòng, lần đầu tiên trong buổi tối hôm nay, bà nở một nụ cười ân cần:

- Bút pháp của đức phi không tệ. Đôi câu đối này, ai gia sẽ sai người mang về treo ở đại điện Thuận Ninh cung.

Phượng khẩu vừa mở, liền có cung nhân hối hả tiến ra thu câu đối đem vào.

Sự thiên vị của thái hậu đối với Triệu Lam Kiều rõ như ban ngày. Hôm nay là thọ yến của bà, hoàng đế và hoàng hậu đều là con ngoan, tất phải thuận theo bà mà khen ngợi hết lời. Triệu Lam Kiều tạ ân xong, bèn thong thả trở về vị trí của mình. Khi lướt ngang qua chỗ ta, nàng ta đột nhiên bước chậm lại. Trong khoảnh khắc ánh mắt chạm nhau, trên khóe môi cong cong ngạo nghễ của nàng ta xuất hiện một nụ cười lạnh lẽo. Nụ cười này ta đã từng nhìn thấy một lần. Khi ấy, Triệu Lam Kiều đã cười như vậy khi nhìn Tố Linh giãy chết trong bể máu.

Triệu Lam Kiều đã đi rồi, mà sống lưng ta vẫn còn buốt giá. Hương tử đằng ngọt ngào trên người nàng ta như vẫn còn đọng lại đâu đây, khiến cho cổ họng ta nghẹn ứ, phải uống vội một ngụm trà để nén lại cơn buồn nôn nhộn nhạo. Triệu Lam Kiều dường như rất thích tử đằng, mà tử đằng cũng rất hợp với nàng ta. (3)

Ta suy tính chậm chạp, chưa kịp nghĩ ra ý nghĩa của nụ cười quái gở kia thì đã đến lượt Bạch Diệu Hoa trở lại sân khấu hoàn tất bức họa Phụng Xuyên Mẫu Đơn. Nàng từ trong hậu điện tiến ra, có lẽ nhìn thấy nét mặt ta khó coi nên vội dừng lại cạnh ta hỏi khẽ:

- Tỷ tỷ không sao chứ?

Ta vội lắc đầu, thấp giọng đáp:

- Không có gì, muội mau đi đi, đừng để mọi người chờ đợi.

Nói xong, ta mới nhận ra Bạch Diệu Hoa đã thay áo khoác ngoài, lập tức hỏi:

- Áo của muội...?

Bạch Diệu Hoa cười trấn an ta:

- Tư An vô ý làm đổ màu ra áo muội, cũng may có mang theo y phục dự phòng.

Nàng chỉ kịp đáp ngắn gọn như thế, rồi hối hả bước lên sân khấu. Nàng đã dùng thủy ấn vẽ những đường nét cơ bản của phượng hoàng, giờ chỉ cần dùng màu vàng tô từng chiếc lông cho thật sống động, sau đó bổ sung một số chi tiết nhỏ là sẽ có một bức tranh hoàn chỉnh.

Ta cố nén cảm giác bất an, tự nhủ trong lòng, bức họa này chỉ còn vài nét bút nữa là hoàn thành. Cho dù không hơn được Triệu Lam Kiều cũng chẳng sao, chỉ cần sau này hoàng đế có thể ưu ái Bạch Diệu Hoa một chút là tốt rồi.

Thế nhưng, mong ước nhỏ nhoi của ta lại không thể thành hiện thực.

Ngay khi Bạch Diệu Hoa vừa tô xong chiếc lông đuôi cuối cùng cũng là lúc chén trà trong tay thái hậu rơi xuống đất, đánh xoảng một tiếng. Bạch Diệu Hoa giật mình, quay đầu nhìn lại liền gặp phải vô số ánh mắt kinh hoàng.

Toàn thân ta bỗng chốc bị hình ảnh trước mắt làm cho tê dại.

Phượng hoàng trong tranh vẫn giương cánh uy nghi như cũ, nhưng từ trên thân mình óng ánh sắc vàng lại chảy xuống những những vệt đỏ như máu vô cùng quỷ dị. Một bức Phụng Xuyên Mẫu Đơn cát lợi, trong phút chốc đã hóa thành cảnh tượng ma quái.

Huyết quản ta nhất thời nghẽn lại, hai tay rét run. Phải mất một hồi sau, khi cơn tê dại qua đi, ta mới nhìn thấy rõ ràng đại họa sắp giáng xuống.

Phượng hoàng nhỏ máu.

Bạch Diệu Hoa thật sự nguy rồi.

___________

Chú thích:

(1) Khải thư: Chữ Khải ra đời vào khoảng đời Hán, hoàn thiện vào đời Ngụy Tấn, phát triển rực rỡ vào đời Đường. Thời kỳ đỉnh thịnh của khải thư là đời Đường, nổi bật nhất là các đại thư gia Nhan Chân Khanh 顏真卿, Âu Dương Tuân 歐陽詢 và Liễu Công Quyền 柳公權. Đến đời Nguyên thì có thêm Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫. Họ tạo thành bốn phong cách khải thư mô phạm từ đời Đường cho đến nay, gọi là Nhan thể 顏體, Âu thể 歐體, Liễu thể 柳體, Triệu thể 趙體. Nhan thể mộc mạc mạnh mẽ, Âu thể thanh tú trang nghiêm, Liễu thể cứng cỏi quật cường, Triệu thể yểu điệu kiều lệ. Người học thư pháp tùy theo sở thích và cá tính của mình mà bắt đầu từ một trong bốn phong cách này.

Uyển thể cùng với nữ thi hào Nhan Uyển Quân là sản phẩm hư cấu, không có thật trong lịch sử.

Khải thư楷书 là bước phát triển hoàn thiện nhất của chữ Hán. Chữ Khải lưu truyền đến ngày nay, sau chữ Khải không còn thể chữ nào tiến bộ hơn nữa. Chữ Khải kết cấu chặt chẽ, nét bút chỉnh tề, lại đơn giản dễ viết, vô cùng quy phạm. Phần lớn chữ in ngày nay đều thuộc về chữ Khải.

Hình minh họa Khải thư của Âu Dương Tuân:

(2) 寿同松柏千年碧

品似之兰一味清

Dịch:

Thọ như tùng bách ngàn năm biếc

Đức tựa nhành lan một đời trong

(3) Ở Việt Nam hoa tử đằng được gọi là dây sắn tía, hoa chu đằng, hoa đằngla. Tử đằng thuộc họ đậu, hoa đẹp và thơm, nhưng hạt lại có độc tính rất mạnh.