Thái Châu Ký

Chương 7




Lúc trước mắt ta bắt đầu mơ hồ, Hàn Tranh mới buông tay ra.

Sau đó chưa kịp để ta hoàn hồn, hắn lại nắm lấy cổ áo ta, lục lọi trên giá đồ cổ trong phòng, lấy ra một chiếc hộp dài.

Thấy vậy lão già gầy hoảng sợ: "Tứ gia, chuyện này nên để công tử biết trước, hắn là gia chủ, con bé lại là vợ chưa cưới của hắn..."

Hàn Tranh hoàn toàn không để ý đến lão, ấn ta xuống bàn, tai hướng lên trên.

Hắn lấy từ trong hộp dài ra hai cây kim bạc dài nửa thước, lạnh lùng nói: "Cha nợ con trả là lẽ thường tình, ngươi đến thay cha ngươi chuộc tội, mò thêm một viên ngọc trai khác trả lại cho Hàn gia."

Ta ngoan ngoãn nằm sấp, không hề phản kháng.

Ta biết hắn đang làm gì. Người mò ngọc trai giỏi nhất Cao Sơn đạo, để thuận tiện lặn xuống biển sâu, từ nhỏ đã bị chọc thủng màng nhĩ, trở thành người điếc.

Điều này trước kia trong số những người dân chài, là chuyện rất thường thấy.

Đám người vây quanh ngoài cửa dùng tay ra hiệu trao đổi kia, đều là người mò ngọc trai được Hàn gia tỉ mỉ bồi dưỡng.

Hàn Tranh muốn ta thay cha chuộc tội, ta không phản kháng, im lặng đồng ý.

Kim bạc đ.â.m vào tai ta, xung quanh dường như đột nhiên yên tĩnh hẳn, trong tiếng ù tai đau nhói, ta đau đến toát mồ hôi lạnh, trong nháy mắt dường như sinh ra ảo giác, nhìn thấy bóng dáng Hàn Sơn Ngọc.

Đang là mùa xuân, hắn mặc một thân áo bào gấm vân màu đen, thắt lưng dệt vàng, phong thái tiêu sái, khí thế bức người.

Ta mơ hồ thấy ánh mắt lạnh lùng của hắn nheo lại, môi mỏng mím chặt, vẻ mặt tức giận không thể kiềm chế.



Ta không nghe thấy gì nữa, tai ta rất đau, trước mắt bắt đầu mơ hồ.

Ngày hôm đó quả nhiên Hàn Sơn Ngọc đã đến.

Đến không sớm không muộn, màng nhĩ tai trái ta bị chọc thủng, trở thành người điếc một nửa.

Lúc huynh ấy ôm ta rời đi, tai ta vẫn còn chảy máu.

Người Hàn Sơn Ngọc thật thơm, ta nắm lấy y phục của huynh ấy, nép vào lòng huynh ấy, ngửi thấy mùi hương cay the the như dạ lai hương.

Về sau ta vẫn luôn sống ở Tông Chính đường của huynh ấy.

Hàn Tranh gần năm năm không trở về nữa, nghe nói là Hàn Sơn Ngọc hạ lệnh, không cho hắn về phủ.

Trong Tông Chính đường có Gia Nương, nàng là một nữ tử tính tình ôn nhu, biết sắc thuốc nấu canh cho ta.

Lúc tai ta không còn đau nữa, Hàn Sơn Ngọc có một ngày hỏi ta: "A Bảo, muội có muốn về biển Chu Nhai không?"

Mắt huynh vẫn đẹp như vậy, con ngươi màu nâu tựa hồ phủ một tầng sáng bóng.

Ta nhìn vẻ mặt nghiêm túc của huynh ấy, trịnh trọng gật đầu.

Thế là tháng ba năm đó, Hàn gia sắp xếp một chiếc xe ngựa, đưa ta và Khánh bá cùng nhau trở về biển Chu Nhai.

Khánh bá là lão bộc lưng còng từng hầu hạ lão gia, lúc đó lão đã sáu mươi lăm tuổi rồi.

Trên đường trở về ta mới biết được, lão vậy mà cũng là người dân chài.



Lão nói lão hầu hạ lão gia cả đời, Hàn Sơn Quân cho phép lão dưỡng lão ở Hàn gia, nhưng lão ngày đêm mong nhớ được trở về thuyền bè của người dân chài.

Lá rụng về cội, người c.h.ế.t chôn nơi quê nhà, mới là nơi an nghỉ.

Lão còn nói với ta, Cao Sơn đạo nhiều chướng khí, từ xưa là vùng đất hoang vu, ven biển ước chừng có mười vạn dân chài.

Lúc lão còn nhỏ, mọi người đều là nô lệ, là tiện dân mạng sống như cỏ rác, cả đời không được phép xuống thuyền.

Dân chài đời đời mò ngọc trai, đổi ngọc lấy gạo, nhưng trước kia ngay cả cơm gạo cũng không có mà ăn.

Hàn gia mở bãi ngọc trai, thu mua ngọc trai, giao dịch với thương nhân kinh thành, định mức dâng lên triều đình, hiện nay thường bị người ta chỉ trích, nói họ muốn làm vậy chỉ vì muốn trở thành thế lực lớn mạnh ở Cao Sơn.

Nhưng thực ra chỉ có bản thân họ biết, mấy đời tổ tiên nỗ lực, mới có được cục diện Cao Sơn như ngày nay.

Ngọc trai vẫn rẻ mạt, nhưng ít nhất dân chài có cơm gạo mà ăn, không cần bị ép mò ngọc trai đến mất mạng.

Cao Sơn cần thế lực của Hàn gia, cần họ kiếm được đầy bát đầy bồn.

Khánh bá nói rất nhiều, cuối cùng lão hỏi ta, có còn trở về Hàn gia nữa không?

Ta trả lời: "Ta muốn gặp cha một lần."

Trước bảy tuổi, ta cùng cha sống trên thuyền ở biển Chu Nhai, chúng ta là những người vô cùng nhỏ bé trên thế gian này, đánh cá mò ngọc trai, duy trì cuộc sống.

Bỗng một ngày, cha nói muốn đưa ta đi một nơi, vẻ mặt hoảng hốt.