Ta thầm thương trộm nhớ Hàn Sơn Quân từ hồi còn bé.
Năm ta bảy tuổi, cha đưa ta đến phủ Hàn gia, lão thái gia Hàn Công đang nằm trên giường bệnh hỏi ta có bằng lòng ở lại Hàn gia, làm vợ chưa cưới cho cháu trai của ông, Hàn Sơn Ngọc, hay không?
Năm đó Hàn Sơn Ngọc mười lăm tuổi.
Mùa đông ở Cao Sơn vốn dĩ không lạnh lắm, trong phòng còn đốt lò sưởi, ta và cha nóng đến toát mồ hôi, mặt đỏ bừng vậy mà chàng trai trước mặt lại mặc áo choàng thêu hình chim hạc có viền lông chồn tuyết.
Huynh ấy thật sự rất đẹp, tóc đen như mun, da trắng nõn nà, lại còn có một đôi mắt thanh tao như sương khói.
Đôi mắt ấy ẩn chứa ánh sáng lạnh lùng, khi nhìn ta, đôi đồng tử màu nâu giống như một dòng suối sâu thẳm, tĩnh lặng không gợn sóng.
Con người ta vốn không có sức chống cự với những thứ đẹp đẽ, huống hồ cha ta vẫn luôn gọi ta là "con ngốc".
Cha ta tên là Hồ Đại, ta tên là Hồ A Bảo, trước bảy tuổi, ta và ông ấy nương tựa vào nhau mà sống, sống trên thuyền ở vùng biển Chu Nhai.
Vùng biển Chu Nhai có rất nhiều ngư dân, mà chúng ta là những người thấp kém nhất ở đó - người Đản.
Người Đản lấy thuyền làm nhà, đời đời kiếp kiếp sống trên thuyền, không được phép biết chữ và lên bờ sinh sống.
Vì vậy, chúng ta lênh đênh trên mặt nước, đánh bắt cá tôm, nuôi trồng thủy sản và lặn tìm ngọc trai.
Người trong tộc hầu hết đều rất nghèo, quần áo trên người luôn vá chằng vá đụp, quanh năm suốt tháng dãi nắng dầm mưa, khiến da dẻ ai nấy đều nứt nẻ và đen sạm.
Chính vì vậy, lần đầu tiên nhìn thấy Hàn Sơn Ngọc, ta đã trố mắt nhìn, ngây cả người ra.
Ngư dân ở Cao Sơn ngoài việc đánh cá, chủ yếu sống bằng nghề lặn tìm ngọc trai.
Cha ta chính là một thợ lặn ngọc trai.
Ông ấy từng nói với ta rằng, ngọc trai có tám phẩm cấp, ngọc trai Đương Châu là loại nhất, tỏa ra ánh sáng chói lọi, viền ngoài như được dát vàng, đặt trong phòng tối có thể thay thế nến, là bảo vật hiếm có trên đời.
Ta chưa từng thấy ngọc trai Đương Châu bao giờ, cha ta cũng chỉ mới nghe nói đến, ông ấy sáu tuổi đã biết bơi, cả đời làm nghề lặn ngọc trai, viên ngọc trai quý giá nhất mà ông ấy từng tìm được là viên Lôi Lạc châu.
Trong mắt chúng ta, Lôi Lạc châu đã là loại ngọc trai thượng hạng rồi.
Nhưng khi vừa nhìn thấy Hàn Sơn Ngọc, ta đã ngây ngốc nghĩ rằng, cho dù là viên ngọc trai quý hiếm kia, e rằng cũng chẳng đẹp bằng huynh ấy.
Hàn gia rất có thế lực ở Cao Sơn, tổ tiên của họ là người tộc Khương, thuộc bộ tộc Hàn thị, sau khi quy phục nhà Đường, một chi của họ đã được phong đất ở đây.
Hàn Công, hay còn gọi là Hàn lão thái gia, là gia chủ hiện tại của Hàn gia, đức cao vọng trọng, rất được người đời kính nể.
Ta không biết cha ta quen biết ông ấy như thế nào, nhưng chắc chắn không phải chuyện gì tốt đẹp, một nam nhân cao lớn như ông ấy, vừa nhìn thấy Hàn lão thái gia liền "bịch" một tiếng quỳ xuống trước mặt ông, khóc lóc thảm thiết, mãi không ngẩng đầu lên.
Vị trưởng lão trên giường bệnh tóc bạc trắng, mặt mày hốc hác.
Ông ấy nhìn cha ta hồi lâu, đưa một bàn tay gầy guộc ra, run rẩy chỉ vào ông ấy, giọng nói thì thào: "Là ngươi à, là ngươi sao..."
Cha ta khóc không thành tiếng, Hàn lão thái gia vậy mà cũng rơi lệ.
Về sau, ông lão ấy hỏi ta có bằng lòng ở lại Hàn gia, làm vợ chưa cưới cho cháu trai lão, Hàn Sơn Ngọc, hay không.
Chuyện này nào đâu cần một đứa trẻ lên bảy như ta trả lời. Khi cha đưa ta đến Hàn gia, người đã sớm thu xếp hành lý cho ta rồi.