Tây An
Trung tâm thành phố Tây An được bao bọc bởi một dãy tường thành cổ, ngay khu vực chính giữa là tòa tháp chuông và phía sau là một con phố dài, bất kể mùa du lịch hay không, mặc kể trời trong hay mưa gió, nơi đây luôn là thiên đường ẩm thực nườm nượp du khách ghé thăm.
Con phố này có tên là phố người Hồi, hay còn mệnh danh là "Phố văn hóa ẩm thực nổi tiếng. "Đại biểu cho vùng đất và con người Tây An", "Điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Tây An" Với mật độ dân cư đông đúc, được coi là tấc đất tấc vàng, vậy nên cửa hàng nào cũng cố chen chân vào chỗ đắc địa này. Không chen nổi mặt phố thì chui tạm vào trong các ngõ hẻm, chỉ cần treo biển hiệu ở bên ngoài đường lớn với nội dung đại loại như "XXX vào trong 15m".
Đi hết hai phần ba con phố sẽ gặp một con ngõ, đầu ngõ là cửa hàng bán nước mơ, tấm biển hiệu trên cao viết "Múa Rối bóng (1), biểu diễn theo suất". Bên dưới tấm biển còn có một con rối nữ làm bằng da, đường nét khuôn mặt quyển rũ, vòng eo nhỏ nhắn, mái tóc đen nhánh được tết dải sau gáy, quả là biển hiệu xinh đẹp sống động.
(1) Rối bóng là loại hình nghệ thuật dân gian Trung Quốc, chú trọng hiệu quả biểu diễn, bởi vì tất cả các bộ phận của nhân vật đều có thể động đậy, ngoài ra còn lồng tiếng hát, các điệu tuồng cao giọng và du dương, khiến các vở múa Rối bóng mang đậm bản sắc dân gian địa phương.
Những du khách có hứng thú hoặc đi dạo mệt thì ngồi uống cốc nước mơ, thuận tiện mua một vé xem múa rối với giá mười đồng trong vòng mười phút.
Sân khấu múa Rối bóng khá nhỏ, khu vực ngồi xem chỉ rộng khoảng mười mét vuông. Trên tường treo dây con rối với muôn dạng hình thù, nếu du khách thích thì có vài ba con với giá năm mươi tệ.
Nghệ nhân múa rối là một ông cụ tên Đinh Châu, đã sáu mươi tuổi, tóc hoa râm, ít đi đứng nên chẳng mấy khi ra ngoài chào khách, thường chỉ ngồi sau bức màn trắng phết dầu cá bóng điều khiển hai ba con Rối bóng theo nhịp trống, biểu diễn câu chuyện náo nhiệt thời xưa. Diễn vở "Gã hàng rong ghẹo gái nhà lành”, có khi thì "Na Tra đại náo thủy cung".
Suất diễn tối nay sẽ bắt đầu vào lúc bảy giờ, mới sáu giờ năm mươi mà người xem đã ngồi chật kín. Đinh Châu khẽ vén màn sân khấu để quan sát bên dưới. Phần lớn khán giả là phụ huynh và trẻ con, đám nhỏ hào hứng xoay ngược xoay xuôi trên ghế, miệng cứ bi bô hỏi: "Mấy giờ chiếu phim hoạt hình a?".
Đinh Châu thừa biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi vở diễn bắt đầu, đám trẻ sẽ thấy múa Rối bóng chán phèo, thua xa phim hoạt hình, rồi sẽ chê tiếng hát ẽo ợt khó hiểu, nhao nhao đòi ra phố chơi. Người lớn sẽ cất tiếng quát mắng, và bọn trẻ sẽ khóc lóc om sòm, còn ông vẫn cố ca mấy bài cũ rích trong tình cảnh náo loạn này, kiên trì hoàn thành vở diễn.
Chỉ vừa nghĩ thôi ông đã thấy nản rồi, nhưng đời người chính là những tháng ngày nối tiếp nhau như thế mà.
Bảy giờ kém hai phút, một cô gái trẻ xuất hiện khiến Định Châu hơi bối rồi, đã ba ngày liền đều đến đây vào lúc bảy giờ.
Lần đầu tiên cô ta tới đây, Đinh Châu đã chú ý đến cô gái rất xinh này, mái tóc dài bồng bềnh, đeo chiếc túi vải bố màu đen khá cũ ở một bên vai, mặc áo sơ mi ca rô, quần jeans rách, mang đôi giày boot cổ ngắn màu da bò cột dây, ống tay xắn lên tận khuỷu, cánh tay và ống quần dính đây vết dầu máy, giống như thợ sửa xe, nhưng chắc chắn là không phải.
Đối với trò múa Rối bóng này, khán giả ghé xem lần đầu đơn giản là thích cái mới mẻ, lần thứ hai thì có lẽ vì hứng thú; nhưng xem đến lần thứ ba thì bất thường rồi.
Suất diễn bảy giờ đúng, luôn là vở kịch "Gã hàng rong ghẹo gái nhà lành", tình tiết tán tỉnh diễn đi diễn lại chẳng có gì hay để xem. Huống chi trong mấy lần đổi cảnh, ông thường liếc qua mép màn sân khấu và đã phát hiện một điều: Cô gái kia không hề chăm chú xem múa rối, ánh mắt cô ta như mang nét cười hờ hững như thể muốn nhìn xuyên qua bức màn vậy. Mà ngoài đèn chiếu sáng rực, máy phát nhạc thì phía sau màn sân khẩu chẳng có gì, phải chăng cô ta đang nhìn.... ông?
Nghĩ đến đây thôi, Đinh Châu đã rờn rợn cả người.
Vở múa rối kết thúc, đèn ở khán đài sáng lên. Hầu hết khán giả vừa cằn nhằn dở ẹt vừa đi ra cửa, chỉ còn vài ba du khách nán lại lựa chọn mấy con Rối bóng bằng da trên tường để mua về làm quà lưu niệm.
Cô gái kia vẫn ngồi yên đây, chiếc túi vải bố treo trên lưng ghế lồi ra một góc, cổ tay cầm cuống vé có hình xăm như con rắn lượn quanh, thoạt nhìn còn tưởng cô ta đeo lắc tay nữa.
Đinh Châu hắng giọng, lê bước xuống mép sân khấu, giả vờ đi xếp lại bàn ghế cho ngay ngắn. Lúc ngang qua cô gái kia, ông còn mỉm cười khách sáo, giả lả hỏi: "Cô đến đây du lịch hả?".
"Gần như là vậy”.
“Thấy cô đến đây mấy lần rồi, nghe hiểu gì không? Toàn mấy làn điệu xưa lơ xưa lắc, hầu như thanh niên thời này đều không thích”.
Cô ta nhìn sân khấu tối om: "Chỉ có một người mà điều khiển được tận mấy con rối, lợi hại thật”.
Đinh Châu khiêm tốn: "Tôi đâu giỏi đến thế, cô ra phía sau mà xem, mấy đoạn nhạc và tiếng chiêng trống đều được thu âm sẵn rồi. Nghệ sĩ múa Rối bóng chân chính là phải 'hai tay điều khiển trăm vạn binh, trình diễn cả cuộc chiến đấu hơn chục người, còn vừa hát vừa gõ trống, đối thoại hay đánh đá, như vậy mới thật sự lợi hại... Cô gái trẻ, cô tên gì?".
"Tôi họ Diệp, Diệp Lưu Tây”.