Tào Tặc

Chương 240: Thân thích?




Hạ Hầu Lan bừng tỉnh:

-Công tử muốn nói đến Tử Long - A Tín mà ta đã cho người đưa đi sao? Có điều nửa năm rồi đến nay vẫn chưa có hồi âm.

-Tử Long là ai?

Cam Ninh nghi hoặc hỏi.

Tào Bằng nghe thấy, cười hắc hắc:

-Một người cũng có khả năng chiến đấu với ba trăm người hợp lại như Hưng Bá. Ta đoán chừng nếu giao đấu với người này, Hưng Bá chưa chắc đã chiếm tiện nghi đâu.

Cam Ninh vừa nghe, đã lộ ra vẻ khinh thường:

-Công tử nói như vậy thì hôm nào đó ta gặp mặt người này sẽ thử lĩnh giáo hắn một phen xem sao.

Tào Bằng cười hắc hắc mãi, nghiêng ngả cả người.

Sở dĩ, hắn nói những lời này chẳng qua là muốn Cam Ninh cảm thấy áp lực một chút.

Mới nghe đến đó thôi mà y đã tức rồi, có thể nói cũng không phải y không bận tâm. Dưới ánh nến trên bàn, Tào Bằng đọc lướt qua phong thư một lần, đôi lông mày chợt nhướng lên.

-Công tử, làm sao vậy?

Tào Bằng cười lạnh một tiếng:

-Ta chỉ biết Lưu Bị không phải người kém thông minh như thế. Ngụy Tục và Hầu Thành đã chết, nhưng Lã Bố vẫn giữ kín tin tức, không để lộ một điểm nào. Con nuôi của gã là Lã Cát đã đến tìm nơi nương tựa chỗ Lưu Bị. Lưu Bị muốn thông qua Lã Cát để liên hệ với Trương Văn Viễn ở Từ huyện, buộc Trương Liêu phải dẫn binh đến Bái quốc.

-A…

Cam Ninh ngẩn ra, đôi đồng tử của y chuyển động, rồi y chợt hiểu ra điểm khác thường trong đó.

-Lưu Bị này thật ra đã có một chủ ý rất hay.

Lưu Bị và Trương Liêu có thể nói là quen biết đã lâu. Cho dù thế nào thì lúc trước khi Lưu Bị và Lữ Bố ở Từ Châu cũng có một thời kỳ mật ngọt. Bất kể là lúc đầu Lữ Bố dựa vào Lưu Bị hay sau này Lưu Bị dựa vào Lữ Bố thì cả hai bên đều có những chuyện rất đẹp. Có điều do Lưu Bị và Lữ bố không phải là loại người chịu dưới người khác, cả hai đều có dã tâm cực cao cho nên cuối cùng vẫn trở mặt thành địch thủ của nhau.

Tuy nhiên điều đó cũng không ảnh hưởng tới quan hệ của Lưu Bị và Trương Liêu. Cho dù sau này, Trương Liêu từng đánh cho Lưu Bị bỏ chạy trối chết ở nước Bái.

Đồng thời, Quan Vũ và Trương Liêu cũng có quan hệ rất tốt. Cả hai người đều có võ nghệ cao cường cho nên rất dễ hòa hợp. Hiện tại Lữ Bố coi như bị tiêu diệt, Lưu Bị đang trong tình trạng ăn nhờ ở đậu...

- Lưu Huyền Đức không cam tâm rồi.

Tào Bằng nhìn rõ ý đồ của Lưu Bị nên cùng với Cam Ninh nhìn nhau cười.

Phong thư của Lưu Bị không chỉ có ý muốn chiêu mộ Trương Liêu mà đồng thời còn có ý tưởng tạo đường lui cho bản thân. Với trí tuệ của Lưu Bị chẳng lẽ không đoán ra được nếu bản thân đi với Tào Tháo tới Hứa Đô thì chẳng khác nào cảnh cá chậu chim lồng. Đường nhiên y sẽ không cam lòng trở thành con cờ của Tào Tháo mà sẽ nghĩ cách ở lại Từ Châu. Mất đi Lữ Bố, Từ Châu sẽ có một thời gian hỗn loạn. Còn Lưu Bị ở Từ Châu rất có danh vọng. Mi Chúc và Mi Phương lại là cựu thần ở Từ Châu. Nếu như y có được Từ Châu thì còn có rất nhiều cơ hội.

Nhưng điều kiện đầu tiên đó là y phải được ở lại. Nếu Lưu Bị có thể mời chào được Trương Liêu khiến cho Trương Liêu tạm thời rời khỏi Từ huyện trốn tới nước Bái. Nơi đó từng là địa bàn của Lưu Bị, mặc dù sau này bị Trương Liêu đuổi đi nhưng dù sao thì cũng coi như đó là căn cơ của mình.

Trương Liêu lui về nước Bái có thể âm thầm duy trì cho Lưu Bị.

Còn Lưu Bị cũng có thể lấy cớ Trương Liêu bị nạn binh đao mà lưu lại giữ Từ Châu, tiếp tục lý tưởng của mình.

Tóm lại, một khi Lưu Bị mời chào được Trương Liêu thì đúng là một chuyện rắc rối. Tào Bằng không thể để cho chuyện đó xảy ra. Ít nhất, trước mắt, hắn sẽ không ngồi xem Lưu Bị chào đón Trương Liêu.

- Nếu không có phong thư này, suýt nữa ta quên mất chuyện Trương Liêu.

- Công tử định làm thế nào?

Tào Bằng nghĩ ngợi một chút rồi cười:

- Hiện giờ ta không thể phân thân. Có điều phải ổn định Văn Viễn trước, đồng thời dạy cho Lưu Huyền Đức một bài học.

- Dạy?

Tào Bằng ngẩng đầu, liếc nhìn Hạ Hầu Lan.

- Người đưa tin đang ở chỗ nào?

- Đang ở doanh trại trong rừng, mạt tướng phái người tạm giam.

- Giết hắn. Sau đó đưa thi thể và phong thư cho tướng quân Tào Hồng.

Hạ Hầu Lan ngẩn người không hiểu ý Tào Bằng nhưng nếu Tào Bằng đã ra lệnh thì Hạ Hầu Lan cũng chỉ nghe mà xoay người rời đi.

- Vì sao phải giết người đưa tin?

- Thật ra thì cho dù có giao người đưa tin đó cho Tào công, Tào công cũng không làm khó Lưu Bị mà thậm chí còn giết người đưa tin. Hiện giờ Tào công đang ở trên đầu sóng ngọn gió cho nên sẽ không có ý định giết Lưu Bị. Nhiều lắm thì cảnh cáo hắn một chút. Nếu như vậy thì ai giết mà chẳng giống nhau.

Nói xong câu đó, Tào Bằng chợt giật mình.

"Bắt đầu từ bao giờ, bản thân mình trở nên lạnh lùng như vậy?"

Mạng người ở trong suy nghĩ của hắn dường như không quan trọng, nói giết là giết chẳng hề có chút do dự. Đây không phải là tính cách của hắn...

Tào Bằng ngồi yên một lúc rồi lắc đầu. Có lẽ do thời gian qua chịu áp lực quá lớn cho nên làm cho bản thân trở nên khô cứng. Trước tiên cứ tập trung tinh thần xử lý chuyện Hạ Giao rồi sau đó nghĩ cách điều chỉnh suy nghĩ.

- Hưng Bá! Ngươi lập tức phái người trở về Hạ Tương, mật lệnh cho Đặng Chi nghĩ cách tới Từ huyện để ổn định Trương Liêu...đợi khi ta xong việc bên này sẽ tới Từ huyện.

Cam Ninh vâng lời rồi vội vàng xoay người rời đi.

Ngày tiếp theo khi trời vừa sáng...

Lưu Bị dạo một vòng trong doanh trại xong đang định về trướng nghỉ ngơi thì chợt nghe lính báo: Tào Tư không cho mời.

Sáng sớm, Trương Phi và Quan Vũ đã dắt ngựa ra ngoài đi dạo, không có ở trong doanh trại. Lưu Bị không dám chậm trễ liền vội vàng thay quần áo rồi đi tới chỗ của Tào Tháo.

Tào Tháo ở tại dinh thự của huyện Hạ Giao. Điển Mãn và Hứa Nghi mặc trang phục của lính đứng bên ngoài canh gác. Trời rất lạnh, dưới mái hiên kết thành những mảng băng. Lưu Bị vội vàng tới nơi, Điển Mãn và Hứa Nghi cũng chỉ lạnh lùng thông báo rồi để cho Lưu Bị tự đi vào.

Lưu Bị biết hai người này là anh em kết nghĩa với Tào Bằng. Lúc trước y cướp lương thực của Tào Bằng thì làm sao mà Điển Mãn và Hứa Nghi có thái độ tốt với y được.

Lưu Bị thầm kêu khổ đồng thời giật mình. Bởi vì ở trong doanh trại quân Tào một thời gian, y biết Tào Bằng và đám tướng trong quân Tào có quan hệ rất tốt. Đặc biệt là đám tướng lính họ Tào, họ Hạ Hầu đều có quan hệ mật thiết với Tào Bằng. Y bắt đầu hơi hối hận vì đã chọc phải Tào Bằng.

Trong căn phòng có một cái chậu than, lửa đang bốc lên hừng hực. Tào Tháo khoác một cái cẩm y, đang xem hồ sơ. Thấy Lưu Bị bước vào, y cười lớn đứng dậy, nắm lấy tay Lưu Bị rồi sau đó ngồi xuống.

- Huyền Đức! Hai ngày nay công vụ bận rộn không thể tiếp đãi, xin Huyền Đức chớ trách.

- Tư Không nói vậy, Bị được minh công thu nhận đã vô cùng cảm kích. Hơn nữa gần đây Bị khá thoải mái có gì chậm trễ đâu.

- Thoái mái là tốt. Nhưng nếu người ta quá thoải mái dễ nảy sinh nhiều ý nghĩ không hay.

- Là sao?

Lưu Bị hơi giật mình.

Qua lời nói của Tào Tháo, y có thể nhận thấy một cái ý nào đó.

- Minh công nói đùa.

Tào Tháo nheo mày, sầm mặt xuống:

- Huyền Đức! Ta nghe người ta nói ngươi và Trương Văn Viễn ở Từ huyện có quen biết với nhau?

- Cái này...

- Văn Viễn là người có tài, hiện giờ đang bị vây khốn ở Từ huyện gần như rơi vào bước đường cùng. Ta muốn chiêu hàng Trương Văn Viễn nhưng lại không chọn được người thích hợp. Nhưng nếu cứ để ở Từ huyện thì cũng không phải là việc lâu dài. Ta đang nghĩ tới chuyện đó thì nghe nói Huyền Đức và Trương Liêu có quen biết cũ vì vậy muốn nhờ Huyền Đức vất vả tới Từ huyền để gọi hàng. Nếu như có thể chiêu hàng được Trương Liêu là tốt nhất. Nếu như không thể chiêu hàng...tóm lại là không để cho trốn tới nước Bái.

Lưu Bị thầm hít một hơi thật sâu.

Tào Tháo nói vậy là có ý gì?

Một người thông minh như Lưu Bị làm sao nghe mà không hiểu?

- Sợ là Minh công hiểu nhầm. Bị và Lữ bố từ năm Hưng Bình thứ nhất đã động đao thương với nhau thì làm sao có quan hệ được?

- Vậy thì thật đáng tiếc.

Tào Tháo nhìn Lưu Bị rồi nhoẻn miệng cười.

- Nếu không phải vậy thì thôi. Cứ coi như ta chưa nói chuyện này. Huyền Đức! Đại chiến ở Từ Châu đã chấm dứt, ta chuẩn bị trở về Hứa Đô. Có điều Từ Châu không có người trấn thủ, không biết ý Huyền Đức thế nào?

Ý câu nói của Tào Tháo chính là muốn nói với Lưu Bị:"Ta định cho ngươi giữ Từ Châu." Điều này có thể nói là hợp với ý định của Lưu Bị. Nhưng không biết tại sao, Lưu Bị cảm thấy có một thứ sát khí rất đậm. Lưu Bị tin rằng chỉ cẩn bàn thân gật đầu, Tào Tháo sẽ trở mặt mà lấy đầu mình. Mồ hôi lạnh chảy ướt sống lưng của Lưu Bị.

- Minh công! Không thể làm như vậy được. Bị tài sơ học thiển, làm sao có thể trấn giữ được Từ Châu. Nếu như có tài thì lúc trước cũng không bị Lữ Bố đuổi khỏi đây rồi không có nhà để về. Nay minh công mới có được Từ Châu cần phải phái người mạnh ra trấn giữ mới được. Bị thật sự không dám nhận lấy cái trách nhiệm này, xin Minh công hãy tuyển lấy người khác. Bạn đang đọc chuyện tại

- Vậy thật là đáng tiếc.

Tào Tháo cười, không nói gì tới việc này nữa. Y và Lưu Bị nói chuyện với nhau, nhưng mỗi câu nói đều khiến cho Lưu Bị run sợ, mồ hôi chảy ướt hết áo.

Một lát sau, Lưu Bị lấy cớ mà cáo từ. Y vừa mới bước chân ra, Quách Gia và Tuân Du liền bước vào trong phòng.

- Lưu Huyền Đức quả nhiên là ôm chí lớn.

Tào Tháo ngẩng đầu, nét mặt trở nên âm trầm.

- Tại sao Minh công không bắt lấy mà chấm dứt hậu hoạn? - Tuân Du nhíu mày hỏi nhỏ.

- Nếu giết chết Lưu Bị thì chỉ sợ người khác mượn cớ...có điều cứ để cho hắn theo ta trở về Hứa Đổ rồi kiếm cơ hội diệt hắn.

Nói thì nói như vậy nhưng có thể nghe thấy Tào Tháo vẫn không cam lòng.

Tuân Du còn định góp ý thì bị Quách Gia giật tay rồi lắc đầu.

- Chẳng qua, Trương Liêu...nếu giết thì thật đáng tiếc.

Tào Tháo trầm ngâm một lát rồi hỏi:

- Phụng Hiếu! Ngươi nói xem nên phái ai tới Từ Huyện đều chiêu hàng Trương Văn Viễn? Người này phải thật có tài.

Quách Gia nghĩ một chút:

- Thuộc hạ có thể tiến cử một người có khả năng thành công.

- Ai?

- Lúc trước, thuộc hà uống rượu với Trường Văn từng nghe Trường Văn nói rằng ngày xưa Tào hữu Học có quan hệ với Trương Liêu. Sau đó, Trương Liêu còn tặng Tào Hữu Học hai trăm binh mã để hộ vệ. Lúc trước, Trương Liêu không tán thành chuyện Lữ Bố tấn công Hải Tây vì vậy mà bị đuổi khỏi Hạ Bì tới đóng ở Từ huyện. Trong chuyện này chắc chắn có liên quan tới Tào Hữu Học. Nếu như vậy tại sao không để Tào Hữu Học đi sứ tới Từ huyện gọi Trương Liêu về hàng Minh công?

- Lại là tên tiểu tử thối đó.

Tào Tháo liền nở nụ cười. Ấn tượng của Tào Tháo đối với Tào Bằng không hề tồi. Cả nhà hắn cống hiến cho y. Sau đó lại theo anh rể tới Hải Tây. Lần đại chiến này, hắn còn đảm bảo cho việc lương thảo đầy đủ.

Chỉ có điều tính tình của tên tiểu tử đó hơi bướng bình khiến cho trước đây có lần Tào Tháo bị mất mặt. Hơn nữa hiện giờ hắn vẫn còn chưa chịu nhận lỗi với Tào Tháo.

Có điều càng như vậy Tào Tháo lại càng thấy Tào Bằng có khí tiết.

- Đúng rồi! Hiện giờ Tuyển Thạch ra sao?

Tuyển Thạch chính là cha của Tào Bằng, hiện giờ đang làm Giám lệnh của Chư Dã giám - Ngũ đại phu Tào Cấp.

Quách Gia ngẩn người, hơi xấu hổ cười nói:

- Chuyện này không rõ lắm.

Tuân Du cười nói:

- Từ khi Tuyển Thạch đảm nhận Giám lệnh tới nay tận trung với công việc, hết sức cần cù. Từ khi Hà Nhất xưởng do y chủ sự đã hồi phục lại sự hưng thịnh. Trong một năm qua tạo được hơn ba ngàn đao thuẫn, năm trăm bộ trát giáp và rất nhiều nông cụ. Mặt khác, y còn chế tạo cải tiến ra một thứ có tên là Tào Công lê (lê: Cái cày). Việc này khiến cho hiệu quả canh tác lại càng thêm rõ ràng. Trước khi chinh phạt Từ Châu, Văn Nhược có đi kiểm tra thì đúng là không hổ thẹn với cái tên Ẩn mặc cự tử. Dự tính năm sau, Hà Nhất xưởng sẽ sản xuất năm nghìn đao thuẫn, hơn ngàn áo giáp... Từ Hòa rất khen ngợi áo giáp của Hà Nhất xưởng. Y nói nếu như xây dựng thành công Hổ Báo thì phải kể tới công của cha con họ Tào.

Trong một năm qua, Tào Tháo chỉ chú ý tới chiến sự cho nên đối với chuyện của Hà Nhất xưởng cũng không hiểu biết lắm.

- Tào công lê?

Tào Tháo thôi cười:

- Đó là cái gì?

- Nghe nói Tuyển Thạch căn cứ theo cái mà Tào Hữu Học nghĩ ra từ khi còn nhỏ rồi cải tạo, không ngờ lại thành công. Sau khi Văn Nhược dùng thử thì so với loại cày trước đây dùng ít sức hơn, đồng thời lại rộng hơn. Còn về phần cái tên Tào Công lê đó cũng là do Tuyển Thạch đề nghị. Y nói nếu không có Tào công cho mình sự kỳ ngộ thì không thể nào có ý tưởng đó. Vì vậy mà y mới lấy họ của Tư Không đặt là Tào công lê.

Tào Tháo gật đầu:

- Cả nhà họ Tào đều là người thuần lương.

Đột nhiên y chợt cảm khái vì sự tao ngộ đó. Lúc trước, khi mới dùng Tào Cấp cũng là vì Tào Cấp hiến bàn đạp và yên ngựa. Hà Nhất xưởng bỏ hoang nhiều năm, Tào Tháo cũng định thử cho Tào Cấp tiếp nhận. Không ngờ Tào Cấp thật sự thành công hơn nữa còn có rất nhiều thành tích. Hiện giờ còn tạo ra Tào công lê, phải nói công lao quá nhiều. Trước đây, Tào cấp từng hiến ba trăm thanh đao làm trăng lực chiến đấu của quân Hổ Bôn.

Lúc ấy, Tào Tháo lấy cớ Tào Cấp mới làm quan một thời gian ngắn nên không cho lên chức mà chỉ ban cho một cái tước vị Ngũ đại phu. Mà nay xem ra thì cái tước vị đó có phần nhẹ. Trầm ngâm một lúc, Tào Tháo nói:

- Công lao của Tuyển Thạch như vậy phải phong thưởng, nếu không sẽ làm cho mọi người nhụt chí. Hiện giờ Hà Nhất xưởng mở rộng, ta định đặt một chút Chư dã đô úy để cho Tuyển Thạch nhận cái chức đó. Đồng thời phong làm Hà Nhất hầu. Các ngươi thấy thế nào?

Từ trước tới nay, phong tước chủ yếu là do vua. Lúc đầu, nhà Hán từng quy định nếu không phải họ Lưu thì không được phong hầu. Có điều từ giữa thời Đông Hán tới nay, xuất hiện rất nhìn hoạn quan được phong hầu, ngoại thích cũng được phong hầu. Điều đó khiến cho nguyên tắc phong hầu biến mất. Đương nhiên, danh sách tước vị giống như huyện, hương, đình hầu không có nhiều thay đổi, chỉ có thêm rất nhiều danh hầu. Cái tước vị này chỉ nhằm khen ngợi công lao chứ không có đất phong, hơn nữa không được cha truyền con nối.

Ngay cả hoạn quan, ngoại thích còn được phong hầu nói chi công lao của Tào Cấp như vậy? Nhưng vấn đề là việc phong hầu cho Tào Cấp phải được triều thần đồng ý.

Quách Gia còn đỡ, thái độ của Tuân Du cũng trở nên hết sức quan trọng. Còn về cái chức quan Chư dã đô úy thật ra chỉ là lên chức. Trước đây, thiếu phủ không có đô úy nhất định. Khí giới, thuyền bè đều do Điển Tào đô úy quản lý. Chức trách Chư Dã đô úy chính là chế tạo binh khí, áo giáp, hưởng lộc gần ngàn thạch. Có nghĩa là mỗi tháng có thể có được chín trăm đấu. Việc lên chứ này trước mắt mà nói thì không có ai thích hợp hơn Tào Cấp.

Tào Cấp ở Hà Nhất xưởng làm rất tốt, hiện giờ cần phải làm cho y phát triển.

Tuân Du nghĩ một chút rồi gật đầu:

- Chư Dã đô úy, ngoài Tuyển Thạch không ai hơn được. Chỉ có điều, Hà Nhất Hầu thì kinh nghiệm của Tuyển Thạch còn thiếu.

"Kinh nghiệm còn thiếu?" Không phải.

Nói thẳng ra là ở vấn đề xuất thân.

Mặc dù Tuân Du không nói rõ nhưng Tào Tháo có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Y nghĩ một chút rồi quay đầu nói với Quách Gia:

- Phụng Hiếu có ý kiến gì không?

Cái vấn đề xuất thân đúng là rắc rối. Quách Gia nghĩ một chút rồi đột nhiên nói:

- Trước đây, khi Tuyển Thạch tới báo cáo công việc, ta từng nghe hắn nói rằng hắn sinh ra ở Nam Dương nhưng tổ tiên lại không phải là người Nam Dương...nghe nói tổ tiên của y vào năm Chinh Hòa mới dời tới núi Trung Dương, hình như là hậu nhân của Cung hầu...không biết có phải sự thật hay không.

Tuân Du phun ra một ngụm nước, nhìn Quách Gia mà không nói được một tiếng nào. Mà Tào Tháo thì ho khan một lúc mới dừng lại, nhất thời không biết nói thế nào.

"Ngươi hỏi tại sao hai người này lại phản ứng mạnh như vậy?"

Cái đó phải bắt đàu từ thời Tây Hán. Hán Cao Tổ Lưu Bang dựng nên nhà Hán, dưới trướng có một người tên Tào Sâm là người đồng hương với Cao ổ hoàng đế.

Mặc dù người này không nổi danh như Trương Lương, Tiêu Hà nhưng cũng là một trong những công thần số một, số hai của nhà hán.

Tào Sâm có con trai tên là Tào Man dược phong tước Bình Dương hầu, sau đó nhận chức Ngự Sử đại phu. Sau tới thời Hiếu Văn đế thì miễn chức làm hầu rồi chết. Con trai của Tào Man là Tào Kỷ giữ chức hầu được bảy năm được gọi là Giản Hầu. Con trai của Tào Kỷ là Tào Thì cưới công chúa Bình Dương, giữ tước hầu hai mươi ba năm, được gọi là Di Hầu. Con trai của Tào Thì là Tào Tương lại cưới Vệ Trường công chúa, giữ tước hầu mười sáu năm rồi qua đời. Tào Tương chính chính là Cung hầu mà Quách Gia nói.

Con trai của Táo Tương là Tào Tông vào năm Chinh Hòa thứ hai vì liên lụy chuyện thái tử Vũ Đế động binh mà bị xử tử.

Việc phong tước của họ Tào cũng bị bỏ. Người nhà họ Tào lưu lạc bốn phương trong đó có một người tới ngụ tại huyện Tiếu khiến cho đời sau mới được yên lành một chút.

Mà Tào Tháo thì xuất thân từ họ Tào ở huyện Tiếu. Quách Gia nói Tào Cấp là hậu duệ của Cung hầu chẳng phải là nói, Tào Tháo và Tào Cấp cùng tông?

Nếu nói như vậy thì đừng nói là Hà Nhất hầu, cho dù phong Tào Cấp làm Quan Trung hầu, Quan nội hầu cũng không có ai phản đối.

Tào Tháo thầm nghĩ:" Ta chỉ muốn người giúp ta có một ý chứ không yêu cầu ngươi kéo thêm người thân cho ta!'

Truyện convert hay : Vô Thượng Chinh Phục Hệ Thống