Edit | Beta: Châu, Manh & MDL
Tiền viện nơi Thôi thị ở trồng những cây tùng bách cao lớn, cành lá xum xuê, bóng cây xanh rợp, tuy đã vào hè nhưng không khí lại rất mát mẻ. Trong viện, vú già đang lẳng lặng vẩy nước quét nhà, vài tỳ nữ trẻ tuổi đứng ngay ngắn ngoài hành lang, thấy Gia Nhu tới thì vội vàng cong gối hành lễ.
Gia Nhu đi đến cửa thì dừng, nhìn vào trong phòng.
Đối diện cửa phòng là một tấm bình phong gỗ vẽ cảnh non nước, phía trước đặt chiếc sập gỗ tử đàn, Thôi thị và Mộc Thành Tiết đang ngồi trên sập, dưới mặt đất trải chiếu là nơi mẹ con Liễu thị đang cung kính quỳ.
Thôi thị mặt dửng dưng cầm chén bạc uống nước mía.
Liễu thị còn chưa đến ba mươi, tuy bận đồ giản dị nhưng thị có làn da trắng nõn, ánh mắt hàm tình, như nhành liễu rủ trong gió, khiến người ta sinh lòng tiếc thương. Thị vốn sinh ra trong gia đình nhà quan, bởi vì phụ thân phạm tội, nữ quyến trong nhà bị phạt nhập nô tịch, sau lại lang bạt đầu đường xó chợ, theo Mộc Thành Tiết rồi mới thoát khỏi thân phận cũ.
Liễu thị ôm đứa con trai mới chào đời chưa lâu, hẵng còn đang say ngủ. Thuận Nương quỳ cạnh thị mặc bộ nhu quần[1] vải thô xanh, căng thẳng túm chặt hai bên sườn váy, tựa như một đứa trẻ xuất thân từ gia đình thường dân. Tuy dung nhan nàng ta không bằng mẹ mình, song cũng có thể xem như xinh đẹp.
[1] Một loại y phục xuất hiện từ thời Chiến quốc, nhu (襦) là áo vạt ngắn, khi đi chung với váy sẽ được gọi là nhu quần (襦裙), tức áo ngắn và váy. Dưới đây là hai kiểu mặc truyền thống.
Uống nước mía xong, Thôi thị đưa chén bạc cho tỳ nữ, bấy giờ mới lạnh nhạt lên tiếng: “Ngươi đã sinh hạ con trai vì Đại vương, khổ nhọc mà công cao, không lý nào lại để tiểu lang quân phải uất ức sống ở biệt trạch. Ta sẽ sai người quét dọn nơi ở, từ giờ các ngươi hãy ở đó đi.”
Liễu thị ngàn ơn vạn tạ, bảo con gái dập đầu trước Thôi thị.
Mộc Thành Tiết nhìn thoáng qua Thôi thị, từ đầu chí cuối, bà giữ vững vẻ bình tĩnh, cứ như thể mẹ con Liễu thị chỉ là thứ râu ria.
Bấy lâu nay bà vẫn thế, cho dù ông có làm gì, bà cũng chẳng mảy may bận lòng.
Năm đó khi ông lên phương Bắc, Thiên tử từng muốn gả tiểu thư trong hoàng tộc[2] cho ông. Song, vì ngưỡng mộ Thôi thị xinh đẹp tài hoa, ngay tại điện Thái Cực, ông đã xin được cưới bà trước đám đông, Thiên tử và Thôi gia không thể không gật đầu.
[2] 宗室之女 (Tôn thất nữ nhân) chỉ những người con gái có chung dòng họ với vua, nhưng không phải con vua mà là con của các vương gia.
Tiểu thư nhà danh môn và Phiên vương trấn thủ một phương vốn nên là một đoạn giai thoại, nhưng trong mắt người Trường An, Vân Nam Vương ông chẳng qua chỉ là tên man di tới từ một vùng đất lạc hậu, không thể coi như bến đỗ tốt lành.
Bà ly biệt quê hương, rời xa Trường An, trong lòng ắt hẳn oán ông, trách ông, căm hận ông, thế nên mới hiếm khi nào nở nụ cười. Đã nhiều năm trôi qua, vợ chồng vốn nên thắm thiết mặn nồng, vậy mà cuối cùng lại như người dưng nước lã.
Liễu thị đang quỳ ở dưới thầm cảm khái, nguyện vọng nhiều năm cuối cùng cũng trở thành sự thật.
Đối với người như thị, con gái của Thôi gia là trăng sáng trên trời, cao không thể với. Thị chẳng bao giờ vọng tưởng mình có thể sánh vai với bà, nhưng thị thiết tha muốn làm một vị thiếp danh chính ngôn thuận, để con cái có họ có tên.
Mẹ con thị ăn mặc nghèo nàn, ở phòng đơn sơ đã nhiều năm, song không dám có nửa câu oán thán.
Nhìn Thôi thị sống trong nhà cao cửa rộng, mặc đồ tơ lụa quý giá, đeo vàng bạc châu ngọc, lại để được một gái một trai, là quận chúa và thế tử cao quý do triều đình sắc phong, Liễu thị cảm thán, cuộc sống quả là không công bằng.
Nhưng thế gian này, nào ai đấu lại được vận mệnh chứ.
Lúc này, Gia Nhu bước vào gọi: “Mẹ!”
Thôi thị nở nụ cười, nâng tay đón con, kéo nàng ngồi xuống bên cạnh mình.
Thiếu nữ xinh đẹp rạng ngời, cử chỉ tự nhiên mà phóng khoáng, vừa xuất hiện đã thu hút sự chú ý của mọi người. So với nàng, Thuận Nương quả là mờ nhạt.
Gia Nhu vừa nói chuyện với Thôi thị vừa len lén liếc cha đang ngồi cạnh đó. Mộc Thành Tiết không quá cao to cường tráng nhưng lại anh tuấn xuất chúng, bởi vì lãnh binh quanh năm nên khí thế có vài phần khiếp người, khiến ông nom có vẻ khó gần.
Nàng nhớ tới lời gã thái giám từng nói kiếp trước rằng nàng rời nhà rồi nhưng cha mẹ vẫn âm thầm giúp đỡ. Mũi cay cay, nàng khe khẽ nói: “Cha, lúc trước con sai rồi, cha còn giận con không?”
Mộc Thành Tiết có hơi bất ngờ khi nàng chủ động nhận lỗi, ông nghiêm mặt: “Biết sai là tốt rồi. Từ giờ con mà ngoan ngoãn thì cha sẽ không giận nữa.”
Gia Nhu đè thấp giọng đồng ý. Kiếp này, nàng tuyệt đối sẽ không vứt bỏ gia đình, ngỗ nghịch cha mẹ.
Đây là nàng nợ bọn họ.
Mộc Thành Tiết thấy con gái có phần kỳ lạ, song ông cũng không suy nghĩ nhiều. Con mà hiểu chuyện được như vậy thì quả là không còn gì bằng.
Liễu thị vẫn còn đang trong giai đoạn ở cữ, thân thể suy yếu, chân tê rần vì quỳ, nhưng thị không dám nhúc nhích, sợ làm ra lỗi gì.
Sau cùng, A Thường tiến đến bẩm báo, viện đã được dọn dẹp thỏa đáng.
Thôi thị phân phó: “Vú sắp xếp cho họ vài người chăm sóc và mời hai vị nhũ mẫu đến trông nom tiểu lang quân nữa nhé.”
A Thường nhận việc, nhìn xuống từ trên cao: “Mời Liễu nương tử.”
Liễu thị đứng lên, hai chân mềm oặt vì quỳ lâu, suýt nữa ngã sấp xuống. Thuận Nương vội vàng đỡ thị, sốt ruột hô: “Mẹ!”
Mọi ánh mắt ở trong phòng đổ dồn về phía nàng ta, A Thường nói thẳng: “Xem ra tiểu nương tử không hiểu quy củ cho lắm thì phải?”
Liễu thị biến sắc, lén véo mu bàn tay của Thuận Nương. Nàng ta cũng biết mình gọi sai, đứng sững tại chỗ, hơi hơi run rẩy.
Ở trước mặt chủ mẫu, cho dù Liễu thị có là mẹ ruột của nàng ta thì cũng chỉ có thể gọi hai tiếng “di nương”. Nếu chủ mẫu khắc nghiệt thì còn có thể vin vào đó mà nghiêm trị các nàng.
Liễu thị căng thẳng nhìn về phía Mộc Thành Tiết, thấy ông chỉ cúi đầu uống trà chứ không có ý giúp đỡ, thị toan quỳ xuống để bồi tội với Thôi thị.
Thôi thị nâng tay: “Đứng lên đi. Các ngươi mới vào phủ, mọi việc còn chưa quen, lần này ta bỏ qua. Có điều vương phủ có quy củ của vương phủ, vào phủ là thân phận đã khác, ngôn từ, hành vi, cử chỉ cũng phải sửa lại, sau này ta sẽ phái người tới dạy bảo Thuận Nương. Đi xuống nghỉ ngơi đi.”
Liễu thị cùng Thuận Nương không dám phản đối, tạ ơn Thôi thị rồi cùng A Thường ra ngoài.
Kiếp trước Gia Nhu không gặp hai mẹ con họ, trong thư Thôi thị cũng hiếm khi nhắc đến, dường như chỉ là hai nhân vật mờ nhạt trong phủ Vân Nam Vương. Nàng chỉ biết cậu em nhỏ nhất có vẻ yếu ớt bệnh tật, sống chưa được bao lâu thì chết. Mà sau khi vương phủ gặp chuyện lớn, bằng vào nhan sắc của bản thân, vị thứ muội kia vẫn thuận buồm xuôi gió như trước.
Trong phòng chỉ còn một nhà ba người, Mộc Thành Tiết cảm thấy mất tự nhiên, vốn định xuống sập rời đi, Thôi thị lại hỏi: “Đại vương, Nhị lang đã tới thành Lệ Thủy gần một năm rồi. Tháng sau là Đoan Ngọ, có thể cho con về nhà một chuyến được không?”
“Cái họa nó gây ra nhỏ lắm sao! Cứ để nó ở đấy lâu lâu cho tỉnh ra!” Giọng Mộc Thành Tiết ra chiều không vui.
Thôi thị thuyết phục: “Nhị lang sống trong quân doanh từ nhỏ, hiếm khi ở nhà, quả thật thiếp thân đã lơ là việc dạy dỗ. Nhưng chuyện lần đó không thể chỉ trách mình nó được, vì bảo vệ vương phủ và ngài nên nó mới xung đột với bọn họ.”
Kể từ khi Nam Chiếu quy về đất Trung Nguyên, để ổn định tình hình trong nước, triều đình vẫn tiếp tục trị nước theo chính sách phân đất phong hầu cho các thị tộc lớn.
Thành Dương Tư Mị có bốn thị tộc lớn, theo thứ tự lần lượt là Mộc thị, Điền thị, Đao thị và Cao thị, đều là những thị tộc rất mực tôn quý, được nhiều đời vua ban họ. Tuy Mộc Thành Tiết được triều đình sắc phong làm Vân Nam Vương, nhưng nếu có vấn đề gì xảy ra, ông vẫn cần phải trao đổi với thủ lĩnh của những thị tộc kia.
Mấy năm nay, uy vọng của triều đình đối với vùng biên ngày càng thuyên giảm. Tham vọng của một số thị tộc lớn dần bành trướng, họ thường xuyên chống đối mệnh lệnh, càng ngày càng không coi Vân Nam Vương ra gì.
Năm ngoái, vài vị tộc trưởng không chịu nộp thuế, hai bên ầm ĩ, động tay động chân. Đến khi Mộc Cảnh Thanh bị Mộc Thành Tiết phạt đến thành Lệ Thuỷ, chịu tội thay Cao Dương thì chuyện này mới lắng dần.
Gia Nhu túm tay Mộc Thành Tiết: “Cha, con và mẹ nhớ em lắm. Vừa hay nhà ta có thêm người, cũng nên cho em ấy trở về làm quen một chút chứ?”
Trước đây nàng không dám gần gũi với Mộc Thành Tiết vì thấy ông quá hung dữ. Sống lại rồi, lòng mang đầy áy náy với người nhà, đương nhiên sẽ thân cận với họ hơn.
Mộc Thành Tiết nhìn bàn tay nhỏ mũm mĩm của nàng, nhớ tới lúc con mới chào đời, ông vui sướng ôm con vào trong lòng, mất tự nhiên hắng giọng: “Thành Lệ Thuỷ đang luyện binh, khi nào kết thúc thì sẽ để nó về. Ta còn có việc, hai mẹ con nói chuyện tiếp đi.” Dứt lời, ông xỏ giày rồi vội vàng rời đi.
Tay Gia Nhu cứng lại giữa không trung, nàng đã nói gì sai ư? Thôi thị khẽ cười bảo: “Chiêu Chiêu, có lẽ là cha xấu hổ đấy mà. Đã lâu rồi con không thân thiết với cha như vậy.”
Thì ra là thế. Gia Nhu tựa vào lòng Thôi thị, trong thâm tâm sinh ra nỗi cay đắng khó tả. Gia đình thương yêu nàng vô điều kiện là thế, vậy mà kiếp trước nàng lại nhẫn tâm rời bỏ họ chỉ vì muốn ở bên Ngu Bắc Huyền. Nàng nhỏ giọng: “Mẹ, trước đây con gái không hiểu chuyện, sau này con sẽ không như vậy nữa.”
Thôi thị ôm nàng, có phần khó tin: “Con nói thật chứ?”