Tam Thiếu Gia Đích Kiếm

Chương 44: Kiếm Đoạt Mạng




Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Tôi không thấy nhưng tôi biết. Nếu chàng không lo lắng làm sao chàng lại để mắt đến con đàn bà có cặp mắt cá ươn như thế chứ?

Nàng ta ngồi cạnh Tạ Hiểu Phong:

- Có điều tôi nghĩ không ra tại sao chàng lại lo lắng như vậy?

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Cô mà cũng có chuyện nghĩ không ra cơ à?

Mộ Dung Thu Hoạch thở một hơi dài khe khẽ rồi bảo:

- Có khi tôi nghĩ ra rồi nhưng chẳng qua không muốn tin mà thôi!

Tạ Hiểu Phong:

- Hừ!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Xưa nay tôi rất hiểu chàng, chỉ có sợ hãi mới làm chàng lo lắng thôi!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Ta sợ gì?

Mộ Dung Thu Hoạch đáp:

- Chàng sợ thua dưới kiếm của người khác!

Rồi giọng nàng ta chợt trở nên châm chọc:

- Vì Tam thiếu gia nhà họ Tạ vĩnh viễn không thể thua mà!

Tuy đã được lót nệm nhưng mặt đất vẫn lạnh và cứng lắm.

Mộ Dung Thu Hoạch nhích động thân mình đổi tư thế ngồi, gieo cả sức nặng toàn thân lên chân Tạ Hiểu Phong rồi mới nói tiếp:

- Tuy vậy ở đời này người có thể uy hiếp chàng vốn không có nhiều, có lẽ chỉ có một người thôi!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Ai?

Mộ Dung Thu Hoạch đáp:

- Yến Thập Tam!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Sao cô biết lần này là y?

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Đương nhiên thiếp biết chứ! Vì chàng là Tạ Hiểu Phong còn chàng ta là Yến Thập Tam. Hai người các người sớm muộn gì cũng có ngày gặp nhau, sớm muộn gì cũng có người chết dưới kiếm đối phương!

Nàng ta thở dài bảo:

- Đó là số kiếp của các người, chẳng ai có cách gì thay đổi được ngay tôi cũng chẳng có cách nào thay đổi nổi!

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Cô á?

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Vốn dĩ tôi muốn chàng phải chết vì tay tôi, ai ngờ lại có người cứu được chàng!

Tạ Hiểu Phong nói:

- Cô biết người ấy là ai nào?

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Nếu tôi sớm biết trên đời có người như thế thì tôi sẽ giết quách đi từ lâu rồi!

Nàng ta thở dài bảo:

- Giờ thì tôi biết rồi, nhưng quá muộn rồi!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Giờ cô biết người ấy là ai nào?

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Lão ta tên là Đoạn Thập Tam. Lão có mười ba cây đao nhưng là đao cứu mạng!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Sao xưa nay ta không nghe tên ông ta?

Mộ Dung Thu Hoạch đáp:

- Vì Yến Thập Tam muốn giết lão. Nếu Yến Thập Tam còn sống, lão đâu dám thò mặt ra!

Tạ Hiểu Phong bỗng thở ra một hơi dài như vừa cất được gánh nặng đè trên người, bảo:

- Giờ thì ta yên tâm rồi!

Mộ Dung Thu Hoạch hỏi:

- Yên tâm cái gì?

Tạ Hiểu Phong đáp:

- Trước giờ ta cứ nghi ông ta là Yến Thập Tam, cứu sống ta cốt để cùng ta giao tranh phân tài cao thấp!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Nhưng nếu lão đã cứu sống chàng làm sao chàng có thể bắt ông ta chết dưới kiếm của chàng được?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Không sai!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Chàng lo lắng vì mỗi điểm ấy chứ gì, thế thì bây giờ chàng đã có thể yên tâm được rồi đấy!

Nàng vỗ vỗ vào ngực chàng bảo:

- Tôi biết Yến Thập Tam quyết không phải là đối thủ của chàng. Nhất định chàng sẽ giết được chàng ta!

Tạ Hiểu Phong nhìn Mộ Dung Thu Hoạch, nhịn không được phải hỏi:

- Thế ra cô tới đây cốt để tôi yên tâm đấy hẳn?

Mộ Dung Thu Hoạch dịu giọng xuống bảo:

- Tôi đến đây chỉ vì tôi vẫn còn thích chàng!

Thanh âm của nàng ta bỗng lộ vẻ chân tình bảo:

- Lắm lúc tôi cũng hận chàng, hận đến nỗi chỉ mong cho chàng chết nhưng kẻ khác mà đụng đến chàng thì tôi lại nổi giận. Chàng có chết là phải chết vì tay tôi cơ!

Nàng ta nói thế là thật tình!

Suốt đời Mộ Dung Thu Hoạch rất có thể chỉ sống trong mâu thuẫn và đau khổ hận thù. Nàng cũng rất muốn tìm hạnh phúc như mọi con người đều muốn tìm hạnh phúc nhưng chỉ vì cái cách đi tìm hạnh phúc của nàng lại sai lầm.

Tạ Hiểu Phong thở dài nhẹ nhàng gạt tay nàng ra.

Có thể cả hai cùng sai nhưng chàng không muốn suy nghĩ tiếp nữa. Chàng chợt cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Chàng đang nghĩ gì vậy?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Ta chỉ muốn tìm một chỗ ngủ cho tử tế đây!

Mộ Dung Thu Hoạch hỏi:

- Thế chàng không ngủ ở đây ư?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Có cô ở bên cạnh, ta làm sao mà ngủ nổi?

Mộ Dung Thu Hoạch hỏi:

- Tại sao?

Tạ Hiểu Phong đáp:

- Tại vì ta chưa muốn chết trong tay cô, ít ra thì cũng là lúc này!

*****

Mộ Dung Thu Hoạch vốn đâu có muốn giữ Tạ Hiểu Phong ở lại. Dĩ nhiên nàng ta có lạ gì tính nết Tạ Hiểu Phong, chàng đã muốn đi, đã nói đi thì dù ai cũng đừng mong lôi được ở lại.

Nếu như có nắm chặt tay chàng mà kéo lại, chàng dám chặt bỏ tay để mà đi. Nếu có chặt cụt chân, chàng có phải bò cũng sẽ bò mà bỏ đi.

Nhưng hôm nay nàng ta lại níu kéo chàng bảo:

- Hôm nay chàng có thể cứ yên tâm mà ngủ ở đây!

Rồi nàng giải thích:

- Cứ cho là trước kia tôi hận chàng chỉ mong sao cho chàng chết nhưng hôm nay tôi không muốn nữa hay ít ra cũng không muốn thế trong ngày hôm nay!

Tạ Hiểu Phong cười:

- Chẳng lẽ hôm nay là ngày đặc biệt ư?

Mộ Dung Thu Hoạch đáp:

- Hôm nay không phải là ngày đặc biệt tốt nhưng là vì có người đặc biệt tới!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Ai vậy?

Mộ Dung Thu Hoạch chậm rãi ngồi xuống vấn gọn mái tóc đen nhức lên đầu rồi mới khe khẽ nói:

- Chàng cần phải nhớ kỹ là chúng ta còn có con trai.

Dĩ nhiên Tạ Hiểu Phong nhớ.

Trong chuỗi ngày qua, chàng đã học được cách phải làm thế nào để có thể nhớ được những điều cần phải quên. Nhưng những điều đó chàng lại không muốn quên hoặc không thể quên.

Chàng cơ hồ nhảy cẫng lên mà reo nếu không nén được:

- Nó cũng tới ư?

Mộ Dung Thu Hoạch chậm rãi gật đầu bảo:

- Tôi mang nó tới!

Tạ Hiểu Phong nắm chặt tay nàng ta:

- Thế nó đâu?

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Nó không biết chàng ở đây, chàng cũng chẳng tìm thấy nó đâu!

Nàng ta bỗng khe khẽ thở dài bảo:

- Cho là có tìm thấy thì làm được gì? Chẳng lẽ chàng không biết nó hận chàng. Hận chàng xưa nay không coi nó là con đẻ của mình, hận chàng xưa nay không làm hết trách nhiệm người cha đối với nó!

Nàng ta đăm đăm nhìn Tạ Hiểu Phong:

- Chẳng lẽ giờ chàng có đủ dũng khí để bảo nó chàng là bố nó ư?

Tạ Hiểu Phong thả tay nàng ta ra. Tay chàng giá lạnh, tim chàng cũng buốt giá.

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Nhưng nếu chàng đánh bại được Yến Thập Tam, tôi sẽ đưa nó đến gặp chàng để chàng bảo với nó chàng là bố nó!

Trong mắt nàng ta lộ đầy vẻ đau khổ:

- Một thằng con trai nếu suốt đời không biết bố mình là ai nó không chỉ khổ đau suốt cuộc đời mà mẹ đẻ ra nó cũng đau khổ y như vậy!

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Vì thế cô xưa nay vẫn không cho nó biết cô là mẹ đẻ của nó ư?

Mộ Dung Thu Hoạch đáp:

- Không!

Thần sắc nàng ta càng đau khổ hơn nữa:

- Vì tôi bây giờ tuổi tác cũng dần dần cao, tôi nghĩ những gì mình muốn phần lớn đều đã đạt rồi, điều bây giờ tôi muốn là có được một đứa con trai như nó!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Chẳng lẽ cô quyết tâm nói hết mọi chuyện với nó!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Thậm chí tôi có thể nói với nó là chàng không sai, tất cả sai sót là do tôi!

Tạ Hiểu Phong không thể tin và cũng không dám tin. Chàng nén không được, bật hỏi:

- Nếu như nàng đã quyết tâm như thế, sao còn phải đợi tôi đánh bại Yến Thập Tam rồi mới nói cho nó biết?

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Vì nếu chàng không thắng thì chỉ có chết thôi!

Tạ Hiểu Phong không thể phủ nhận. Chỉ có Tạ Hiểu Phong chiến thắng, trên đời không có Tạ Hiểu Phong chiến bại!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Nếu chàng chết dưới kiếm của Yến Thập Tam thì hà tất tôi phải cho nó biết nó có một người bố như thế làm gì, hà tất phải làm cho nó thêm đau khổ và phiền não!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Hà cớ gì tôi lại để nó đi tìm chết!

Tạ Hiểu Phong hỏi:

- Tìm chết?

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Nếu nó biết bố đẻ của nó chết dưới kiếm của Yến Thập Tam tất nhiên nó phải đến báo thù thì liệu nó có thể là đối thủ của Yến Thập Tam được không? Chẳng phải là đi tìm chết là gì?

Tạ Hiểu Phong trầm ngâm. Chàng không thể không bảo là lời Mộ Dung Thu Hoạch nói có lý, tất nhiên chàng không mong gì con trai mình đi tìm chết!

Mộ Dung Thu Hoạch lại cười bảo:

- Nhưng tôi tin tất nhiên chàng không thể thua được, bản thân chàng chắc phải nắm vững lắm nhỉ?

Tạ Hiểu Phong trầm ngâm rất lâu sau mới bảo rất từ tốn:

- Lần này ta không thắng!

Mộ Dung Thu Hoạch có vẻ kinh ngạc hỏi:

- Chẳng lẽ chàng không phá được thập tam kiếm của chàng ta?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- "Đoạt Mệnh thập tam kiếm" không đáng sợ, chỉ sợ "thập tứ kiếm" thôi!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Lại còn có đến "thập tứ kiếm" ư?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Có chứ!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Chàng nói là "Đoạt Mệnh thập tam kiếm" của chàng ta lại vẫn còn biến hóa thành "thập tứ kiếm"?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Không sai!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Cho là thật có "thập tứ kiếm", chỉ sợ chưa chắc chàng ta đã biết!

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Cho rằng trước kia chàng ta không biết, giờ thì nhất định biết rồi!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Nhưng tôi tin cái "thập tứ kiếm" ấy vị tất đã thắng được chàng!

Dường như Mộ Dung Thu Hoạch vĩnh viễn tin tưởng ở Tạ Hiểu Phong.

Tạ Hiểu Phong trầm ngâm rất lâu sau mới bảo:

- Không sai! Vị tất chàng ta đã thắng nổi ta!

Mộ Dung Thu Hoạch lại vui trở lại bảo:

- Tôi nghĩ chắc là chàng đã tìm ra cách phá giải kiếm của chàng ta?

Tạ Hiểu Phong không trả lời. Chàng nghĩ đến đòn đánh ra như tia chớp điện đó.

- "Thập tứ kiếm của Yến Thập Tam rõ ràng không có chỗ nào không rắn để mà đẩy đi, không có chỗ nào lơi lỏng để mà đánh vào nhưng bị tia điện chớp kia đánh vào thì lập tức biến ngay, biến ra thành buồn cười ngay."

Đó là lời Tạ Hiểu Phong hôm nào đã nói với Thiết Khai Thành, chàng không khoa trương thổi phồng cũng chẳng khoe khoang.

"Một con người đến khi sắp thở hắt ra thì trong thoáng giây đó họ nghĩ gì?"

"Phải chăng là nghĩ đến tất cả những người thân thích, bạn bè hoặc nghĩ đến những niềm vui sướng, những nỗi thống khổ?"

Những gì chàng nghĩ đến lại không phải thế, chính trong thoáng giây sắp chết đó chàng nghĩ đến "thập tứ kiếm" của "Đoạt Mệnh thập tam kiếm".

Cả một đời của chàng đã vì kiếm mà hy sinh sao khi sắp chết còn có thể nghĩ gì đến chuyện khác ngoài chuyện kiếm.

Chính trong thoáng giây đó, lòng chàng chợt như bỗng có tia lửa điện đó sẹt qua đánh ra. Có điều chuyện đó chỉ xảy ra do một điểm linh cơ nhanh trí lúc đó chứ đâu phải do cầu may mà có, rõ ràng chàng đã đem xương máu cả đời ra dâng hiến cho giây phút đó nên trong lòng chàng mới thoáng hiện ra sự nhanh trí như tia lửa điện đó!

Nhìn thần sắc hiện trên vẻ mặt Tạ Hiểu Phong, Mộ Dung Thu Hoạch lộ vẻ rất vui mừng:

- Tôi nghĩ giờ chàng đã nghĩ ra cách phá được Đoạt mệnh thập tứ kiếm đó rồi.

Nàng ta lại nhìn chàng rồi mỉm cười bảo:

- Chàng khỏi phải tìm cách giấu tôi, chàng không giấu được tôi đâu!

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Không sai! Ta có thể phá được thế kiếm này, chỉ tiếc là...

Mộ Dung Thu Hoạch hỏi dồn:

- Tiếc là làm sao?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Chỉ tiếc là chiêu kiếm này không phải tinh túy thực sự của kiếm pháp của chàng ta!

Vẻ mặt chàng nghiêm túc và nặng nề. Mộ Dung Thu Hoạch cũng không nén nổi đổi thay sắc mặt:

- Chiêu kiếm này vẫn chưa phải ư?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Tuyệt đối không phải!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Thế tinh túy trong kiếm pháp của chàng ta thực sự là gì?

Tạ Hiểu Phong đáp:

- Là "Đoạt Mạng thập ngũ kiếm"!

Mộ Dung Thu Hoạch bảo:

- Rõ rành rành chỉ có "Đoạt Mạng thập tam kiếm", làm sao lại có "thập ngũ kiếm" được?

Tạ Hiểu Phong đáp:

- Đoạt mệnh kiếm pháp tinh thâm huyền diệu, quyết không thể chỉ có đến "thập ngũ kiếm" biến hóa mà cứ như là... như là...

Mộ Dung Thu Hoạch hỏi:

- Như là gì?

Tạ Hiểu Phong đáp:

- Như là một đóa hạt châu!

Mắt chàng bỗng lóe sáng vì cuối cùng chàng đã nghĩ ra được sự so sánh thỏa đáng đến thế!

Chàng nói tiếp rất nhanh:

- Mặt trước của "thập tam kiếm" chẳng qua chỉ là cái cành của hoa mà thôi, "thập tứ kiếm" chỉ là một số cuống lá, phải đợi tới biến hóa của "thập ngũ kiếm" thì bông hoa mới bắt đầu nở được vì bông hoa hạt châu không thể gọi là hoa thực được.

Tạ Hiểu Phong bảo:

- "Đoạt Mạng thập tam kiếm" cũng vậy, nếu không có "thập ngũ kiếm" thì cả bài kiếm pháp đó không có giá trị gì!

Mộ Dung Thu Hoạch lại hỏi:

- Nếu có "thập ngũ kiếm" rồi thì sao?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Lúc ấy thì không chỉ ta không phải là đối thủ mà khắp thiên hạ cũng không có ai là đối thủ của chàng ta!

Mộ Dung Thu Hoạch lại hỏi:

- Lúc ấy chàng sẽ chết dưới tay kiếm của chàng ta chứ?

Tạ Hiểu Phong bảo:

- Chỉ cần được thấy kiếm pháp đó xuất hiện ở đời, dù ta có chết dưới kiếm của chàng ta cũng không còn gì đáng tiếc!

Mặt chàng sướng vui đến thành rạng rỡ. Chỉ có kiếm mới là mục tiêu của sinh mệnh chân chính một đời chàng, mới thực sự là cuộc sống của chàng. Chỉ cần kiếm còn tồn tại mãi mãi thì sinh mệnh của chàng có còn tồn tại hay không đã trở thành vấn đề không còn trọng yếu lắm nữa! Mộ Dung Thu Hoạch rất hiểu Tạ Hiểu Phong nhưng riêng điểm này thì nàng ta vĩnh viễn không bao giờ hiểu được.

Mà nàng ta cũng không muốn hiểu.

Nàng ta chỉ quan tâm mỗi một điểm:

- Giờ đây Yến Thập Tam đã sáng tạo ra "thập ngũ kiếm" ấy chưa?

Tạ Hiểu Phong không đáp. Vấn đề này không ai giải đáp được, cũng chẳng ai biết được.

Đêm dần khuya. Trăng đã gần tròn.

Tuy là vùng đất khác nhau nhưng vẫn cùng vầng trăng ấy, tuy con người có khác nhau nhưng có khi tâm tình vẫn như vậy.

*****

Dòng sông trôi xuôi dưới vầng trăng. Trên sông một lá thuyền nho nhỏ.

Đầu thuyền vẫn một hỏa lò lửa cháy, một nồi trà, một ông già lặng lẽ.

Trong tay ông già cầm một đoạn côn, một cây đao. Côn gỗ dài bốn thước, đao dài bảy tấc.

Ông già đang dùng cây đao chậm rãi gọt cây côn.

Ông già định gọt côn thành cái gì đây? Định gọt thành cây kiếm chăng?

Mũi đao cực sắc, đao ông già cực ổn định. Dù ai trông thấy cũng không thể bảo đó là một ông già suy bại già nua vì không thể có đôi tay vững vàng đến thế!

Cây côn gỗ dần dà gọt mãi đổi hình dạng, quả nhiên có hình lưỡi kiếm.

Cây côn gỗ dài bốn thước gọt thành danh kiếm ba thước bảy tấc, có lưỡi kiếm, có mũi kiếm hẳn hoi.

Ông già khẽ vuốt mũi kiếm. Ánh lửa nhảy nhót trên thân kiếm. Trên mặt ông già lộ vẻ gì rất kỳ quái. Không ai nhận ra đó là vẻ vui mừng, buồn rầu hay cảm khái.

Nhưng nếu ai nhìn sâu vào mắt ông già sẽ thấy rõ đó chỉ là hoài niệm.

Hoài niệm, nhớ nhung lại một đoạn dĩ vãng tràn trề hưng phấn, vui vẻ, cũng đầy dẫy tháng năm buồn thương, đau khổ.

Ông già cầm chắc chuôi kiếm và từ tốn đứng dậy.

Mũi kiếm chúc trở xuống, thân hình ông già gù gập bỗng đột ngột vươn thẳng lên.

Ông già đã đứng lên hẳn và chỉ trong thoáng giây đó toàn bộ thân mình đã biến đổi hoàn toàn. Sự biến hóa này cũng chẳng khác gì một cây kiếm sắc bị che đậy bởi cái vỏ kiếm bằng da cũ nát bên ngoài, đột nhiên được tuốt ra khỏi vỏ lóe lên ánh kiếm lấp lánh.

Con người ông già cũng y như vậy. Trong chớp mắt người ông già cũng như tỏa sáng. Thứ ánh sáng làm cho con người ông già hóa thành đầy sức sống tưởng như ông trẻ lại vài chục tuổi.

"Một con người vì sao chỉ nhờ có cây kiếm trong tay mà thay đổi hoàn toàn như vậy?"

"Phải chăng ông già xưa kia đã là một con người từng tỏa sáng?"

*****

Nước sông chảy trôi, lá thuyền nhỏ dập dờn trên mặt nước.

Nhưng ông già vẫn đứng vững như đóng chắc xuống mũi thuyền, mắt đăm đăm nhìn mũi cây kiếm trong tay rồi nhè nhẹ phơi phới đưa một kiếm đâm ra phía trước.

Kiếm gọt bằng gỗ đào, xám xịt mà xù xì. Nhưng khi nhát kiếm đâm ra cây kiếm như biến đổi, biến hóa mới xảy đến, đến một cách tự nhiên như nước chảy trôi.

Cây kiếm gỗ trong tay ông già bỗng như thành cây búa trong tay Lỗ Ban, như cây bút trong tay Vương Hy Chi không chỉ có cuộc sống mà còn có cả khí thiêng.

Ông già nguệch ngoạc đưa vài đường tùy tiện, thoáng chốc đâm ra mười ba kiếm.

Kiếm pháp như đám mây nhẹ nổi trôi nhưng lại như dòng nước trên sông nhưng mười ba kiếm đâm ra xong mọi sự biến hóa dường đã cùng kiệt, cũng như dòng sông nước đã chảy tới chỗ kiệt cùng.

Thế kiếm của ông già rất chậm, thật chậm.

Tuy thật chậm nhưng vẫn đang biến thế. Bỗng nhiên một kiếm vẩy ra không có ranh giới, không thành chương hồi nhưng nhát kiếm cứ như Ngô Đạo Tử vẽ rồng điểm thêm mắt, tuy là không có gì nhưng lại là đầu mối của mọi sự chuyển biến.

Sau đó ông già mới đưa ra "thập tứ kiếm" của mình...

*****

Kiếm khí và sát khí trên mặt sông rất nặng nề, cứ như bầu trời vần vũ đầy mây đen.

Kiếm đó đưa ra, bỗng nhiên như mây đen bị quét sạch, ánh mặt trời lại ló ra.

Không phải là ánh mặt trời ấm áp và rạng rỡ mà là mặt trời gay gắt nóng chảy vàng tan đá, thứ mặt trời chiếu đỏ bầm như máu. Kiếm đó đưa ra mọi sự biến hóa đến lúc đó như mới thật là cùng tận, mới là dòng nước chảy đến chỗ tận cùng và trở nên hoàn toàn khô kiệt. Sức lực của ông già cũng đã kiệt.

Nhưng đúng lúc đó, mũi kiếm bỗng nẩy lên một chấn động kỳ lạ. Mũi kiếm vốn đang tà tà chĩa vào ngọn đèn, chấn động rồi bỗng ngọn đèn phụt tắt. Lưỡi kiếm đang chấn động, vốn đang chấn động bỗng dừng ngay lập tức. Con thuyền nhỏ đang không ngừng lắc lư trên sóng nước dập dềnh cũng hoàn toàn đứng lặng. Và dòng nước dưới đáy thuyền như cũng ngừng trôi.

Không có lời lẽ nào có thể miêu tả để hình dung được tình hình lúc đó mà chỉ có một từ, một từ đơn giản:

- Chết!

Không có biến hóa, không còn sức sống! Nhát kiếm này đưa tới chỉ có chết!

Chỉ có "chết" mới là sự kết thúc cuối cùng của tất cả, mới là sự kết thúc thực sự!

"Nước chảy cạn khô, biến hóa đến cùng kiệt, sức sống kết thúc, vạn vật tiêu vong!"

Đó mới là tinh túy của "Đoạt Mệnh thập tam kiếm"! Đó mới là nhát kiếm đoạt mệnh thực sự, chân chính!

Nhát kiếm này hiển nhiên là "Thập ngũ kiếm đoạt mệnh"!

*****

"Rắc" một tiếng, cây kiếm gỗ gãy ngang.